Một làng xã Việt Nam trong ảnh Trần Tuấn

(Arttimes) - Tác phẩm được giải A xuất sắc năm 2021 của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, công bố đầu năm 2022.

Một làng xã Việt Nam trong ảnh Trần Tuấn - 1
Trần Tuấn

1. Bàn chân Giao Chỉ và lá thư người lính

Mở đầu cuốn sách Ảnh kể chuyện làng của Trần Tuấn là tấm ảnh Chân người Giao chỉ của làng, và ảnh Bức thư kỷ vật của mẹ. Hai ảnh này gây ấn tượng khiến tôi chăm chú, xem đi, xem lại, rồi bị cuốn hút tới trang cuối cùng.

Đấy là cụ Vạn, cụ già cuối cùng trong làng có bàn chân vàng của người Giao chỉ, người Việt cổ xưa. Và đấy cũng là điểm xuất phát ý tưởng xuyên suốt cuốn sách.

Một làng xã Việt Nam trong ảnh Trần Tuấn - 2

Ý tưởng cội nguồn dân tộc đan quện với ý tưởng chấp nhận hy sinh cho độc lập tự do trong ảnh Bức thư kỷ vật của mẹ (Mẹ Đào Thị Kê, bà Mẹ Việt Nam Anh hùng của làng) làm ta bồi hồi.

Tình cảm của người mẹ với đứa con chết trận, nó làm rõ thêm sức mạnh phi thường của làng xã Việt Nam. Đã có một sử gia nghiên cứu về làng xã của ta viết: Làng xã là đơn vị cuối cùng nhỏ nhất trong thang bậc hành chính, ai nắm được các làng xã, thì người ấy nắm được cả giang sơn. Ở đây chúng ta không bàn về sự cai trị đất nước, nhưng câu nói này gợi mở cho ta một cái nhìn về sự cố kết xã hội ở nông thôn Việt Nam. Để từ đó ngẫm về người làng Viên Luận sống như thế nào, nghĩ như thế nào, mà nhà nhiếp ảnh Trần Tuấn đã nhìn nhận ra sao, và phản ánh nó ra sao.

Về mẹ Đào Thị Kê, Trần Tuấn kể: “Bức thư được mẹ để trên bàn thờ cùng tấm bằng Tổ quốc ghi công. Lần ốm gần đây, mẹ đòi lấy bức thư cho mẹ xem. Mẹ chỉ nhìn và xoa xoa mặt bức thư rồi dặn cất lên bàn thờ. Lần cuối cùng, mẹ đòi đọc cho mẹ nghe, mẹ nhắm mắt đợi. Đọc xong bức thư tôi hỏi mẹ, có cần đọc nữa không ạ? Không thấy tiếng trả lời, tôi vội nhìm xuống lay gọi, thì mẹ đã đã tắt thở từ lúc nào rồi”. Lời anh Cường cháu ngoại bà c(Ảnh kể chuyện làng, trang 5).

Một làng xã Việt Nam trong ảnh Trần Tuấn - 3

Ảnh cho thấy, khoảng chục bàn tay làm đồng áng với những ngón tay đen đúa ken kín mép lá thư hình chữ nhật, thư còn rõ nét chữ của đứa con đang vượt Trường Sơn vào Nam chiến đấu. Những bàn tay mà Trần Tuấn nhờ căng lá thư ra để phẳng phiu chụp cho nét, không ngờ nó trở thành hình tượng dân làng nâng niu báu vật thiêng liêng. Mẹ mất đi, bức thư ấy không còn là của riêng mẹ nữa, nó là kỷ vật của làng rồi. Nó là thông điệp của mọi gia đình có chồng con, anh em hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Lời thư có đoạn: “Cũng chỉ vì quân cướp Mỹ mà nó làm cho cảnh gia đình ta thương nhớ. Nhưng thầy mẹ cũng hết sức yên tâm, vì cả nước có chiến tranh, mọi người đều như vậy, thì bản thân con sao mà dừng bước được...”

Hai bức ảnh khai mào cuốn sách thật độc đáo, nó như mở ra những câu chuyện đặc sắc đượm chất nhân văn và tâm linh về làng Viên Luận bên con sông Phó Đáy thuộc xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc.  

 

Không phải đợi lâu, ngay trang sau, tác giả cho thấy hình ảnh  mẹ Trần Thị Hiên lấy vạt tay áo lau nước mắt trước bàn thờ con trai; và mẹ Việt Nam Anh hùng Lê Thị Cứ với nét mặt kiên nghị nén đau thương. Chỗ bấu víu cuối đời của người mẹ già này là chiếc gậy nhẵn bóng trong tay mà mẹ đang vịn. Hai ảnh này nằm trong cụm ảnh các bà mẹ Việt Nam Anh hùng của làng.

Một làng xã Việt Nam trong ảnh Trần Tuấn - 4

Kế tiếp là các câu chuyện khác nối nhau đến cuối sách. Gần như mỗi ảnh  là một chuyện đời thường của làng trong vòng 30 năm từ cuối  thập niên 80 thế kỷ trước cho tới ngày nay. Xem ra, đây là một làng khá điển hình của nông thôn miền Bắc Việt Nam. Và đây cũng là một giá trị cốt lõi của tác phẩm.

2. Hồi niệm xưa và  Sức sống ngày nay

Cũng lâu rồi, tôi mới gặp được một cuốn sách ảnh có nội dung khá sâu đậm về nông thôn việt Nam. Đề tài này rộng và thú vị, mỗi nguời khai thác một vẻ. Có tác giả đi vào sự đổi mới của một vùng quê. Có tác giả đi vào truyền thống  cách mạng, truyền thống văn hóa của một huyện, một tỉnh. Có tác giả giới thiệu vẻ giầu đẹp của thiên nhiên và con người ở một địa phương v.v... Còn Trần Tuấn đi vào một làng. Nhiều cuốn sách khổ to, đồ sộ, in giấy dày, trình bày đẹp, trông rất sướng mắt. Số lượng sách ảnh của ta mỗi ngày một nhiều thêm, mỗi ngày một đẹp thêm.  Ảnh kể chuyện làng là một cuốn sách chững chạc đứng trong hàng ngũ đó.

 

Sách kể lại chuyện các bà mẹ Việt Nam Anh hùng, chuyện bà ngoại tác giả cởi trần suốt năm, trừ mùa đông, chuyện cụ Nhang khóc vợ.  Cụ là người tử tế, biết về lý số, sẵn lòng giúp dân làng  xem ngày động thổ làm nhà, ngày hiếu, ngày hỷ... Cụ ăn ở đầy đặn, đông con nhiều cháu.

Một làng xã Việt Nam trong ảnh Trần Tuấn - 5

Chuyên vợ chồng nhà anh Hợi xay lúa bằng cái cối xay tre nèn đất, chuyện cái cối giã gao đạp chân của cụ Nương, chuyện làm ngói, phơi ngói của làng, chuyện làng bị ngập lụt và chống lụt. Chuyện người thương binh xem ti vi ngày lễ Độc lập có Bác Hồ trên màn hình. Chuyện Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm làng, chuyện bà đi ăn cỗ đầy tháng con mẹ Hiền, chuyn cuộc sống của ông cháu người xóm Chài v.v...

Một làng xã Việt Nam trong ảnh Trần Tuấn - 6

Chuyện làm giỗ tết gia đình, cỗ mừng nhà mới, cỗ việc làng, đình đám, lễ hội v.v... Rồi cả chuyện lên thăm nhà ông chú trên Tuyên Quang gặp ba đứa trẻ bơ vơ cùng con chó ngồi ngoài ngõ, chiều chiều ngóng mẹ về, mà mẹ của chúng mới mất chưa được 49 ngày. Hình như chúng cũng ngóng bố, vì bố của chúng bị đi tù, năm sau mới về! v.v... Chỉ im lặng ba đứa trẻ tóc tai bù xù với một con chó nằm dài dưới bóng nắng vàng yếu ớt hắt lại, cũng đủ toát ra nỗi cô quạnh không nơi nương tựa của chúng. Câu chuyện nhỏ đã gợi lên lòng trắc ẩn của mỗi chúng ta.

Một làng xã Việt Nam trong ảnh Trần Tuấn - 7

 

Cơ man nào là chuyện người thật, việc thật, gần như mỗi ảnh là một câu chuyện, một cảnh đời sướng khổ, chìm nổi trong làng. Có thể coi ảnh Bàn chân người Giao chỉ, Bà tôi người cởi trần của làng với ảnh Bà Nho phơi mốc tương, Bóng nắng của bà trước sân nhà, và loạt ảnh bà mẹ Việt Nam Anh hùng, cùng với những ảnh người nông dân làm việc với nông cụ thời xưa còn sót lại là những ảnh hoài niệm. Đến hôm nay, những hình ảnh ấy không tìm đâu ra nữa, thì ta mới thấy mục đích lưu giữ thời gian bằng ảnh của tác giả rất có  ý nghĩa.

Một làng xã Việt Nam trong ảnh Trần Tuấn - 8
Bà Nho phơi mốc tương

Ngay cái cảnh “rất đời thường”, “rất thời sự” ăn trực, nằm chờ ở bệnh viện tỉnh, thành phố để trông nom người nhà điều trị cũng có trong ống kính của anh. Cả con số 257 liệt sĩ xã Đồng Ích cũng được ghi trong trí nhớ của người thợ xây tu bổ đài liệt sĩ. Chuyện xưa, chuyện nay, chuyện sống, chuyện chết của làng xã đều được ống kính Trần Tuấn hướng tới. Hôm nay nó là chuyện thường, mai kia lại là dấu ấn của một thời. Ô, khéo thay, cái anh ca sĩ này, đi đâu cũng mang máy ảnh theo y như nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp, hễ thấy cái gì ngồ ngộ, chuyện gì hay hay là chụp liền, bỏ túi.

Một làng xã Việt Nam trong ảnh Trần Tuấn - 9

3. Nghề ca kịch, nghiệp nhiếp ảnh

Trần Tuấn có cái duyên khi tìm ra mạch đề tài này, có cái giọng điệu mộc mạc trong ảnh và trong lời kể chuyện, có nét hồn nhiên trong từng khoảnh khắc, có điểm nhấn trong kết cấu từng phần. Tuấn không phải là người được học bài bản về nhiếp ảnh và hội họa, không phải là người được cọ sát nhiều trong môi trường làm sách, báo. Anh là người làm công tác văn hóa, nghiêng về ca kịch và hội hè. Vậy mà cách tư duy hình ảnh, cách quan sát con người và cuộc sống xã hội trong anh rất nhy bén, rất “chất ảnh”. Có lẽ say mê gì, thì  trời cho  duyên phận đó.

Một làng xã Việt Nam trong ảnh Trần Tuấn - 10
Đám trẻ con làng

Phần ảnh đen trắng được anh chụp trong độ tuổi trên dưới 30 vào những năm 80, 90 của thế kỷ trước, cái tuổi mà các ca sĩ, diễn viên đang thăng hoa tỏa sáng trên sân khấu, mấy ai vác máy ảnh đi cóp nhặt các gương mặt cuộc đời. Thế mà Trần Tuấn lại đam mê công việc của một nhà nhiếp ảnh thực thụ. Chính  niềm đam mê hồn nhiên đó đã dẫn anh tới thành công trong lĩnh vực nhiếp ảnh. Đam mê đến mức mấy năm gần đây xạ trị trọc đầu cũng không bỏ ảnh, đó là cái nghiệp của anh. Và có lẽ cái duyên nghiệp đó đã mang lại sức mạnh cho Tuấn chiến thắng bệnh tật.

Xem xong cuốn sách của Tuấn do Hội gửi tới để xét giải, tôi thực sự muốn mua một cuốn, nhưng không thấy bầy bán ở Hà Nội. Tôi gọi điện cho Tuấn, hỏi về chuyện phát hành. Tuấn bảo: Em in ít làm kỷ niệm cuộc đời thôi. Tôi rất hiểu, báo in, sách in đang bị thu hẹp bởi sự bủa vây của báo mạng và truyền hình, nhưng thật đáng tiếc, nếu ai không xem cuốn sách này của Trần Tuấn. Cuốn sách có gì đó hấp dẫn chúng ta. Đúng là nó hấp dẫn, và trên cả hấp dẫn. Vì nó có sức sống chân thật khá điển hình của một làng quê Việt Nam,  nó có sức chinh phục đương nhiên của ảnh tài liệu nghệ thuật mà Trần Tuấn đã vươn tới.

Trong lời giới thiệu anh viết: “Tôi chụp ảnh là để tâm sự cảm xúc của mình về cuộc đời. Vì là người hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, nên tôi chỉ có thể nói: Chụp ảnh là một thú chơi hướng tới cái đẹp và lưu giữ thời gian” (Ảnh kể chuyện làng, trang 4). Tuấn khiêm tốn quá! Những tấm ảnh này, những câu chuyện nặng tình nhân ái này đâu chỉ là “một thú chơi”, mà nó là gan ruột của Tuấn với con người và làng quê mình. Nó là nơi “cất dấu hai dòng sông, một là dòng sông cười, hai là dòng sông nước mắt” như anh tự bạch.

Một làng xã Việt Nam trong ảnh Trần Tuấn - 11

 

Thành công của Trần Tuấn gợi cho ta một hứng thú: Nếu mỗi nhà nhiếp ảnh dành thời gian, công sức làm một cuốn sách ảnh để đời về làng quê mình, thì chắc chắn chúng ta sẽ có nhiều tác phẩm ảnh  đẹp, sâu sắc,  sống động mang chất sử thi về đất nước, con người cũng như truyền thống văn hóa, văn minh Việt Nam. Đó là việc nên làm. Và nó đang trong tầm tay các nhà nhiếp ảnh.

Chu Chí Thành

Tin liên quan

Tin mới nhất

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam gặp gỡ đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc)

Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam gặp gỡ đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc)

Sáng 28/3, tại trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Văn Huyên, Hà Nội), PGS. TS, Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có buổi gặp gỡ và làm việc với đoàn phóng viên tờ Nhật Báo Quảng Tây (Trung Quốc).