Nghệ sĩ Đinh Đăng Định với chặng đường theo chân Bác

Đinh Đăng Định, sinh năm 1919, ông hoạt động cách mạng từ năm 16 tuổi. Đúng vào ngày Cách mạng thành công 19/8/1945; Đinh Đăng Định được kết nạp Đảng Cộng sản Việt Nam, được tổ chức tin tưởng, giao nhiệm vụ chuyên chụp ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1948.

Giới nhiếp ảnh Việt Nam thế hệ lão thành được chụp ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh thì nhiều nhưng được tháp tùng, chuyên chụp những hoạt động của Bác tới 17 năm (1948 - 1965) thì Đinh Đăng Định là người duy nhất. Suốt chặng đường theo chân Bác, ông đã chụp tới hàng nghìn hình ảnh hoạt động của Người.

Năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội đã tổ chức tuyển chọn và trưng bày 100 bức ảnh tiêu biểu về cuộc đời hoạt động của Hồ Chí Minh với toàn dân tộc, với non sông đất nước và quan hệ quốc tế.

Những ngày đầu, người thanh niên trai trẻ ấy còn ngỡ ngàng, chăm chú quan sát và ghi chép những hình ảnh thân thương gần gũi như Bác ngồi làm việc bên máy chữ, Bác cưỡi ngựa đi công tác vượt qua những suối sâu đèo cao, hình ảnh Người cùng các chiến sĩ trong cơ quan lao động tăng gia sản xuất, cảnh tập thể dục, tập thái cực quyền, đánh bóng chuyền, cảnh Bác ở trần đang tắm bên suối dưới nắng rừng Việt Bắc…

Nghệ sĩ Đinh Đăng Định với chặng đường theo chân Bác - 1

Chân dung nghệ sĩ Đinh Đăng Định

Bức ảnh Bác Hồ làm việc tại Việt Bắc mùa đông năm 1950 đã trở nên nổi tiếng. Bức ảnh tuy chụp sau lưng Bác nhưng người xem vẫn có thể nhận ra bởi hình ảnh Bác đã khắc sâu trong tâm thức mỗi người. Vóc dáng Người trong tư thế đang tập trung dồn hết tâm trí hoạch định chiến lược cho cuộc kháng chiến. Hình tượng Bác thật giản dị. Bối cảnh quanh Bác cũng thật đơn sơ nhưng rất đặc trưng cho rừng núi Việt Bắc, bởi hàng rào bằng nứa và cây cảnh lại là một cây cọ. Bếp lửa sau lưng Bác gợi tả cảnh mùa đông giá rét.

Năm 1951, chàng thanh niên Đinh Đăng Định lại thành công trong bức ảnh Cháu bé thơm Bác Hồ khi Bác đến thăm trường Mẫu giáo Mầm non của cơ quan Trung ương ở Thủ đô kháng chiến. Đây là một trong những tác phẩm đẹp nhất khi chụp Bác Hồ với thiếu nhi. Người xem ảnh chợt nhớ tới lời một bài hát: “Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh. Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”.

Trong kháng chiến, phim chụp ảnh khan hiếm, đòi hỏi nhà nhiếp ảnh phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi bấm máy. Độ nhạy của phim khi ấy chưa cao, chụp với ánh sáng yếu ớt trong hang không dùng ánh sáng đèn là một tình huống khắt khe nhưng tác giả đã thành công trong bức chân dung Hồ Chí Minh làm việc tại hang Pác Bó - Cao Bằng (năm 1951).

Năm 1954, Đinh Đăng Định lại có hai tác phẩm nổi tiếng về Bác Hồ đó là bức Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân và Bác thăm bộ đội ở Đền Hùng. Chụp trước khi Bác cùng Trung ương từ Thủ đô kháng chiến trở về Hà Nội.

Bác cùng chúng cháu hành quân là một bức chân dung xuất sắc, đẹp cả về nội tâm và ngoại hình. Dưới ánh nắng rừng, ông đặc tả khá thành công đôi mắt sáng với cái nhìn bao quát và sâu thẳm của một vị Tổng chỉ huy tối cao Hồ Chí Minh. Người xem ảnh có thể liên tưởng như Bác đang theo dõi những đoàn quân trùng trùng ra trận, đã một thời các họa sĩ lấy bức chân dung nổi tiếng này thực hiện tác phẩm Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân với các chất liệu sơn mài, sơn dầu, tranh lụa, bút sắt, màu nước… Và trong thực tế những tác phẩm hội họa ấy cũng đã cổ vũ mạnh mẽ cho khí thế chống Mỹ cứu nước của toàn dân tộc nhanh chóng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước theo ý nguyện của Người.

Nghệ sĩ Đinh Đăng Định với chặng đường theo chân Bác - 2

Bác Hồ với thiếu nhi 

Bức ảnh Bác Hồ thăm bộ đội ở Đền Hùng mang giá trị lịch sử cao. Ngày 19/9/1954, trước khi về tiếp quản thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm và nói chuyện với cán bộ chiến sĩ sư đoàn 308 ở Đền Hùng - Phú Thọ. Tại đây, Người dặn dò các cán bộ chiến sĩ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Câu nói nổi tiếng của Người đã làm cho tấm ảnh càng trở nên nổi tiếng.

Năm 1955, Thủ đô Hà Nội vừa giải phóng, chính phủ còn đang bận trăm công nghìn việc. Vậy mà một sáng mùa thu, học sinh trường Trưng Vương hoan hô vang dậy khi Bác Hồ đến thăm trường. Ai cũng muốn được ngồi gần Bác. Bác chỉ những cháu vóc người nhỏ hơn, ưu tiên cho ngồi sát bên. Bác hỏi tất cả có biết tại sao Bác lại đến thăm trường “Học trò con gái” Trưng Vương không? Nhiều ý kiến đáp lại, Bác khen rồi nói: “Bác được biết học sinh trường Trưng Vương học giỏi…

Dưới thời phong kiến thực dân, con gái bị coi thường, thế là không đúng. Bà Trưng mà trường các cháu được mang tên có giỏi không nào?”. Tất cả học sinh đều cười vui thấm thía, tự hào… Đó là hồi ức về những kỷ niệm sâu sắc của Dược sĩ cao cấp Phạm Dung Trinh - cựu học sinh trường Trưng Vương, người trong ảnh ngồi sát bên trái Bác Hồ. Và, Đinh Đăng Định đã “bắt” đúng khoảnh khắc tuyệt vời đó. Tấm ảnh “Bác với học sinh trường Trưng Vương” sau này được in thành ảnh tranh khổ lớn phát hành rộng rãi trên phạm vi cả nước.

Hòa bình lập lại trên miền Bắc nước ta.Sau những ngày vui được giải phóng, miền Bắc liên tiếp bị nạn hạn hán mất mùa và ngập lụt, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn. Để tập trung cho chiến dịch chống hạn hán, lũ lụt, khẩu hiệu mang tính chỉ đạo được thực hiện với quyết tâm rất cao, đó là: “Nghiêng đồng đổ nước ra sông” và “Vắt đất ra nước, thay trời làm mưa” và Người đích thân giao nhiệm vụ: “Hôm nay là ngày 12/1, chú Định theo Bác cùng nhân dân đi chống hạn nhé”.

Nghe lời Bác, ông Định chuẩn bị máy và ngày 12/1/1958, tấm ảnh Bác Hồ tát nước chống hạn với bà con nông dân trên cánh đồng Quang Tó, xã Đại Thanh, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội) được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Bác nêu một tấm gương sáng cho toàn dân tộc.

Nghệ sĩ Đinh Đăng Định với chặng đường theo chân Bác - 3

Bác Hồ làm việc ở chiến khu Việt Bắc 

Khác với tác phẩm Bác Hồ tại Việt Bắc mùa đông năm 1950, bức ảnh Bác Hồ làm việc tại Phủ Chủ tịch sau này, nghệ sĩ Đinh Đăng Định chụp trực diện, khắc họa phong thái ung dung điềm đạm của Người. Mọi lo toan dường như được ẩn sau phong thái ung dung ấy. Xem tác phẩm Bác Hồ làm việc tại Phủ Chủ tịch, người xem liên tưởng tới hai câu thơ Tố Hữu:

Người ngồi đó với cây chì đỏ

Vạch đường đi từng phút từng giờ

Trong suốt chặng đường theo chân Bác, nghệ sĩ Đinh Đăng Định nhận thấy lúc nào Người cũng nghĩ đến miền Nam và Người có ước vọng vào thăm đồng bào miền Nam ngay sau khi Tổ quốc thống nhất. Năm 1957 khi đồng bào miền Nam cử phái đoàn ra thăm miền Bắc và tặng Người cây vú sữa; Người đích thân trồng và hàng ngày chăm sóc cho cây lớn nhanh và ra hoa kết trái. Nghệ sĩ Đinh Đăng Định đã chụp khi Người trồng và cả khi Người cầm bình tưới hàng ngày chăm sóc cây vú sữa. Tuy nhiên, ông chưa thể hiện được hình ảnh độc đáo, đủ sức thuyết phục để nói lên tình cảm cụ thể của Người đối với đồng bào miền Nam.

Năm 1962, Đoàn đại biểu nhân dân miền Nam do giáo sư Nguyễn Văn Hiếu làm trưởng đoàn ra thăm miền Bắc. Gương mặt đầy xúc động, Hồ Chủ tịch ôm hôn thắm thiết Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu và Đinh Đăng Định đã ghi được hình ảnh quý giá ấy. Khi nghe Giáo sư Nguyễn Văn Hiếu nói: “Đồng bào miền Nam luôn kính yêu Hồ Chủ tịch và mong muốn Người vào thăm!”. Người rưng rưng nước mắt và dùng tay áp vào trái tim, giọng nghẹn ngào: “Miền Nam luôn trong trái tim tôi!”. Bấm xong hình ảnh đó, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định bàng hoàng xúc động: “Thế là ta đã có được những bức ảnh diễn tả tình cảm của Bác đối với đồng bào miền Nam rồi!”.

Là người trực tiếp đứng ra tổ chức triển lãm về Chủ tịch Hồ Chí Minh của nghệ sĩ Đinh Đăng Định (1990), ông xúc động và thân mật nói với tôi những lời tâm huyết ấy.

Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã đến xem triển lãm và ghi những dòng cảm tưởng: “Rất xúc động và chân thành cảm ơn Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định đã ghi lại cho các thế hệ những hình ảnh rất sống động, rất thật của Bác Hồ bình dị mà vĩ đại, ở những thời điểm, những địa điểm quả là lịch sử”.

Những ngày ông trực tiếp có mặt tại triển lãm, ông kể: “Tôi được vào gặp Bác Hồ là do ông Lê Văn Lương, đó là năm 1948. Sau khi ông Lê Văn Lương giới thiệu và giao nhiệm vụ, Bác Hồ căn dặn:

- Bây giờ chú đến làm việc với Bác, phải chịu đựng gian khổ như tất cả các cán bộ ở đây, phải ra sức học tập để hoàn thành nhiệm vụ. Chú làm nghề ảnh, cần hiểu nhiếp ảnh cũng là một loại hình nghệ thuật như các nghệ thuật khác, cũng phải phản ánh chân thật cuộc sống của quân dân ta. Muốn làm được như vậy phải đi vào đời sống các tầng lớp nhân dân mà thể hiện.

Qua những lời căn dặn chí tình ấy, tôi thấy vị trí và nhiệm vụ của tôi quan trọng biết nhường nào.

Năm 1951, khi Hồ Chủ tịch thăm Hòa An (Cao Bằng). Bác và đoàn tùy tùng nghỉ trên một ngọn đồi. Bác đứng ở vị trí cao nhất chỉ về núi Lam Sơn nói:

- Cách đây đúng 10 năm (năm 1941), Bác về Pác Bó, ở dãy núi phía bên kia. Bác qua lại vùng Lam Sơn này thường xuyên. Tòa soạn báo Việt Nam Độc lập cũng đóng ở đó. Ngừng lời, Bác cười rồi bỗng nhiên giọng trầm hẳn xuống: Đây sang Pác Bó cũng gần thôi, nhưng bây giờ không tiện đường, bao giờ giải phóng xong Cao - Bắc - Lạng có điều kiện, Bác cháu ta đi thăm lại những nơi đã đi qua, nhỉ?

Đúng 10 năm, tháng 2 năm 1961, Hồ Chủ tịch trở về thăm Pác Bó - nơi Người đã từng làm việc ở đó. Chuyến ấy tôi cũng được đi theo Bác. Tôi chăm chú dõi theo từng cử chỉ của Bác. Bác đứng trên một mỏm đá bên dòng suối trong xanh bên dòng suối. Người ứng khẩu luôn mấy câu thơ:

Hai mươi năm trước ở hang này,

Đảng vạch con đường đánh Nhật - Tây,

Lãnh đạo toàn dân ra chiến đấu

Non sông gấm vóc có ngày nay…

Đọc thơ xong Bác bảo tôi chụp chung Bác với bà con ở Pác Bó một tấm ảnh lưu niệm. Đã mấy chục năm, nay gặp Bác lại được chụp ảnh với Bác, bà con Pác Bó vừa mừng vui vừa cảm động.

Năm 1993 một tổ chức quốc tế mời ông với tư cách một nhà nhiếp ảnh chuyên chụp phóng sự các danh nhân, nhân vật lịch sử, đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự liên hoan nhiếp ảnh quốc tế tại Perpignan (Péc-pi-nhăng), một thành phố nghệ thuật và cổ kính của nước Pháp. Những tác phẩm chụp về Bác Hồ của ông được Ban tổ chức chiếu lên màn ảnh cực đại (8 mét x 12 mét). Ông còn được Ban tổ chức mời kể những câu chuyện khi chụp ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và còn được mời tham gia thành viên Ban giám khảo cuộc thi.

Nghệ sĩ Đinh Đăng Định (1919 - 2003) với chặng đường 17 năm theo chân Bác, ông đã ghi lại hàng nghìn hình ảnh có giá trị lịch sử và nghệ thuật về Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Từ năm 1965 đến năm 1983, ông được bầu là Tổng thư ký đầu tiên của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Ông cũng ghi lại hàng nghìn bức ảnh về công cuộc giải phóng dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước và trong giai đoạn hòa bình xây dựng đất nước.

Các tác phẩm tiêu biểu của ông như: Tuần tra ven biển - giải đặc biệt Triển lãm Ảnh Nghệ thuật quốc tế tại Đức (năm 1969), Đưa tiếng nói của Đảng xuống quần chúng nhân dân - Giải nhất Ảnh Nghệ thuật quốc tế tại Hungary (năm 1978); Công việc hàng ngày - Giải nhì cuộc thi Ảnh quốc tế tại Nam Tư (năm 1975); Giải ba triển lãm Ảnh kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga tại Liên Xô (năm 1977). Các giải trong nước như Thồ hàng xuống núi - Giải A (năm 1966); Bàn tay khéo - Giải A (năm 1967); Bàn tay sáng tạo - Giải A (năm 1969); Lão Nghệ sĩ - Giải A (năm 1972); Giải nhất, giải thưởng Hạ Long (năm 1975 - 1980).

Ông được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động Hạng Ba (năm 1956); Huân chương Độc lập Hạng Ba (năm 1988); Huân chương Kháng chiến chống Pháp Hạng Ba (năm 1961); Huân chương Kháng chiến chống Mỹ Hạng Nhất (năm 1985). Năm 2001, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật cho bộ ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Hoàng Kim Đáng

Tin liên quan

Tin mới nhất