Gặp doanh nhân Nguyễn Hữu Đường, “học trò của cụ Pasteur”

Tiếng Anh có một ngữ rất hay: “a nice surprise” – “một điều ngạc nhiên thú vị”. Hôm nay, ngày 25/06/2022, tôi gặp một loạt những “điều ngạc nhiên thú vị”, trong đó điều ngạc nhiên nhất là gặp một “học trò của cụ Pasteur”. Cụ Pasteur sinh năm 1822, năm nay là dịp kỉ niệm tròn 200 năm ngày sinh của cụ. Vậy mà hôm nay tôi lại gặp một “học trò của cụ Pasteur” là nghĩa làm sao? Chuyện gì mà lạ thế?

Vâng, mọi chuyện đâu sẽ có đó. Tôi sẽ kể cho các bạn nghe. Rồi các bạn sẽ thấy đây là một câu chuyện nghiêm túc, chẳng hề có ý đùa, và thậm chí là một câu chuyện có ý nghĩa.

Số là cách đây không lâu, khoảng tháng 12 năm 2021, trong không khí căng thẳng vì đại dịch Covid, ngồi tại Sydney, tôi lang thang vào các trang mạng ở Việt Nam, muốn tìm hiểu xem tình hình Việt Nam lúc này ra sao. Tin tức dịch bệnh ở TP Hồ Chí Minh làm tôi mất ăn mất ngủ.

Là người Công giáo, tôi thầm cầu xin Chúa che chở cho anh em bạn bè người thân và đồng bào của mình ở Việt Nam cũng như ở bất cứ đâu trên thế giới. “Con chuột” kéo tôi lang thang hết trang này đến trang khác. Bỗng nhiên một bài báo đập vào mắt tôi, gây sự chú ý: Tầm nhìn xuyên thế kỷ của doanh nhân Nguyễn Hữu Đường của tác giả Đinh Quang Tỉnh trên Thời báo Văn học Nghệ thuật ngày 09/12/2021.

Tiêu đề bài báo làm tôi thắc mắc: Trời ơi, doanh nhân Việt Nam nào mà có tầm nhìn xuyên thế kỷ vậy? Câu hỏi ấy kích thích tôi đọc.

Cả một đoạn dài mở đầu của bài báo vẫn làm tôi nghi ngờ, nhất là đoạn mô tả bữa ăn “thịt bò dát vàng 24K”. Ai có tiền để ăn những bữa ăn đó? Tôi nghi ngờ…

Nhưng đến đoạn sau đây thì lòng tôi chùng lại: “Chúng tôi từng là những chiến binh, luôn đau đáu trong lòng rằng, trước sau gì cũng đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Khi xuống đó gặp những đồng đội đã hy sinh, anh em sẽ hỏi rằng, các anh làm được những gì cho đất nước, trong khi chúng tôi hy sinh cho độc lập, tự do của Tổ quốc mà chưa được hưởng một ngày hạnh phúc, bình yên”.

Đó là lời ông Nguyễn Hữu Đường, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình. Ồ, thì ra Nguyễn Hữu Đường quyết tâm làm giàu không chỉ để đem lại cuộc sống ấm no cho bản thân, mà còn cho cả những đồng đội đã ngã xuống, hoặc những đồng đội đang còn sống, nhưng phải chịu đựng bao nhiêu thiệt thòi vì những mất mát do chiến tranh.

Tự nhiên một cái gì đó nhói lên trong lòng tôi. Đứng trước nỗi đau của đồng loại mà thản nhiên thì không phải là con người. Ông Darwin, khi nêu lên thuyết tiến hóa, đã quá chú trọng đến quy luật đấu tranh sinh tồn mà quên đi rằng còn một quy luật thứ hai song song tồn tại, đó là yêu thương, nhường nhịn, san sẻ, tương trợ, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau để cùng tồn tại. Điều này đã được ông Lý Tôn Ngô nói rất kỹ trong cuốn sách rất hay của ông, mang tên Hậu Hắc Học. Từ lâu tôi đã tán thưởng Lý Tôn Ngô, từ lâu tôi đã đề cao Đạo yêu thương, lý tưởng sống vì tha nhân…  

Đã có lần tôi thốt lên với bạn bè, người thân: “Ước gì mình giàu có để có thể mạnh tay giúp đỡ những số phận đau khổ, thiệt thòi – những số phận làm mình thấy mủi lòng xót thương”. Chẳng hạn, chuyện nhỏ sau đây: cách đây vài tuần, chứng kiến một cô gái khiếm thị làm nghề vật lý trị liệu nhất định từ chối tiền khách trả thêm cho cô, cô chỉ nhận 100.000 VNĐ cho một suất làm việc gần 2 tiếng đồng hồ, trong khi khách trả cho cô 200.000 VNĐ. Khách nói thế nào cô cũng không nhận. Chứng kiến cảnh đó, lòng tôi nghẹn lại như muốn khóc. Sao lại có những thân phận như thế nhỉ? Sao một người nghèo lại có lòng tự trọng cao như thế nhỉ? Thì ra bên cạnh những góc tối trong cuộc đời, vẫn có những góc rất sáng.  

Cảm giác nghẹn ngào ấy cũng đến với tôi khi tôi đọc dòng tâm sự của doanh nhân Nguyễn Hữu Đường khi ông nhắc đến những đồng đội đã ngã xuống, hoặc đang còn sống nhưng chịu bao nhiêu thiệt thòi. Đó là cái mà ta gọi là tình thương, tình nhân ái, hay lòng nhân, lòng trắc ẩn (compassion), giá trị cốt lõi của con người mà văn chương chữ nghĩa gọi là giá trị nhân văn (humanity).

Ngày xưa khi còn trẻ, tôi cũng giống như đa số mọi người, thường đo sự thành đạt qua những giá trị có thể cân đong đo đếm được. Nhưng càng thêm tuổi, càng thêm chữ nghĩa, tôi càng giác ngộ để nhận ra rằng không phải như vậy. Thước đo giá trị đích thực là lòng nhân chứ không ở đâu khác. Đó là cảm xúc xót thương cho ai đó tự nhiên dấy lên trong lòng mình. Dù bạn theo đạo nào hay không theo đạo, dù bạn là tổng thống hay thường dân… giá trị của bạn vẫn nằm ở chính chỗ ấy: bạn có dấy lên tình cảm xót thương cho những số phận đau khổ, thiệt thòi hay không?

Nhận thức ấy dần dần làm cho tôi thấy ghét thói ích kỷ, yêu những tấm lòng quảng đại, và nhận ra điều đáng học nhất trên đời: Hãy tự hỏi mình đã làm gì cho người khác, đừng hỏi người khác đã làm gì cho mình. Chính trong tâm trạng ấy, nhận thức ấy, tôi đã đọc bài báo của Đinh Quang Tỉnh trên Thời báo Văn học nghệ thuật với nỗi cảm động xót xa – xót xa cho những số phận của những liệt sĩ và thương phế bình, cảm động vì tấm lòng nhân ái của doanh nhân Nguyễn Hữu Đường.

Tình cảm ấy là một trong những lý do hối thúc tôi bay về Việt Nam ngay trong chuyến bay đầu tiên của Việt Nam Airlines tái kết nối đường bay Việt – Úc sau hai năm gián đoạn vì đại dịch.

Gặp doanh nhân Nguyễn Hữu Đường, “học trò của cụ Pasteur” - 1

GS Phạm Việt Hưng (trái) trò chuyện cùng doanh nhân Nguyễn Hữu Đường

Chờ cho đại dịch lắng xuống, tôi đã liên lạc được với tác giả bài báo nói trên cùng các vị lãnh đạo của Thời báo Văn học nghệ thuật nói chung. Tôi nhận được sự đồng cảm và ủng hộ vượt quá mức tôi mong đợi – thông qua Thời báo Văn học nghệ thuật, tôi được doanh nhân Nguyễn Hữu Đường mời tới gặp gỡ trao đổi, trò chuyện và ăn trưa.

Tôi không muốn kể cho độc giả nghe bữa ăn trưa này, vì tôi không muốn mọi người hiểu lầm ý nghĩa cuộc gặp gỡ của chúng tôi. Tuy nhiên, tôi không thể không nói rằng đó là một bữa ăn thịnh soạn, trong đó có món thịt bò dát vàng và nhiều món độc đáo khác. Tất nhiên một bữa ăn như thế rất đắt tiền, ngay cả với một người từng sống ở Úc như tôi. Nhưng doanh nhân Nguyễn Hữu Đường nói với tôi rằng ông có thể điều chỉnh giá cả tùy theo thực khách. Ông nói đại ý: Nếu bạn là loại “ngôi sao” hay “celebrity”, bạn phải trả theo giá của “ngôi sao” và “celebrity”. Nếu bạn là dân thường, bạn vẫn có thể được thưởng thức ở mức giá dân thường có thể trả.  

Thậm chí đích thân ông chủ Tập đoàn Hòa Bình có thể tham gia phục vụ thực khách, nếu thực khách xứng đáng được như thế. Tôi được xem video ông thủ tướng Malaysia trong y phục dân dã ăn thịt bò dát vàng tại khách sạn Hanoi Golden Lake của doanh nhân Nguyễn Hữu Đường, nhưng không thấy ông xuất hiện trong bữa ăn này. Trong một video khác, ông Chủ tịch Tập đoàn Hòa Bình lại vui vẻ tiếp các văn nghệ sĩ như Xuân Hinh, Thanh Thanh Hiền... Tôi hỏi ông tại sao ông lại “ưu ái” các nghệ sĩ như thế? Ông nói đại ý rằng chẳng phải các nghệ sĩ này đại diện cho mọi tầng lớp công chúng đó sao.

Tôi phải thừa nhận rằng, thịt bò dát vàng của Hanoi Golden Lake bên bờ hồ Giảng Võ là tuyệt ngon, mặc dù sống ở Úc tôi đã từng thưởng thực đủ mọi loại thịt bò ngon. Nhưng đó chỉ là phần phụ của câu chuyện. Tôi sẽ chẳng kể câu chuyện này làm gì nếu chỉ có bữa ăn ngon. Chuyện đáng để kể là những cái “nice surprise” mà tôi đã nói ở ngay đầu bài viết này.

Gặp doanh nhân Nguyễn Hữu Đường, “học trò của cụ Pasteur” - 2

Chủ tịch Tập đoàn Hoà Bình Nguyễn Hữu Đường, họa sĩ Đinh Quang Tỉnh và nhà báo Đỗ Quảng tiếp GS Phạm Việt Hưng tại khách sạn Hanoi Golden Lake

Ngạc nhiên thứ nhất – một “Đường bia” vực dạy từ khốn khó

Ông không bắt đầu sự nghiệp làm giàu của mình như nhiều tỷ phú mới nổi hiện nay. Con đường đi lên của ông được tạo dựng bởi nghị lực và trí thông minh trời cho của chính bản thân mình. Ông không ngần ngại kể cho tôi nghe thời ông phải đạp xích lô để chở từng bom bia.

Ông nổi tiếng với biệt danh “Đường bia”, vì từ một anh xích lô chở bom bia, với sự thông minh trong tính toán kinh tế, đã trở thành một tỷ phú sản xuất bia. Ông cho biết đầu tiên ông chỉ được mua một bom bia 50 lít, chở xích lô đến tận nơi ông bán, lời được 60 đồng (bằng một tháng lương của kỹ sư). Dần dần, nhờ đối xử ngoại giao khéo léo và “có hậu”, ông được mua những 5 bom. Đó cũng là lúc ông bắt đầu phải thuê người giúp việc làm ăn.

Sự nghiệp cứ thế tấn tới phát triển, tinh thần doanh nghiệp bắt đầu lớn lên trong đầu “bác xích lô chở bia” để ông tự đặt ra cho mình một câu hỏi: Tại sao không tự sản xuất bia, mà chỉ lo vận chuyển bia kiếm lời? Thế là ông không chỉ học hỏi cách làm ăn kinh tế, mà học hỏi cả kỹ thuật nấu bia. Đó là lý do dẫn ông tới chỗ nguyện làm “học trò của Louis Pasteur”.

Lát nữa tôi sẽ kể rõ chuyện này. Bây giờ hãy cứ nói về sự nghiệp làm ăn của ông. Ông quyết định dấn thân vào việc nấu bia và bán bia do chính mình sản xuất, vì ông tính toán thấy rằng lời lãi sẽ lớn gấp 5 lần vốn bỏ ra. Để thực hiện ước mơ đó, ông quyết định lên đường “du học” – ra nước ngoài tham quan học hỏi cả kỹ thuật nấu bia lẫn tìm các nguồn nguyên liệu. Trong số những nơi ông đã đến, có Adelaide, Perth, Melbourne của Úc. Đó là những nơi có nhiều nguyên liệu hoa bia (hoa houblon), yến mạch, kiều mạch và men bia…

Rồi cái gì đến phải đến. Năm 1987, ông quyết định thành lập Tổ hợp Thương binh nặng Hòa Bình, lôi kéo anh em thương binh vào làm ăn cùng, giúp nhau vượt qua những khó khăn của đời sống. Đúng là một công đôi việc – vừa đóng thuế làm giàu cho đất nước, vừa cải thiện cuộc sống cho bản thân, vừa thực hiện được mục tiêu nhân văn – chia sẻ tình yêu thương đùm bọc với những bạn bè đồng đội bị thiệt thòi.

Từ thành công trong lĩnh vực sản xuất và thương mại bia, ông bắt đầu mở rộng thị trường làm ăn sang các lĩnh vực khác, như Dự án xây nhà xã hội, dự án V+ …

Tôi hỏi ông V+ nghĩa là gì? Ông nói V+ có nghĩa là Việt Nam phát triển, cụ thể là một dự án xây dựng các trung tâm thương mại miễn phí – nơi tiêu thụ tất cả các nguồn hàng hoá nông thổ sản cho bà con nông dân VN mình, nhiều khi sản xuất ra mà họ còn phải tự lo tiêu thụ, nếu không kịp bán thì bị hư hỏng, lỗ vốn, họ rất vất vả. Tôi không hành nghề buôn bán bao giờ, nhưng tôi biết người buôn bán rất lo phải trả tiền thuê cửa hàng. Tiền thuê mà cao thì họ không chịu nổi. Tiền thuê mà rẻ hoặc miễn phí sẽ là một nguồn kích thích rất mạnh đối với sự phát triển thương mại. Đó là tư tưởng cốt lõi của dự án V+ – dự án Việt Nam phát triển.

Tôi cũng hỏi nhà xã hội là nhà gì? Ông nói đó là nhà giá rẻ phục vụ cho người dân nghèo … Tóm lại là trong mọi trường hợp, doanh nhân Nguyễn Hữu Đường luôn luôn gắn các mục tiêu làm ăn với việc hỗ trợ các đối tượng khó khăn. Hiện tổ hợp của ông có tới vài ngàn nhân công, phần lớn là thương binh, trong đó có nhiều thương binh nặng.

Ngạc nhiên thứ hai – một doanh nhân mê sách

Tôi là người mê sách, vì thế tôi rất nhạy cảm với một tâm hồn mê sách. Tuy nhiên tôi chưa từng gặp một doanh nhân mê sách nào như Nguyễn Hữu Đường. Không phải ông mê sách nói về kinh doanh buôn bán để phục vụ cho việc làm ăn, mà là những sách “mơ mộng trên mây”, những sách đi sâu vào cõi lòng con người, hoàn toàn xa lạ với việc làm giàu.

Giống như cách đây hơn hai chục năm khi anh ruột của tôi ở Pháp dẫn tôi đi chơi ở Paris, tôi thường thốt lên “Trời ơi!” mỗi khi gặp một khung cảnh tráng lệ hiện ra trước mắt, chẳng hạn như quảng trường Louvre, Lâu đài Versailles… Lần này cũng thế, tôi cũng thốt lên “Trời ơi” mỗi khi doanh nhân Nguyễn Hữu Đường làm tôi sửng sốt ngạc nhiên.

Làm sao không sửng sốt ngạc nhiên khi từ cửa miệng một người mà tôi nghĩ rằng đầu óc lúc nào cũng tràn ngập những bài toán kinh tế nhưng lại thốt ra những lời tâm sự về những tiểu thuyết văn học lãng mạn mà thế hệ của tôi xưa kia từng đắm đuối?

Ông tâm sự với tôi rằng thủa hàn vi, ông từng phải đi rửa bát thuê để có tiền thuê sách truyện về đọc. Một trong những tác phẩm ông mê đến nỗi thuộc lòng tiểu sử tác giả là cuốn Đồi gió hú (Wuthering Heights), tiểu thuyết duy nhất của nhà văn nữ Emily Brontë, một trong ba chị em nổi tiếng nhà Brontë. Ông cũng nhắc tới cuốn Giên E-rơ (Jane Eyre) nổi tiếng của Charlotte Brontë.

Khi ông nói với một phóng viên Reuters về những cuốn sách của các tác giả người Anh mà ông mê, ngài phóng viên tròn xoe mắt không ngờ một nhà doanh nghiệp ở tận Việt Nam xa xôi lại mê văn học Anh đến như thế. Bản thân tôi hôm nay cũng ngạc nhiên không kém ông phóng viên Reuters. Thì ra người Do Thái có lý khi nói rằng “Có ba thứ mà người khác không thể cướp được của chúng ta: Một là thực phẩm đã ăn vào dạ dày, hai là lý tưởng giấu trong con tim, và ba là những cuốn sách đã in vào não”.

Ngạc nhiên thứ ba – “học trò của cụ Pasteur”

Nghe doanh nhân Nguyễn Hữu Đường kể chuyện mê sách – vô tình ông “điểm trúng huyệt” của tôi – tôi bèn “khoe” với ông rằng năm nay là dịp kỉ niệm 200 năm ngày sinh của Louis Pasteur, và tôi đang viết một cuốn sách về vị ân nhân này của nhân loại, hy vọng sẽ được xuất bản vào quý IV năm nay.

Trong lúc nói, tôi cố tình nhấn mạnh rằng Louis Pasteur vĩ đại hơn những gì mọi người đã biết, truyện về Pasteur của tôi chắc chắn có nhiều điều mà đa số mọi người chưa biết, và đối với tôi, Louis Pasteur là một vị thánh cứu nhân loại… Dường như không nén nỗi cảm xúc, doanh nhân Nguyễn Hữu Đường liền thốt lên một lời tâm sự tự đáy lòng mà có lẽ trước đây ông chưa bao giờ công khai nói với mọi người: 

Thì chính tôi đây là một học trò của cụ Pasteur rồi còn gì?

Tôi ngớ người ra một lúc không hiểu ông nói gì, đến lúc tôi hiểu ra thì cũng là lúc ông tự giải thích:

Thì chính tôi đây đã phải học các phương pháp thanh trùng bia rượu do cụ Pasteur nghĩ ra từ thế kỷ XIX để đảm bảo bia sản xuất ra được ngon, vô trùng, và bảo quản được lâu dài… như thế tôi chẳng phải là một học trò của cụ Pasteur đó sao?

Chao ôi, tôi không ngờ mình lại chậm hiểu như thế. Mở đầu câu chuyện của ông là chuyện “Đường bia”, thế mà tôi không đủ thông minh để hiểu nhanh ra rằng ông ắt phải biết rõ công nghệ thanh trùng của Pasteur hơn ai hết.

Sau cái chậm hiểu là cảm giác sướng – cái sướng khi gặp một “tri kỷ” về “Pasteur học” (Pasteurology)!

Tôi liền mời ông đến dự buổi ra mắt sách Pasteur của tôi vào khoảng cuối năm nay, nếu sách được xuất bản. Ông nói luôn:

Việc gì phải đi đâu? Tại sao ông không tổ chức buổi giới thiệu sách Pasteur của ông ngay tại Golden Lake của tôi, như thế có phải tiện lợi đôi đường không?

Quá bất ngờ. Nhưng tôi là người duy tâm, tin vào câu “nói trước bước không qua”, nên tôi không dám phát triển câu chuyện theo hướng “lạc quan tếu” nữa, mà dừng câu chuyện về sách Pasteur ở đó. Tuy nhiên điều bất ngờ này nhắc nhở tôi rằng tôi phải làm việc một cách nghiêm cẩn hơn nữa để những gì chúng tôi nói về Louis Pasteur hôm nay sẽ phải trở thành hiện thực, như một cách để tưởng nhớ tới hương hồn nhà khoa học vĩ đại số một này của nhân loại.

Vâng, Pasteur nổi tiếng với việc cứu vãn nền công nghiệp rượu bia của Pháp giữa thế kỷ XIX. Chính từ công việc này, ông đã khám phá ra một sự thật vô cùng quan trọng đối với đời sống của nhân loại, rằng vi sinh vật chính là thủ phạm gây ra các bệnh truyền nhiễm ở người, động vật, thực vật và lương thực, thực phẩm.

Nói như Joseph Lister, nhà phẫu thuật trứ danh người Anh cùng thời với Pasteur, rằng Pasteur là người đã vén bức màn bí ẩn phủ lên bao nhiêu căn bệnh truyền nhiễm quái ác nhất từng đem lại đau khổ trong bao nhiêu thế kỷ trước đó. Và chính từ khám phá đó, Pasteur đã phát minh ra các phương pháp thanh trùng (pasteurization), rồi tiến hành hàng loạt thí nghiệm để chứng minh lý thuyết của ông về vaccine và miễn nhiễm học, để lịch sử phải tôn vinh ông lên như cha đẻ của y học hiện đại, cha đẻ của khoa học về vaccine và miễn nhiễm học.

Trước khi gặp doanh nhân Nguyễn Hữu Đường, tôi đang dành hết thì giờ cho việc viết sách về Louis Pasteur, trong đó có công nghệ nổi tiếng “pasteurization”. Ấy thế mà tôi lại chậm hiểu khi vị doanh nhân này tự nhận mình là học trò của Pasteur.

Thưa độc giả, có quá nhiều điều để nói về Pasteur, nhưng xin để dành cho cuốn sách của tôi cuối năm nay. Còn bây giờ là lúc phải kết:

Khi hoàng đế Pháp Napoléon III hỏi Louis Pasteur:

Tại sao ông không bán các phát minh của minh cho các nhà sản xuất rượu bia mà lại cho không biếu không họ như thế?

Pasteur trả lời:

Vì điều đó sẽ hạ phẩm giá của nhà khoa học xuống.

Tôi là người tôn thờ Louis Pasteur đến mức coi ông là người có công đức lớn như trời biển, vì ông dâng hiến cả cuộc đời vì nhân loại. Trong đại dịch vừa qua, nếu không có vaccine, liệu chúng ta có còn ngồi ở đây hôm nay để chuyện trò hưởng thụ mật ngọt của cuộc sống không?

Phải chăng doanh nhân Nguyễn Hữu Đường cũng “si mê” Pasteur như tôi?

Với tôi, cứ xem cái cách người ta nói gì về Pasteur là có thể biết được cái ĐẠO người ấy tôn thờ.

GS. Phạm Việt Hưng đang sinh sống và làm việc tại Australia. Ông từng giảng dạy các môn: Toán kinh tế, Cơ học lý thuyết, Toán học cao cấp, Sức bền vật liệu, Toán luyện thi đại học.

GS. Phạm Việt Hưng là tác giả cuốn “Những câu chuyện khoa học hiện đại”, NXB Trẻ xuất bản năm 2003; đồng dịch giả cuốn “Định Lý Cuối Cùng của Fermat” (Fermat’s Last Theorem) của Simon Singh, NXB Trẻ năm 2004; dịch giả cuốn “Phương Trình của Chúa” (God’s Equation) của Amir Aczel, NXB Trẻ 2004, dưới tiêu đề sách là “Câu chuyện về phương trình thâu tóm cả vũ trụ”; dịch giả cuốn “Từ Xác định đến Bất định” (From Certainty to Uncertainty) của David Peat, NXB Tri Thức 2011; thành viên của Kỷ yếu “Đại học Humboldt 200 năm, Kinh nghiệm Giáo dục Thế giới & Việt Nam”, NXB Tri Thức, 2011. Bài “Nền khoa học và giáo dục Australia: Một kim tự tháp vững chắc”; thành viên của Kỷ yếu “Hạt Higgs và Mô hình Chuẩn, cuộc phiêu lưu kỳ thú của khoa học”, NXB Tri Thức, 2014 - Bài “Câu chuyện ‘hạt của Chúa’ đã kết thúc?”; tác giả cuốn “Định lý Gödel – Nền tảng của Khoa học Nhận thức Hiện đại“, do NXB Tri Thức xuất bản năm 2019.

Phạm Việt Hưng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Du lịch văn hóa – lịch sử: Mở ra cơ hội phát triển cho du lịch Hà Nội

Du lịch văn hóa – lịch sử: Mở ra cơ hội phát triển cho du lịch Hà Nội

Hội nghị “Hà Nội - Điểm đến Du lịch Văn hóa - Lịch sử” được tổ chức nhằm giới thiệu, tôn vinh những giá trị bền vững về văn hóa, di sản Thủ Đô, đồng thời mở ra những cơ hội đối với sự phát triển du lịch văn hóa – lịch sử Hà Nội. Hội nghị nằm trong khuôn khổ Lễ Hội Du Lịch Hà Nội 2024 với chủ đề “Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô quyến rũ” được tổ chức từ ngày