Thang Trần Phềnh: Một "ông Trời" của hội họa bị lãng quên

Ở buổi bình minh của mỹ thuật hiện đại Việt Nam, Thang Trần Phềnh từng là “một tay vẽ giỏi ở Hà Nội”, từng được Tô Ngọc Vân mệnh danh là “ông Trời”* của hội họa, với thứ nghệ thuật "cốt ở sự khéo tay, quen tay, cái tài là bịa những màu xanh đỏ bôi lên hình thể đã chép theo đúng những bức ảnh, không cần đến sự rung cảm của nghệ sĩ". Nhưng tranh Thang Trần Phềnh còn lại ở nước ta thì quả thật hiếm hoi, bởi nhiều tác phẩm từ rất sớm đã viễn du nơi xứ người, phần nhiều "một đi không trở lại"...

Theo hồi ký ông Thang Trần Phềnh viết năm 1967, có cắt nghĩa về cái tên Thang Trần Phềnh khá “lạ” của mình: “Trần Phềnh tức Trần Văn Bình tự Đạt Siêu, sinh năm 1895, bố đẻ là Thang Thọ Ký người lai Trung Quốc, mẹ là Lê Thị Ngát người Việt Nam. Ông cụ thân sinh tuy là lai nhưng có phần Việt Nam hơn. Cụ sùng tín Phật Thánh, lập điện tại gia thờ phụng quanh năm, tụng kinh lễ bái hơn một nhà sư đắc đạo. Thang là họ bố, Trần là họ Thánh. Cụ tin tưởng bán khoán cho nhà Thánh, lấy họ Thánh để bảo đảm cho con trai được sống lâu. Thang Trần Phềnh là cả họ bố cả họ Thánh. Trần là ta, Phềnh là Trung Quốc, tức là cả Ta cả Trung”. Tuy là người gốc Hoa, song thuở sinh thời, tâm hồn, tâm tính, khí chất ông lại mang đậm một vẻ Việt Nam.

Thang Trần Phềnh: Một "ông Trời" của hội họa bị lãng quên - 1

Họa sĩ Thang Trần Phềnh (1895 - 1972)

Thang Trần Phềnh năm 15 tuổi đã vẽ bức tranh đầu tiên trong đời - một bức tranh thuốc nước mang tên Chùa Trấn Quốc trong buổi hoàng hôn, được bày ở Đấu xảo Mỹ thuật do Pháp năm nào cũng mở vào cuối năm. Ngày khai mạc bức tranh bán được ngay, “người mua được là ông Georges Bois, hỏi đến tận nhà đặt mua thêm hai bức nữa, yêu cầu vẽ đúng như bức ở Đấu xảo, khi bế mạc lấy về làm mẫu”. Các bức tranh của Thang Trần Phềnh ở thời kỳ mỹ thuật cận hiện đại (trước 1925) còn đến ngày nay hầu hết cũng đều là tranh thuốc nước.

Từng là “một tay vẽ giỏi ở Hà Nội”, từng được Tô Ngọc Vân mệnh danh là “ông Trời” của hội họa nhưng Thang Trần Phềnh đi thi lại không trúng tuyển vào khóa đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Sau này, nhà nghiên cứu nghệ thuật Ngô Kim Khôi (cháu ngoại họa sĩ Nam Sơn - người cùng thời với Thang Trần Phềnh) lí giải “có lẽ vì cách nhìn mỹ thuật của ông khác với cách nhìn hàn lâm của người Pháp lúc bấy giờ”. Dẫu vậy thì với khiếu hội họa bẩm sinh, ông thi đậu vào khóa thứ 2 và cùng học với Tô Ngọc Vân, Vũ Cao Đàm, An Sơn Đỗ Đức Thuận…

Thang Trần Phềnh: Một "ông Trời" của hội họa bị lãng quên - 2

Thang Trần Phềnh ở hàng đứng thứ nhất, thứ 4 từ phải sang.

Ở thời kỳ khởi động của nền mỹ thuật Việt Nam để chuẩn bị cho bước chuyển từ truyền thống sang hiện đại chỉ có ba họa sĩ: Lê Văn Miến, Thang Trần Phềnh và Nguyễn Nam Sơn. Họ chính là những người đầu tiên của một sơ kỳ hội họa trước khi hình thành và phát triển một nền hội họa có tác giả, mang tính chất quốc gia đầu tiên ở nước ta. Thang Trần Phềnh cũng được coi là họa sĩ đầu tiên vẽ tranh bằng chất liệu sơn dầu châu Âu, và sớm giành được sự công nhận rộng rãi, thậm chí là sự công nhận của cả giới trí thức, giới tinh hoa đương thời.

Cuộc đời hoạt động nghệ thuật của ông luôn song hành giữa hai mảng trên cùng một lĩnh vực mỹ thuật. Một là, hội họa – sáng tác vẽ tranh. Hai là, sân khấu – thiết kế trang trí bối cảnh vở diễn. Riêng với sân khấu, ông không chỉ là người họa sĩ mỹ thuật, có thời gian dài còn kiêm cả tác giả, đạo diễn, nhà tổ chức quản lý, luôn tận tụy, dồn cả tâm lực và trí tuệ để sáng tạo cho phong cách thẩm mỹ của dân tộc.

Tương truyền, có một thời, khán giả rất thích tới nhà hát sớm hơn giờ khai diễn để thưởng thức vẻ đẹp của những phông cảnh trang trí do ông Trần Phềnh vẽ. Ông cũng được coi là người đặt viên gạch đầu tiên, mở màn đưa hội họa vào trang trí sân khấu ở miền Bắc, giai đoạn cận hiện đại của Việt Nam.

Thang Trần Phềnh: Một "ông Trời" của hội họa bị lãng quên - 3

Bức tranh có tên gọi "Xem bói" của Thang Trần Phềnh. Đây là bức duy nhất trong chùm tranh "Sinh hoạt Việt Nam xưa" được đặt tên. Bức xem bói trông như dạng phác thảo giống bức này từng được triển lãm tại Rome năm 1931.

Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, Thang Trần Phềnh mặc nhiên là một họa sĩ có bằng cấp, nhưng trên thực tế, ông vẫn chủ yếu vẽ tranh và thực hành trang trí sân khấu theo trực giác và một tính tự chủ hiếm có. Ngay trong hồi ký Thang Trần Phềnh viết, đoạn kể về cuộc gặp gỡ đầu tiên với ông Tardieu – người sáng lập trường mỹ thuật Đông Dương có chi tiết “…ông Tardieu ngạc nhiên phải thốt lên một câu, xin phép nhắc lại nguyên văn: “Tôi lấy làm lạ quá, một họa sĩ Việt Nam vẽ mà không nhìn vào đâu cả”. Sau này, ông Tardieu cũng là người ngỏ ý mời Thang Trần Phềnh về dạy vẽ ở Cao Miên, song ông từ chối vì khi ấy đương ấp ủ giấc mơ “thành lập ra một đoàn hát “đồng ấu”.

Năm 1931, ông tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật rồi cùng năm anh em toàn là văn nghệ sĩ cũng ưa thích văn chương nghệ thuật, cùng nhau bỏ vốn mỗi cổ phần 300 đồng tìm đào kép lập ra gánh hát đặt tên là Nhật - Trương - Đình. Sau đó đem đi biểu diễn được vài ba nơi, "vì mới vì lạ, tiền thu cũng được khá để đủ chi phí ăn tiêu cho bõ lúc xoay xở mãi mới có tiền chung vốn. Của chung không ai xót, cứ ăn cứ tiêu đến khi cần tiền để phát triển nghệ thuật không ai chịu bỏ thêm vốn, rồi người giữ đạo cụ, phông cảnh, kẻ giữ quần áo mũ mãng không chia nhau, không trả cho nhau rồi đi đến thưa kiện nhau… thế là thất bại tan rã, mất cả".

Gánh hát Nhật – Trương – Đình tan rã, ông Trần Phềnh rút ra được kinh nghiệm, lại thành lập ra một đoàn hát “đồng ấu” không dùng người nhớn, hơn nữa không lấy người đã biết hát và đã ra sân khấu. "Đang làm công việc thì Giám đốc Trường Mỹ thuật (ông Tardieu) đến nói chuyện bổ đi dạy vẽ ở Cao Miên. Tất nhiên phải từ chối ngay và giãi bày lý do trước mắt". Về sau lúc đoàn ca kịch Đồng ấu của Thang Trần Phềnh diễn ở Hải Phòng, ông Tardieu xuống tận nơi ngồi xem hết buổi rồi nói: "Đời sống có thể đảm bảo hơn người về sẵn có khả năng nghệ thuật".

Thang Trần Phềnh: Một "ông Trời" của hội họa bị lãng quên - 4

Tranh vẽ "Phạm Ngũ Lão" của ông Thang Trần Phềnh, hiện trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Sau này, so với những họa sĩ cùng thời như Tô Ngọc Vân, Vũ Cao Đàm… Thang Trần Phềnh gần như bị người đời lãng quên, dù ông đã sống một cuộc đời thăng hoa với mỹ thuật. Tác phẩm ông để lại không nhiều, một phần vì dường như ông chỉ vẽ tranh trong những khoảng thời gian không bận việc với sân khấu, phần vì nhiều tác phẩm từ sớm đã viễn du nơi xứ người: “Tụi Mỹ ở nhà Dầu ở Cầu Đất, tụi Đức Louis Oqliastro ở Hàng Trống hàng năm đến mua tranh để mang về nước. Anh Koch ở Sở Đốc lý đại diện cho Thành phố Hà Nội mua tranh để mang đấu xảo ở Mạc - xây (Marseille)”.

Ngoài vài chục bức tranh thuốc nước, lụa, sơn dầu hiện được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, có bức tranh sơn dầu khổ lớn mà ông vẽ phong cảnh nông thôn vùng trung du Bắc Bộ - được cho là “của hiếm” còn sót lại đến ngày nay. Bức tranh vẽ vào năm 1931, được treo trưng bày nhiều năm tại rạp Quảng Lạc, phố Đào Duy Từ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Ban đầu, bức tranh thuộc sở hữu của ông Trần Hữu Phước - cán bộ lão thành cách mạng tập kết ra miền Bắc và công tác tại Thủ đô Hà Nội, sau chuyển vào sinh sống tại TP.HCM. Ngoài bức tranh sơn dầu, ông Phước còn sở hữu hai tranh thuốc nước phong cảnh do Thang Trần Phềnh vẽ từ năm 1919. Sau này, cả ba bức tranh đều tặng lại nhà sưu tập nghệ thuật Lê Quang Tuyến ở Hà Nội. 

Thang Trần Phềnh: Một "ông Trời" của hội họa bị lãng quên - 5

Cháu nội họa sĩ Thang Trần Phềnh - ông Thang Đức Thắng (nguyên Tổng biên tập báo VnExpress) bên bức tranh "Phong cảnh nông thôn vùng trung du Bắc Bộ" do ông nội vẽ.

Về các bức tranh của Thang Trần Phềnh,  nhà nghiên cứu mỹ thuật sân khấu, phó giáo sư, hoạ sĩ Đoàn Thị Tình bình phẩm, những tác phẩm của ông đa phần không hoành tráng to lớn về hình thức kích cỡ, màu sắc không rực rỡ choáng ngợp. Nhưng nội dung hàm chứa sâu rộng về cả không gian và thời gian. Với những gam màu trầm ấm, lặng lẽ mà nhẹ nhàng tươi sáng, gợi mỹ cảm bởi nét duyên dáng, tỉ mỉ, chân thực, càng xem càng thu hút, gần gũi, mang lại những rung động về cảm xúc chất hồn quê, sắc tộc Việt Nam.

Hay một ký giả tên Thương Chi thời ấy đã viết: “… Tuy còn có chỗ vụng về, còn có điều sơ suất, nhưng toàn thể đã khả quan lắm, và thứ nhất là nên khen họa giả đã có cái ý tốt chọn tích vẽ ở trong Nam sử”.

Vượt lên nhiều cung bậc thụ cảm về cái đẹp qua những tác phẩm của ông thì có một khúc nhịp thẳm sâu nhất đi vào con tim. Đó là sự hài hòa của màu sắc: trời mây sông nước, cảnh vật và con người tương hợp cùng nhập vào thế giới kỳ diệu của sắc màu mang một vẻ đẹp thuần Việt. Có thể định danh gọi ông là “người họa sĩ tả chân tài hoa”, mang dấu ấn rất riêng của Thang Trần Phềnh, ít gặp trong dòng chảy của hội họa Việt Nam ở thời điểm đó.

(*) Tô Ngọc Vân - "Bước đầu của hội họa Việt Nam hiện đại". Tập san Xuân Thu nhã tập, 1942.

Tới đây, hồi ký cùng hơn 70 bức tranh của Thang Trần Phềnh sẽ được giới thiệu qua cuốn sách “Thang Trần Phềnh – Hồi ký và Tác phẩm” do Lê Quang Tuyến sưu tầm và tập hợp.

Thang Trần Phềnh: Một "ông Trời" của hội họa bị lãng quên - 6

Buổi ra mắt sách và triển lãm “Thang Trần Phềnh – Hồi ký và Tác phẩm” sẽ khai mạc vào 17 giờ ngày 24/8 và kéo dài đến hết ngày 30/8 tại Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam, số 42 Yết Kiêu, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Vĩ Thanh

Tin liên quan

Tin mới nhất

Bài ca thống nhất

Bài ca thống nhất

Trong quá khứ, đấu tranh thống nhất nước nhà đã từng là đề tài lớn của nền văn nghệ nước ta một thời khiến trái tim giới văn nghệ sĩ có nhiều tư duy, trăn trở. Bao bài thơ, bài hát, tập truyện, vở kịch, bộ phim đã in đậm dấu ấn giai đoạn này.