Trịnh Hữu Ngọc: Người lặng lẽ chia sẻ niềm an ủi của cái Đẹp

Di sản của họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc, không chỉ là các tác phẩm còn lại trong Hội họa, thiết kế nội thất, mà còn là di sản về tinh thần ông trao truyền lại cho các thế hệ sau trong gia đình cũng như với các học trò mà ông từng dạy.

Họa sỹ Trịnh Lữ vừa hoàn thành ấn phẩm đặc biệt về sự nghiệp hội họa của cha mình - cố họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc với nhan đề “Họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc-Di sản đặc biệt của mỹ thuật Đông Dương”.

Nhân dịp ra mắt cuốn sách, trong không gian triển lãm nghệ thuật mang đậm dấu ấn “di sản”, cùng những câu chuyện rất đời nhưng cũng rất thơ về cố họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc thông qua góc nhìn của con trai ông - tác giả Trịnh Lữ, buổi toạ đàm “Họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc, di sản đặc biệt của Mỹ thuật Đông Dương” đã diễn ra với sự tham dự của những nghệ sĩ gạo cội trong làng Mỹ thuật Việt Nam và đông đảo độc giả mếm mộ hoạ sĩ Trịnh Hữu Ngọc và hoạ sĩ Trịnh Lữ.

Trịnh Hữu Ngọc: Người lặng lẽ chia sẻ niềm an ủi của cái Đẹp - 1

Đông đảo độc giả tham dự toạ đàm. (Ảnh: Huyền Thương)

Những đóng góp được nâng lên thành di sản

Cảm nhận về tranh của hoạ sĩ Trịnh Hữu Ngọc, hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn chia sẻ: “Tôi nghĩ, cụ Ngọc đã tìm ra được sự hoà điệu lặng lẽ với thiên nhiên, không phải bỗng nhiên người ta ghi nhận cụ như một bậc thiền hoạ, người đã tạo nên một dấu ấn đặc biệt cho hội hoạ Thiền Việt Nam”.

Trịnh Hữu Ngọc: Người lặng lẽ chia sẻ niềm an ủi của cái Đẹp - 2

Hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn chia sẻ tại toạ đàm. (Ảnh: Huyền Thương)

Với quan niệm “Thành Người Tự do, rồi mới thành Nghệ sỹ”, “Nghệ thuật là lao động điêu luyện”, hoạ sĩ Trịnh Hữu Ngọc thường thể hiện những đề tài rất gần gũi, mộc mạc với cuộc sống làng quê Hà Nội lúc bấy giờ, như hoa cỏ, trái cây, làng mạc.

Ông yêu những sự vật, những cảnh khung cảnh quen thuộc, giản đơn. Ông quan niệm tranh không cần lạ mà chỉ cần đẹp. Mỗi ngày ông đều đặn vẽ cây đa, con thuyền trước nhà, lặp đi lặp lại mà vẫn thấy độ rung động trong tranh thì chứng tỏ ông vẫn còn tình yêu với nghệ thuật, với cuộc sống.

Cố họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc vừa là một nghệ sĩ Thiền họa cũng vừa là nhà thiết kế nội thất chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam.

Nhà nghiên cứu Mỹ thuật Phạm Long cho biết, thời điểm họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc mở xưởng gỗ MÉMO Ébénisterie, ở Đông Dương cũng đã có rất nhiều nhà làm đồ gỗ nổi tiếng, có thương hiệu nhưng MÉMO vẫn mang lại những dấu ấn đặc biệt với phong cách riêng. Rất nhiều đồ gỗ trong xưởng là những sản phẩm có sự kết hợp giữa công năng, kiểu dáng của Châu Âu nhưng cũng có sự hiện diện của dấu ấn thẩm mỹ Á Đông trong đó.

Trịnh Hữu Ngọc: Người lặng lẽ chia sẻ niềm an ủi của cái Đẹp - 3

Các diễn giả tại toạ đàm. (Ảnh: Huyền Thương)

Di sản của Họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc không chỉ là các tác phẩm còn lại trong hội họa, thiết kế nội thất, mà còn là di sản về tinh thần ông trao truyền lại cho các thế hệ sau trong gia đình cũng như với các học trò mà ông từng dạy.

Sự nghiệp của ông luôn được dẫn dắt bởi tư tưởng Chân-Thiện-Mỹ xuyên suốt, với những cái nhìn rất xa, chứa đựng những giá trị của giáo dục khai phóng. Theo hoạ sĩ Trần Hậu Yên Thế, những tư tưởng của họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc đã mở ra những giá trị, phẩm chất trong mỗi con người, thông qua đó mở ra đường hướng, sứ mệnh của giáo dục là giúp cải thiện đời sống của người dân, với những quan niệm tạo ra những sản phẩm không bị bó buộc và sự tự định hướng cho con đường sự nghiệp của mình.

Điều này cũng nằm trong chính quan niệm rộng mở của Họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc về nghệ thuật trong lòng cuộc sống, để di dưỡng tinh thần, cũng như việc tu tập, là để “tôi rèn cho mình một trí tuệ có khả năng vui sống hài hòa cùng một nhịp điệu với cuộc sống vĩnh hằng…”. Hay “mắt nhìn tay vẽ” là để thực hiện “hòa bình nội tâm”.

Pho tư liệu quý giá

Cuốn sách “Họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc-Di sản đặc biệt của mỹ thuật Đông Dương” với ba phần: Cuộc đời và sự nghiệp; Di sản đặc biệt và Bình luận, tưởng niệm là một pho tư liệu vô cùng quý giá về hoạ sĩ Trịnh Hữu Ngọc. Tất cả như mở ra cuộc đời của một người nghệ sĩ: sống, đi, chiêm nghiệm và vẽ - một hành trình miệt mài, không ngừng nghỉ để đạt đến đỉnh cao là thiền họa.

Trịnh Hữu Ngọc: Người lặng lẽ chia sẻ niềm an ủi của cái Đẹp - 4

Bìa cuốn sách “Họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc-Di sản đặc biệt của mỹ thuật Đông Dương”. (Ảnh: Huyền Thương)

Hoạ sỹ Trịnh Lữ luôn nhắc đến cha mình - cố Họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc như một người thầy lớn, người ảnh hưởng đến con, cháu trong gia đình từ cách sống, sự lựa chọn nghề nghiệp và cả tư duy nghệ thuật. Hoàn thành cuốn sách này cũng là thoả mãn niềm mong muốn của ông, giúp cố Họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc tiếp tục lặng lẽ chia sẻ niềm an ủi của cái Đẹp.

Chia sẻ về cuốn sách, tác giả Trịnh Lữ cho biết: “Đó cũng là mong muốn chia sẻ niềm tin của cụ Ngọc, rằng hội họa là một nghề làm đẹp cuộc sống, và mắt nhìn tay vẽ với ý thức hòa nhập với nét sống giản dị tự nhiên của muôn vật là một lối Thiền định giản dị ai cũng có thể theo được”.

Trịnh Hữu Ngọc: Người lặng lẽ chia sẻ niềm an ủi của cái Đẹp - 5

Một trang trong cuốn sách.

Đi từ dòng chảy thời gian cùng thăng trầm trong cuộc sống, bối cảnh văn hóa-xã hội, tác giả Trịnh Lữ đã khắc họa khí chất, sự tiến bộ về tư tưởng cùng tài trí của họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc trong giai đoạn nước nhà có nhiều thay đổi. Tác phẩm cũng nêu bật những đóng góp của hoạ sĩ Trịnh Hữu Ngọc cho quê hương trong giai đoạn chiến tranh và thời kỳ đổi mới.

Cuốn sách “Họa sỹ Trịnh Hữu Ngọc-Di sản đặc biệt của mỹ thuật Đông Dương” một lần nữa khẳng định rằng, những giá trị chân - thiện - mỹ, dù hữu hình hay vô hình thì cũng chính là tài sản quý giá nhất mà các thế hệ đi trước để lại, dù trong lao động nghệ thuật hay bất cứ loại hình lao động nào.

Trịnh Hữu Ngọc sinh ra trong một gia đình nghèo ở Bắc Giang. Năm 10 tuổi, ông vào Nam rồi vừa làm vừa tự học, sau đó làm nghề thầy ký tại bưu điện.

21 tuổi, Trịnh Hữu Ngọc thi vào Trường Mỹ thuật Đông Dương thời kỳ đầu, ông vừa học vừa phụ giúp ông Nam Sơn (Người tham gia sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương cùng với họa sĩ Pháp V.Tardieu).

Sau năm 1954, ông biến xưởng mộc của mình thành trường dạy vẽ. Xưởng thiết kế nội thất và dạy vẽ của ông rất nổi tiếng thời đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận xét, Trịnh Hữu Ngọc là “Claude Monet Việt Nam”.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất