Ấn tượng cặp đôi thơ đền ơn đáp nghĩa của Nguyễn Thị Mai

Thơ đền ơn đáp nghĩa thương binh - liệt sĩ đã đến với bạn đọc từ lâu, rõ rệt nhất từ cuộc kháng chiến chống Pháp, sau đó là chống Mỹ cứu nước. Mọi người nhớ mãi mãi những bài thơ Mộ anh hoa nở (Thanh Hải), Lượm, Người con gái Việt Nam (Tố Hữu), Núi Đôi (Vũ Cao), Hoa chanh (Nguyễn Bao), Quê hương (Giang Nam).... Sau năm 1975, nhất là vài chục năm qua, thơ ngợi ca, tưởng nhớ, tri ân những người xả thân vì nghĩa lớn xuất hiện trên sách, báo rất nhiều, không ít những bài xúc động, đạt tới trình độ nghệ thuật cao. Nhân dịp ngày 27 tháng 7 năm 2023 này, lật lại trang thơ Thời báo Văn học nghệ thuật vào dịp này năm trước (số báo 29, ra ngày 21/7/2022), đọc lại cặp đôi bài thơ Khóc chữ và Thương binh ngoài chính sách của nhà thơ Nguyễn Thị Mai, chúng ta lại càng cảm phục những tấm gương lưu lại mãi mãi cho đời sau ý nghĩa cao cả của ý thức công dân, niềm tự hào về dân tộc, về Tổ quốc Việt Nam, đồng thời ghi nhận sâu sắc những sáng tác hay, phục vụ kịp thời đòi hỏi của đời sống.

Khóc chữ

Không phải chữ hồi đi học

Run run những nét dại khờ

Không phải chữ trong lá thư

Viết cho người yêu thời trẻ.

Mà là chữ trong chiếc lọ

Chôn cùng đồng đội hy sinh

Một lần đi tìm liệt sĩ

Anh gặp lại chữ của mình.

Còn nguyên những dòng nắn nót

Tự tay anh viết rõ ràng

Tên tuổi, quê hương, đơn vị

Hy sinh vào ngày, tháng, năm…

Chữ đã nằm cùng đồng đội

Năm mươi năm dưới đất sâu

Thay anh làm nhân chứng sống

Đợi người thương xót tìm nhau.

Anh nấc nghẹn trong nước mắt

Khóc chữ của mình năm xưa

Ai hay cỏn con chiếc lọ

Làm bia giữ bạn đến giờ.

Ấn tượng cặp đôi thơ đền ơn đáp nghĩa của Nguyễn Thị Mai - 1

Nhà thơ Nguyễn Thị Mai

Lời bình  1 - Bài Khóc chữ

Đây là nhan đề lạ của một bài thơ lạ. Bài thơ có dòng chú thích bên dưới: “Cựu chiến binh Nguyễn Đình Kiểm trợ lý chính trị Sư đoàn 312, đã tham gia mặt trận Quảng Trị năm xưa, từng xin nhận trách nhiệm viết thông tin về các đồng đội hy sinh để đặt trong lọ thủy tinh nhỏ chôn cùng họ sau các trận đánh ác liệt. Năm 2017, trong chiến dịch đi tìm hài cốt liệt sĩ, anh đã tìm được nhiều đồng đội với chiếc lọ thủy tinh trong đó còn nguyên mẩu giấy do tay anh viết rất cẩn thận và nắn nót”.

Nhiều năm qua, đi tìm mộ liệt sĩ là một việc làm khẩn thiết của các tổ chức, nhóm người, cá nhân… ở mọi miền đất nước với những cách thức, tùy theo hoàn cảnh, địa điểm, thời điểm nhất định, đã giúp nhiều gia đình đưa được hài cốt liệt sĩ trở về quê nhà hoặc quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ. Thơ viết về việc tìm mộ chiếm phần lớn trong số tác phẩm viết về liệt sĩ. Mỗi bài thơ có cách tiếp cận riêng về hiện thực. Đối với bài Khóc chữ, cách tiếp cận hiện thực ngỡ như quen thuộc mà lại mới, chưa tác giả nào nói đến.

Có mấy điều đáng chú ý ở bài thơ này: 1- Đây là chuyện có thật để tác giả làm thơ, trong khi nhiều bài thơ khác, chỉ có tấm lòng là thật, còn sự việc, chi tiết là hư cấu, tưởng tượng; 2- Một người trong đoàn tìm mộ lại chính là người mà năm mươi năm trước đã viết chữ cho vào lọ thủy tinh rồi cùng đồng đội mai táng liệt sĩ; 3- Lẽ thường, đồng đội tìm được hài cốt liệt sĩ thì khóc bạn, nhưng ở đây, người viết chữ cho bạn lại khóc chữ của mình khi khóc bạn.

Người cựu chiến binh chợt nhớ lại như in hình ảnh những năm tháng trận mạc, anh gặp lại dòng chữ của mình như gặp lại chính thân thể và tâm hồn mình trước kia cùng thân thể và tâm hồn người đã mất. Ở đây, chữ đã Thay anh làm nhân chứng sống/ Đợi người thương xót tìm nhau.

Là nhân chứng, chữ còn như một nhân vật đang sống - phiên bản của người cựu chiến binh. Chữ nối liền người đang sống với người đã mất. Theo một hướng, chữ vừa là kẻ đứng riêng ra, vừa là cặp đôi với người sáng tạo ra nó - nhìn hướng khác, chữ đã và đang sống - mãi mãi - với người đã mất, chuyển năng lượng tinh thần của người đã mất đến người còn sống. Bài thơ không chỉ nói về người đã mất mà còn nói về người còn sống - người mà năm mươi năm trước đã viết chữ - mà chữ ấy Không phải chữ hồi đi học/ Run run những nét dại khờ/ Không phải chữ trong lá thư/ Viết cho người yêu thời trẻ. Rộng ra là nói đến nhân dân trước và nay. Chữ thuộc biểu tượng về văn hóa. Chính dòng chữ ấy mà cựu chiến binh Nguyễn Đình Kiểm đã tìm được nhiều hài cốt liệt sĩ, trong đó có mẩu giấy mà bài thơ này nói đến.

Thương binh ngoài chính sách

Rõ ràng sẹo đạn đầy thân

Viên bi chứng tích trong chân vẫn còn

Đã từng bao trận hứng bom

Tưởng nằm lại Cánh Đồng Chum không về.

Ra đi giữ trọn lời thề

Hồ sơ đời lính ngày về lại rơi

Để rồi tập tễnh muôn nơi

Xin người chứng nhận, xin lời xác minh

Vết thương đủ lý, đủ tình

Mà không chứng nổi cho mình nỗi đau.

Giờ hơn bốn chục năm sau

Chờ mong, ngóng đợi… quá lâu thành thường

Mỗi lần giời đất ẩm ương

Viên bi lại nhắc mình thương lấy mình

Mỗi năm, tháng Bảy nghĩa tình

Người như cây khuất, lặng thinh rừng già

Lạt Thuồng, đồng đội đã xa

Cánh Đồng Chum biết… nhưng mà ai tin?

Lời bình 2 - Bài Thương binh ngoài chính sách

Bài thơ này được xếp thứ tự thứ hai trong cặp đôi thơ (liệt sĩ cùng thương binh) của nhà thơ Nguyễn Thị Mai. Đây cũng là một nhan đề không bình thường đối với một bài thơ nói về một sự việc… “bình thường”! “Bình thường”, bởi sau chiến tranh, trong nhiều năm, không ít thương binh không có (hoặc không đủ) giấy chứng nhận được hưởng quyền lợi về danh hiệu và vật chất.

Vết thương đủ lý, đủ tình/ Mà không chứng nổi cho mình nỗi đau// Giờ hơn bốn chục năm sau/ Chờ mong, ngóng đợi quá lâu thành thường. Cũng như bài thơ Khóc chữ, bài thơ Thương binh ngoài chính sách có chú thích: “Từ bài thơ này, các cơ quan chức năng đã vào cuộc làm được chính sách thương binh sau 40 năm cho ông Nguyễn Văn Mừng - thôn Bãi Cả - xã Bình Sơn - huyện Lục Nam - tỉnh Bắc Giang, nguyên chiến sĩ Trung đoàn 866 - quân tình nguyện Việt Nam giúp Lào bị thương năm 1971 tại Xiêng Khoảng”. Kể từ ngày bị thương (năm 1971) đến ngày được cơ quan chức năng xác nhận khoảng năm 2011 là bốn mươi năm.

Trường hợp chậm trễ - không phải là hiếm hoi - khiến bản thân cùng gia đình ông phải sống trong tâm trạng buồn khổ, phải vất vả đi ngược về xuôi tìm người xác nhận cho thân phận của mình suốt bằng ấy năm. Sau chiến tranh, cuộc sống đã thanh bình nhưng lại bày ra bao điều khó khăn, ngang trái cho người thương binh. Giấy tờ xác nhận thương binh bị thất lạc hoặc bị hủy hoại, thì chỉ có thể trông cậy vào nhân chứng mà thôi. Trớ trêu thay, người biết thì đã mất hoặc không liên hệ được, người dễ gặp thì thiếu nhiều căn cứ… Người thương binh vừa bươn chải kiếm sống vừa năm lần bảy lượt đến các cơ quan chức năng và tìm người cùng quân ngũ để xin chữ ký xác nhận…

Ngỡ như thất vọng, buông xuôi, thì đây, chính bài thơ của nhà thơ Nguyễn Thị Mai đã góp phần lớn thúc đẩy các cơ quan chức năng xúc tiến việc tìm ra manh mối, tạo lập được chứng cứ tin cậy ở mức cao nhất để làm được chính sách thương binh cho ông Nguyễn Văn Mừng. Thế là cái hay của bài thơ còn nằm ở ngoài trang viết. Tác phẩm văn học tác động trực tiếp và ngay lập tức vào đời sống ra sao thì đây là một trường hợp dẫn chứng nổi bật.

Lời kết

In báo cùng trang vào dịp kỷ niệm ngày 27 tháng 7, cặp đôi bài thơ Khóc chữ và Thương binh ngoài chính sách đã đề cập hai nội dung liệt sĩ và thương binh một cách rất ấn tượng.

Nếu Khóc chữ thuộc thể thơ truyền thống (nối dài mỗi khổ 4 câu, mỗi câu 5 chữ) sâu sắc, độc lạ, thiên về trữ tình và liên tưởng nghệ thuật khi tiếp cận một tình huống tìm được mộ liệt sĩ thì Thương binh ngoài chính sách là thơ lục bát nhuần nhị, nhịp đi đều đều, hóa ra lại là ấn phẩm làm thay bài báo (thường hiểu bài báo thuộc thể loại văn xuôi) ở khía cạnh hiệu quả tức thời của nó mang lại.

Hai bài thơ đặt cạnh nhau để bổ sung cho nhau, làm phong phú và đầy đủ nhau.

Nhìn rộng ra, hai bài thơ không chỉ nói lên sự thật về một liệt sĩ, một thương binh có tên tuổi, địa chỉ, không chỉ nhằm riêng ngày kỷ niệm, mà còn nói với tất cả, rằng chúng ta cần thường xuyên có ý thức sâu sắc và cử chỉ, việc làm cụ thể, thiết thực đền ơn đáp nghĩa đối với tất cả những người đã xả thân vì nghĩa lớn cao đẹp, không được bỏ sót một ai.

Phạm Đình Ân

Tin liên quan

Tin mới nhất

Tượng Bác Hồ và NSND Vương Duy Biên

Tượng Bác Hồ và NSND Vương Duy Biên

Cuối tháng 3 vừa rồi, nhân chuyến công tác tại Phú Quốc (Kiên Giang), Thủ tướng Phạm Minh Chính có đến kiểm tra công trường xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong các ý kiến của Thủ tướng, tôi thấy ông lưu ý cán bộ, công nhân trên công trường phải làm việc “không chỉ bằng trách nhiệm mà bằng cả trái tim, tình cảm đặc biệt đối với Bác Hồ kính yêu”.