70 năm một chặng đường vẻ vang

Tháng 3 năm nay, giới nhiếp ảnh Việt Nam kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2023). Nhân dịp này, Thời báo Văn học nghệ thuật có cuộc trò chuyện với nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thị Thu Đông - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khoá XV.

70 năm một chặng đường vẻ vang - 1

NSNA ,Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, Đại biểu Quốc hội khá XV Trần Thị Thu Đông.

70 năm đồng hành cùng đất nước

PV: Ngày 15/3/1953 tại chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 147/SL thành lập Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam. Đây là mốc son đánh dấu sự phát triển rực rỡ của Nhiếp ảnh Việt Nam sau này. Bà có ý kiến gì về sự kiện này?

NSNA Trần Thị Thu Đông: Sắc lệnh số 147/SL do Chính phủ ban hành là văn bản rất đặc biệt đối với Nhiếp ảnh và Điện ảnh. Bởi vì, tuy ngắn gọn, súc tích nhưng nội dung của sắc lệnh đã bao quát, định hướng rõ cho các hoạt động văn học nghệ thuật, không chỉ trong thời điểm kháng chiến chống Pháp mà còn có giá trị đến hôm nay và mai sau, không chỉ riêng cho hai ngành văn hoá thị giác là Nhiếp ảnh và Điện ảnh, bởi văn hoá, nghệ thuật phải phục vụ nhân dân và phụng sự Tổ quốc. Sở dĩ, Chính phủ giao nhiệm vụ cho Nhiếp ảnh và Điện ảnh bởi hai ngành này có khả năng phục vụ nhanh, cụ thể, trực tiếp, có tính thời sự và có sức thuyết phục cao, phù hợp cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc lúc bấy giờ và cũng như lâu dài. Bác đã có tầm nhìn xa, trông rộng mở ra một hướng đi cho Nhiếp ảnh và Điện ảnh Việt Nam hôm nay.

70 năm một chặng đường vẻ vang - 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh với các nhà nhiếp ảnh và điện ảnh. Ảnh tư liệu

PV: Đấy là giai đoạn toàn dân kháng chiến, chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, dồn sức để chiến thắng. Nhiếp ảnh và Điện ảnh cũng phải “xông lên”?

NSNA Trần Thị Thu Đông: Những bức ảnh thời tiền khởi nghĩa và Cách mạng tháng Tám ở Hà Nội năm 1945, ngày ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, nhân dân “chống giặc đói, giặc dốt” tại chiến khu Việt Bắc… đã có tác dụng tuyên truyền rất lớn, minh chứng cho khả năng của nhiếp ảnh trong việc cổ vũ nhân dân thực thi các nhiệm vụ mà Đảng và Tổ quốc trao cho. Thời gian đó, việc tạo ra được một bức ảnh là rất khó khăn, thiết bị, vật tư thiếu thốn, việc đưa ảnh tới đông đảo người xem cũng khó khăn chứ không thuận lợi như vài chục năm gần đây, đặc biệt là ngày nay. Điện ảnh lúc đó chỉ đơn giản là chiếu bóng lưu động và làm các phim thời sự ngắn , còn nhiếp ảnh chỉ là ảnh đen trắng, việc tráng phim, làm ảnh, phóng ảnh hoàn toàn bằng thủ công.

Công việc tuyên truyền cho công cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân ta rất cần những tác phẩm nhiếp ảnh phục vụ nhanh và tốt, mang tính hiện thực cao, vừa ghi lại tư liệu lịch sử cho đất nước, chính yêu cầu này đã dẫn tới việc Chính phủ ra quyết định thành lập Doanh nghiệp do Chính phủ quản lý và chỉ đạo. Lúc này các nhà nhiếp ảnh tự do, hoạt động lẻ tẻ tại các nơi cần được tập hợp lại.

PV: Có thể coi ngày 15/3/1953 là ngày mở đầu của Nhiếp ảnh Cách mạng Việt Nam không?

NSNA Trần Thị Thu Đông: Có thể coi đây là dấu mốc quan trọng để nhiếp ảnh phát triển mạnh mẽ theo định hướng của Chính Phủ, còn thực chất nhiếp ảnh cách mạng ra đời sớm hơn nhiều. Từ trước lúc giành độc lập dân tộc tháng 9 năm 1945, nhiếp ảnh cách mạng đã hình thành và đồng hành cùng với phong trào cách mạng tháng Tám, nhiều bức ảnh có giá trị di sản của dân tộc đã được ghi lại trong giai đoạn này. Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24/11/1946, trong diễn văn khai mạc hội nghị, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh “Văn hoá phải soi đường cho quốc dân đi, phải dùng văn hoá lãnh đạo quốc dân thực hiện mục tiêu độc lập, tự cường và tự chủ”. Nội dung này được nhắc lại tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc lần thứ 2 vào hai năm sau đó (1948). Và hoạt động nhiếp ảnh kháng chiến lúc này đã là một bộ phận của văn nghệ Việt Nam.

Vì vậy, qua thực tiễn hoạt động nhiếp ảnh, các nhà nghiên cứu văn học nghệ thuật coi các tấm ảnh chụp thời kỳ khởi nghĩa tháng 8/1945 và những ngày ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mới là những tấm ảnh mở đầu cho nền nhiếp ảnh cách mạng.

70 năm một chặng đường vẻ vang - 3

Ngày 15/3/1953, tại Chiến khu Việt Bắc (ATK), huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 147/SL thành lập “Doanh nghiệp Quốc doanh Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam”.

Sở dĩ sắc lệnh 147 được xem là văn kiện đặc biệt còn bởi lẽ chính Bác Hồ kính yêu, người lãnh tụ, nhà văn hoá, “người thợ ảnh Việt Nam vĩ đại” là người ký văn bản này. Và xã Điềm Mặc (huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên) đã trở thành địa danh lịch sử của nhiếp ảnh Cách mạng Việt Nam.

PV: Những thành tựu nổi bật của Nhiếp ảnh Việt Nam tạo được qua 70 năm kể từ ngày sắc lệnh ra đời là gì, thưa bà?

NSNA Trần Thị Thu Đông: Đó chính là nhiếp ảnh đồng hành cùng sự phát triển của đất nước bằng việc cổ vũ, động viên, truyền thông mạnh mẽ bằng thị giác, cảm xúc, đưa đến cho mọi tầng lớp nhân dân những hình ảnh hiện thực, sinh động và tạo ra ngày càng nhiều  hơn những bức ảnh có giá trị ca ngợi vẻ đẹp của thiên nhiên Việt Nam, tiềm năng Việt Nam, con người trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu vì sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.

Hàng triệu bức ảnh đã được công bố trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước từ năm 1953 đến nay, những bức ảnh tư liệu, nghệ thuật, báo chí đang lưu giữ trong các bảo tàng trung ương và địa phương; các ngành văn hoá, kinh tế và xã hội; trong các triển lãm, sách ảnh, báo chí ở Việt Nam và nước ngoài; là công sức lao động, sáng tạo của nhiều thế hệ các nhà nhiếp ảnh Việt Nam.

Đặc biệt, nhiếp ảnh ngoài việc cổ vũ nhân dân trong các cuộc chiến tranh giữ nước và phát triển đất nước còn có giá trị ghi chép lịch sử hiện thực bằng ảnh. Nhiếp ảnh đã để lại cho đất nước một kho tư liệu lịch sử vô giá được ghi nhận bằng các phần thưởng cao quý mà Đảng, Chính phủ đã trao cho Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.

Tin vui trong năm 2023 của giới nhiếp ảnh cả nước là có thêm một số nhà nhiếp ảnh, hội viên của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam vinh dự được Nhà nước trao tặng giải thưởng cao quý về văn học nghệ thuật là Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước. Vinh dự ấy thuộc về các tác giả, những nhà nhiếp ảnh chiến sĩ, nhưng cũng là niềm vinh dự dành cho cả giới nhiếp ảnh Việt Nam, cho Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.

PV: 70 năm thực thi Sắc lệnh của Chính phủ cũng đã tạo ra một đội ngũ những người hoạt động nhiếp ảnh Việt Nam yêu nước, đoàn kết, phấn đấu gìn giữ và phát triển văn hoá dân tộc?

NSNA Trần Thị Thu Đông: Đúng vậy. Cho đến trước khi Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam được thành lập, năm 1965, số người chụp ảnh văn hoá, tuyên truyền còn rất ít. Đại hội toàn thể lần thứ nhất tổ chức tại thủ đô Hà Nội chỉ có 71 đại biểu. Thế hệ hội viên ấy bây giờ chúng tôi kính trọng gọi là “thế hệ vàng”, những con người toàn tâm với mục tiêu lớn nhất là phục vụ nhân dân, sẵn sàng đổ mồ hôi, đổ máu để thực thi công việc. Đã có nhiều nhà nhiếp ảnh hi sinh trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Ngày nay, đất nước phát triển, nhiếp ảnh có điều kiện để mở rộng ở đủ các lĩnh vực: báo chí tuyên truyền phục vụ chính trị, ảnh nghệ thuật nhằm nâng cao thị hiếu văn hoá, nghệ thuật, ảnh dịch vụ phục vụ dân sinh, làm phong phú đời sống cho mỗi người, mỗi gia đình người Việt, mở rộng giao lưu trong nước và quốc tế.

Việt Nam hiện là quốc gia có tên trên bản đồ nhiếp ảnh khu vực và quốc tế. Trong lĩnh vực giao lưu và hội nhập với bè bạn năm châu, hiện có không ít các nhà nhiếp ảnh là hội viên của Liên đoàn nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế (FIAP), hội viên các hội nhiếp ảnh Hoa Kỳ, Pháp..., nhiều hội viên đạt các tước hiệu cao của quốc tế. Thành viên các câu lạc bộ, các nhóm chơi ảnh ở Trung ương, Hà Nội, các tỉnh, thành phố, mỗi năm đoạt tới hàng trăm giải thưởng, huy chương các loại trong các cuộc thi quốc tế.

Các thế hệ nhiếp ảnh Việt Nam tiếp tục kế thừa, bổ sung cho nhau kiến thức và kỹ thuật nhiếp ảnh tiên tiến, cách nhìn cuộc sống và lựa chọn cái đẹp, cái cần cho nhiều người, cho đời, đoàn kết, giúp nhau vừa làm vừa học là nét văn hoá đẹp, cũng là một thành tựu cần nhắc đến trong chặng đường đồng hành cùng dân tộc thực thi những nghiệm vụ mà Bác Hồ, Chính phủ đã trao cho, những điều nêu ra trong sắc lệnh đặc biệt 147.

Đoàn kết giữ mãi ngọn lửa đam mê sáng tạo

PV: Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam nêu rất nhiều việc cần làm trong các năm từ 2020 đến 2025, với tư cách người lãnh đạo cao nhất của Hội, đâu là điều bà quan tâm nhất?

NSNA Trần Thị Thu Đông: Là nâng cao chất lượng tất cả các hoạt động (lớn và nhỏ) của hội viên, của các đơn vị cơ sở, tìm ra những bài học thành công mà các khoá trước đó để lại, là sự cập nhật với đời sống nhiếp ảnh hiện nay. Kinh nghiệm, vốn sống của các nhà nhiếp ảnh thế hệ vàng, các bậc cha anh thật có ích cho các hoạt động hôm nay. Đất nước đang phát triển tạo điều kiện cho khát vọng của chúng tôi thực hiện, có khả năng làm tốt hơn những yêu cầu mà nhân dân, tổ quốc giao phó.

PV: Là Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, tổ chức nhiếp ảnh lớp nhất, duy nhất của Việt Nam, lại là thành viên lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, là Đại biểu Quốc hội. Quá bận rộn liệu có ảnh hưởng đến việc chỉ đạo sâu sát các công việc của nhiếp ảnh?

NSNA Trần Thị Thu Đông: Các việc khác nhau nhưng lại rất gần nhau, bổ trợ cho nhau, có ảnh hưởng rất tốt đến chất lượng phát triển của nhiếp ảnh Việt Nam, vì nhiếp ảnh cũng là một loại hình của văn học nghệ thuật, một lĩnh vực của văn hoá. Tôi cho đây là cơ hội tốt của nhiếp ảnh nếu biết tận dụng, phát huy và sắp xếp thời gian khoa học. Vả lại, bên cạnh tôi là một tập thể Ban Chấp hành Hội năng nổ, nhiệt tình, có chuyên môn sâu và sự quan tâm, giúp đỡ của các nhà nhiếp ảnh dấn thân, cùng quan tâm đến sự phát triển của nhiếp ảnh.

70 năm một chặng đường vẻ vang - 4

Các Nghệ sĩ nhiếp ảnh tại kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2023) do Hội Nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội tổ chức.

Đối với Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, chúng tôi xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể; phân công nhiệm vụ của từng thành viên Ban chấp hành rõ ràng, phù hợp năng lực, điều kiện của từng người, tạo cơ chế để phát huy cao độ trí tuệ của tập thể và vai trò trách nhiệm của từng cá nhân. Song song đó là thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở tiến độ, vì vậy các kế hoạch đề ra đều hoàn thành rất tốt.

Có thể nói, tôi luôn thu xếp thời gian và trí lực để sao cho vẫn cùng lúc bảo đảm được những phần việc được giao phó.

PV: Bà có lời chúc và có ý kiến gì nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam?

NSNA Trần Thị Thu Đông: Tháng 3 năm Quý Mão 2023 này là một năm đặc biệt, một tháng đặc biệt của giới Nhiếp ảnh Việt Nam - Kỷ niệm 70 năm ngày truyền thống. Thay mặt giới nhiếp ảnh cả nước, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam xin bày tỏ sự biết ơn sâu sắc đến nhân dân, đến Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Bác Hồ kính yêu không chỉ là người ký sắc lệnh số 147 mà 12 năm sau đó, năm 1965, Người cho phép thành lập Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, cử người tham gia Ban lãnh đạo và là Tổng thư ký đầu tiên của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam. Xin cám ơn sự chỉ đạo, quan tâm, giúp đỡ, ủng hộ của các ban Đảng, các cơ quan Chính phủ, các Bộ, Ngành, các tổ chức kinh tế và văn hoá xã hội… toàn thể hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, những nhà nhiếp ảnh, những người yêu ảnh đã đóng góp công sức xây dựng và phát triển nền nhiếp ảnh Việt Nam.

Chúc các nhà nhiếp ảnh cả nước luôn đoàn kết và giữ mãi ngọn lửa đam mê sáng tạo.

Xin cảm ơn những chia sẻ của NSNA Trần Thị Thu Đông!

Vũ Huyến (thực hiện)

Tin liên quan

Tin mới nhất