Họa sĩ Nam Sơn: Người thầy vĩ đại của nền Mỹ Thuật Việt Nam

Nguyễn Nam Sơn (1890 - 1973), tên thật Nguyễn Vạn Thọ, là danh họa có đóng góp vô cùng quan trọng trong sự ra đời của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1925 - dấu mốc chuyển mình của lịch sử mỹ thuật Việt Nam từ truyền thống sang hiện đại. Ông được tiếp xúc với nền giáo dục Nho học Hán Việt truyền thống, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Bảo hộ và làm công chức Sở Tài chính. Sau đó, ông tự tìm hiểu về nghệ thuật phương Tây qua tư liệu về hội họa Pháp. Năm 1925, ông được cử sang học tập tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Quốc gia và Trường Cao đẳng Nghệ thuật Trang trí Quốc gia ở Paris để làm phụ tá cho ban giám hiệu nhà trường.

Họa sĩ Nam Sơn: Người thầy vĩ đại của nền Mỹ Thuật Việt Nam - 1

Họa sĩ Nguyễn Nam Sơn, người đồng sáng lập Trường Mỹ thuật Đông Dương

Sự nghiệp hội họa của Nam Sơn để lại khoảng 400 bức vẽ trên các chất liệu đa dạng từ sơn dầu, lụa, khắc gỗ cho đến mực nho, thuốc nước, chì than. Các sáng tác đáng chú ý của ông bao gồm tác phẩm “Chợ gạo bên bờ sông Hồng” được tham dự Salon các nghệ sĩ Pháp năm 1930, “Chân dung mẹ tôi” đạt huy chương bạc tại Salon các Nghệ sĩ Pháp năm 1932 và một số hình họa vẽ bằng chì đen, đỏ, trắng. Trong đó danh tác “Chân dung mẹ tôi” sau nhiều năm được lưu giữ tại bộ sưu tập tư nhân tại nước ngoài mới đây đã được giới thiệu trên thị trường công khai.

//

[1] Bức vẽ “Chân dung nhà sư” được vẽ bằng “ba bút chì” than, đỏ, trắng năm 1939 trong khoảng thời gian Nam Sơn, dưới sự bổ nhiệm của Tổng nha Học chính Đông Dương (cơ quan quản lý giáo dục của Pháp trên toàn xứ Đông Dương), làm giáo sư chuyên ngành bậc hai, dạy môn trang trí tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Tranh vẽ nhân vật nhà sư trong một bố cục và tạo hình nhân vật chỉn chu, mẫu mực, tổng thể đơn giản nhưng mang một sức hút khó nói thành lời.

Họa sĩ Nam Sơn: Người thầy vĩ đại của nền Mỹ Thuật Việt Nam - 2

Họa sĩ: Nguyễn Nam Sơn (1890 - 1973)

Tác phẩm: Chân dung nhà sư

Chất liệu: chì than, đỏ, trắng trên giấy

65 x 50 cm

Ký “Nam Sơn 1939” dưới trái

Thuộc bộ sưu tập Le House Art

Ảnh Le House Art

NGUỒN GỐC

Sưu tập của ông Nguyễn Văn Lâm, Hà Nội. Tác phẩm cũng được lưu lại trong cuốn 100 Tác Phẩm Hội Họa Và Điêu Khắc Việt Nam Thế Kỷ 20, xuất bản năm 1996 bởi nhà xuất bản Thế giới.

//

[2] “Chân dung phụ nữ" là một bức tranh của Nam Sơn, trước đây thuộc bộ sưu tập Nguyễn Văn Lâm (cà phê Lâm), Hà Nội.

Họa sĩ Nam Sơn: Người thầy vĩ đại của nền Mỹ Thuật Việt Nam - 3

NGUYỄN NAM SƠN (1899-1973)

Chân dung phụ nữ / Portrait de femme

Mine de plomb sur papier, avec rehauts en couleurs et sanguine,

signée et datée en bas à droite, 1938,

54,5 x 81cm.

Provenance

Collection de l’artiste.

Collection Nguyễn Văn Lâm et transmis familialement.

Collection privée, acquis auprès du précédent.

Những người yêu thích hội họa tại Hà Nội đều biết danh tính của ông Nguyễn Văn Lâm. Dù không liên quan đến nghệ thuật, song ông Lâm là một người rất yêu chuộng hội họa. Quán cà phê Lâm là nơi hội tụ thường xuyên của nhiều văn nghệ sĩ danh tiếng như Nguyễn Tuân, Văn Cao, Bùi Xuân Phái, Hoàng Lập Ngôn, Dương Bích Liên, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng…

Hà Nội vào thập niên 60, 70, trong gian đoạn khó khăn, các họa sĩ đến đây đa phần "nghiện" cà-phê, hay nói đúng hơn là ghiền không khí nghệ sĩ phóng khoáng, chủ quán lại thân quen nên có thể ghi sổ nợ, thỉnh thoảng họ còn được ông Lâm cho vay tiền mua vật liệu và màu vẽ… Khi số tiền nợ trở nên quan trọng, họ mang tranh đến trả, ông Lâm vốn yêu nghệ thuật nên nhận tất cả, bất kể tranh thuộc thể loại phong cảnh, ký họa, chì than hay bột màu..., đôi khi còn có cả sơn dầu! Theo tháng ngày, trên tường quán cà-phê Lâm dần dần được treo kín nhiều tác phẩm quý giá.

Sinh thời, ông Nguyễn Văn Lâm sưu tầm hơn 700 bức tranh, nhiều lần ông cho mượn một số tranh trong kho tàng của mình để triển lãm tại một số nước châu Á, châu Âu... Chân dung phụ nữ là một trong những bức tranh thuộc bộ sưu tập Nguyễn Văn Lâm tại triển lãm "Mùa xuân Việt Nam" ở Paris, do Bộ Văn hóa - Thông tin Việt Nam và Tòa thị chính Paris tổ chức vào năm 1998, giới thiệu về sự nghiệp mỹ thuật Việt Nam.

Trong dịp này, tạp chí "Voyager Magazine" đã nói về tranh Nam Sơn với lời bình phẩm : "Chỉ cho tới ngày nay, sau bao nhiêu năm bị lãng quên, các họa sĩ Việt Nam đã buộc người ta phải kính trọng" [1].

Chân dung phụ nữ là một tác phẩm khổ lớn, rất uyển chuyển.

Họa sĩ thể hiện bức tranh bằng những nét nhanh, mạnh, dứt khoát. Người ta có cảm tưởng rằng họa sĩ vẽ chưa xong, và sẽ còn trở lại nhiều lần để hoàn thành, chứ không chỉ là một bức phác thảo.

Khuôn mặt của người phụ nữ trẻ lôi kéo ánh mắt chúng ta đầu tiên, gợi nhớ đến nhan sắc nàng Thuý Vân trong truyện Kiều của Nguyễn Du: "Vân xem trang trọng khác vời / khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang".

Qua nét vẽ tinh tế của họa sĩ, mái tóc bím sẵn vấn khéo léo trên đầu như một vầng vương miện làm tăng khuôn mặt trái xoan, đôi môi cong thoáng mỉm cười, ánh mắt mơ màng nhìn xa xăm, như sống trong nỗi nhớ, như đang chờ đợi ai…

Nàng ngồi nghiêng, tay trái tựa lên thành ghế. Chúng ta nhận thấy rõ ràng những nét phác mạnh mẽ, chính xác, dưới tà áo dài, gấu quần, đôi dép... Tay phải buông hững hờ trên gối, những ngón thuôn dài, mềm mại, tương phản nét chì tô đậm phần ngực và áo dài với những nếp gấp được diễn tả rất kỹ lưỡng, ôm lấy cơ thể.

Người phụ nữ trẻ ngồi đó như người mẫu, hay là họa sĩ đang nắm bắt những tâm tình lúc ấy chiếm trọn tâm trí của nàng? Tất cả đều tinh tế nhẹ nhàng, như một lời gọi mời lắng nghe…

Một bức chân dung như vậy, thật đúng với lời khen : "Un sonnet sans défaut vaut seul un long poème" (Một bài sonnet vẹn toàn quý hơn cả bài thơ dài dặc, Boileau). [2]

Về họa sĩ Nam Sơn, vai trò đồng sáng lập trường Mỹ Thuật Đông Dương của ông đã được xác nhận trong quyển sách “Các trường nghệ thuật Đông Dương” (Nha Học chính, Toàn quyền Đông Dương xuất bản, Hà Nội 1937) [3].

Tại trang 10, chúng ta đọc được "…trường Mỹ thuật Đông dương hay trường Mỹ thuật Hà Nội được sáng lập bởi họa sĩ VICTOR TARDIEU, trong thời kỳ ông MERLIN là Toàn quyền Đông dương (nghị định ngày 27 tháng 10 năm 1924), ông VICTOR TARDIEU hiện nay là Hiệu trưởng".

Tại trang 16, "…Việc giảng dạy môn Đồ họa và Trang trí được phụ trách bởi một giáo sư chuyên ngành bậc 2, ông NAM SƠN, là một trong hai người sáng lập trường Mỹ thuật Đông dương. Ông đã đạt được những thành quả lỗi lạc trong việc giáo dục đào tạo và đóng góp một phần rộng lớn trong việc phục hưng nền Mỹ thuật truyền thống An Nam, cũng là học thuyết và hiến chương của toàn Trường".

Ngô Kim Khôi

[1] Voyage magazine, số tháng 05/1998.

[2] Đinh Trọng Hiếu, "Một vài bức vẽ của Nam Sơn", tập san của Hội cựu học sinh trường Chasseloup-Laubat / Jean-Jacques Rousseau, Sài Gòn (AEJJR), n° 206.

[3] "Các trường nghệ thuật Đông Dương” lưu trong Thư viện Quốc gia Pháp dưới ký hiệu "QUARTO V 11476", và tại Trung tâm lưu trữ quốc gia Hà Nội dưới ký hiệu "M.10692", gồm 41 trang, trình bày lịch sử hình thành và cấu trúc của 5 trường Mỹ thuật tại Đông Dương (Hà Nội, Phnom-Penh, Biên Hòa, Gia Định, Thủ Dầu Một). Riêng về trường Hà Nội, sách còn đề cập đến vai trò của ban chấp hành cũng như nhiệm vụ của các giáo sư. Sách tập hợp những Báo cáo (rapports) với chính quyền Đông Pháp, do Victor Tardieu viết hàng năm.

3, CHÂN DUNG MẸ TÔI của NGUYỄN NAM SƠN. BẢO VẬT QUỐC GIA ?

1.

"Chân dung Mẹ tôi" là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của họa sĩ Nguyễn Nam Sơn. Nam Sơn tự học sơn dầu rất sớm. Tại Hà Nội vào đầu thế kỷ XX, những cuộc đấu xảo (hội chợ) được tổ chức, là những sự kiện làm nổi bật đời sống văn hóa và nghệ thuật.

Nam Sơn tham gia triển lãm, những tấm tranh sơn dầu "Nhà nho xứ Bắc", "Tĩnh vật" của Nam Sơn đã làm ông trở thành một trong những người vẽ tranh sơn dầu đầu tiên của nước Việt Nam [1]. Chính vì nhận thấy kỹ thuật vẽ sơn dầu tuy tự học nhưng có rất nhiều triễn vọng này, trong cuộc gặp gỡ đầu tiên với Nam Sơn, Victor Tardieu đã quyết định chấp nhận hướng dẫn chàng trai trẻ đầy đam mê ấy vào con đường nghệ thuật. Cuộc hạnh ngộ bất ngờ và kỳ diệu đó đã đưa hội họa Việt Nam, vốn dĩ có nhiều ảnh hưởng Trung Hoa, vào một bước ngoặc lịch sử, và lập ra một nền móng nghệ thuật Việt Nam hoàn toàn mới lạ mà sau này tiếng tăm đã lừng lẫy khắp hoàn cầu : Sự thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1924.

Bức tranh sơn dầu đặc sắc "Chân dung Mẹ tôi" vẽ cụ Nguyễn Thị Lân, mẹ Nam Sơn, ngồi một cách uy nghi trên ghế. Bà đội mũ khăn và khoác áo theo Phật giáo truyền thống. Quanh cổ là chuỗi tràng hạt, ngực đeo Kim Khánh "Tiết hạnh khả phong" (節行可封), do Bảo Đại ban năm 1927 (dưới thời Phụ chính Đại thần Tôn Thất Hân), trên gối tay cầm quyển kinh. Nhìn chung, không có màu sắc rực rỡ, tất cả hiện lên nét dè dặt, chừng mực, trang nghiêm. Nền tranh màu vàng đất, với nhiều sắc thái, cho chúng ta cảm tưởng đó là một bức tranh đã cũ, cổ kính với thời gian.

Áo của Bà được vẽ với nhiều sắc xanh khác nhau, trên cùng một gam màu, hiện rõ nét sơn dầu, phương pháp Tây phương, ảnh hưởng của hai người thầy của mình là Victor Tardieu và Jean-Pierre Laurens, nhưng bố cục của tranh hoàn toàn có nét Đông phương, theo phong cách tranh thờ.

Trên tranh, chúng ta đọc được :

- Bên phải, phía trên, 家慈近像 - Gia Từ Cận Tượng, viết theo chữ Hán cổ, có nghĩa là "chân dung gần đây của mẹ tôi". (Cha gọi là "nghiêm" 嚴, mẹ gọi là "từ" 慈)

- Bên trái, phía dưới 南子阮文壽拜畫 - Nam Tử Nguyễn Văn Thọ Bái Họa, nghĩa là "con trai Nguyễn Văn Thọ lạy phục xuống vẽ". Lạy phục ở đây theo nghĩa cung kính. Lẽ ra, "con trai" phải viết là 男子, nhưng ông có biệt hiệu là Nam Sơn (南山), hai chữ 南 và 男 đều đọc là "Nam", hoặc là ông quen tay viết chữ 南 trong biệt hiệu của mình, hoặc phải hiểu là "con trai hiệu là Nam, tên Nguyễn Văn Thọ, lạy phục xuống vẽ".

- Bên phải, phía dưới : "Nguyễn Nam Sơn, Hà Nội, 1930". - Phía sau lưng, trên thanh khung nằm ngang, dán một nhãn bằng giấy, trên đó là những thông tin dành cho triển lãm 1932 do chính tay Victor Tardieu viết.

2.

Trước đó không lâu, Nam Sơn đã gửi một tấm ảnh chụp bức tranh "Chân dung Mẹ tôi" cho thầy Jean-Pierre Laurens của mình tại Paris để xin ý kiến. Ngày 29/6/1931, ông nhận được những lời phê bình như sau sau: "Trong thư vừa rồi anh bày tỏ lòng biết ơn đối với tôi về những thành công có được. Hãy tin rằng, anh không có bổn phận gì về sự giáo dục của tôi, chính tác phẩm của anh tự nó đã biểu lộ giá trị. Hãy tiếp tục sáng tác như anh vẫn làm, với cùng một ý chí, và với sự khiêm tốn chu đáo của anh mà tôi vẫn biết... Tác phẩm của anh đã gây cho tôi một ấn tượng tuyệt vời. Trong tranh, từ trang phục và phong thái đặc biệt của con người tại đất nước anh, tôi có cảm giác trong tận cùng tâm hồn anh toát ra một khái niệm mỹ thuật nghiêm trang và trầm lắng. Điều quan trọng là anh nên luôn giữ vững phong cách thể hiện này và không bao giờ đánh mất những điều đã làm nên sự vĩ đại trong nền Nghệ thuật của dân tộc mình. Hình ảnh mà anh gửi cho tôi là một biểu hiện tuyệt vời chứng minh cho điều ấy. Tôi đã chăm chú quan sát người phụ nữ này và mỗi ngày tôi lắng sâu hơn vào đường nét đơn giản của phong cách sáng tác. Có rất nhiều thứ để học ở đây. Biết trầm tư mặc tưởng về một tác phẩm như vậy, thật là…" [2]

Than ôi, cái chết đột ngột đã cướp đi sinh mệnh của viện sĩ Jean-Pierre Laurens trước khi ông có thể đến Salon 1932 để chiêm ngưỡng bức tranh sơn dầu của người học trò. Nhưng sứ mệnh này đã được vợ ông thực hành, và đây là những cảm nhận của bà thể hiện trong bức thư gửi Nam Sơn:

"... Tôi đã xem bức chân dung bà Mẹ của anh. Đó là một tác phẩm tuyệt đẹp, chắc chắn sẽ đem lại sự hài lòng lớn cho người chồng thân yêu của tôi. Bức tranh gây ấn tượng bởi vẻ bề ngoài uy nghiêm, sự quý phái của các hình khối, màu sắc cân đối rõ rệt. Đó là một tác phẩm nghệ thuật. Tôi cầu mong anh tiếp tục sáng tác theo phong cách này để tiếp tục tôn vinh người Thầy của mình... " [3]

Nên biết rằng những lời tán thưởng diễm lệ này đến từ một người chuyên môn và sành điệu, bởi vì bà Yvonne Diéterle là một nhà điêu khắc tài năng. [4]

Gần đây, Nicolas Henni-Trịnh Đức đã có dự định trình Luận án Thạc sĩ với nhan đề "Những biến đổi trong nghệ thuật chân dung Việt Nam, 1874-1976" [5], đã có những phân tích rất thú vị về bức "Chân dung Mẹ tôi" của Nguyễn Nam Sơn, xứng đáng để chúng ta ghi nhận :

[…] Chân dung vẽ bà Nguyễn Thị Lân được diễn tả trang trọng và mạnh mẽ. Trong tranh chúng ta thấy cuốn kinh được bà cầm bằng hai tay, nhẹ nhàng đặt trên đầu gối. Các ngón tay thể hiện một cách thần tình, tinh tế len vào giữa những trang sách. Song song với biểu hiện trầm tư của khuôn mặt, cuốn sách chứng minh khoảnh khắc thiền định mà bà Nguyễn Thị Lân đang trải qua. Hình ảnh này dường như muốn cho chúng ta hiểu rằng trong khi đang đọc dở dang, bà đã khép kinh sách giữa những ngón tay, để mặc tưởng về một vài đạo lý mà bà vừa cảm nhận.

[…] Bà Nguyễn Thị Lân mặc một chiếc áo tràng với tay rộng, cổ áo chéo trên ngực. Cuốn kinh, chuỗi tràng hạt, mũ đội đầu, áo tràng hòa hợp với nhau và tạo thành một tổng thể mạch lạc. Chân dung vẽ bà là một tuyên ngôn dứt khoát, ca tụng một người phụ nữ sùng đạo và đáng kính. [6]

[…] Tuy nhiên, nói một cách nghiêm túc đây không phải là một bức chân dung dùng để thờ, mà nó được sáng tác vì một mục đích hoàn toàn khác. Nam Sơn đã vẽ bức chân dung này để trưng bày ở phía bên kia quả địa cầu, tại Pháp, nơi mà tranh phải chứng minh tài năng và chất lượng đào tạo của tác giả. Đây là một tác phẩm nghệ thuật theo định nghĩa của phương Tây. Nam Sơn không thực hiện cho việc thờ cúng gia đình, mà cho sự quảng bá nghệ thuật của Trường Mỹ thuật Hà Nội. [7]

3.

"Chân dung mẹ tôi" đã tham gia Triển lãm Thuộc địa Paris 1931, theo "báo cáo tham gia triển lãm" của Victor Tardieu :

"Trong số các tác phẩm hội họa, chúng tôi sẽ nói đến trước hết bức Chân dung Mẹ tôi của Nguyễn Nam Sơn, học trò đầu tiên của người sáng lập Trường, trước đó là Trợ lý và hiện là Giáo sư của Trường". [8]

Tác phẩm của Nguyễn Nam Sơn đã gây tiếng vang trên báo chí như sau.

- Trong báo Le Temps, ghi nhận những lời phê bình của Léandre Vaillat :

"Chúng ta hãy chú ý đến bức tranh tuyệt đẹp "Chân dung Mẹ tôi" của Nguyễn Nam Sơn, học trò thứ nhất của Tardieu, người đã hoàn thành việc học (hội họa) tại Paris. Trở về đất nước của mình, ông là trung gian giữa giáo sư và sinh viên, đã được giao phó sứ mệnh phụ trách việc giảng dạy khóa dự bị (tại trường Mỹ thuật Đông Dương)". [9]

- Bán nguyệt San L'Art vivant :

"Các bức tranh hội họa phải chăng đã xứng đáng là những tác phẩm bậc thầy, như bức "Chân dung Mẹ Tôi" của Nguyễn Nam Sơn, tràn đầy sự trầm lắng và nghiêm trang". [10]

4.

Sau khi trưng bày tại Triển lãm Thuộc địa Paris 1931, "Chân dung mẹ tôi", tham dự triển lãm tại Salon Hội Nghệ sĩ Pháp năm 1932 [11], trưng bày tại sảnh XXV tại Đại Cung Điện, được phân loại theo mục "Hội họa", dưới số hiệu 1804 trong lưu trữ của Hội Nghệ sĩ Pháp, in trong vựng tập "Salon 1932", trang 90, và minh họa trên trang 86.

Tác phẩm của Nguyễn Nam Sơn tại triển lãm Salon 1932 được nhiều báo chí nhắc đến.

- Báo Comoedia, số ra ngày 04/3/01932 đã đăng ảnh chụp "Chân dung mẹ tôi" lên trang nhất, với một bài viết của Yvanhoé Rambosson ngợi ca :

"Tôi không ngần ngại tuyên bố rằng Nam Sơn là một nghệ sĩ có giá trị chắc chắn. Bức chân dung của mẹ ông trong trang phục nghi lễ có độ chính xác về sắc màu và sức truyền cảm cao quý". [12]

- Báo Le Matin derniers télégrame de la nuit đưa tin : "Sảnh XXV, Nguyễn Nam Sơn, cái tên bắt đầu được biết đến tại Salon, với Chân dung Mẹ tôi, đường nét vững chắc, màu sắc trầm trọng, phong cách nghi thức tôn giáo, một tác phẩm xuất sắc được sáng tác từ trường Mỹ thuật Đông Dương". 13]

- Báo Le Temps, Thiébault Sisson viết : "Người kinh Bắc Nguyễn Nam Sơn diễn tả Chân dung Mẹ tôi theo phong cách của các họa sĩ Nhật Bản và Trung Quốc, với một chân tình của lòng hiếu thảo tinh tế và cao nhã". [14]

Dưới sự chủ tọa của họa sĩ Denis Etcheverry, hội đồng giám khảo Salon 1932 đã họp mặt ngày 13/5/1932, "Chân dung mẹ tôi" xướng danh Huy chương Bạc [15].

Đồng sáng lập trường Mỹ Thuật Đông Dương, tuy nhiên tác phẩm của Nam Sơn rất hiếm hoi, thuộc về các sáng tác được truy tìm gay gắt trong giới thưởng ngoạn cũng như các nhà sưu tập. Họ đều bảo nhau, để được một bộ sưu tập tranh Đông Dương hoàn hảo, bắt buộc ít nhất phải có một bức tranh của Nam Sơn ! Lần đầu tiên, một danh tác sơn dầu của họa sĩ Nam Sơn được đưa lên sàn đấu giá. Tác phẩm đặc sắc, trên quan điểm kỹ thuật cũng như phương diện lịch sử hội họa Việt Nam, "Chân dung mẹ tôi" xứng đáng được hiện diện trong những bộ sưu tập hoặc bảo tàng lớn nhất trên thế giới.

Hơn nữa, với vai trò tiên phong, nền Mỹ thuật Việt Nam nên phong tặng tác phẩm kinh điển này tên gọi BẢO VẬT QUỐC GIA.

Hà Nội, le 26/02/2023

NGÔ Kim-Khôi

Nhà nghiên cứu độc lập về Nghệ thuật Việt Nam

[1] Trước Nam Sơn, chúng ta có thể nhận ra rằng những tranh sơn dầu đầu tiên xuất hiện tại Đông Dương là tác phẩm của một họa sĩ người Huế, Lê Văn Miến (1873-1943), sinh tại Nghệ An. Ông được triều đình An Nam và chính quyền bảo hộ gửi sang Paris năm 1892 để theo học trường Thuộc Địa. Ông vào trường Mỹ Thuật Paris trong xưởng họa Jean-Léon Gérôme (1824-1904). Đó là những tấm tranh "Chân dung cụ Tú mền" (49 x 60cm, 1896), hoặc hai bức "Chân dung ông bà Nguyễn Khoa Luận" (khoảng 1900)…

[2] Thư của Jean-Pierre Laurens, viết ngày 29/6/1931. (Lưu trữ Nam Sơn).

[3] Thư của bà Yvonne Diéterle, viết ngày 03/6/1932. (Lưu trữ Nam Sơn).

[4] A.N Beun, "Cách tân nghệ thuật Việt Nam", tạp chí Orient-Occident, n° 5, tháng 11/1952.

[5] Đại học Văn chương Sorbonne tại Paris, chương trình học khóa 2018-2019, dưới sự hướng dẫn của Giáo sư Antoine Gournay.

[6] Luận án Thạc sĩ của Nicolas Henni-Trịnh Đức, op.cit, trang 50-52.

[7] Ibid, trang 86-88.

[8] Victor Tardieu, "Báo cáo về việc tham gia Triển lãm Thuộc địa Quốc tế Paris năm 1931 của trường Mỹ thuật Đông Dương" trang 07. Lưu trữ "Victor Tardieu", N° 125, Viện Quốc gia Lịch sử Nghệ thuật (INHA), Paris.

[9] Léandre Vaillat, "À l'Exposition Coloniale, la pagode d'Angkor", nhật báo Le Temps, số ra ngày 30/7/1931, trang 03.

[10] "l'Art en Indochine", bán nguyệt san L'Art vivant, tháng 8/1931, trang 388.

[11] Le redressement des Salons, báo Figaro, số ra ngày 10/5/1932, trang 05.

[12] Yvanhoé Rambosson, L’art en indochine, le peintre Victor Tardieu provoque un renouveau de l’art extrême-oriental, trang 01.

[13] Le Salon des Artistes français et de la Société national des Beaux-Arts, Le Matin derniers télégrame de la nuit, số ra ngày 30/4/1932, trang 07.

[14] Thiébault Sisson, Le Salon des Artistes français 1932, le Temps, số ra ngày 29/4/1932, trang 04.

[15] Suite des récompenses des Artistes français, báo Comoedia, số ra ngày 17/5/1932, trang 02. À la Société des Artistes français, báo La Dépêche, số ra ngày 15/5/1932, trang 02. Báo Excelsior, số ra ngày 15/5/1932, trang 02. Le vote des médailles, báo Le Temps, số ra ngày 15/5/1932, trang 04. Nouvelles artistiques, La Liberté, số ra ngày 21/5/1932, trang 02. Société des Artistes français, Le Journal, số ra ngày 23/5/1932, trang 04. Au salon des Artistes français, L'Avenir du Tonkin, số ra ngày 01/6/1932, trang 02. Mấy nhà Việt Nam được ân thưởng, Hà Thành ngọ báo, số 1425, ra ngày 02/6/1932, trang 04. Eydoux, Une rénovation de l'art annamite, Dépêche Coloniale, sồ ra ngày 17/6/0932, trang 01. Hà Thành ngọ báo, số 1425, ra ngày 02/6/1932. Tha Sơn, Các sứ thần mới của nước Nam, Hà Thành ngọ báo, số 1486, ra ngày 13/8/1932.

Họa sĩ Nam Sơn: Người thầy vĩ đại của nền Mỹ Thuật Việt Nam - 4

"Chân dung mẹ tôi" của Nguyễn Nam Sơn, kích thước 170*103,5cm. Ảnh: Art Research Paris.

Họa sĩ Nam Sơn: Người thầy vĩ đại của nền Mỹ Thuật Việt Nam - 5

Họa sĩ Nam Sơn: Người thầy vĩ đại của nền Mỹ Thuật Việt Nam - 6

Họa sĩ Nam Sơn: Người thầy vĩ đại của nền Mỹ Thuật Việt Nam - 7

Họa sĩ Nam Sơn: Người thầy vĩ đại của nền Mỹ Thuật Việt Nam - 8

Bút tích bức tranh họa sĩ Nam Sơn

Trong tháng 3/2023 với sự xuất hiện của ba tác phẩm “Chân dung nhà sư, Chân dung phụ nữ, Chân dung mẹ tôi” ở hai nhà đấu giá tại Pháp, đã nhắc tên của họa sĩ Nam Sơn được nhắc đến nhiều nhất trong giới Mỹ thuật tháng 3 vừa qua.

1.Giá gõ búa tác phẩm Chân dung nhà sư tại nhà đấu giá Lynda Paris, ngày 17/3/2023: 22.000eur, giá này chưa bao gồm thuế,phí.

2.Giá gõ búa tác phẩm Chân dung thiếu nữ tại nhà đấu giá Lynda Paris, ngày 17/3/2023: 40.000eur, giá này chưa bao gồm thuế,phí.

3.Giá gõ búa tác phẩm Chân dung mẹ tôi tại nhà đấu giá Art Research Paris, ngày 30/30223.

Kể từ ngày 22.10/2018, bức tranh lụa Thiếu nữ cầm quạt (Tonkinoise à l’éventail) của cố họa sĩ Nam Sơn lên sàn của Nhà đấu giá Aguttes tại Trung tâm Drouot - Paris, Pháp được gõ búa bán với giá gần 12 tỷ. Số lượng tranh của họa sĩ Nam Sơn thật sự hiếm hoi, giới sưu tập muốn sở hữu tranh của Ông rất lớn, nhưng từ năm 2018 đến 2023 số lượng tranh của Ông chỉ vẻn vẹn hơn mười bức được đưa lên đấu giá.

Tổng hợp: Le House Art & Ngô Kim Khôi

Tin liên quan

Tin mới nhất