Hoạ sĩ Hoàng Tích Chù - Bậc thầy sơn mài

Họa sĩ Hoàng Tích Chù sinh năm 1912 tại Hà Bắc, quê ở làng Phù Lưu, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, là con trai thứ hai của Hoàng Tích Phụng - một nhà Nho từng làm tri phủ và tham gia Đông Kinh Nghĩa Thục. Anh trai ông là nhà báo Hoàng Tích Chu, các em là nhà viết kịch Hoàng Tích Linh, bác sĩ Hoàng Tích Tộ, nhà biên kịch Hoàng Tích Chỉ.

Năm 1929, ông theo học lớp dự bị trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên ông học ngắt quãng, phải thi nhiều lần cho đến năm 1936, Hoàng Tích Chù mới thi đỗ vào Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, học cùng khoá 11 với Nguyễn Văn Tỵ, Nguyễn Tiến Chung, Bùi Trang Chước…

Tốt nghiệp năm 1941, ông mở xưởng vẽ tại phố Hàng Khoai, và là một trong bốn hoạ sĩ đầu tiên mở xưởng sơn mài Hà Nội Ông tham dự Salon Unique cũng như các cuộc triển lãm của FARTA. Năm 1944, ông tham gia Ban kịch Đông Phương, làm trưởng ban, phụ trách phần hóa trang của ban.

Hoạ sĩ Hoàng Tích Chù - Bậc thầy sơn mài - 1

Người phụ nữ đầu tiên ngồi làm mẫu vẽ cho họa sĩ Hoàng Tích Chù cũng chính là người vợ đã gắn bó cả cuộc đời với ông (bên trái). Bà là Hoàng Diệu Trinh, một người đẹp ở phố Hàng Bạc xưa.

Quen nhau chưa được bao lâu, Trinh "bị" thuyết phục làm mẫu vẽ cho Hoàng Tích Chù vì anh Chù nghèo quá, học tới 9 năm (một khóa học của Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương là 6 năm) mà chưa tốt nghiệp được vì không có tiền thuê mẫu vẽ. Thương cảnh anh học trò nghèo, Trinh đã đồng ý ngồi làm mẫu cho anh 20 ngày. Trang phục của mẫu, Trinh cũng tự bỏ tiền sắm.

Năm 1940, bài tốt nghiệp của Hoàng Tích Chù được điểm cao thứ hai trong trường. Sau buổi lễ tốt nghiệp, ông thầy người Pháp ngỏ ý muốn mời Trinh làm mẫu nên nhờ anh Chù giới thiệu. Nhưng Hoàng Tích Chù đã khéo léo từ chối vì sợ ông "quyến rũ" mất người trót "gây thương nhớ" cho anh. Thế rồi ít ngày sau, anh Chù đến thẳng nhà Trinh đặt vấn đề muốn lấy cô làm vợ để... "trả ơn" cô đã ngồi mẫu không công cho anh.

Thời gian cô Trinh trở thành bà Hoàng Tích Chù trùng vào những năm toàn quốc kháng chiến. Lương của chồng không được bao nhiêu, một nách sáu con nhỏ, khó khăn đủ bề, buộc cô phải xoay ra làm đủ nghề để chồng con không bị đói.

Trong tình hình khó khăn khi ấy, ông Nguyễn Bích đã vận động bà Hoàng Diệu Trinh đi buôn gạo lấy lãi. Sau đó ông Bích lại bày cho bà cách mua diêm trắng và muối chở lên chiến khu. Thời chiến, hàng chục chuyến xe từ Hà Nội ra Bần - Yên Nhân (Hưng Yên), không ít lần bị giặc Pháp bắt lại tra hỏi nhưng nhờ tài ứng đối nhanh nhẹn, khôn ngoan, bà Trinh đều thoát nạn. Rồi những giai đoạn khó khăn sau này, tưởng người bình thường không thể vượt qua được, nhưng bà vẫn vững vàng chèo lái. Lương của ông không khi nào bà cầm được một đồng nhưng gia đình vẫn sống đàng hoàng, no đủ nhờ tài xoay xở tháo vát.

Đến nay, dù đã qua cái tuổi "thất thập cổ lai hy", bà Hoàng Diệu Trinh vẫn sống độc lập không dựa vào con cái về tài chính. Hàng ngày, rảnh rỗi, bà giúp con trai làm tranh sơn mài. Triết lý sống của bà rất giản dị: "Người phụ nữ nào mà không biết hỗ trợ cho sự nghiệp của chồng con thì người ấy... thiệt!".

Họa sĩ Hoàng Tích Chù được xem là họa sĩ nổi danh trong lĩnh vực sơn mài, bút pháp của ông được thay đổi qua nhiều hoàn cảnh lịch sử: Cổ điển, hiện thực, tượng trưng. Ông có ảnh hưởng từ nghệ thuật dân gian qua thi ca hơn là trực tiếp từ nghệ thuật tạo hình cổ, ông có công trong khai thác vốn nghệ thuật sơn mài Việt Nam, tác phẩm của ông đạt được nghệ thuật cao.

Nổi bật trong số tác phẩm của ông có bức “Tổ đôi công cấy lúa” được ông sáng tác năm 1958, tác phẩm này gần với thiên nhiên và hiện thực, ông đã tìm ra một gam màu mới, với một nền trời màu lam nhẹ, trong vắt, phần núi và nước màu ghi xanh cùng tông với nền trời, những khóm tre nhuộm ánh vàng, những cô gái Thái người mặc áo xanh, người mặc áo trắng đang cấy lúa, dáng người tự nhiên hòa quyện vào khung cảnh núi đồi, tác phẩm đã được ông thể hiện thành công hình ảnh thiên nhiên và con người Việt Nam một cách sống động.

Hoạ sĩ Hoàng Tích Chù - Bậc thầy sơn mài - 2

Phong cảnh chùa Thầy, sơn mài, 97×196 cm, 1944

Hoạ sĩ Hoàng Tích Chù - Bậc thầy sơn mài - 3

Tác phẩm Tổ đội công, 1958, sơn mài, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam

Hoạ sĩ Hoàng Tích Chù - Bậc thầy sơn mài - 4

Tác phẩm Đêm hậu cứ, 1966, sơn mài

Họa sĩ Hoàng Tích Chù có công giảng dạy, đào tạo ra nhiều sinh viên nay trở thành những họa sĩ có tên tuổi ở Việt Nam. Với những cống hiến của ông cho nền nghệ thuật nước nhà. Năm 2000 ông đã được Nhà nước truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh cho các tác phẩm: Tổ đổi công, Bác Hồ trồng cây với thiếu nhi, Mùa gặt, Đêm hậu cứ.

Sau khi hòa bình lập lại, Hoàng Tích Chù giảng dạy tại Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội (1956 - 1969). Ông cộng tác cùng Nguyễn Đức Nùng và Nguyễn Văn Tỵ viết giáo trình trang trí và riêng ông tự viết giáo trình sơn mài. Ông là hội viên sáng lập Hội Mỹ thuật Việt Nam. Trong năm 1957 - 1960, ông giành được 3 giải thưởng tại Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc và nhận được Bằng khen tại triển lãm quốc tế ở Đức, Ba Lan và Ấn Độ. Năm 1960, ông phụ trang trí Hội trường của Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 3 và được cử đi dự Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Ông là Viện trưởng Viện Mỹ nghệ Hà Nội từ năm 1970 cho tới lúc nghỉ hưu.

Hoàng Tích Chù mất ngày 20 tháng 10 năm 2003, hưởng thọ 93 tuổi. Thi hài ông được đưa về chôn tại làng Phù Lưu (làng cố), Bắc Ninh quê ông.

Ở cương vị một người thầy, Hoàng Tích Chu rất được sinh viên yêu quý và được coi là người chuyển giao hiệu quả những bí quyết của nghệ thuật sơn mài truyền thống. Nhiều họa sĩ thuộc những thế hệ khác nhau, không chỉ trong nước mà cả nước ngoài, tự hào nhận mình là học trò của thầy Chù.

Bất cứ tuyển tập tranh hiện đại nào của Việt Nam đều không thể bỏ qua tác phẩm Tổ đổi công miền núi của Hoàng Tích Chù vẽ năm 1958. Đây là một trong những tác phẩm sơn mài đầu tiên sử dụng bảng màu phong phú, đặc biệt là các màu xanh bổ sung cho mấy màu son then vàng, bạc truyền thống, thể hiện thành công thiên nhiên và con người Việt Nam trong vẻ sống động tự nhiên.

Khi đã vào tuổi 80, con người họa sĩ lại bùng lên một sức trẻ trung bất ngờ để cho ra đời những tác phẩm xuất chúng: Nhịp điệu vũ trụ hay còn gọi là Tiếng hát hòa bình trên các vì sao, Đuổi nghé... Những năm cuối đời, tuy thường xuyên phải nằm liệt giường, ông vẫn gắng sức lập phòng vẽ để phục chế tranh cũ.

PV (Tổng hợp)

Tin liên quan

Tin mới nhất

Tập khảo cứu đầu tiên về ngành in ấn thời thuộc địa

Tập khảo cứu đầu tiên về ngành in ấn thời thuộc địa

Nghề in ấn là tiền đề quan trọng cho sự phát triển của văn hóa, đặc biệt trong lĩnh vực báo chí và xuất bản, tuy nhiên chưa có cuốn sách nào ở Việt Nam thực sự viết về ngành in ấn thời thuộc địa. Từ nhận định đó, tác phẩm “Lần theo dấu chữ – Thời kỳ đầu in ấn sách báo chữ Latinh ở Việt Nam (1862-1920)” của tác giả Trịnh Hùng Cường đã phác nên những nét cơ bản quan trọn