Tranh Phan Minh Châu: những bản rock ballad màu

“Nếu Van Gogh từng mong hội họa của ông nói được điều gì đó có khả năng an ủi giống như âm nhạc thì có lẽ tranh vẽ của Phan Minh Châu cũng đơn giản chỉ là mong muốn sẻ chia vui buồn nhân thế tựa những khúc hát mình ngân nga thuở nào”.

Tranh Phan Minh Châu: những bản rock ballad màu - 1

Họa sĩ Phan Minh Châu những năm còn là giọng ca nổi bật Hà Thành

Phan Minh Châu trong làng họa, trước đây hẳn còn là cái tên chưa mang nhiều dấu ấn. Bởi công chúng đã quen với hình ảnh một giọng ca nữ nổi bật Hà Thành những năm 80, khi phong trào ca hát trong giới sinh viên đương thời còn sôi nổi. 

Thuở ấy, bao tâm hồn yêu nhạc từng say đắm trước một Minh Châu hát Mimosa trĩu nặng ưu tư. Chị yêu rock ballad, yêu rock opera. Và trước cơ duyên ngỡ ngàng, âm nhạc cùng khí chất phóng khoáng ấy đã theo Phan Minh Châu hòa vào hội họa.

“Trong một dịp tình cờ, khi tôi và đồng nghiệp ở Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô cùng tham gia chuẩn bị cho cuộc triển lãm tranh thiếu nhi tổ chức vào ngày mùng 1 tháng 6 năm 2004. Chính những nét vẽ hồn nhiên, trong sáng đã đánh thức thế giới màu sắc và đường nét bên trong tôi”, họa sĩ Phan Minh Châu chia sẻ.

Thuở chớm bén duyên với hội họa, Phan Minh Châu chỉ vẽ cầu Long Biên, và vẫn “vẽ mãi không chán”. Những bức tranh nhiều thước vuông, vẽ bằng sơn dầu và acrylic trên toan, với hình cây cầu “như chính nó đang bước chập choạng mà liều lĩnh để vượt qua sông”. Phan Minh Châu yêu cầu Long Biên đến mức ngay cả trong những bức tranh vẽ về chủ đề khác, bạn bè và đồng nghiệp vẫn nhận ra thấp thoáng hình ảnh của cây cầu lịch sử ấy.

Tranh Phan Minh Châu: những bản rock ballad màu - 2

hông gian triển lãm “Phan Minh Châu Rock Ballad màu” 

“Người đàn bà vẽ này hình như khao khát một cuộc sang sông, hãy cứ sang đã, bên kia có gì không cần biết. Trước tấm toan trắng, những nhát bút đầu tiên chỉ là để dò tìm “một mạch giao thông” nào đó, như lời người vẽ bộc bạch. Chỉ người có liên lạc tự nhiên bẩm sinh với hội họa mới nói được như vậy. Cái “mạch giao thông” là minh chứng cho khao khát về một cuộc viễn du của người vẽ này, nhưng không chỉ là một cuộc sang sông ở buổi đầu cầm bút vẽ”, họa sĩ Trịnh Lữ cảm nhận.

Trong tranh Phan Minh Châu, người ta thấy thêm những luồng cảm hứng bất tận: hoa sen, thiên nhiên và âm nhạc. Đúng hơn, chúng hòa quyện vào nhau không tách rời. Dù theo đuổi các chủ đề này qua nhiều năm, nhưng trước hành trình đi tìm bản ngã trong sáng tạo nghệ thuật, nét vẽ Phan Minh Châu cũng dần có sự chuyển biến. 

“Một cách tự nhiên như thế, không còn cầu, không còn cây, hoa… chỉ là những tính cách, trạng thái, những đường nét, những giai điệu hay hòa thanh trầm bổng nó cứ quấn quýt trong người mình”, nữ họa sĩ bộc bạch.

Trong khoảng 2008-2012, tranh Phan Minh Châu góp mặt tại một vài triển lãm nhưng chưa tạo được tiếng vang nhất định. Bẵng đi ngót chục năm, công chúng yêu hội họa ngỡ ngàng khi gặp lại một Phan Minh Châu – người vẽ tràn đầy năng lượng qua loạt tranh phá cách “Rock ballad màu”. Đây cũng là triển lãm cá nhân đầu tiên của nữ họa sĩ được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, giới thiệu 28 tác phẩm cho thấy sự chuyển biến trong cách vẽ qua thời gian.

Tranh Phan Minh Châu: những bản rock ballad màu - 3

Tác phẩm Cầu Long Biên – Cầu Vồng (2021)

Ngắm tranh Phan Minh Châu, ta như thấy những bản rock ballad đầy màu đang nhảy múa trên toan. Chị pha màu bằng cách chồng các màu đối chọi lên nhau, trên bề mặt tranh có nhiều tầng lớp màu. Hôm trước bức tranh nhiều màu rực rỡ, hôm sau chìm xuống trong màu nâu, xanh đôi chỗ lóe lên hồng, vàng. Và ngược lại, có bức màu ghi xanh trầm buồn, hôm sau đã lại thấy ửng lên trong sắc cam nâu.

“Những bản rock-ballad-màu trên toan của Minh Châu hấp dẫn khách mộ điệu bởi tổng phổ dã thú được phối trí khá “phiêu”, rất nhiều “hợp âm” phóng túng, bạo liệt mà vẫn ẩn chứa nhiều tiết điệu dịu dàng. Tình người vẽ qua nét cọ biểu cảm mặc nhiên truyền tới người xem rung động chân thành, để rồi hòa quyện cùng thế giới phi-biểu-hình của người nghệ sĩ lúc nào không hay”, nhà phê bình Phạm Long nhận định.

Từ những bức vẽ thời kỳ đầu cho đến những bức vẽ gần đây, nét vẽ Phan Minh Châu đang dần tối giản, các hình hài trong tranh đang dần biến mất. Nhưng cách vẽ vẫn như buổi đầu, vẫn cứ tìm một “mạch giao thông” theo cảm hứng khôn cưỡng. Và dù qua bao chuyển biến, thì âm nhạc – nguồn cảm hứng say mê vẫn theo người nghệ sĩ hát rock năm nào hòa vào hội họa. Mà theo Trịnh Lữ cảm nhận, tranh Phan Minh Châu như “một khúc ca có nhạc đệm đa thanh đúng như thôi thúc của mình”.

Họa sĩ Phan Minh Châu sinh năm 1962, từng là giọng ca nữ nổi bật Hà thành những năm 1980. Chị đã đoạt một số giải ca hát phong trào từ những năm còn là sinh viên Trường ĐH Tổng hợp, tạo ra ấn tượng đặc biệt với ca khúc Mimosa của nhạc sĩ Trần Kiết Tường. Phan Minh Châu bắt đầu vẽ từ năm 2004 dưới sự hướng dẫn của thầy Thẩm Đức Tụ. Họa sĩ yêu thích nhạc rock ballad, rock opera và điều này giúp lý giải vì sao trong các tác phẩm của Phan Minh Châu luôn có sự hòa quyện của âm nhạc và khí chất phóng khoáng, mạnh mẽ tận cùng. Chị cũng từng tham gia một số triển lãm nhóm như: triển lãm giao lưu mỹ thuật ba miền ở Bảo tàng TP.HCM 2011, triển lãm Một hướng mới - triển lãm các nữ họa sĩ quốc tế Her presence in colors tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM 2012.

Từ 16-22/5, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, số 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội diễn ra triển lãm cá nhân lần đầu tiên của nữ hoạ sĩ PhNPhan Minh Châu. Triển lãm giới thiệu 28 tác phẩm cho thấy sự chuyển biến trong cách vẽ của nữ hoạ sỹ qua thời gian, kể từ năm đầu tiên thực hành hội hoạ (2004) cho đến nay.

PHẠM HẰNG

None

Tin liên quan

Tin mới nhất

Phát động cuộc thi viết

Phát động cuộc thi viết "Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô: Ký ức tự hào”

Báo Hà Nội mới vừa tổ chức lễ phát động viết kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô “Ký ức tự hào”. Cuộc thi hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 – 10/10/2024) và 67 năm ngày Báo Hà Nội mới xuất bản số hằng ngày đầu tiên (24/10/1957 - 24/10/2024). Cuộc thi nhằm tuyên truyền sâu rộng về tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử của ngày Giải phóng Thủ đô, truyền thống