Cảm nhận chùm thơ cùng tựa đề "Về quê"

Ai trong chúng ta cũng có một chốn đi về, nơi mỗi người được sinh ra và gắn bó biết bao kỷ niệm. Nơi ấy có cha mẹ vất vả một đời nuôi ta khôn lớn. Như cánh chim khi đủ lông thường thích bay xa, nơi ấy là vùng trời bình yên để chim bay mỏi lại tìm về tổ. Như con thuyền ra khơi, những khi gặp giông gió lại trở về bến đỗ yên bình. Vì thế, viết về quê hương là nguồn cảm hứng lớn trong thơ ca đương đại. Đọc chùm thơ cùng nhan đề "Về quê" của các nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng, Nguyễn Thị Thúy Ngoan, Trần Trọng Giá và Khổng Minh Dụ ta thấy hàm chứa ở đó những cảm xúc chung và riêng của mỗi tác giả.

Nét chung xuyên suốt cả chùm thơ là niềm xúc động dạt dào, sâu lắng của những người con đi xa mỗi khi trở về quê hương. Đó là tình cảm yêu mến cảnh vật nơi chôn nhau cắt rốn, là tấm lòng nhớ thương và tri ân nguồn cội, ông bà, cha mẹ và người thân; nhớ không gian thân thuộc đã từng gắn bó nhiều kỷ niệm một thời để nhớ. Điểm chung nữa là tất cả chùm bài thơ viết "Về quê" ở đây đều được các tác giả chọn hình thức trình bày ở dạng lục bát, thể "quốc thi" truyền thống - xương sống của thơ ca Việt - có âm hưởng êm đềm, da diết phù hợp với thổ lộ cảm xúc nhớ thương chan chứa tình quê tình người.

Song điều thú vị hơn nữa là ở mỗi thi phẩm có sự khác biệt. Mỗi tác giả qua sáng tác của mình lại gửi gắm những cảm xúc và nỗi niềm riêng với lối diễn đạt không ai giống ai. Số lượng câu thơ ở mỗi bài cũng có sự khác nhau dễ thấy.

Cảm nhận chùm thơ cùng tựa đề "Về quê" - 1

Ảnh minh họa

Với Nguyễn Lãm Thắng (sinh 1973- Quảng Nam), nhà thơ có hàng ngàn bài viết cho thiếu nhi, “Về quê” là niềm vui háo hức, hồn nhiên của tuổi ấu thơ được về trở cội nguồn. Trong bài, tác giả đã hóa thân vào em nhỏ để bộc bạch niềm vui hồn nhiên, thơ trẻ. Cứ vào mỗi dịp: "Nghỉ hè bé lại thăm quê/ Được đi lên rẫy, được về tắm sông/ Thăm bà, rồi lại thăm ông/ Thả diều, câu cá… sướng không chi bằng". Lời thơ dung dị, trong trẻo khiến đọc lên ai cũng hiểu ngay tâm trạng náo nức "sướng không chi bằng" khi em nhỏ được về thăm ông bà, về với thiên nhiên, cây cỏ, được lên rẫy, tắm sông, thả diều, câu cá. Những thú vui bình dị mà thanh nhã ấy là những kỷ niệm đẹp nơi quê hương sẽ là hành trang đẹp lưu trong ký ức đến hết cuộc đời.

Nhà thơ Nguyễn Thị Thúy Ngoan (sinh 1951 - Hai Phòng) là gương mặt thơ nữ sáng giá của thành phố Cảng và thơ ca Việt đương đại. Tiếng thơ ấy nhiều khi "nước mắt trộn đêm vào ngày". Bài "Về quê" của chị gắn với nhiều nỗi niềm ám ảnh buồn thương. Thi phẩm là tiếng lòng thương nhớ quê hương, chất chứa nỗi sầu muộn của người con gái đi xa trở về: “Con về quê giữa chiều mưa/ Bồi hồi thương nhớ ngày xưa cồn cào/ Nhà nghèo gió cũng xanh xao/ Trời mưa trăng trượt ngã nhào vào hiên”.

Thơ tự sự được ngắt nhịp lẻ sáng tạo ở câu lục (3/3) đã hàm chứa bao ẩn ức. Tâm trạng người về cố hương “bồi hồi” với những ý nghĩ trở đi trở lại xao xuyến không yên. Ám ảnh quá khứ khiến chủ thể trữ tình cảm nhận “Nhà nghèo gió cũng xanh xao/ Trời mưa trăng trượt ngã nhào vào hiên”. Nghệ thuật nhân hóa gió, trăng cùng với cách dùng ngôn từ gợi tả gây ấn tượng mạnh. Chân dung cha mẹ là tâm điểm của bức tranh quê được tái hiện chân thực, sống động: “Cha ngồi chẻ lạt bên thềm / Chẻ đôi cả những muộn phiền đầy vơi / Mẹ đi gặt lúa tháng mười / Lạt mềm trói mấy kiếp người vào nhau”.

Ai từng sống trong đói khát mới dễ đồng cảm với nỗi lòng nhà thơ. Bao yêu thương, xa xót ẩn trong từng câu từng chữ. Dù song thân làm việc luôn tay, đàn con vẫn đói ăn, thiếu mặc khiến người con gái càng thương cha xót mẹ đến thắt lòng. Kỷ niệm về tình nghĩa mẹ cha cùng những nét đặc sắc của quê hương đã kết tinh thành “hồn quê đất tổ” thấm trong máu thịt: "Bây giờ cha mẹ không còn/ Nhìn lên chỉ thấy mây non gió ngàn/ Hồn quê đất tổ con mang/ À ơi tiếng võng dịu dàng ngày xưa". Tình cảm với cha mẹ và quê hương quả là luôn đau đáu trong tâm khảm đứa con xa.

Với nhà thơ cựu chiến binh Trần Trọng Giá (sinh 1952 - Ninh Bình), tác giả tập thơ "Gửi lại dòng sông", mỗi lần "Về quê" lại bồi hồi đến "ngơ ngẩn" nhớ tuổi hoa niên tươi đẹp gắn với mối tình sâu đậm cùng người năm ấy: "Về quê ngơ ngẩn bên sông/ Bến xưa… thuyền đã ngược dòng sang ngang/ Sông đêm - tắm vỡ trăng vàng/ Heo may thổi lệch mấy hàng tre xanh./ Thả hồn từng giọt mái tranh/ Dấu yêu ơi… gió giăng mành tương tư".

Giọng điệu thơ thật dịu ngọt, êm đềm như lời ru của mẹ, mượt mà như khúc hát dân ca. Đoạn thơ tả cảnh vật quê hương dùng nhiều hình ảnh ẩn dụ giàu sức gợi tả, gợi cảm cho thấy mối tình sâu đậm của chủ thể trữ tình với người con gái cùng quê. Mối tình ấy trải bao năm tháng nhưng vẫn "tương tư" thường trực trong tâm hồn. Người thơ ngắm cảnh vật quen thuộc nơi quê nhà thấy chỗ nào, nơi đâu cũng thấp thoáng bóng hình em. Trong bài tình yêu quê hương đậm sâu, tha thiết như tình cảm với người yêu dấu. 

Cảm nhận chùm thơ cùng tựa đề "Về quê" - 2

Tất cả chùm thơ góp phần bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước và làm phong phú thêm, đẹp thêm khu vườn rộng lớn thơ ca đương đại Việt Nam.

Đến với "Về quê" của nhà thơ - Thiếu tướng Khổng Minh Dụ (sinh 1943, Ba Vì - Hà Nội), nguyên Cục trưởng Cục An ninh và Văn hóa - Tư tưởng, Bộ Công an Việt Nam, người đọc được cảm nhận những cung bậc cảm xúc rất riêng mới mẻ và độc đáo. Như nhiều người con tham gia cách mạng đi lập nghiệp nơi xa, nhà thơ vẫn thường xuyên về thăm quê nhà Xứ Đoài yêu dấu cùng với người thân. Chỉ có điều quê hương và cuộc sống nơi ấy giờ đang trong thời kỳ hội nhập, đô thị hóa rất nhanh nên đổi khác nhiều quá.

Những dịp cuối tuần, các đám giỗ chạp, cưới hỏi dồn dập, bậc trưởng thượng như ông không thể vắng khiến mặt tác giả phải thốt lên: "Về quê ăn khoán cỗ quê/ Chạy sô dăm đám cẳng tê mấy ngày/ Về quê ngất ngưởng men say / Chúc, mừng, kích, ép... ly đầy chén vơi". Ngày tốt là tốt chung, nhiều đám hiếu hỉ cùng diễn ra trong xóm thôn, làng xã khiến không ít người phải "chạy sô" hết đám này sang đám khác. Nghệ thuật cường điệu "cẳng tê mấy ngày" thật hóm hỉnh.

Đặc biệt việc chúc nhau uống rượu nếu đúng mức độ sẽ thật vui nhưng dùng quá độ thì thật đáng sợ. Tác giả thật tài tình khi dùng một loạt những động từ liên tiếp đắt giá: "Chúc, mừng, kích, ép... ly đầy chén vơi" cùng nghệ thuật liệt kê thật khéo đã giải thích rõ nguyên nhân những người con đi xa về cứ phải "ngất ngưởng men say". Nếu thường xuyên vậy quả là hủy hoại sức khỏe.

Đọc lại cả ba bài trên, giọng điệu thơ trữ tình xuyên suốt, đến bài này, chất trào lộng thật rõ nét trong nửa đầu của bài. Ở một số câu, bề ngoài tưởng như vui đùa nhưng ẩn chứa bên trong là nỗi lòng trở trăn, lo lắng của một người con rất nặng tình với quê trước thực trạng cỗ bàn ma chay, giỗ chạp linh đình, gây lãng phí tốn kém cho nhiều gia đình. Với tầm nhìn sắc sảo của một vị tướng lĩnh giàu kinh nghiệm, ông lo lắng hơn nữa trước thực tế cuộc sống ở quê nhà: "Dường như hủ tục đang thời hồi sinh". Buồn và cũng thật đáng giận vì quá mê tín mà những cặp đôi bạn trẻ "Bởi tin bói toán tìm đường chia xa". Song nỗi niềm ấy theo diễn tiến của bài thơ dần bị đẩy lùi vì trước mắt chủ thể trữ tình là bức tranh quê hương thật đẹp với những gam màu tươi sáng: "Về quê mùa cải đơm hoa / Vàng mơ triển bãi phù sa lắng bồi / Về quê để gánh ngậm ngùi/ Để đong thương nhớ cái thời xa xưa".

Trước cảnh cũ, thi nhân lại nhớ người xưa và trào dâng nỗi "ngậm ngùi", "thương nhớ" khôn nguôi. Ngôn ngữ thơ giàu chất hội họa và tình thơ thật sâu lắng. Cũng vì đại nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, nhiều người con của quê hương đã đi xa, tự nguyện hy sinh tình cảm riêng, không ít người đã dâng hiến cho quê hương tuổi xuân, có khi cả tính mạng mình. Bài thơ kết thúc bằng lời nhắn nhủ tha thiết: "Dẫu rằng vạn dặm sơn khê/ Xin đừng phai nhạt tình quê ... xin đừng." Tác giả mong muốn những người con dẫu phải sống nơi xa, hãy nhớ tới quê nhà, dù bất cứ lý do gì cũng đừng phai nhạt tình quê hương xứ sở và cội nguồn của mình. Điệp ngữ "xin đừng" cùng với những dấu chấm lửng có ý nghĩa khắc sâu tâm nguyện của tác giả.

Đọc chùm thơ "Về quê" cùng mạch cảm hứng nhưng sở dĩ có sự khác nhau trong tâm trạng, cảm xúc và cách thể hiện là do nhiều nguyên nhân. Trước hết các tác giả sinh ra và lớn lên ở những vùng miền khác nhau. Bên cạnh đó, tuổi đời và nghề nghiệp của mỗi người một khác. Cũng do đó, kinh nghiệm sống, rung động thẩm mỹ, tài năng nghệ thuật mỗi người là một thế giới riêng. Nhờ đó, các tác giả đã dâng hiến cho đời nhiều áng thơ hay mang dấu ấn riêng. Tất cả chùm thơ góp phần bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước và làm phong phú thêm, đẹp thêm khu vườn rộng lớn thơ ca đương đại Việt Nam.

Nguyễn Thị Thiện

Tin liên quan

Tin mới nhất