Nhiếp ảnh Việt Nam trong giao lưu và hội nhập quốc tế

Ảnh là một trong những ngôn ngữ chung nhất của nhân loại, không phân biệt ngôn ngữ, màu da, dân tộc... Ảnh đến với công chúng qua các phương tiện truyền thông, không đóng khung trong biên giới của mỗi quốc gia hay một khu vực. Đây là điểm mạnh và lợi thế của Nhiếp ảnh. Với ưu điểm này, việc sử dụng ảnh để tạo dựng, quảng bá, nâng cao hình ảnh quốc gia ngày càng được các nước chú trọng coi đây như một chiến lược mềm trong môi trường đối ngoại có nhiều biến đổi.

Ở Việt Nam, vào những năm đầu thế kỷ XX, Nhiếp ảnh Việt Nam bắt đầu có những hoạt động giao lưu với nhiếp ảnh quốc tế. Năm 1928, Nhà Nhiếp ảnh Trương Cam Khuyến (1903-1976) là người chụp ảnh nghệ thuật ở Hà Nội, ông được tặng Bằng Danh Dự về một bức chân dung tại cuộc thi ảnh nghệ thuật quốc tế ở Pháp. Với tác phẩm này, Trương Cam Khuyến là người Việt Nam đầu tiên được nhận giải thưởng quốc tế về Nhiếp ảnh.

Sau đó, ông Dương Quỳ với bức ảnh “Buồn tàn Thu” được Tạp chí Camera ở Thụy Sĩ sử dụng làm bìa Tạp chí. Năm 1936, bức ảnh chụp một chiếc vó bè ngược sáng trên dòng sông Cầu (Bắc Ninh) của nhà nhiếp ảnh Nguyễn Công Chất đã đoạt giải thưởng quốc tế do hãng Rolleiflex tổ chức… Phải nói rằng, đây là những nét chấm phá đầu tiên của Nhiếp ảnh Việt Nam trong tiến trình giao lưu  và hội nhập quốc tế.

Nhiếp ảnh Việt Nam trong giao lưu và hội nhập quốc tế - 1

"Trẻ em và mùa Xuân" - Lê Thanh Sơn - Huy chương Vàng VAPA tại Cuộc thi Ảnh nghệ thuật Quốc tế lần thứ 12 năm 2023 tại Việt Nam.

Cách mạng tháng Tám thắng lợi, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, rồi cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, những hình ảnh về các sự kiện đó đã cùng với hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, qua các phương tiện truyền thông dần dần đã đến được với bạn bè và nhân dân thế giới.

Năm 1949, khi cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta bắt đầu bước vào giai đoạn quyết liệt, tổ chức Nhiếp ảnh Nam Bộ đã chắp nối và liên lạc được với các cơ sở yêu nước ở Thái Lan tìm cách phát hành ảnh đến đồng bào Việt kiều về những hình ảnh Việt Nam chiến đấu, bảo vệ quyền độc lập được dư luận các nước Thái Lan, Ấn Độ, Pháp rồi sau đó là các nước châu Âu, Châu Phi, châu Mỹ quan tâm.

Ảnh được sử dụng trên các phương tiện truyền thông là một thắng lợi lớn trong công tác đối ngoại của ta. Cũng trong thời gian này, ở Campuchia và Lào các nhà nhiếp ảnh Việt Nam bên cạnh Mặt trận Itxarăc (Campuchia), theo chân bộ đội tình nguyện Lào chiến đấu bên cạnh Mặt trận Itxara (Lào), nhà nhiếp ảnh Băng Sâm cùng một số nhà nhiếp ảnh vừa chiến đấu vừa chụp ảnh tại Thà Khẹt, là đầu mối quan hệ giữa Việt Nam với bạn. Họ đã để lại những bộ ảnh vô cùng quý giá về tình hữu nghị, đoàn kết bên nhau chống kẻ thù.

Năm 1951, sau khi biên giới Việt -Trung mở cửa, ảnh Việt Nam kháng chiến cũng bắt đầu được giới thiệu ở Trung Quốc, Liên Xô và các nước Đông Âu, Trung âu.

Ngày 15/3/1953 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh 147/SL thành lập Doanh nghiệp Quốc gia Cchiếu bóng và Cchụp ảnh Việt Nam. Bác đã giao nhiệm vụ cụ thể cho Nhiếp ảnh Việt Nam, trong đó nhiệm vụ thứ 3 là: “Giới thiệu đời sống và thành tích đấu tranh, kiến thiết của nhân dân các nước bạn”. Đây chính là nhiệm vụ công tác tuyên truyền đối ngoại mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho Nhiếp ảnh Việt Nam.

Ghi nhận về hoạt động giao lưu ảnh quốc tế đầu tiên của Nhiếp ảnh Việt Nam sau Sắc lệnh của Bác, phải nói đến việc đưa bộ ảnh “Chiến thắng Điện Biên Phủ” sang trưng bày tại Hội nghị Geneve-1954 (Thụy Sỹ). Bộ ảnh đã thiết thực phục vụ cho Đoàn đại biểu Chính phủ ta do Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu đang dự họp ở đó.

Bộ ảnh Chiến thắng Điện Biên Phủ là đỉnh cao miêu tả về hình ảnh anh Bộ đội Cụ Hồ, là bằng chứng đánh giá sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân Pháp tại Việt Nam. Là tài sản vô cùng quý giá của dân tộc và là cơ sở để đánh giá sự trưởng thành của Nhiếp ảnh cách mạng nước ta. Đây là bộ ảnh chất lượng của Nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam đóng góp vào hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.

Nhiếp ảnh Việt Nam trong giao lưu và hội nhập quốc tế - 2

"Một đời gắn bó" - Đặng Kế Đức - Huy chương Vàng VAPA tại Cuộc thi Ảnh nghệ thuật Quốc tế lần thứ 12 năm 2023 tại Việt Nam.

Sau năm 1954, đất nước bước sang giai đoạn mới, việc giao lưu của Nhiếp ảnh Việt Nam với thế giới bằng các hình thức tuyên truyền, quảng bá hình ảnh. Nội dung chủ yếu là hình ảnh xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà và hình ảnh đất nước con người Việt Nam. Đã có nhiều tác phẩm của nhiều tác giả đoạt giải thưởng trong các cuộc thi ảnh quốc tế. Năm 1960, tại Đại hội Liên hoan Thanh niên, Sinh viên quốc tế tổ chức ở Berrlin, với bộ ảnh “Hình ảnh Việt Nam” do Việt Nam Thông tấn xã thực hiện đã gây được tiếng vang lớn.

Khác với các loại hình nghệ thuật, nghệ thuật nhiếp ảnh được truyền bá từ nước ngoài vào Việt Nam. Để tiếp thu nền nhiếp ảnh tiên tiến, vào những năm trước năm 1998, khi cơ sở đào tạo của Nhiếp ảnh ở Việt Nam còn những khó khăn, các nước như Cộng hòa Dân chủ Đức, Hungari, Liên Xô, Trung Quốc… và một số nước khác đã tiếp nhận, đào tạo cho Việt Nam nhiều nhà nhiếp ảnh.

Về nước, lực lượng này đã đóng góp một cách tích cực vào hoạt động của nhiếp ảnh nước nhà. Trong đó phải nhắc đến một số nhà nhiếp ảnh như Tô Na, Lê Phức, Chu Chí Thành, Vũ Huyến, Hồng Sỹ, Mạnh Thường, Vũ Quốc Khánh, Đặng Đình An, Vũ Đức Tân, Phạm Tiến Dũng, Nguyễn Vinh Quang, Lê Hải, Nguyễn Văn Thành, Trịnh Hải, Văn Phúc,… họ đã thực sự là những nòng cốt, là hạt nhân của Nhiếp ảnh Việt Nam sau này.

Sau ngày đất nước thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quán triệt phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”, thực hiện Sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tận dụng và phát huy thế mạnh của Nhiếp ảnh, nhiếp ảnh Việt Nam đã phục vụ tốt công tác Đối ngoại Đảng, Đối ngoại Nhà nước và hoàn thành tốt nhiệm vụ Đối ngoại nhân dân của mình.

Từ năm 1991, được sự đồng ý của Chính phủ, Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam trở thành quốc gia thành viên chính thức thứ 65 của Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật quốc tế (FIAP). Năm 1991, cũng là lần đầu tiên, Đại hội lần thứ 21 của Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế (FIAP) có đại diện của đoàn đại biểu Việt Nam tham dự.

Từ đó đến nay, Việt Nam đã tham dự đầy đủ các kỳ Đại hội FIAP và đã có các tham luận, đóng góp nhiều sáng kiến tích cực góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhiếp ảnh trên thế giới, được FIAP và các thành viên FIAP đánh giá cao. Liên quan đến FIAP, nổi bật nhất là sự kiện Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam  tổ chức thành công Đại hội lần thứ 30 của FIAP tại Việt Nam từ ngày 01- đến 08/8/2010.

Đại hội lần thứ 30 là dịp để hơn 350 nhà nhiếp ảnh có đẳng cấp của hơn 50 quốc gia và khu vực trên khắp các châu lục hiểu biết thêm về Việt Nam, một đất nước tươi đẹp, giàu bản sắc vắn hóa, yêu lao động, mến khách. Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã được FIAP đánh giá cao về công tác tổ chức, đăng cai Đại hội. Sự kiện này cũng đã được Ban đối ngoại Trung ương đánh giá là một trong những hoạt động quan trọng và đạt kết quả tốt trong công tác Đối ngoại nhân dân năm 2010.  

Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam hiện đang có mối quan hệ với gần 100 Hội quốc gia thành viên của FIAP và các tổ chức nhiếp ảnh khác như PSA, ISF… Từ năm 1991, khi mà Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam trở thành thành viên chính thức của FIAP, việc tham gia gửi ảnh dự thi ở nước ngoài của các nhà nhiếp ảnh Việt Nam thuận lợi hơn, họ đã mang về cho đất nước hàng ngàn tấm Huy chương và nhiều giải thưởng có giágía trị, góp phần quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.

Đặc biệt, tại cuộc thi ảnh đen trắng 2 năm một lần của FIAP, 3 kỳ liên tục Nhiếp ảnh Việt Nam đoạt giải đồng đội, đó là Huy chương Vàng FIAP (tại Trung Quốc - 2006), CUB FIAP (tại Slovakia - 2008), Huy chương Vàng (tại Việt Nam - 2010). Ngoài ra, năm 2010 tại cuộc thi ảnh màu ở IRELAND đồng đội, Việt Nam lại đoạt Huy chương Đồng FIAP và năm 2010 CUB FIAP được trao  cho bộ ảnh của Nhiếp ảnh trẻ Việt Nam (dưới 16 tuổi). Kết quả đó chính là lòng yêu nghề, là trách nhiệm với nghề và với đất nước của các nhà nhiếp ảnh. Những hình ảnh gửi đi nước ngoài, những bức ảnh được trưng bày triển lãm và đoạt giải ở các nước trên thế giới là sự đóng góp thiết thực nhất của các nhà Nhiếp ảnh cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Đó chính là thành tích của Nhiếp ảnh Việt Nam qua giao lưu và hội nhập quốc tế.

Ngoài việc gửi ảnh ra nước ngoài triển lãm, hàng năm Việt Nam cũng đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm  ảnh  của các nước, hoặc tổ chức triển lãm cho các nhà nhiếp ảnh nước ngoài tại Việt Nam. Chỉ tính từ năm 1995 đến 2005, Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã tổ chức 108 cuộc triển lãm ảnh cho các nhà nhiếp ảnh, câu lạc bộ Nhiếp ảnh, các tổ chức nhiếp ảnh nước ngoài như: Báo chí thế giới (World press Photo), Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Đan Mạch, Trung Quốc, ASEAN, Anh, Cu Ba, các nhà nhiếp ảnh khối Pháp ngữ, viện Goethe, Áo, Israel, Thụy Sĩ, Đài Loan, Đức, Mêhicô, Quỹ tưởng niệm báo chí Đông Dương, Ý, Argentina, Angola…

Cùng với đó là có nhiều nhà nhiếp ảnh Việt Nam đã mang ảnh chụp về Việt Nam sang nước ngoài triển lãm như: Lê Phức, Đỗ Huân, Lê Vượng, Câu lạc bộ Hải Âu, Bùi Xuân Huy, Lê Thanh Đức, Trần Thanh Sang, Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Bình Thuận, Bá Hân, Đào Hoa Nữ, Hoài Linh, Kim Sơn, Nguyễn Hồng Nga, Đoàn Đức Minh, Nguyễn Bá Trung, Phạm Hùng Cường, Long Thành, Đồng Đức Thành, Trần Thế Phong, nhóm: Vinh Quang - Phạm Tiến Dũng - Vũ Đức Tân - Nguyễn Thắng… 

Năm 1996, với sự bảo trợ của FIAP cuộc thi ảnh quốc tế VN96 được tổ chức tại Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đứng ra tổ chức và sự thành công đã vượt ra ngoài dự kiến. Cuộc thi đã nhận được 4042 tác phẩm dự thi từ 25 quốc gia và khu vực, Ban tổ chức đã tuyển chọn 228 tác phẩm để triển lãm và trao 4 Huy chương Vàng, 6 Huy chương Bạc, 10 Huy chương Đồng, 10 Bằng Danh dự của FIAP và VAPA.

Cuộc thi được báo chí bình chọn là một trong 10 sự kiện văn hóa nổi bật năm 1996. Đến nay (năm 2022), Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam đã tổ chức thành công 11 cuộc thi ảnh quốc tế có sự bảo trợ của FIAP (chưa nói đến các cuộc thi ảnh quốc tế do Câu lạc bộLB Gia Định, Hội Nhiếp ảnh Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức). Càng ngày, nhất là trong điều kiện phát triển mạnh mẽ của công nghệ 4.0, số lượng tác phẩm, tác giả, quốc gia tham gia dự thi càng đông hơn, được dư luận trong nước cũng như quốc tế đánh giá cao cả về nội dung, hình thức và phương pháp tổ chức.

Giao lưu quốc tế là một đòi hỏi, là một hiện tượng phổ biến của xã hội loài người, là quy luật vận động và phát triển của các dân tộc, của mọi nền văn hóa. Giao lưu nhiếp ảnh là sự tiếp nhận và học hỏi lẫn nhau giữa nhiếp ảnh các dân tộc. Quán triệt quan điểm đó, ngoài việc giao lưu về ảnh, việc giao lưu trực tiếp giữa lực lượng Nhiếp ảnh Việt Nam với các nước cũng được Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam rất quan tâm. Ngoài việc duy trì gặp gỡ, trao đổi thường xuyên với các nước như Trung quốc, Đức, Pháp, Cu Ba, Nhật Bản, Mỹ, Thụy Sĩ, các nước ASEAN… năm 2004, Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam còn giúp bạn Lào thành lập Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Lào, mở rộng quan hệ với Uzbekistan, và tổ chức Nhiếp ảnh không biên giới (ISF).

Thông qua việc giao lưu nhiếp ảnh bạn bè các nước đã hiểu ta hơn, biết hơn về đất nước, con người Việt Nam và qua giao lưu chúng ta đã tiếp thu được nhiều tinh hoa của Nhiếp ảnh thế giới kể cả nghệ thuật, khoa học công nghệ, kinh nghiệm tổ chức quản lý Nhiếp ảnh. Qua giao lưu và hội nhập quốc tế, vị thế của Nhiếp ảnh Việt Nam được nâng lên và từ đây chúng ta có điều kiện để so sánh Nhiếp ảnh Việt Nam với Nhiếp ảnh các nước khác trong khu vực và thế giới. Giao lưu văn hóa ảnh đã tạo sự giao thoa và đem đến cho Nhiếp ảnh Việt Nam một lớp phù sa mới.

Bước vào thời kỳ đổi mới đất nước, với chủ trương đa phương hóa, đa dạng hóa về hoạt động đối ngoại, việc giao lưu văn hóa ảnh cũng không ngừng được mở rộng, với phương châm lấy hoạt động đối ngoại để đẩy mạnh sự phát triển trong nước là bước đi đúng của Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Tuy vậy, nhìn lại công tác đối ngoại  của Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam thời gian qua, chúng ta thấy vẫn còn nhiều bất cập, không liên tục, không thường xuyên, đội ngũ làm công tác đối ngoại vừa thiếu vừa yếu, kiêm nhiệm không có chuyên trách. Một số cán bộ còn coi nhẹ công tác đối ngoại. Kinh phí cho hoạt động đối ngoại còn gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác đối ngoại.

Thời gian tới, với những thách thức hiện hữu, nhưng với sự chỉ đạo về công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước, sự nỗnổ lực của Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, tin rằng việc giao lưu quốc tế của Nhiếp ảnh Việt Nam sẽ không ngừng mở rộng và phát triển. Đóng góp xứng đáng cho nhiệm vụ Đối ngoại Đảng, Đối ngoại Nhà nước và hoàn thành công tác Đối ngoại nhân dân của mình./.

  

Vũ Văn Cảnh

Tin liên quan

Tin mới nhất