Lê Phổ: Viễn xứ tranh lụa – những bức tranh triệu đô

Lê Phổ (1907 - 2001), tốt nghiệp khóa I trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (l'École des Beaux-Arts d'Indochine), cùng với ba danh họa khác bao gồm Mai Trung Thứ (1906 - 1980), Vũ Cao Đàm (1908 - 2000) và Lê Thị Lựu (1911 - 1988) đã tạo nên một bộ “tứ kiệt đông dương” của hội họa Việt tại trời Âu. Chúng ta cùng điểm lại một số tác phẩm nổi bật dưới đây, trải qua từng năm tháng, giá trị ngày một tăng theo thời gian tại các sàn đấu giá.

Lê Phổ: Viễn xứ tranh lụa – những bức tranh triệu đô - 1

Lê Phổ (ảnh nguồn internet)

Hội họa của Lê Phổ thừa hưởng văn hóa đa dạng, kết hợp hài hòa giữa hai hệ tư tưởng sai biệt Đông - Tây. Bởi lẽ khi theo học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, sinh viên được học chương trình học mỹ thuật Âu châu nhưng khi sáng tác lại được hướng về nghệ thuật dân tộc. Ông cũng là học trò cưng và rất thân thiết với giáo sư Victor Tardieu, hiệu trưởng trường Mỹ Thuật Đông Dương lúc bấy giờ. Dưới bảo trợ của chính quyền thuộc địa, tác phẩm của ông được đưa đi trưng bày ở Đấu xảo Paris năm 1931 (1), mở ra cơ hội để ông được nhận học bổng vào trường mỹ thuật tại Pháp và từ Pháp viễn du khắp trời Âu tìm hiểu nghệ thuật.

Năm 1937 ông quyết định định cư tại Pháp. Theo đó có nhiều cách khu biệt nghệ thuật của Lê Phổ, song có thể phân tách thành các giai đoạn: những năm tháng theo học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, làm việc tại Hà Nội và khoảng thời gian đầu sau khi định cư tại Paris; thời gian hợp tác độc quyền với galerie Romanet; thời gian hợp tác độc quyền với gallery Wally Findlay.

Thêm vào đó, các chất liệu được Lê Phổ sử dụng tương đối đặc thù. Trước thập niên 50, chủ yếu ông sáng tác trên lụa nhưng đặc biệt ở chỗ, ngoài tranh mực và màu nước trên lụa truyền thống, có một sự chuyển giao, ông vẽ họa phẩm dày như sơn dầu trên lụa. Lụa được bồi trước trên bề mặt kiên cố thường là ván gỗ mỏng cỡ 3mm hoặc masonite. Tổng thể chúng mang lại hiệu ứng thị giác rất thú vị. Sau những năm 50, Lê Phổ chuyển dần sang vẽ sơn dầu sau khi hợp tác độc quyền với các phòng trưng bày và có sự tìm hiểu chín muồi về Hội họa Ấn tượng và Hậu Ấn tượng Pháp.

Những tác phẩm tranh lụa trước năm 50 của họa sĩ Lê Phổ được nhảy vọt trên các sàn đấu quốc tế theo từng năm:

Lê Phổ: Viễn xứ tranh lụa – những bức tranh triệu đô - 2

Lê Phổ, tác phẩm LA JEUNE FILLE AUX POMMES-CANNELLE, sáng tác năm 1938, vẽ mực và màu trên lụa, kích thước 60,5 x 45 cm. Đấu giá tại Christies 26/10/2016. Thành giá là: 4.380.000HKD tương đương khoảng 13 tỷ đồng “Chưa bao gồm phí thuế”.

Khắc họa hình ảnh thiếu nữ, có thể kể đến tác phẩm “LA JEUNE FILLE AUX POMMES-CANNELLE” 60,5 x 45 cm. Tranh được sáng tác khoảng năm 1938 vẽ mực và màu trên lụa. Một bố cục xa gần và bảng màu bài trí thanh nhã, sử dụng màu vẽ trên lụa rất mềm mại tinh tế, để mô tả thiếu nữ say sưa hái quả. Đây là một điển hình về thanh âm nhẹ nhàng của tinh thần được khắc họa, vừa chú trọng kỹ thuật, vừa nuôi dưỡng cái tình.

Lê Phổ: Viễn xứ tranh lụa – những bức tranh triệu đô - 3

Lê Phổ, tác phảm CUỘC SỐNG GIA ĐÌNH, vẽ mực và màu trên lụa, kích thước 82 x 66 cm. Đấu giá tại Sotheby’s HongKong, ngày 02/04/2017, thành giá: 9100.000HKD tương đương khoảng 1,2 triệu đô thời điểm 2017.

Hình ảnh người con gái dịu dàng và đứa trẻ ngoan ngoãn ngồi bên một vườn hoa, xung quanh rất nhiều hoa và người như trong một gia đình có nhiều người phía sau, cảnh quan rộng lớn, mô tả hoài cổ về một một cuộc sống bình dị, hạnh phúc tại đây “CUỘC SỐNG GIA ĐÌNH”, vẽ mực và màu trên lụa, được đấu giá tại Sotheby’s HongKong ngày 02/04/2017 với mức giá khoảng 1,2 triệu đô. Là một trong những tác phẩm điển hình nhiều cảm xúc của họa sĩ sáng tác về hoạt cảnh gia đình, kỹ thuật vẽ lụa truyền thống lại được phô bày tài hoa. Bút pháp mang đậm ảnh hưởng của hội họa đời Tống, đường nét uyển chuyển trên không gian sống động, những người con gái xuất hiện với nét hiền dịu thân thương với cuộc sống hòa bình và hạnh phúc.

Lê Phổ: Viễn xứ tranh lụa – những bức tranh triệu đô - 4

Lê Phổ, tác phẩm LA FAMILLE ( GIA ĐÌNH ), 1935-1940, vẽ mực và màu trên lụa, kích thước 72 x 59,5 cm. Đấu giá tại Sotheby’s HongKong ngày 30/09/2018 thành giá là: 5.880.000HKD tương đương khoảng 750.000$.

Khắc họa người phụ nữ bên những đứa trẻ LA FAMILLE (GIA ĐÌNH), vẽ mực và màu trên lụa, được đấu giá tại Sotheby’s ngày 30/09/2018 với mức giá khoảng 750.000$. Là một trong tác phẩm nổi bật lúc bấy giờ, với bút pháp bay bổng thanh tao, đã tạo ra một bức tranh lụa tuyệt đỉnh mang lại một khung cảnh ấm áp hạnh phúc của người mẹ bên các con, kỹ thuật vẽ lụa truyền thống lại được phô bày đầy quý phái và điêu luyện. Hình ảnh người phụ nữ việt trong tà áo dài truyền thông hạnh phúc bên những đứa trẻ là một thông điệp gửi tới người xem một hình ảnh quen thuộc tô điểm nét đẹp người phụ nữ trước thập niên 50.

Lê Phổ: Viễn xứ tranh lụa – những bức tranh triệu đô - 5

Lê Phổ, tác phẩm Jeune fille aux pivoines “Thiếu nữ bên hoa mẫu đơn”, vẽ mực và màu trên lụa, kích thước 91 x 71 cm. Đấu giá tại Aguttes, Pháp, ngày 06/10/2020 thành giá 1.164.760 EUR chưa bao gồm thuế phí.

Khắc họa hình ảnh người con gái một mình như hoài cố hương có “Thiếu nữ bên hoa mẫu đơn” (Jeune fille aux pivoines), vẽ mực và màu trên lụa vào khoảng năm 1945 được đấu giá tại Aguttes ngày 06.10.2020 với mức giá 1.36 triệu đô. Là một trong những tác phẩm điển hình cho một thời kỳ nhiều cảm xúc của người con xa xứ, song kỹ thuật vẽ lụa truyền thống lại được phô bày đầy quý phái. Bút pháp mang đậm ảnh hưởng của hội họa truyền thống trung hoa, đường nét uyển chuyển trên không gian phẳng, người con gái xuất hiện với nét “tiết hạnh khả phong”, vừa nghiêm trang vừa mong manh tế nhị.

Lê Phổ: Viễn xứ tranh lụa – những bức tranh triệu đô - 6

Lê Phổ, tác phẩm Hai người phụ nữ nhìn ra chậu cá vàng 俯瞰金魚池的兩位女子, vẽ mực và màu trên lụa, kích thước, 69 x 53 cm. Đấu giá tại Sotheby’s HongKong ngày 18/04/2021 thành giá là: 5.983.000HKD tương đương khoảng 17 tỷ 950 triệu đồng.

Hình ảnh 2 người phụ nữ trong tà áo dài truyền thống màu vàng nhạt và màu nâu, khăn choàng cổ màu xanh lê mảnh mai nhẹ nhàng bay trong gió và khăn phủ tóc màu trắng nhẹ nhàng vẫn nhìn thấy những mái tóc dài búi cao thời thập niên trước 50. Khuôn mặt của 2 người phụ nữ rất đẹp, mặt cao chán rộng, khuôn mặt đầy sang trọng, những bàn tay dài trắng đã khắc họa nên một sự đẹp thanh tao của 2 người phụ nữ đang đứng bên một chậu hoa sen trắng. Lê Phổ đã âm thầm truyền tới người xem thông điệp tôn vinh vẻ đẹp người phụ nữ quê hương thời bấy giờ. Ông đã phô diễn những màu sắc kỹ thuật khắc họa người phụ nữ này trong khoảng thời gian thập niên 30 đến 50, Lê Phổ đã cống hiến một tuyệt tác hoàn hảo về kỹ thuật bột màu và mực trên lụa thời kỳ này.

Lê Phổ: Viễn xứ tranh lụa – những bức tranh triệu đô - 7

Lê Phổ, tác phẩm La Toilette de l'Enfant (Đứa trẻ tắm), vẽ vào khoảng 1938-1940 mực và màu trên lụa, kích thước 62,5 x 45 cm. Đấu giá tại Christie HongKong. Ngày 01/1/2021 thành giá 7.450.000 HKD tương đương khoảng 22 tỷ đồng.

Hình ảnh người phụ nữ bắc kỳ thập niên 1930 thanh lịch và duyên dáng trong chiếc áo dài truyền thống màu xanh lê, đang chăm sóc 2 đứa trẻ để tóc đặc trưng thời kỳ đó. Khuôn mặt của ba nhân vật được khắc họa rất đẹp, trong tranh luôn có những bông hoa tươi thắm, tô điểm thêm cuộc sống đầy đủ của một gia đình ấm no hạnh phúc. Các đặc điểm nổi bật khác trong tranh lụa của ông từ thời kỳ đầu này bao gồm chuyển động bồng bềnh của những chiếc khăn: khăn trải màu xanh, đặt trên bàn bên trái, nhưng cũng có tấm vải trắng quấn quanh cơ thể của đứa và chiếc áo trải dài bên dưới cái bàn; đồ đạc của giới tư sản Bắc Kỳ với chiếc bàn sơn mài màu đỏ ở phía trước. Trên đó, ngoài tấm vải, còn có một hộp phấn rôm và nắp của nó được đặt bên cạnh đứa trẻ út, cả hai đều nằm trên tấm vải.

Vào thời điểm này, Lê Phổ thích thể hiện trong các tác phẩm của mình khắc họa những thiếu nữ, những đứa trẻ, vườn cây hoa lá. Sự phong phú của hoa trà ở hậu cảnh sẽ đặt cảnh ở hiên. Cuối cùng, Lê Phổ cống hiến một tuyệt tác hoàn hảo về kỹ thuật bột màu và mực trên lụa đặt trên giấy.

Lê Phổ: Viễn xứ tranh lụa – những bức tranh triệu đô - 8

Lê Phổ, tác phẩm Jeune femme attachment son foard ( Thiếu nữ buộc khăn ), vẽ vào khoảng năm 1938, vẽ mực và màu trên lụa, kích thước 59,5 x 48,5 cm. Đấu giá tại Christies 24/05/2021, thành giá 8.650.000HKD tương đương khoảng 25,3 tỷ đồng.

Hình ảnh người thiếu nữ buộc khăn, được vẽ vào khoảng năm 1938 đây là thời kỳ đỉnh cao của Lê Phổ khi ông mới sang định cư hẳn tại Pháp năm 1937. Một nét đặc trưng khắc họa người thiếu nữ bắc kỳ, vẫn những chiếc khăn trắng phủ tóc điệu đà, vẫn những khuôn mặt cao và những bàn tay dài thướt tha điệu đà buộc khăn trong một khung cảnh cây lá rộng lớn, bút pháp nhẹ nhàng khiến khuôn mặt người thiếu nữ thanh lịch sang trọng. Áo dài truyền thống màu tối trong bức họa càng làm nổi bật vẻ đẹp người phụ nữ mà Lê Phổ muốn truyền thông điệp tới người xem. Đây là một tác phẩm nổi bật thời điểm năm 2021, đã làm tiêu tốn không ít bao nhiêu giấy mực mà mọi tâm điểm đã đổ dồn vào bức tranh này. Mức giá này chưa phải là một con số khủng, mà đằng sau đấy rất nhiều đồn đoán bức tranh đã được truyền qua tay các nhà sưu tập lớn với con số khủng hơn rất nhiều.

Lê Phổ: Viễn xứ tranh lụa – những bức tranh triệu đô - 9

Lê Phổ, tác phẩm La femme aux rosiers (Lady with Roses), vẽ vào khoảng năm 1940, vẽ mực và màu trên lụa, kích thước 61 x 42 cm. Đấu giá tại Christie HongKong. Ngày 01/12/2022 thành giá: 5.292.000 HKD tương đương 15 tỷ 860 triệu đồng.

Tác phẩm La femme aux rosiers (Lady with Roses) vẽ khoảng năm 1940 vẽ mực và màu trên lụa, đây là tác phẩm khắc họa hình ảnh cô gái với tà áo dài, tóc dài búi truyền thống người phụ nữ quê hương. Vẫn bàn tay dài thướt tha ấy, khuôn mặt thanh tú có đôi nét trầm tư bên cửa sổ với những bông hoa e thẹn. Ông đã gửi gắm một tình cảm đặc biệt tới bức họa với nỗi niềm hoài nhớ khi ông đang mới sang định cư tại Pháp được 3 năm. Đây cũng là thời điểm đỉnh cao của kỹ thuật vẽ mực và màu trên lụa cho tới sau này ông tập trung vẽ tranh sơn dầu ký độc quyền cho gallery nước ngoài. Đây là một trong những tác phẩm, giai đoạn tranh lụa hiếm hoi của ông trên thị trường quốc tế được đưa lên đấu giá.

Lê Phổ: Viễn xứ tranh lụa – những bức tranh triệu đô - 10

Lê Phổ, tác phẩm La gia dans le jardin (Gia đình ở ngoài vườn), vẽ vào khoảng năm 1938, vẽ mực và màu trên lụa, kích thước 91,3 x 61,5 cm. Phiên đấu giá kỷ niệm 50 năm của Sotheby HongKong. Ngày 05/04/2023 thành giá: 18.600.000HKD tương đương khoảng 55 tỷ 800 triệu đồng.

Bức tranh La gia dans le jardin (Gia đình ở ngoài vườn), sáng tác khoảng năm 1938, thời kỳ mà Lê Phổ mới sang định cư chính thức tại Pháp năm 1937. Có lẽ, đây là thời điểm mà ông nhớ quê hương rất nhiều. Bao tâm tư đã được khắc họa diễn tả vào bức họa với kỹ thuật vẽ mực và màu trên lụa của những thập niên 30. Vẫn những cô gái mặc áo dài, khăn xếp truyền thống, những mái tóc búi cao, những khuôn mặt thanh tao, những bàn tay điệu đà thướt tha cầm khăn, chú bé với mái tóc đặc trưng thời đó. Bức tranh “Gia đình ở trong vườn” đã khắc họa đầy đủ cảnh sinh hoạt an nhàn, cuộc sống an nhiên tự do, một khung cảnh vườn hạnh phúc bên gia đình. Điều đáng nói, đây là bức tranh đã đạt con số kỷ lục xếp thứ 2 từ tranh việt từ trước tới nay, sau bức tranh “Chân dung cô phượng của họa sĩ Mai Trung Thứ, 3,1 triệu đô”.

Lê Phổ: Viễn xứ tranh lụa – những bức tranh triệu đô - 11

Lê Phổ, tác phẩm Sur la terrasse, vẽ khoảng năm 1940, vẽ mực màu trên lụa, kích thước 57 x 38,1 cm. Đấu giá tại Aguttes Pháp. Ngày 02/06/2023 thành giá 641.600 EUR.s

Cũng vẫn trên lụa nhưng nếu không nhắc tới Lê Phổ và các bức vẽ hoa sẽ là một thiếu sót lớn. Lê Phổ yêu hoa và nhiều lúc trong tranh ông hoa đứng một mình, trở thành nhân vật chính. Riêng với các bức vẽ tĩnh vật, mỹ học châu Âu ảnh hưởng tới ông đáng kể. Những phi yến, mẫu đơn, anh túc,... ông vẽ ở Pháp mang nhiều kỹ thuật và tinh thần của các họa sư nước ngoài. Đó đều là những điều trên hành trình trải nghiệm một vùng đất mới, một ngôi nhà mới mà Lê Phổ đã chắt lọc biến thành của riêng mà sáng tác.

Tựu trung lại, khi nghĩ về tranh lụa của Lê Phổ, có một cái mới được tạo ra trên nền tảng gốc là bản sắc dân tộc. Kể từ thời thuộc địa, nhờ sự chỉ dạy của các thầy Pháp trên đất Việt, học hỏi văn hóa trung hoa, cho tới khoảng thời gian chiêm nghiệm ở Pháp với một môi trường trải qua nhiều cuộc biến chuyển của mỹ học, ông với cái tôi được tiếp thu những tinh hoa ấy đã kế tục truyền thống, mở ra nhiều khai phá và trở thành một tài danh đại diện hội họa nước nhà trên thị trường quốc tế.

Lê Quang

Tin liên quan

Tin mới nhất