Những bước chân không mỏi của người phóng viên chiến trường

Với sứ mệnh chép sử bằng hình ảnh ở cả hai miền về một thời oanh liệt, vẻ vang của đất nước, Nhà báo, NSNA Đình Quang Thành kể: “Ảnh của tôi nhiều máu lửa vì tôi là phóng viên của Thông tấn xã, phải có mặt ở hầu hết chiến trường, phải năng nổ, gan dạ và xông xáo vì ghi lại được những khốc liệt của chiến tranh, những gian khổ, sự hy sinh, dũng cảm của con người lúc đó đâu phải dễ”. Bước chân vào nghề một cách bình thường nhưng cái duyên của nghề báo đã cho ông điều kiện đi khắp mọi miền đất nước, ông cứ chụp, cứ rong ruổi, cứ hành quân cùng bộ đội ta, cùng đất nước ta đi từ chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đến Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Những bước chân không mỏi của người phóng viên chiến trường - 1

NSNA Đinh Quang Thành kể cho tác giả bài báo nghe về cuốn sách ảnh "Việt Nam 1975" của mình. (Ảnh: Huyền Thương)

Từ những mùa chiến dịch

NSNA Đinh Quang Thành vừa vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho bộ ảnh chụp chiến tranh miền Bắc. Thoạt nhìn sẽ thấy đó là những bức ảnh đen trắng rất đỗi bình thường nhưng nếu được nghe ông kể về sự ra đời của chúng, sẽ thấy được cuộc chiến khó khăn, gian khổ như thế nào mà bằng con mắt tinh tường của người nghệ sĩ nhiếp ảnh ông đã thu lại được.

Để thực hiện được bức ảnh cầu phao bằng thuyền nan, ông đã phải viết giấy cam đoan, phải chịu trách nhiệm nếu địch đánh vào nhưng vì ý nghĩa lịch sử của nó, ông đã quyết tâm phải chụp. Sau quá nhiều điều kiện không cho phép (cầu phao không hoạt động ban ngày và máy ảnh không thể chụp ban đêm) bức ảnh ra đời bằng cả một nỗ lực lớn của ông cùng đồng đội.

Những bước chân không mỏi của người phóng viên chiến trường - 2

Cầu phao bằng thuyền nan (Ảnh: NSNA Đinh Quang Thành)

Trong bức ảnh là những chiếc cầu phao bằng thuyền nan được dân quân, thanh niên xung phong tối tối đem ra lắp cầu cho xe chạy. Ông cho biết đây là chiếc cầu phao duy nhất trong chiến tranh chống Mỹ tại Việt Nam, đây cũng là chiếc cầu phao duy nhất trong chiến tranh chống Mỹ trên thế giới. Vì vậy, ông có nhiệm vụ phải tái hiện lại một cách chân thực cách quân dân ta đánh Mỹ trong điều kiện không có đủ nguyên liệu để làm cầu bằng gỗ, mà cầu phao thì chỉ có tỉnh Nam Hà với 4 vùng chiêm trũng khi đó làm được.

Là phóng viên thường trú tại địa phương, nên ông am hiểu địa lý của vùng đất “sống ngâm da, chết ngâm xương” này, một vùng toàn là nước, từ làng này qua làng khác cũng phải lội ruộng mà đi. Vì vậy họ mới nghĩ ra cách làm cầu phao để giúp những đoàn xe của quân ta qua sông. Ông bảo, nếu không ghi lại tư liệu cho cây cầu này thì thật có lỗi với lịch sử, có lỗi với tổ quốc.

Những bước chân không mỏi của người phóng viên chiến trường - 3

Bức ảnh “Đường ra tiền phương” của NSNA Đinh Quang Thành.

Hay như bức ảnh với ánh sáng nhạt nhoà của một đoàn xe ra chiến trường, một cô thanh niên xung phong quàng tấm nilon có gì mà đặc biệt đến thế? Nhưng chỉ khi hiểu được ý nghĩa của nó người ta mới trầm trồ, cảm thán trước tư duy nhạy bén của phóng viên chiến trường Đinh Quang Thành.

Bức ảnh hay vì thu vào ống kính của ông là cả đoàn xe nhưng thứ người ta nhìn thấy chỉ là những vệt sáng, đốm sáng le lói của những chiếc đèn gầm, còn lại là một khung cảnh tối đen như mực, đầy dẫy nguy hiểm.

Hình ảnh cô thanh niên và chiếc áo nilon cũng là một hình ảnh mang đầy suy tưởng, bi tráng. Ông cho biết, năm đó bắt đầu có nilon, họ ra chiến trường mỗi người chỉ được phát một mảnh áo mưa một thước tư, để che mưa, che rét, che gió, bọc quần áo cho khỏi ướt khi qua sông, lấy nước về nấu cơm và còn cả để cho đồng đội gói mình lại nếu hy sinh.

Đến mùa xuân lịch sử

Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã ghi vào lịch sử chiến công vĩ đại của dân tộc một thiên anh hùng ca bất hủ đánh dấu sự kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh cứu nước lâu dài nhất, khó khăn nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân ta. Gần 50 mùa xuân đã qua nhưng những ký ức về cuộc tổng tấn công và nổi dậy hào hùng đó vẫn luôn được NSNA Đinh Quang Thành lưu lại với hình ảnh vốn đã khắc sâu vào tim mình: “Bộ đội xách súng chạy qua xác kẻ thù, tôi xách máy ảnh chạy theo cố gắng ghi lại những khoảnh khắc đắt giá nhất".

Những bước chân không mỏi của người phóng viên chiến trường - 4

Đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, sáng 30/4/1975. (Ảnh: Đinh Quang Thành)

Đôi mắt nhìn về phía xa xăm, ông đưa câu chuyện của chúng tôi về mùa xuân năm ấy, khi ông cùng hai phóng viên Báo Quân đội, một điện báo viên, một lái xe trên chiếc xe com - măng- ca đi suốt ngày đêm hướng về Huế - vùng đất mới được giải phóng.

Ông có mặt trong cuộc chiến giải phóng Đà Nẵng, “quân mình tiến đến đâu, mình chạy theo đến đó, đi tới đâu bắc ăng ten đưa tin gửi về Hà Nội đến đó". Ông cùng đi với quân giải phóng qua nhiều địa điểm, rồi vào rừng cao su ở Xuân Lộc, nơi trú quân của Quân đoàn II gồm Lữ đoàn Tăng 203 và Trung đoàn 66 Anh hùng của Sư đoàn 304.

Ông luôn tự hào khi mình là một trong những người đầu tiên dự chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trong rừng cao su Xuân Lộc, khi thấy các sĩ quan bàn bạc kế hoạch tiến vào dinh Độc Lập chỉ với chiếc bản đồ nhỏ lại in đen trắng, nên ông đã tặng họ chiếc bản đồ lấy từ Nha bản đồ của quân Nguỵ. Tấm bản đồ trải ra to bằng cái chiếu, tất cả đường đi lối lại rõ như ban ngày, khiến các anh bồ đội vô cùng cảm kích. Khi tặng chiếc bản đồ ấy ông cũng chẳng nghĩ nhiều, cũng chẳng kể với ai, đến mãi sau này, vị tướng chỉ huy Trung đoàn 66 nhắc lại câu chuyện tặng bản đồ của Nhà báo Đinh Quang Thành, mọi người mới được biết. Và tấm bản đồ ý nghĩa đó nay đang được lưu giữ ở Bảo tàng Quân đoàn 2.

Những bước chân không mỏi của người phóng viên chiến trường - 5

Phóng viên Đinh Quang Thành của Việt Nam Thông tấn xã gặp gỡ, thu thập thông tin từ người dân Sài Gòn trong ngày giải phóng, 30/4/1975. (Ảnh: TTXVN)

Đã nhiều năm trôi qua nhưng thời khắc Sài gòn giải phóng vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của NSNA Đinh Quang Thành. Ông bảo, được sống trong thời khắc đó, được chạy khắp Dinh Độc lập vào buổi trưa hôm đó là một niềm vinh dự lớn lao của đời mình. Lúc đó dù vui sướng khôn xiết khi chứng kiến xe tăng quân ta húc đổ cổng tiến vào nhưng không để cảm xúc kéo dài lâu, với khí thế của chiến thắng ông chạy hết tất cả các tầng để ghi lại tư liệu, vừa chạy trong đầu vừa vẽ ra những hình ảnh cần phải lấy, suy nghĩ xem tài liệu này in trên báo sẽ có giá trị gì.

“Suốt cả một chiến dịch, suốt mấy chục năm chờ chiến thắng, trong những giây phút cuối cùng ấy trong đầu tôi chỉ còn mệnh lệnh ghi lại thời khắc lịch sử này, mọi thứ khác xung quanh, mệt mỏi, lo sợ, nguy hiểm dường như chẳng còn nữa” – NSNA Đinh Quang Thành bồi hồi nhớ lại.

Gia tài khi về già của phóng viên chiến trường

Những bước chân không mỏi của người phóng viên chiến trường - 6

Chân dung NSNA Đinh Quang Thành. (Ảnh NVCC)

Là phóng viên chiến trường kỳ cựu, NSNA Đinh Quang Thành viết nhiều, chụp nhiều và đi cũng rất nhiều, lật giở lại tấm bản đồ cũ kỹ với chằng chịt những chấm đen, gạch nối ngoằn nghèo ông bảo đó là những nơi ông từng đi, 63 tỉnh thành nơi đâu cũng có.

Ông hào hứng: “Bản đồ này tôi giữ đã mấy chục năm nay, đi đến đâu tôi kẻ đến đó, đến bây giờ đã không còn chỗ để kẻ nữa. Cao nhất là cột cờ Lũng Cú rồi đến mũi Cà Mau, từ cực đông đến cực tây, đất liền cũng như biển tôi đều đi hết cả. Đường Trường Sơn, đường ven biển, mà có nơi không phải đi một lần, có nơi tôi ghé đến mấy lần, không có chỗ nào tôi chưa tới”.

Những bước chân không mỏi của người phóng viên chiến trường - 7

Tấm bản đồ lưu giữ nhật ký những chuyến đi của NSNA Đinh Quang Thành.

Tập hợp được gần 200 bài viết về mình khiến NSNA Đinh Quang Thành cảm thấy vô cùng hạnh phúc, ông chân quý chúng bởi ông thấy rằng suốt bao năm lăn lộn nơi chiến trường ác liệt, rồi lại ngược Bắc, xuôi Nam của mình có giá trị và được nhiều người quan tâm. Bây giờ, tuổi đã gần 90, ông vẫn thường xuyên đi xe máy từ Long Biên sang nội thành Hà Nội để gặp gỡ bạn bè. Ông bảo: “Tôi khoẻ mạnh như thế vì từ nhỏ đến lớn tôi không uống bia rượu bao giờ, dù tính chất công việc phải đi nhiều, gặp gỡ nhiều, giao tiếp nhiều nhưng tôi chưa một lần phá lệ”.

Thêm một lý do khiến ông luôn vui khoẻ là ông đã có một cuộc hôn nhân kéo dài 51 năm với người vợ yêu dấu của mình, bà là một người phụ nữ tài giỏi, công tác tại Phòng Tài vụ của Tổng cục Đường sắt, đã thay ông chăm sóc con cái khi ông vắng nhà với những chuyến đi dài ngày, đã thấu hiểu và ủng hộ ông hết lòng. Kể về người vợ của mình bằng đôi mắt da diết kỷ niệm, ông bùi ngùi: “51 năm chung sống, chúng tôi chưa từng một lần xung đột hay cãi vã, tôi nghĩ là mình có quyền gì mà quát mắng vợ, bà ấy chăm lo cho con cái, rồi lại bận rộn với công việc mình thương yêu còn chẳng hết!”

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất