Thương hiệu Cát Tường

Cách đây 20 năm, tức là vào năm 2004, ở tỉnh Tiền Giang có hai chàng thanh niên nông thôn cùng tên là Sang - Trần Văn Sang và Đoàn Văn Sang - khát khao lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương của mình, nhưng “vốn liếng” của họ không có gì ngoài một trái tim nhiệt huyết nồng cháy và một chút vốn liếng hạn hẹp.

Họ lên thành phố Mỹ Tho mở tiệm ăn; một thời gian sau kiếm được chút vốn liếng họ mở thêm tiệm vịt quay. Khát khao làm giầu bằng trái tim lương thiện, chẳng bao lâu, “Tiệm Vịt quay Hai Sang” đã trở thành thương hiệu nổi tiếng, thu hút đông đảo thực khách gần xa. Nhưng cả Trần Văn Sang và Đoàn Văn Sang đều sinh ra lớn lên ở thôn quê; khi lưng vốn đã kha khá, họ rất muốn cải tạo những vùng nông thôn còn hoang dã phải sinh ra tiền của cho con người. Hai chàng Sang tìm đến huyện Tân Phước, nơi “vùng sâu vùng xa” của tỉnh, tìm hiểu, nghiên cứu, hy vọng gặp vận hội làm ăn. Địa giới của Đồng Tháp Mười nằm trên diện tích của ba tỉnh: một phần thuộc Đồng Tháp, một phần thuộc Long An, một phần thuộc Tiền Giang. Một số xã của huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang thuộc địa phận này. Trước đó Đồng Tháp Mười mỗi năm có 4 đến 5 tháng mùa nước nổi, toàn bộ ruộng đồng chìm trong nước, người dân sống bằng nghề đánh bắt thủy sản là chủ yếu, những tháng còn lại nước rút, đất chua phèn, trồng cấy khi được khi mất, chỉ có cây tràm và cây dứa (cây khóm) là phù hợp.

Thương hiệu Cát Tường - 1

Trần Văn Sang, Chủ tịch Hội đồng quản trị

Hai chàng Sang đến xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước, một vùng đất trũng ven Đồng Thấp Mười. Do sự biến thiên của trời đất và của những tham vọng của con người mà nước bây giờ không còn dâng cao như trước nữa. Những cánh đồng rộng bao la, chỉ một số ít thửa trồng tràm và dứa, còn lại cỏ mọc um tùm cao quá đầu người. Dân cư thưa thớt và rất nghèo vì họ vốn quen với nghề đánh bắt thủy sản là chủ yếu, bây giờ đồng không còn nước cho cho họ mưu sinh nữa, nghèo là phải. Hai chàng Sang đã nghĩ ngay đến việc phải tìm ra một phương pháp cải tạo cánh đồng, trồng cây ăn trái. Họ lội xuống ruộng móc một ít đất bỏ vào túi nilon, một túi nilon nữa là khóm thanh long ruột đỏ lấy từ vùng trồng của tỉnh khác về mang đến gặp một kỹ sư thổ nhưỡng nhờ giúp đỡ. Sau khi xét nghiệm chất đất, nghiên cứu về đặc tính sinh trưởng của cây thanh long, anh kỹ sư thổ nhưỡng xác quyết rằng: cây thanh long có thể trồng được trên đồng đất Thạnh Tân. Đất ruộng ở đây rẻ như cho, với chút vốn liếng khiêm tốn, hai chàng trai cũng mua được 8 ha. Cái hôm họ “xuống giống”, nhân dân vùng này xúm đến xem. Họ nói “Hai thằng bé này khùng mất rồi. Ở đây đồng trũng, chua phèn, có ai dám đưa thanh long về trồng bao giờ!”. Hơn nữa thanh long khi ấy chỉ có giá 3000 đồng một ký nên người dân cho rằng trồng thanh long dù có thu hoạch cũng không thể khá lên được. Mặc cho người ta hoài nghi, dèm pha, hai chàng Sang không từ bỏ mục tiêu.

Thương hiệu Cát Tường - 2

Đoàn Văn Sang, Giám đốc Công ty

Bằng những phương pháp áp dụng khoa học kỹ thuật, ngay sau khi trồng, 8 héc ta thanh long phát triển rất tốt. Sau 14 tháng, bắt đầu ra hoa, kết trái, cuối cùng là một mùa thu hoạch với năng suất rất cao, bán được giá  trên dưới 70.000 đồng một ký. Điều đó đã thu hút sự chú ý của bà con nông dân. Ngay cả những người hồi đầu gọi hai chàng Sang là “lũ khùng” thì giờ đây cũng tìm đến nhờ hai anh hướng dẫn cách trồng cấy. Tất nhiên, với tấm lòng rộng mở, hai chàng trai sẵn sàng hướng dẫn cho bà con một cách nhiệt thành.

Thành công mỹ mãn vụ đầu, với số tiền thu được, là động lực thúc đẩy hai chàng Sang tiếp tục mua đất nhân rộng diện tích, mỗi năm một tăng. Những ruộng thanh long của bà con nông dân cũng đã thành công. Thanh long của hai chàng Sang và của bà con đã được các công ty và đối tác tìm đến mua hết. Năm 2015, diện tích trồng thanh long của hai chàng Sang đã trên dưới 100 hecta. Lúc này ngoài thanh long của hai Sang cùng với số lượng thanh long liên kết với bà con nông dân đã đạt sản lượng 20.000 tấn (hai mươi ngàn tấn). Vào thời điểm đó, khoảng 78-80% thanh long bán sang thị trường Trung Quốc. Khi sản lượng mỗi năm một tăng, hai chàng Sang bắt đầu lo ngại về sự rủi ro nên họ phải tính đến việc đa dạng thị trường để không bị lệ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc. Công việc đầu tiên hai chàng Sang bắt tay làm là chuyển đổi Farm thanh long hơn 100ha sang canh tác theo hướng Global GAP (Nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn châu Âu). Sau một năm áp dụng quy trình này, cơ sở của hai chàng Sang được công nhận đủ tiêu chuẩn Global GAP. Từ quy trình ấy, cơ sở của hai chàng Sang tổ chức liên kết sâu với từng hộ gia đình nông dân và các hợp tác xã, chuyển giao cho họ quy trình canh tác theo phương pháp hiện đại. Song song với việc chuyển đổi mô hình canh tác theo tiêu chuẩn Global GAP, họ nâng cao chất lượng quản lý vùng trồng. Giải quyết ổn thỏa các khâu này, năng suất và chất lượng của cơ sở cũng như của các hợp tác xã, các hộ nông dân sản lượng và chất lượng ngày một tăng.

Lúc này, thấy cần phải “chính danh” cho cơ sở của mình, hai chàng Sang thành lập Công ty TNHH sản xuất, chế biến nông sản Cát Tường. Với định hướng ngay từ đầu là công ty xuất nhập khẩu nông sản đứng đầu cả nước. Thị trường mà công ty hướng đến là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu… Với kinh nghiệm là doanh nghiệp liên kết chuyển giao kỹ thuật canh tác, công ty nhận thấy ở các vùng trồng của các hớp tác xã và các hộ cá thể đang gặp một số khó khăn, như giống nhiễm bệnh khó canh tác, giống không truy xuất được nguồn gốc và rất nhiều khó khăn khác thuộc về khoa học kỹ thuật nên công ty quyết định thành lập “Trung tâm Nghiên cứu công nghệ cao Cát Tường”, được Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Tiền Giang cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động. Đội ngũ cán bộ khoa học của trung tâm gồm 2 tiến sĩ, 4 thạc sĩ và 8 kĩ sư. Họ không chỉ làm việc ở Trung tâm nghiên cứu mà còn hoạt động ở các vùng trồng. 

Thương hiệu Cát Tường - 3

Trung tâm nghiên cứu khoa học nông nghiệp công nghệ cao

Công ty đầu tư máy móc, trang thiết bị, nhà xưởng, kho lạnh, nhà đóng gói theo từng thị trường. Chẳng hạn: Nhà đóng gói nông sản cho thị trường Mỹ, được FDI (Cơ quan quản lý nông nghiệp) cấp CODE (Code vùng trồng, truy xuất nguồn gốc); nhà đóng gói của thị trường Nhật Bản được phía Nhật cấp CODE; nhà đóng gói cho thị trường Hàn Quốc được Hàn Quốc cấp CODE và nhà đóng gói của thị trường châu Âu cũng thế. Công ty đầu tư kho lạnh với sức chứa hàng ngàn tấn nông sản. Khi vào vụ, đủ khả năng trữ trái cây của công ty và trái cây mua của bà con nông dân. Khi có những nhà đóng gói và kho lạnh, trước khi xuất trái cây tươi cho các nước phải qua công nghệ xử lý nhiệt bằng hơi nước nóng (VHT). Công ty đã bỏ ra hàng triệu USD đầu tư thiết bị này. Chức năng của máy VHT nhằm diệt nấm bệnh, ruồi đục quả. Đây là quy trình bắt buộc trước khi đưa nông sản qua các thị trường. Để tạo ra hướng cạnh tranh công bằng và bền vững, công ty tiến hành làm thủ tục đăng ký thương hiệu độc quyền gửi đi các nước trên thế giới. Từ năm 2015, Cát Tường làm thủ tục gửi đi thì đến năm 2016, 2017, 2018, 2019 lần lượt các nước Việt Nam, Hoa Kỳ, châu Âu, Singapore, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan đã cấp thương hiệu độc quyền cho công ty.

Thương hiệu Cát Tường - 4

Chủ tịch Trần Văn Sang cùng các đối tác nước ngoài

Đến thời điểm hiện tại, Cát Tường đã xây dựng thành công chuỗi liên kết với các hợp tác xã và bà con nông dân “từ vùng trồng tới bàn ăn”. Theo định hướng của Cát Tường là đa dạng thị trường nên trong một thời gian dài dù gặp nhiều khó khăn nhưng họ đã vượt qua và thực hiện chuỗi liên kết thành công. Với hàng trăm nhân sự, từ đội ngũ cán bộ, công nhân đến người lao động đã cùng ban giám đốc điều hành thành công chuỗi liên kết này.

Trần Văn Sang, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Cát Tường nhớ lại:

- Vào năm 2015 và 2016, công ty được vinh dự đón hai đoàn khách quốc tế. Năm 2015 là đoàn khách 15 nước ASEAN do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng UBND tỉnh Tiền Giang giới thiệu. Năm 2016, công ty lại tiếp thêm đoàn khách 12 nước nông nghiệp tiên tiến trên thế giới. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Viện Cây ăn quả miền Nam phối hợp cùng Cát Tường đón tiếp. Qua 2 lần đón khách quý, cả 2 đoàn đều đánh giá rất cao về cách làm nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ bảo quản sau thu hoạch của công ty Cát Tường. Họ nói, về phương diện này, Cát Tường không thua kém gì các nước tiên tiến trên thế giới. Đó thực sự là một vinh dự lớn cho chúng tôi. Các năm 2016, 2017, 2018, Cát Tường được Cục Thuế tỉnh Tiền Giang tặng bằng khen và kỷ niệm chương về thành tích đóng góp vào nguồn ngân sách của tỉnh; UBND huyện Tân Phước cũng tặng giấy khen và kỷ niệm chương về thành tích góp công vào công cuộc xây dựng và phát triển của huyện.

Trong một buổi sáng, tôi và anh Lê Việt, Chánh văn phòng Công ty Cát Tường cùng ngồi trên chiếc xe 4 chỗ rong ruổi lên Tân Phước, dừng lại ăn trưa trong một quán hải sản, chủ quán là một người trung niên chất phác, thật thà, mang đậm bản tính của người Nam Bộ nói với tôi:

- Tân Phước là huyện vùng sâu vùng xa của tỉnh Tiền Giang, vốn đã nghèo; từ khi nước lũ không còn dâng cao như trước, nguồn thu nhập từ thủy sản của bà con kém đi thì huyện này trở thành địa phương nghèo nhất tỉnh và nghèo nhất là mấy xã thuộc Đồng Tháp Mười. Nhưng từ khi công ty Cát Tường về đây lập trang trại trồng cây trái xuất khẩu, bà con nông dân được hướng dẫn làm theo, thì đời sống của họ thay đổi hẳn. Thị trấn huyện cũng sầm uất lên. Giá bất động sản không còn rẻ mạt như trước. Giá nhà mặt tiền thị trấn bây giờ cao không kém nhà mặt phố trên tỉnh…

Thương hiệu Cát Tường - 5

Dây chuyền đóng gói trái cây xuất khẩu

Đoàn Văn Sang, Giám đốc công ty nói:

- Một niềm vui lớn của chúng tôi là nhờ sự chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ngày 26/12/2017, công ty Cát Tường cùng bà con nông dân xuất khẩu thành công lô vú sữa đầu tiên sang thị trường Hoa Kỳ. Từ thành công này đã mở ra cơ hội rất lớn cho các loại nông sản khác của Việt Nam chinh phục các thị trường khó tính, đó cũng là cơ hội rất lớn cho các hợp tác xã, các hộ nông dân và công ty Cát Tường hướng đến nhiều thị trường khó tính nữa trên thế giới.

Trần Văn Sang nói thêm:

- Và không phải Việt Nam không có những khách mua hàng khó tính đâu anh nhé. Hãng hàng không lớn nhất Việt Nam là Vietnam Airlines chẳng hạn. Thế mà năm 2019, chúng tôi đã ký thành công hợp đồng cung cấp các loại trái cây cho Vietnam Airlines để họ phục vụ khách trên các chuyến bay…

Đoàn Văn Sang lại nói:

- Trước dịch Covid 19, doanh số xuất khẩu của Cát Tường đạt trên dưới 1.400 tỷ đồng. Đó cũng là thời kỳ hoàng kim của Cát Tường.

Tôi đã dành một buổi sáng đến thăm Trung tâm nghiên cứu khoa học Nông nghiệp công nghệ cao của Cát Tường được thiết lập ngay trong trang trại thuộc xã Thạnh Tân, huyện Tân Phước. Tôi say mê ngắm nhìn những tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư mặc bộ đồ trắng đang làm việc trong những nhà nhân phôi giống. Ngoài các giống hoa quả quý như thanh long vỏ vàng tai xanh, còn có hẳn một gian đang nhân phôi tre tứ quý. Loài tre này trồng để lấy măng. Một loại măng ăn rất ngon. Đương nhiên loại măng này sẽ được xuất khẩu sang nước ngoài. Để chuẩn bị cho khâu sản xuất một lượng lớn giống thanh long vỏ vàng tai xanh, những hom giống từ phòng thí nghiệm đã được đưa ra nhà màng, nhà lưới. Công ty đã đầu tư dựng 1 hecta nhà màng và nhà lưới, công nghệ nhập từ Mỹ và Thái Lan nhằm mục đích sau khi hom giống được thu hoạch thì phải đưa vào nhà màng nhà lưới để kiểm soát sâu bọ, dịch bệnh. Bên cạnh là những thửa ruộng đã được cải tạo thành vườn, nhiều thửa phôi đã được ươm thành luống, những hom tre đang lên cao, dưới gốc là những ngọn măng mập mạp đang rẽ đất mà đâm lên, báo hiệu những mùa bội thu sắp tới.

Nói đến công nghệ tạo giống thanh long vỏ vàng tai xanh, cả Trần Văn Sang và Đoàn Văn Sang đều có chút buồn và tiếc nuối. Thời kì Cát Tường phát triển rực rỡ, Trần Văn Sang và Đoàn Văn Sang đều đã ở tuổi 45 – 46 mà chưa có một “mảnh tình vắt vai”; cả hai anh đều “tự thú”, từ tuổi hai mươi đến giờ, vì tham công tiếc việc mà đã bỏ qua chuyện đi tìm hạnh phúc. Đến lúc Cát Tường làm ăn viên mãn, mỗi người đều có ý định phải tìm cho mình một cô gái cưới làm vợ. Nhưng chưa kịp thực hiện thì đại dịch Covid-19 ập đến. Họ phải oằn mình lo chống dịch cho công ty và cho bà con nông dân. Dịch Covid 19 chưa qua thì tấn bi mới xuất hiện, đó là vụ hợp tác liên kết làm ăn với một đối tác có tên là Công ty cổ phần xây dựng Giao thông Hồng Lĩnh do ông Nguyễn Hồng Chương làm giám đốc, có trụ sở đóng ở thành phố Hồ Chí Minh.

Ông Chương chủ động tìm đến gặp Trần Văn Sang và Đoàn Văn Sang, nói rằng hiện công ty ông có 500ha đất ở Bình Thuận; muốn liên kết hợp tác với Cát Tường để làm nông nghiệp công nghệ cao. Ông Chương nói, ông góp đất, góp tiền; Cát Tường có kinh nghiệm 15 năm, có nhà máy, có thị trường, có thương hiệu, góp giống và kỹ thuật sản xuất. Họp bàn đi tính lại rất kỹ rồi ngày 24/4/2019 hai bên đi đến ký kết: bên công ty Hồng Lĩnh góp 500ha đất và 150 tỷ đồng. Phía công ty Cát Tường góp 3 triệu hom giống thanh long vỏ vàng tai xanh. Để có được số hom giống này, công ty Cát Tường phải chặt bỏ hơn 100ha thanh long ruột đỏ đang cho thu hoạch và trồng mới lại số thanh long vỏ vàng tai xanh với chi phí hơn 350 tỷ đồng. Theo hợp đồng, Hồng Lĩnh chuyển cho Cát Tường số tiền 150 tỷ đồng để sản xuất giống. Nhưng ông Chương chỉ chuyển cho Cát Tường 90 tỷ đồng, còn nợ 60 tỷ đồng. Đất trồng đã được xới lên. Bên Cát Tường đã tập kết đợt đầu 84.300 cây (trong tổng số 3 triệu cây giống đã thỏa thuận) thì họ nhận được thông báo của UBND tỉnh Bình Thuận, với nội dung: 500ha đất mà bên Hồng Lĩnh góp vào Cát Tường để trồng thanh long vỏ vàng tai xanh là sử dụng sai mục đích. UBND tỉnh Bình Thuận thanh tra và chỉ ra một loạt sai phạm, không phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, chưa thuộc thẩm quyền sử dụng của công ty Hồng Lĩnh, buộc công ty Hồng Lĩnh phải khôi phục hiện trạng và khắc phục hậu quả.

Trước tình hình ấy bên Cát Tường nhiều lần gửi giấy mời bên Hồng Lĩnh cùng mở hội nghị để bàn bạc giải quyết nhưng bên Hồng Lĩnh không hồi âm. Ít ngày sau, ông Nguyễn Hồng Chương gửi đơn lên cơ quan điều tra Công an tỉnh Tiền Giang tố cáo bên Cát Tường lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bên Hồng Lĩnh. Cụ thể là họ đòi lại số tiền 90 tỷ đã góp với Cát Tường. Trong khi Cát Tường thiệt hại trong vụ “liên kết” này thì bên Hồng Lĩnh không nói đến. Sự thật là do bị Công an khởi tố vụ án nên Cát Tường không thể khởi kiện Hồng Lĩnh ra tòa để buộc Hồng Lĩnh bồi thường thiệt hại do Hồng Lĩnh vi phạm hợp đồng. Mặt khác, cũng vì Công an khởi tố vụ án nên các ngân hàng không giải ngân vốn và liên tục mời Cát Tường đến, đưa tra lộ trình trả nợ vay và ký các văn bản cam kết trả đúng hạn, dẫn đến tình trạng Cát Tường thiếu vốn để thu mua trái cây của nông dân. Một hậu quả nữa là, Hồng Lĩnh không nhận 3 triệu hom giống thanh long vỏ vàng tai xanh theo thỏa thuận (trong đó có 84.300 hom giống Hồng Lĩnh đã nhận). Số còn lại để lâu đã bị hư hại. Thiệt hại của Cát Tường là 3 triệu hom giống x 203.333 đồng = 610 tỷ đồng. Đấy là chưa kể Cát Tường phải chi phí thăm sóc, thu gom, chọn lọc trong trong 2.916.000 hom giống để hủy bỏ những hom bị hư, bị chết từ tháng 8/ 2019 đến tháng 12/2020 là 700 triệu đồng; chi phí khấu hao nhà lưới (nuôi trồng và chăm sóc hom giống) là 275 triệu đồng; chi phí phân hữu cơ + vụn xơ dừa + phí vận chuyển 84.300 hom giống từ Tiền Giang đến Bình Thuận là hơn 1 tỷ đồng; chi phí phá bỏ 100ha thanh long ruột đỏ đang chuẩn bị vào vụ thu hoạch để trồng 3 triệu hom giống thanh long vỏ vàng tai xanh thực hiện hợp đồng liên kết là hơn 350 tỷ; chi phí trồng mới 100ha diện tích thanh long đã bị phá bỏ vì “liên kết” 150 tỷ đồng; chi phí nợ quá hạn và lãi quá hạn vay ngân hàng phát sinh do việc Công an khởi tố vụ án, ngân hàng không hỗ trợ tín dụng tính đến ngày 01/12/2020 là hơn 25 tỷ đồng; thiệt hại về hom giống nhập khẩu dự kiến trồng cho dự án Hồng Lĩnh là 2.907.000.000 đồng (hai tỷ chín trăm lẻ bày triệu đồng)gần 3 tỷ đồng; bị Công an phong tỏa ngân hàng, dẫn đến thiếu vốn, Cát Tường đã bỏ lỡ nhiều cơ hội xuất khẩu với khách hàng. Hiện tại Công ty AQUAMAR ASIA LIMITED Hồng Kông đặt hàng 3000 tấn thanh long/ tuần (bằng 12.000 tấn/ tháng) nhưng Cát Tường phải từ chối đơn hàng do thiếu tiền để mua hàng của nông dân. Sản lượng trái cây xuất khẩu từ năm 2019, (thời điểm bị khởi tố) đến nay liên tục giảm…

Tìm hiểu sâu hơn thì thấy, ông Nguyễn Hồng Chương còn tiếp cận và ký kết hợp đồng hợp tác, mua nhà máy của Công ty TNHH MT (TP Mỹ Tho – tỉnh Tiền Giang) và Công ty TNHH công nghệ thực phẩm Việt Đức (tỉnh Đồng Tháp) với toan tính trục lợi, chiếm đoạt nhà máy, mượn hình ảnh uy tín để vay ngân hàng. Những cạm bẫy trên thương trường này khiến những người con của tỉnh miền Tây và những doanh nhân Việt kiều từ Mỹ, Đức mang hàng chục triệu đô về xây dựng quê hương vướng vào vòng xoáy oan sai. Đến ngày hôm nay hàng vạn người nông dân, công nhân của 3 doanh nghiệp đều thấm đẫm nước mắt vì mất việc làm, gánh nặng cơm áo gạo tiền lại đè nặng lên gia đình họ. Tự hỏi các doanh nhân Việt kiều khi chứng kiến vụ việc các ông chủ Việt kiều Đức và Mỹ mất trắng nhà máy, cơ nghiệp rơi vào tay bà Diệu – vợ ông Chương – tổng Tổng giám đốc Công ty Hồng Lĩnh thì liệu có doanh nghiệp nào dám mang nguồn từ nước ngoài về đầu tư vào nhà máy, xây dựng quê hương, giúp cho người nông dân có công ăn việc làm, tạo kim ngạch xuất khẩu ra thị trường quốc tế và đóng thuế cho tỉnh Tiền sGiang và Đồng Tháp?

Với quyết tâm bằng mọi giá phải duy trì doanh nghiệp và giữ cho được thương hiệu Cát Tường, giữ chân người lao động, Công ty Cát Tường đã phải đi vay với lãi suất cao để hoạt động và giữ thị trường với các đối tác nước ngoài.

Còn các cơ quan pháp luật, sau thời gian điều tra, hình như họ cũng nhận ra Cát Tường không có chuyện lừa đảo, nhưng bản án suốt 5 năm nay cứ treo lơ lửng như thế!? Người thua thiệt ở đây chính là Cát Tường và hàng ngàn người lao động. Hy vọng những cơ quan hữu trách vào cuộc làm rõ đúng sai, giải quyết triệt để cho Cát Tưởng đi vào ổn định, sản xuất, kinh doanh ngày một thăng tiến làm giàu cho tỉnh Tiền Giang và cho đất nước.

                                                            Đồng Tháp Mười – Hà Nội tháng 5 năm 2024

Bút ký của Lê Hoài Nam

Tin liên quan

Tin mới nhất