Cô giáo dạy vẽ dưới những chùm hoa phượng

Có nhiều lý do để tôi yêu quý nữ họa sỹ đất Cảng này. Trước hết bởi cô là con gái một người lính thuộc thế hệ tôi đã tình nguyện lên đường những năm chống Mỹ, đã chiến đấu rất dũng cảm trên quê hương Quảng Trị của tôi. Thứ hai bởi cô là một cô giáo rất say mê dạy vẽ cho nhiều thế hệ học sinh, gieo mầm cái đẹp trong những tâm hồn thơ trẻ, trong đó có cả người con gái của cô nay đang theo học khoa đồ họa trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật TW. Và thứ ba nữa, tuy công việc chính là một cô giáo, nhưng cô cũng là một họa sỹ vẽ rất đẹp, đặc biệt là những bức tranh tĩnh vật hay phong cảnh Tây Bắc mà cô tâm sự có rất nhiều duyên nợ ...

Cô giáo dạy vẽ dưới những chùm hoa phượng - 1Cô giáo - Họa sỹ Nguyễn Thị Thùy Nga

Cô giáo - Họa sỹ này là Nguyễn thị Thùy Nga, quê hương thuộc xã Liên Khê huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Nga vẫn thường tự hào về quê hương mình, bởi xã có di tích cọc Bạch Đằng, một di tích lịch sử oai hùng của ông cha ta chống giặc ngoại xâm. Tôi hỏi cái lý làm sao mà xã Liên Khê lại được xếp là xã miền núi của huyện Thủy Nguyên, thì Nga cho hay bởi theo địa hình của Thủy Nguyên, cứ xã nào có 2/3 diện tích là đồi núi thì được gọi là xã miền núi, nên quê Nga được kể là xã miền núi....

Bố của Nga là một người lính từ mặt trận Quảng Trị về. Khó khăn vất vả. Nên dẫu tự tuổi thơ, cô bé này sớm say mê hội họa, nhưng cảnh nhà lính nghèo không có điều kiện theo đuổi. Khi học xong cấp ba, Nga xin thi vào trường Đại học văn hóa nghệ thuật ở Hà Nội, nhưng trượt. Là bởi trước ngày đi thi, đi mượn sách tham khảo mà cả xã chỉ có một cuốn hội họa để đọc. Rồi vào thi, cô bé thi sinh cũng chẳng biết que đo với dây dọi là gì , khiến các giám thị cứ cười ngất ...

Nhưng niềm say mê không làm cô gái chùn bước. Biết có trường Trung cấp VHNT của Hải phòng tuyển sinh, cô lại đi thi. Và lần này thì đỗ. Cô được theo học khoa trung cấp Mĩ thuật của trường, và khi tốt nghiệp cô xin về quê hương Thủy Nguyên đi gõ đầu trẻ  liền 7 năm ở một trường cấp hai, rồi sau đó chuyển về nội thành dạy mỹ thuật  cho các em học sinh Trường tiểu học Bạch Đằng thuộc phường Sở Dầu, Quận Hồng bàng, Thành phố Hải Phòng cho đến hôm nay.

Cô giáo dạy vẽ dưới những chùm hoa phượng - 2

Nguyễn Thị Thùy Nga tại chương trình Những phát minh diệu kỳ 2023

Ngoài giảng dạy chính khóa trong nhà trường, cô còn mở thêm các lớp hội họa bên ngoài cho các cháu nhỏ say mê hội họa, và nhiệt tình tham gia nhiều hoạt động hội họa cho tuổi thơ. Cô từng được mời tham gia  Ban giám khảo đi chấm vòng hai cuộc thi vẽ tranh” Trường học hạnh phúc” do Đài truyền hình Việt Nam, Vụ giáo dục Bộ GD- ĐT cùng một công ty tổ chức...

Nhưng dù làm công việc gì, trong hoàn cảnh nào, thì tiềm ẩn trong Thùy Nga vẫn là một người họa sỹ đam mê và sáng tạo. Cô luôn say mê và thao thức để vẽ, bằng hội họa vượt lên những  ngày tháng có những thăng trầm trong tình cảm riêng tư.

Có hai mảng đề tài Thùy Nga say mê vẽ, là tranh tĩnh vật, những bức tranh về hoa lá của nữ họa sỹ này  rất đẹp. Và đặc biệt là đề tài Tây Bắc và vùng núi cao. Như tâm sự của cô, Tây Bắc như một duyên nợ lớn với cuộc đời cô, và 15 năm nay cô luôn say mê vẽ rừng, vẽ núi, vẽ làng, bản miền núi cao. Có dịp là cô lại lên đường, hướng về miền Tây Bắc để vẽ.

Như đầu xuân năm nay, cùng với 15 họa sỹ là  những họa sỹ Hội viên Hội Mỹ thuật đất Cảng( Đặng Tiến, Viết Thắng, Bùi Duy Khánh, Lê Văn Lương, Đô Thành, Nguyễn thị Thùy Nga...) họ đã tự bỏ tiền túi để lên với gió núi mây ngàn biên cương Hà Giang. Với 5 ngày 5 đêm nơi vùng biên cương, những núi và non, làng và bản, đất và người.. đã tạo nên  những rung đông lớn cho những người họa sỹ đất Cảng, và hơn 30 bức tranh đã hoàn thành để ra mắt trong những ngày Hoa phượng đỏ của  thành phố Cảng vừa qua.Cô giáo dạy vẽ dưới những chùm hoa phượng - 3

Thùy Nga say mê vẽ tranh tĩnh vật và đề tài Tây Bắc

Ghi nhân chung của người thưởng ngoạn Triển lãm” sắc biên cương” của chuyến đi này là “. Các tác phẩm có ý tưởng nghệ thuật và nội dung biểu đạt phong phú, phác họa một cách sinh động về đất và người trên vùng Cao nguyên đá gắn với mùa xuân, gắn với cuộc sống đổi mới của người dân nơi đây. Nhiều tác phẩm được người yêu mỹ thuật trong và ngoài nước đánh giá cao.”

Cũng theo tâm sự của các họa sỹ có tranh trong triển lãm như Nguyễn Thị Thùy Nga, thì:” Đây là cơ hội để các họa sỹ của Hải Phòng được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và trải nghiệm, khám phá vùng đất, phong cảnh, bản sắc văn hoá các dân tộc tại tỉnh Hà Giang. Cũng là dịp để các họa sỹ sáng tác nhiều tác phẩm chất lượng, góp phần khẳng định vị thế hội họa Hải Phòng với bạn bè trong nước và quốc tế”. Chính với những tác phẩm hội họa này, suốt 15 năm qua, tên tuổi Nguyễn Thị Thùy Nga đã được giới thiệu trân trọng trong bộ sách” Nữ nghệ sỹ tạo hình Việt Nam hiện đại” của Hội Mỹ thuật Việt Nam.

 Hoa phượng đó tại rợp trời thành phố Cảng.” Dưới màu hoa như lửa cháy khát khao”. Cô giáo mỹ thuật Nguyễn Thị Thùy Nga, cũng là một họa sỹ xuất sắc của đất Cảng lại nhen nhóm lên những lớp học sắc màu cho tuổi thơ nơi đất Cảng.Và dưới những chùm hoa phượng đỏ, những mái đầu xanh lại bên nhau say mê nghe cô giáo giảng bài và tay cầm cọ theo hướng dẫn cô giáo vẽ nên những bức tranh ngộ nghĩnh và tuyệt vời của tuổi thơ...

Cô giáo dạy vẽ dưới những chùm hoa phượng - 4

Thùy Nga cùng các đồng nghiệp, bạn bè tại triển lãm “Sắc biên cương”

Cô giáo dạy vẽ dưới những chùm hoa phượng - 5

Bìa sách “Nữ nghệ sỹ tạo hình Việt Nam hiện đại”

“Xuân biên cương” & Thành phố hoa phượng đỏ

Triệu Phong

Tin liên quan

Tin mới nhất