Họa sĩ cách mạng Mai Văn Hiến

Họa sĩ Mai Văn Hiến sinh năm 1923 tại làng Điều Hòa, quận Châu Thành, Mỹ Tho, Tiền Giang. Năm 1943, ông ra Hà Nội và thi đỗ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (khóa 17 - năm 1943-1945). Ông là một tên tuổi sáng giá của mỹ thuật thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1945-1954, một trong những người đặt nền móng cho nền nghệ thuật hiện thực cách mạng, đồng thời mở đầu cho một xu hướng nghệ thuật chính thống, là xu hướng hiện thực xã hội chủ nghĩa - như sau này các nhà nghiên cứu mỹ thuật đánh giá. Cùng khóa với ông có: Đặng Thị Viên Chân, Marcel Courtial (người Pháp), Trần Duy, Lê Thanh Đức, André Gironce, Trương Trọng Minh, Mai Văn Nam, Đào Huy Ngọc, Thân Trọng Sự, Yolan de Samtet (tên có thể chưa chính xác), Phạm Tăng, Nguyễn Thọ.

Họa sĩ cách mạng Mai Văn Hiến - 1

Họa sĩ cách mạng Mai Văn Hiến

Tháng 8-1945, ông tham gia cách mạng tại Hà Nội, vẽ tranh cổ động, làm công tác tuyên truyền phục vụ cách mạng. Từ tháng 11-1945 đến tháng 3-1946, ông cùng các họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung, Nguyễn Sáng và Nguyễn Văn Khanh được Bộ trưởng Bộ Tài Chính Phạm Văn Đồng (sau này là Thủ tướng Chính phủ) chọn giao nhiệm vụ vẽ những tờ giấy bạc đầu tiên cho Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ông chính là tác giả thiết kế tờ giấy bạc 5 đồng.

Tháng 7-1947, ông được điều về Tổng cục chính trị quân đội với nhiệm vụ minh họa, trình bày báo Vệ quốc quân (tiền thân của báo Quân đội Nhân dân) cùng với họa sĩ Dương Bích Liên. Từ đó, ông trở thành người lính, đã tham gia các chiến dịch Đông Bắc (1949), Vùng Mỏ (1951), Giải phóng Tây Bắc (1952), Giải phóng Thượng Lào (1953), chiến dịch Điện Biên Phủ (1954) và đã có rất nhiều ký họa về bộ đội, dân công bằng bút chì, bút sắt, trở thành những tư liệu quý giúp ông sáng tác những tác phẩm sơn dầu nổi tiếng sau này. Tại chiến dịch Điện Biên Phủ, với tư cách phóng viên, họa sĩ báo Quân đội Nhân dân bên cạnh Bộ Tư lệnh, ông có nhiều sáng tác phục vụ chiến sĩ và công tác địch vận.

Tháng 10-1954, hòa bình lập lại, ông được điều động về Hà Nội và công tác tại Phòng Văn nghệ Quân đội, rồi về Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Ông tham gia trình bày, minh họa cho tạp chí này và người ta vẫn nhớ bút pháp riêng của ông với nét vẽ khỏe khoắn. Tại Đại hội thành lập Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 1957, ông được bầu làm ủy viên Ban Chấp hành khóa I (1957-1983), tham gia Ban tổ chức các triển lãm mỹ thuật toàn quốc từ năm 1954 đến các triển lãm về sau.

Từ tháng 1-1966, ông được điều động về công tác tại Hội Mỹ thuật Việt Nam với cương vị Ủy viên thường trực Ban Thường vụ kiêm Trưởng ban đối ngoại. Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30-4-1975), ông được giao thêm nhiệm vụ Tổng biên tập Tạp chí Mỹ thuật. Ông vẫn tiếp tục sáng tác tranh, làm minh họa báo, vẽ tranh biếm họa, viết bài cho các báo và tạp chí. Sau khi kết thúc nhiệm kỳ I của Ban Chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam, năm 1983, ông nghỉ hưu, nhưng vẫn vẽ liên tục, có tác phẩm ở tất cả các triển lãm lớn và được đánh giá cao.

Các tác phẩm của ông chủ yếu là chất liệu sơn dầu về hình tượng Bác Hồ, bộ đội, về tình quân dân, đặc biệt là về những năm tháng kháng chiến chống thực dân Pháp với bút pháp hiện thực đơn giản và tinh tế, hóm hỉnh và đầy tinh thần lạc quan cách mạng, bình dị và sâu sắc, tạo được phong cách riêng, để lại nhiều ấn tượng đậm nét trong lòng công chúng như: Bướm dọc đường; Du kích Đông Bắc; Tiếng hát mùa chiến dịch; Anh bộ đội cụ Hồ với nhân dân Tây Bắc.

Họa sĩ cách mạng Mai Văn Hiến - 2

MAI VĂN HIẾN – Tiếng hát mùa chiến dịch. 1994. Sơn dầu. 120x180cm. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Họa sĩ cách mạng Mai Văn Hiến - 3

MAI VĂN HIẾN – Bộ đội và dân công Đông Bắc 1999. Sơn dầu. 70x100cm Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam

Ngoài ra, ông còn vẽ nhiều tác phẩm về sinh hoạt, chân dung, phong cảnh đất nước: Đèn khuya; Mẹ con; Chuẩn bị đi học; Văn Miếu. Đồng thời, ông còn vẽ về những kỷ niệm khi công tác ở Hội Mỹ thuật: Bác Hồ xem Triển lãm Mỹ thuật; Chân dung họa sĩ Hồng Hải,...

Họa sĩ cách mạng Mai Văn Hiến - 4

MAI VĂN HIẾN – Mẹ con. 1995. Sơn dầu. 50x60cm

Gia đình tôi sống tại ngôi nhà 65 Nguyễn Thái Học từ khi tôi chào đời. Nơi đây nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng đã từng sinh sống như các họa sĩ Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Huỳnh Văn Gấm, Văn Giáo, Trần Đông Lương, Song Văn, nhà điêu khắc Nguyễn Văn Lý, các nhà văn Nguyễn Đình Thi, Vũ Tú Nam, Thanh Hương, nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Hội trẻ con chúng tôi là con, cháu của toàn văn nghệ sĩ, gắn bó với nhau từ tuổi thơ, khi lớn lên, dù mỗi người một ngả nhưng vẫn thân thiết chia sẻ với nhau đến bây giờ.

Tôi nhớ như in vào dịp hè, chúng tôi được các bác tổ chức biểu diễn văn nghệ trên lối đi xuống khu nhà phụ của tập thể. Buổi biểu diễn rất rôm rả, nhiều tiết mục thú vị của lũ trẻ con ngây thơ và trong sáng. Khán giả là các bác hàng xóm và bố mẹ chúng tôi cùng các em nhỏ. Bố Hiến cũng là khán giả nhưng động viên nhiệt tình và luôn tặng chúng tôi những chuỗi cười nghiêng ngả.

Khi trưởng thành, tôi biết bố là người hài hước, thân thiện và được nhiều người trong giới họa sĩ biết đến. Ông có nhiều tranh trong Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và trong các sưu tập quốc tế. Nhận thức về bố rõ hơn khi ông nghỉ hưu và khi tôi tốt nghiệp đại học Mỹ thuật năm 1983 và được về công tác tại Hội Mỹ thuật Việt Nam, nơi bố tôi đã làm việc ngay sau khi ông rời quân ngũ. Càng làm việc, càng hiểu thêm tài tổ chức và tài đối ngoại của bố trong công tác ở Hội Mỹ thuật Việt Nam. Tôi học tập ở bố được nhiều và đã gắn bó với nơi này đến nay hơn 36 năm.

Họa sĩ cách mạng Mai Văn Hiến - 5

MAI VĂN HIẾN – Chú học sinh. 1996. Sơn dầu. 90x60cm

Chúng tôi chỉ được ông kể rằng khi ông rời nhà đi học, buổi lên đường, chú út lúc đó khoảng 6 tuổi chạy theo và đưa bố tôi cái xoong nói là “anh Ba cầm lấy để mang đi nấu cơm”. Bây giờ ở tuổi không còn trẻ, nhớ lại những lời kể của bố, tôi nghĩ chắc lúc đó ông đang buồn và nhớ bố mẹ, anh em ruột thịt mình lắm. Mặc dù đã có gia đình riêng nhưng trong ông có nỗi buồn không ai có thể hiểu nổi. Từ lúc rời gia đình đi học (năm 1939), đến lúc mất (năm 2006), trong suốt quãng thời gian 67 năm, bố tôi chưa một lần gặp lại bố mẹ, anh chị em ruột, ông vẫn chờ đợi và hy vọng…

Thế rồi một ngày vào năm 1969, bố tôi may mắn nhận đươc thư của bà nội từ Pháp gửi người họ hàng nhờ tìm kiếm bố tôi. Từ đó đã có thư từ qua lại giữa ông bà nội tôi với gia đình của tôi. Khi khoa học kỹ thuật phát triển, Việt Nam có điện thoại quốc tế thì bố tôi đã liên lạc được với các em qua điện thoại. Để có được liên lạc cũng là do các chú tôi chủ động tìm gọi về. Họ nhờ những người Việt Nam quen biết, đi công tác ở Mỹ, Pháp tìm bố tôi; với thông tin: “Tìm anh Mai Văn Hiến, họa sĩ nổi tiếng ở Việt Nam”. Tôi còn nhớ, một lần có một chú tìm đến và hỏi “đây có phải là nhà họa sĩ Mai Văn Hiến không, tôi trả lời đúng và mời vào nhà gặp bố tôi. Chú nói đã tìm bố tôi suốt 3 tháng liền, hỏi rất nhiều người mà chẳng ai biết, may nhờ ông bạn nhà ở khu tập thể nghệ sĩ phố Nguyên Bỉnh Khiêm mới tìm được bố tôi. Chú ấy chuyền cho bố tôi một chai rượu và một bức thư của chú út, người đã chạy theo đưa bố tôi cái nồi để nấu cơm khi ông rời nhà ra Huế học. Khoảng những năm 1996, 1997, nhà tôi lúc đó chưa có điện thoại, nên để liên lạc được, bố tôi phải đến một nơi khác nghe nhờ. Có lần đợi mãi điện thoại không đổ chuông, bố tôi ra về, 5 phút sau chuông đổ, vậy là ông lại vội vàng quay lại, may quá cuộc nói chuyện thành công, nếu không ông mang theo chút buồn và đêm lại trầm tư. “ Con của họa sĩ Mai Văn Hiến chia sẻ năm 2020 với Mai Thị Ngọc Oanh – Tạp Chí Mỹ Thuật Việt Nam.  

Ông còn nổi tiếng về tranh biếm họa. Phần lớn tranh biếm họa chiến khu (từ năm 1947-1954) của ông đi vào cái rất đời thường, lột tả được những khía cạnh khá hài hước của người chiến sĩ vệ quốc, những người trước đó không lâu còn là người nông dân quê mùa chân chất, đến với kháng chiến bằng một vũ khí duy nhất là lòng yêu nước và căm thù giặc Pháp xâm lược. Còn những người lính viễn chinh Pháp trong tranh biếm họa của ông cũng khá đặc sắc. Ông nhìn nhận họ cũng là con người, người lính đánh thuê. Họ có nỗi thống khổ, có số phận riêng, phải đi đánh thuê ở tận miền nhiệt đới xa xôi ở xứ người, phải chịu cái nóng ghê gớm, cái ẩm ướt, cái hoang dã rờn rợn của vùng nhiệt đới và hơn cả là sự căm ghét của người dân bản địa.

Họa sĩ cách mạng Mai Văn Hiến - 6

MAI VĂN HIẾN – Hoa doanh trại. 1956. Sơn dầu. 80x80cm

Đặc biệt, trong khi chiến dịch Điện Biên Phủ đang diễn ra hết sức ác liệt, theo yêu cầu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là cần có một tấm huy hiệu mang tính biểu tượng của chiến dịch để cổ vũ, động viên và nâng cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân dân ta, ông cùng với hoạ sĩ Nguyễn Bích vẻ, thiết kế huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ”. Chỉ trong khuôn khổ nhỏ, chiếc huy hiệu đã chứa đựng những hình ảnh khái quát, mang đậm giá trị sâu xa. Đó là hình ảnh người chiến sĩ với chiếc mũ nan đang giương súng chiến đấu với lá cờ đỏ sao vàng in dòng “Quyết chiến Quyết thắng”, bao quanh là quang cảnh núi rừng, thể hiện địa hình chiến đấu hiểm trở của chiến trường Điện Biên Phủ.

Trên huy hiệu còn có hình ảnh các khẩu pháo lần đầu tiên xuất trận tại Điện Biên Phủ và lập nên những chiến công xuất sắc. Phía trên có dòng chữ mang tính cổ động một cách ngắn gọn nhưng khái quát “Xuân 1954” - khẳng định quyết tâm ghi dấu chiến thắng cho chiến dịch Điện Biên Phủ vào năm đó. Nền huy hiệu có biểu tượng màu vàng tượng trưng cho mùa lúa chín vàng trên cánh đồng Mường Thanh - cánh đồng lớn nhất vùng Tây Bắc và quyết tâm chiến đấu của quân dân ta nhằm đem lại mùa vàng ấm no cho đất nước khi đã sạch bong quân thù. Huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” đã được Bác Hồ trao cho những đơn vị và cá nhân lập thành tích xuất sắc trong chiến đấu để tạo nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. 

Họa sĩ cách mạng Mai Văn Hiến - 7

“Bác Hồ và chú liên lạc” sáng tác năm 1990-1991, kích thước 130x170cm, sơn dầu, họa sĩ Mai Văn Hiến ( 1923 – 2006 ), sưu tập tư nhân, Hà nội.

Trong quá trình lao động nghệ thuật, ông đã được trao tặng nhiều giải thưởng cao quý: Giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật tháng Tám năm 1946; Giải Ba Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1948, Giải Nhất Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 1955; Giải Nhì Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 1958; Giải Nhất Triển lãm Mỹ thuật về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng năm 1989: Giải Ba Triển lãm Mỹ thuật về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng năm 1999; Giải Ba giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam năm 1995; Giải Ba Triển lãm Khu vực I (Hà Nội) năm 1999; Giải thưởng Mỹ thuật hội viên cao tuổi của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Năm 2001, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt 1 cho các tác phẩm: Gặp nhau - Bột màu - 70x90cm (1954); Trước giờ ra thao trường - Sơn dầu - 70x90cm (1955); Những lời dạy bảo - Sơn dầu - 90x150cm (1958); Bướm dọc đường - Sơn dầu - 70x100cm (1984); Du kích Đông Bắc - Sơn dầu - 70x92cm (1989); Anh bộ đội Cụ Hồ với nhân dân Tây Bắc - Sơn dầu - 100x140cm (1998).

Họa sĩ cách mạng Mai Văn Hiến - 8

MAI VĂN HIẾN – Sương tan. 1992. Sơn dầu. 60x90cm. Lưu giữ tại Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội

Nhắc lại những kỷ niệm với ông, họa sĩ Trần Khánh Chương nói: “Ấn tượng của tôi đối với ông thật thú vị bởi sự bình dị, hóm hỉnh và như người ta vẫn nói, cái mắt và cái mũi như luôn cười. Sau này về công tác ở Hội Mỹ thuật Việt Nam, tôi có nhiều dịp được làm việc với ông và đến thăm ông, đó là một con người sống giản dị, yêu đời, yêu đồng nghiệp, làm việc hết mình trong các lĩnh vực hội họa và tranh biếm họa. Những ngày nằm trên giường bệnh, tôi vẫn thấy ông vẽ tranh”.

Họa sĩ cách mạng Mai Văn Hiến - 9

MAI VĂN HIẾN – Trăng non. 1980. Lụa. 70x110cm

Họa sĩ Lý Trực Dũng - người nổi tiếng về tranh biếm họa, đã viết về ông: “Ông có vóc người to cao rất Tây, nhưng giọng nói lúc nào cũng nhỏ nhẹ, từ tốn. Không nghe ai kể Mai Văn Hiến cáu bao giờ, kể cả hai cô con gái của ông. Ông rành rọt kể về những họa sĩ vẽ tranh biếm họa thời kháng chiến như Phan Kế An (Phan Kích), Nguyễn Bích, Nguyễn Địch Dũng, Giang Tô,... Còn về phần mình, ông chỉ lướt qua”.

Họa sĩ cách mạng Mai Văn Hiến - 10

MAI VĂN HIẾN – Anh bộ đội Cụ Hồ với nhân dân Tây Bắc. 1998. Sơn dầu. 100x140cm. Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh

Họa sĩ cách mạng Mai Văn Hiến - 11

Bìa sách Họa sĩ Mai Văn Hiến – Nhà xuất bản Mỹ thuật, 2020

Phục vụ nhiều năm trong quân đội, năm 1964 với quân hàm đại úy, bố tôi về công tác tại Báo Vệ Quốc quân, sau là báo Quân đội Nhân dân đến năm 1966 thì chuyển ngành sang công tác tại Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông làm việc ở Hội Mỹ thuật Việt Nam 26 năm liên đến khi nghỉ hưu năm 1988. Ông từng là Ủy viên Ban Thường vụ và là Trưởng ban đối ngoại của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông đã viết nhiều bài nghiên cứu về mỹ thuật, có một thời gian ngắn ông làm Tổng Biên tập Tạp chí Mỹ thuật. Ông còn là cộng tác viên của Nhà xuất bản Kim Đồng và đã vẽ nhiều minh họa truyện cho các cháu – thiếu nhi.

Trong thời gian công tác tại Hội Mỹ thuật Việt Nam, tuy bận các công việc hành chính nhưng luôn ông có sáng tác mới và vẫn thường xuyên có tác phẩm tham gia các cuộc triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc, triển lãm Mỹ thuật đề tài Lực lượng vũ trang và Chiến tranh cách mạng, triển lãm Mỹ thuật khu vực, triển lãm Mỹ thuật Thủ đô. Ở triển lãm nào tác phẩm của ông cũng đều được đánh giá cao và có giải thưởng của Ban Tổ chức.

Ngoài các sáng tác về tranh, một mảng quan trọng khác trong sự nghiệp của ông đó là tranh biếm họa. Vốn là người hài hước nên tranh biếm họa của ông rất dí dỏm, rất đời thường nhưng sâu sắc, được độc giả yêu thích.

Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật đợt đầu tiên năm 2001 và Huân chương Lao động hạng Nhất mà bố tôi được trao tặng đã khẳng định tài năng, sự sáng tạo và đóng góp của ông cho nền Mỹ thuật Việt Nam hiện đại. Còn riêng với chị em chúng tôi, mãi khắc ghi trong tim hình ảnh người cha hiền lành, đức độ, vui vẻ, hài hước và vô vàn kính yêu.“ Con của họa sĩ Mai Văn Hiến chia sẻ năm 2020 với Mai Thị Ngọc Oanh – Tạp Chí Mỹ Thuật Việt Nam.

Họa sĩ cách mạng Mai Văn Hiến - 12

MAI VĂN HIỂN (1923 - 2006), Thuyền trên sông Đáy, 1994, Sơn dầu trên vải, Có chữ ký và ghi ngày phía dưới bên trái, 60,5 x 50,5 cm. Nhà Đấu Giá Milon, Pháp, đấu giá tháng 6/2022 đạt giá 14.000eur.

Tranh của họa sĩ Mai Văn Hiến tại các nhà đấu giá Quốc tế cũng rất hiếm hoi, gần như là không có ngoại trừ một vài bức đã được đấu. Tại Việt nam cũng được các nhà sưu tập đánh giá rất cao về mọi mặt.

Năm 2006, do tuổi cao sức yếu lại lâm trọng bệnh, ông mất tại Hà Nội. Trong bài viết “Vĩnh biệt họa sĩ Mai Văn Hiến”, báo Công an Nhân dân viết: “Sinh ra ở tận Mỹ Tho nhưng từ hơn  60 năm nay gắn bó với Hà Nội, họa sĩ Mai Văn Hiến đã là một hình ảnh rất đẹp của làng hội họa đất Thăng Long. Bao giờ cũng vậy, khi những con người như họa sĩ Mai Văn Hiến ra đi vào cõi vĩnh hằng, họ luôn khiến chúng ta thực sự cảm thấy trên mặt đất này đã trống vắng đi cả một phần cuộc đời của mình nữa...”.

PV (Tổng hợp)

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nhiều điểm mới trong Lễ hội Hoa Phượng Đỏ Hải Phòng 2024

Nhiều điểm mới trong Lễ hội Hoa Phượng Đỏ Hải Phòng 2024

Lễ hội Hoa Phượng Đỏ của Hải Phòng 2024 được tổ chức với quy mô cấp thành phố gắn với Kỷ niệm 69 năm Ngày Giải phóng Hải Phòng (13/5/1955-13/5/2024) và đón nhận danh hiệu Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà của Uỷ ban Di sản thế giới UNESCO.

Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024: “Thăng Long – Hà Nội, Thủ đô quyến rũ”

Lễ hội Du lịch Hà Nội năm 2024: “Thăng Long – Hà Nội, Thủ đô quyến rũ”

Lễ Hội Du Lịch Hà Nội năm 2024 hứa hẹn sẽ mang tới cho du khách và nhân dân địa phương những trải nghiệm đầy màu sắc cùng nội dung phong phú, đa dạng. Với nhiều lần tổ chức thành công, Lễ hội tập trung vào khai thác những giá trị độc đáo, đặc sắc của di tích, làng nghề, ẩm thực Hà Nội và các địa phương.