Doanh nhân cựu chiến binh Nguyễn Hữu Đường: Gây khó dễ làm nhà ở xã hội là có tội với dân, với nước

Từ năm 2015, nhận thức rõ sự lép vế, thua cuộc ngay trên sân nhà của hệ thống trung tâm thương mại Việt Nam trong bối cảnh các ông chủ lớn nước ngooài đã lấn sân và nắm giữ vai trò chi phối, đưa hàng nước ngoài chiếm lĩnh thị trường khiến cho hàng hóa Việt Nam, nhất là hàng hóa nông sản, thực phẩm sản xuất khó tiêu thụ, tác động đến cuộc sống bấp bênh của hàng triệu hộ nông dân, Tập đoàn Hòa Bình, tiền thân là công ty TNHH Thương binh nặng Hòa Bình đã báo cáo các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các Bộ, ngành và Thành phố Hà Nội về việc xin chủ trương thực hiện “Đề án Xây dựng Trung tâm thương mại, outlet V+ tại Hà Nội và các tỉnh thành phố khác”.

Mục đích của đề án nhằm tạo ra một hệ thống khép kín giữa thúc đẩy sản xuất sản phẩm xanh, chất lượng cao gắn với hệ thống thu mua và phân phối sản phẩm với giá cả thấp do thực hiện chính sách ưu đãi giảm giá thuê mặt bằng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và tiểu thương. Địa điểm xây dựng trung tâm thương mại, outlet V+ tại Hà Nội mà Hòa Bình đề xuất có quy mô khoảng 80 ha, tại xã Vĩnh Ngọc, huyện Đông Anh, Hà Nội.

Doanh nhân cựu chiến binh Nguyễn Hữu Đường: Gây khó dễ làm nhà ở xã hội là có tội với dân, với nước - 1

Ông Nguyễn Hữu Đường giới thiệu dự án tại Lễ khai trương nhà mẫu dự án nhà ở xã hội của Tập đoàn Hòa Bình 

Sau gần 7 năm theo đuổi một đề án lớn, cần thiết và có tính nhân văn như vậy nhưng đến nay vẫn không có hồi âm. Đầu năm nay, hưởng ứng chương trình phát triển nhà ở xã hội của Chính phủ do Bộ Xây dựng chủ trì, Tập đoàn Hòa Bình đã quyết định thành lập Công ty Cổ phần Phát triển Nhà ở xã hội Hòa Bình, xin chuyển đổi mục đích hai khu đất vàng của công ty đã được phê duyệt chủ trương làm nhà ở thương mại để làm nhà ở xã hội với mong muốn trong hai năm có thể cung cấp 10.000 căn hộ dành cho người thu nhập thấp là cán bộ công chức viên chức hưởng lương, cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang, văn nghệ sĩ, báo chí và công nhân trên địa bàn thủ đô. Tuy nhiên một việc làm tốt, cần thiết này cũng bị ách tắc ngay từ Thành phố Hà Nội.

Phóng viên Thời báo Văn học nghệ thuật đã có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình về vấn đề rất thời sự này.

PV: Thưa ông, theo dõi qua báo chí, được biết vấn đề xây dựng nhà ở xã hội ở thành phố Hà Nội hiện có nhiều tín hiệu đáng mừng khi Lãnh đạo Thành phố đã xây dựng quy hoạch 5 khu vực tập trung và có hai khu với điện tích trên 100ha đã được quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và người dân đang kỳ vọng đến năm 2030, sẽ đáp ứng nhu cầu gần 7 triệu m² sàn và như vậy hàng vạn người lao động có thu nhập thấp sẽ có cơ hội có mái ấm để an cư lạc nghiệp. Vậy dự án nhà ở xã hội tại số 393 Lĩnh Nam, phường Vĩnh Hưng và số 4-6-8 ngõ 321 phố Vĩnh Hưng, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai, Hà Nội của Hòa Bình đã được chấp thuận chủ trương của thành phố chưa?

Doanh nhân Nguyễn Hữu Đường: Nói thật với anh, đến bây giờ chúng tôi vẫn chưa nhận được trả lời rằng có được làm hay không, vì sao không được làm. Theo quy định của pháp luật, sau bao nhiêu ngày kể từ ngày bộ phận một cửa nhận hồ sơ, thì cơ quan có trách nhiệm là UBND Thành phố và các cơ quan chức năng phải trả lời doanh nghiệp, ai cũng biết điều đó, nhưng những cơ quan và người không làm đúng luật  phải chịu  trách nhiệm thế nào thì chính quyền lại... không nhớ?

PV: Người ta vẫn hay nói “Hà Nội không vội được đâu”. Nhưng các anh đã làm gì trước sự im lặng ấy?

Doanh nhân Nguyễn Hữu Đường: Tập đoàn Hòa Bình vừa lại có văn bản gửi đồng chí Bí thư Thành ủy đồng thời cũng là Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng tiêu cực của thành phố để phản ánh trách nhiệm của UBND Thành phố trong việc giải quyết các đề án, dự án về phát triển nhà ở của Hòa Bình thời gian qua. Đó là việc không chấp hành các quy định của pháp luật, các quy định của Đảng, chậm trễ trả lời các đề xuất chủ trương của chúng tôi đối với dự án nhà ở xã hội và chúng tôi cũng phản biện đối với vấn đề xây dựng các khu nhà ở xã hội tập trung để đồng chí Bí thư có cái nhìn chính xác về những bất cập hiện nay cần được tháo gỡ, giải quyết.

PV: Ông có thể nói rõ hơn về nội dung phản biện với Bí thư Thành ủy về dự án nhà ở xã hội có quy mô 100ha dự kiến sẽ thực hiện của Thành phố Hà Nội?

Doanh nhân Nguyễn Hữu Đường: Chúng tôi báo cáo với Bí thư Thành ủy rằng theo quy định tại Khoản 2, điều 56, Luật Nhà ở năm 2014, hàng năm Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố phải công khai trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban Nhân cấp tỉnh, thành phố thông tin quỹ đất sạch để tổ chức đấu thầu chọn nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm xây dựng nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay (là năm Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực), UBND Thành phố Hà Nội không công bố công khai Quỹ đất sạch để tổ chức đấu thầu nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội. Để phát triển nhà ở xã hội thì UBND Thành phố phải dành ngân sách đền bù, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng, tổ chức đấu thầu nhà đầu tư. Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không phải đóng tiền sử dụng đất, không phải làm hạ tầng, chỉ có trách nhiệm bỏ tiền để  triển khai xây dựng nhà ở xã hội theo đúng tiêu chuẩn, chất lượng đã được quy định, người mua nhà và giá bán nhà do UBND Thành phố phê duyệt, lợi nhuận của chủ đầu tư là 10%.

Theo quan sát của mình, chúng tôi có thể khẳng định từ nay đến năm 2025 (là năm cuối của nhiệm kỳ này) thành phố Hà Nội không thể xây dựng được một khu nhà ở xã hội tập trung nào có quy mô 100ha trở lên. Chúng tôi đưa ra ví dụ về kế hoạch xây dựng khu nhà ở xã hội tập trung tại huyện Đông Anh quy mô 100ha của Thành phố.

Theo tính toán, Hội đồng Nhân dân thành phố phải đồng ý, phê duyệt chi ngân sách tối thiểu 10.000 tỷ đồng để Ủy ban Nhân dân thành phố giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng (đường giao thông nội bộ, điện nước, hệ thống xủ lý nước, rác thải, cây xanh, trường học, bệnh viện) cho khu đất 100ha này để đấu thầu nhà đầu tư. Khu nhà ở xã hội có quy mô 100ha với mật độ xây dựng khoảng 50%, chiều cao tối thiểu 20 tầng, như vậy tổng diện tích sàn nhà ở khoảng 10.000.000 m². Diện tích căn hộ nhà ở xã hội theo quy định từ 25 đến 70m²/ căn hộ, có diện tích trung bình 50m²/căn; như vậy sẽ có khoảng 200.000 căn. Trung bình 2 người/ căn thì lượng người ở tối thiểu sẽ là 400.000 người.

Để phục vụ việc đi lại, đưa đón lượng người trong khu đân cư này sẽ cần 10.000 xe bus 40 chỗ, tức là đoàn xe này sẽ dài 100km. Muốn giao thông cho khu nhà ở tập trung này vào nội thành làm việc không bị ách tắc trong giờ cao điểm buổi sáng, buổi chiều thì Hà Nội cần ít nhất 10 cây cầu bắc qua sông Hồng quy mô như cầu Nhật Tân. Như vậy liệu đề án này có khả thi không?

Giả sử trong trường hợp Hội đồng Nhân dân Thành phố đồng ý phê duyệt, thì phải đến năm 2023 mới bố trí được ngân sách, năm 2024 - 2025 mới giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng, tổ chức đầu thầu chủ đầu tư thì nhanh là năm 2026 mới có thể khởi công xây dựng.

Bằng kinh nghiệm và hiểu biết của mình, chúng tôi đã có văn bản gửi các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội về tính khả thi của việc xây dựng dự án các khu nhà ở có quy mô lớn tại Hà Nội. Đó là ý thức trách nhiệm để phản biện xã hội vì lợi ích chung. Đó là điều chúng tôi muốn phản ánh với đồng chí Bí thư Thành ủy. Chúng tôi cũng phản ánh về việc UBND Thành phố vì sao chậm trả lời chúng tôi về dự án phát triển nhà xã hội tại hai địa điểm ở quận Hoàng Mai đã nêu.

PV: Vừa rồi, Thời báo Văn học nghệ thuật đã nhận được hồi âm của nhiều bạn đọc về loạt bài “Hòa Bình với nhà ở xã hội”, có người đã nhờ tòa soạn giới thiệu với ông để được đăng ký mua nhà xã hội, có người photo các bài báo và hỏi Ban bạn đọc về sự thật chất lượng nhà ở xã hội của ông có đúng như ông giới thiệu không hay chỉ là cách quảng cáo bán hàng, lại cũng có người nói làm gì có chuyện có nhà ở chất lượng cao, giá thì rẻ v.v và v.v. Ông nghĩ sao về những băn khoăn này?

Doanh nhân Nguyễn Hữu Đường: Cũng đã có người nói trực tiếp và cũng có người bắn tin đến tai tôi là tôi “khùng” hay sao nên mới đem hai khu đất vàng được làm nhà thương mại, nghĩa là đang có cơ hội kiếm bộn tiền, tự nhiên xin chuyển đổi mục đích sang làm nhà ở xã hội, nghĩa là lợi nhuận ít đi.

Hòa Bình qua 36 năm xây dựng và phát triển, nỗ lực từ nghèo khó đi lên, làm được nhiều công trình để đời, không chỉ trong nước mà quốc tế biết đến. Ngay Hoàn Cầu là tờ báo lớn của Trung quốc, ít khen, nhưng đã có bài viết về Hòa Bình, về Khách sạn Hà Nội Golden Lake. Hay Hãng thông tấn quốc tế có uy tín như Reuter đã cử phóng viên để phỏng vấn  tôi... Nói lại điều này là để khẳng định lại một điều, Hòa Bình đã nói một là một, đã làm là làm bằng được, và chỉ làm cái mà người khác thích.

Nói gì thì nói, phát triển nhà ở xã hội là một chủ trương lớn của Đảng, là quyết tâm của Chính phủ và là mong ước của hàng triệu người làm công ăn lương chân chính. Nhưng những bất cập về thể chế, về tư duy và cả sự thiếu trách nhiệm của những người thực thi công vụ nên đến nay chương trình phát triển nhà ở vẫn gặp nhiều khó khăn, ách tắc và nếu không tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt, thì khó mà đạt được những chỉ tiêu đã đề ra.

Trong sự chờ đợi, mong mỏi của hàng triệu người từ chính sách nhân văn của Đảng nhà nước, nếu không hành động quyết liệt thì không thể có kết quả như mong đợi. Thấu hiểu điều đó, nên làm được gì cho họ, đem lại niềm vui và sự an tâm cho họ, cái đó quý hơn tiền bạc rất nhiều. Nếu chi để sống cho riêng mình, cho gia đình mình và người thân của mình thì đối với tôi tiền không phải là vấn đề. Nhưng để lo cho nhiều người, cho đất nước thì đó phải thực sự cần tấm lòng, cần trách nhiệm thực sự và cần hơn cả là sự công tâm ủng hộ của chính quyền, của đội ngũ cán bộ đảng viên, công chức viên chức, những người có trách nhiệm phục vụ nhà nước, phục vụ nhân dân.

Về câu hỏi của người dân về nhà ở xã hội của chúng tôi làm là nhà ở chất lượng cao và giá thì theo quy định của nhà  nước và của thành phố, liệu có nghịch lý không, liệu có chiêu trò gì không, tôi nói thế này. Anh chắc có tham dự buổi họp báo giới thiệu căn hộ mẫu nhà ở xã hội của Tập đoàn Hòa Bình. Hôm đó, tôi đã thông báo với báo giới: Căn hộ mẫu mà Công ty Hòa Bình giới thiệu của dự án Nhà ở Xã hội tại số 393 Lĩnh Nam, phường Vĩnh Hưng và số 4-6-8 phố Vĩnh Hưng, phường Thanh Trì, quận Hoàng Mai được xây dựng với tiêu chí: Tường, vách làm bằng bê tông cốt thép dày có thể chịu được động đất trên cấp 8, thang máy của hãng Mitsubishi, thiết bị vệ sinh Toto, hệ thống phòng chữa cháy đáp ứng tiêu chuẩn nhà ở cấp cấp nhất tại Hà Nội hiện nay.

Đáng chú ý, ở mỗi tòa nhà, để bảo đảm tiện ích cho người dân, nhà ở xã hội của Hòa Bình sẽ có diện tích cho thuê miễn phí mặt bằng để làm nhà trẻ, trung tâm tư vấn, chăm sóc sức khỏe, nhất là khám sức khỏe định kỳ cho cư dân; có căng tin bán xuất ăn thực phẩm tươi ngon, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; các shop bán các loại hàng hóa thiết yếu giá rẻ nhất mà người dân không có thời gian đi chợ, đi siêu thị vẫn có thể mua được.

Việc bảo đảm an ninh trật tự cũng được đặt ra ở mức độ cao nhất để cư dân mỗi tòa nhà luôn yên lòng vì sự an toàn của môi trường sống. Ngày nay khoa học kỹ thuật và công nghệ xây dựng đã phát triển, việc sử dụng công nghệ mới và vật liệu mới siêu bền không chỉ làm cho công trình bền vững lâu dài mà còn là bí quyết để giảm giá thành xây dựng, vì vậy xây nhà xã hội vẫn có lời, tất nhiên là không lời nhiều.

PV: Ông là một công dân của Thủ đô, một doanh nhân tâm huyết với sự phát triển của Hà Nội và cũng là người trực tính, quyết liệt trong hành động, vậy ông có ngại việc có văn bản như ông nói? Và ông có nghĩ rằng có lẽ vì sự thẳng thắn, quyết liệt ấy mà các dự án của ông lại có “điểm nghẽn” hoặc “nút thắt”?

Doanh nhân Nguyễn Hữu Đường: Làm những việc có lợi cho dân cho nước, thật tâm, trong sáng thì sao lại phải ngại? Cản trở, gây khó khăn cho những việc làm có lợi cho dân, cho nước mới chính là có tội. Là người lính đã qua trận mạc, giờ hoạt động  trên thương trường, chúng tôi phải đổ mồ hôi và rơi nước mắt mới có được những thành quả từ trí tuệ và sức lao động của mình.

Trên tinh thần thượng tôn pháp luật, chúng tôi mong muốn pháp luật phải được thực thi với đúng nghĩa của từ này. Đảng ta đang triển khai học tập quán triệt các nghị quyết Hội nghị TW 6 khóa XIII trong đó có việc xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú trọng đã nhiều lần nhấn mạnh quan điểm của Đảng, yêu cầu mỗi cán bộ đảng viên, nhất là người đứng đầu và những người thực thi công vụ phải tuân thủ pháp luật, phái đặt lợi ích của nhân dân, của đất nước lên trên hết.

Tôi luôn khắc ghi lời Bác Hồ nói: “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”. Gửi thư cho đồng chí Bí thư Thành ủy chính là chúng tôi muốn đồng chí và UBND Thành phố dành thời gian xem xét các dự án, các đề xuất của chúng tôi và nghiêm túc giải quyết để chúng tôi có cơ hội thể hiện tâm huyết và trách nhiệm của mình, hiện thực hóa nhưng điều đó thành hiện thực vì sự phát triển của Thủ đô và mong ước của người lao động được hưởng nhưng chính sách tốt đẹp nhân văn của Đảng và Nhà nước.

PV: Xin cám ơn ông!

Đỗ Hoàng

Tin liên quan

Tin mới nhất