Nhà thơ Tố Hữu - Người được trao trọng trách thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam
Người Việt Nam ai cũng biết Tố Hữu là một nhà thơ hàng đầu của thơ ca cách mạng Việt Nam, nhưng ít ai biết ông còn là người đầu tiên được trao trọng trách thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam qua bài Hồi ký mang tên “Văn nghệ Việt Nam những ngày đầu kháng chiến”.
Tôi có cơ hội hai lần được ngắm ông khá kỹ: Lần thứ nhất ngày 6/9/2000 khi ông đến xem triển lãm ảnh của tôi ở 29 phố Hàng Bài (Hà Nội). Xem xong ông ngồi vào bàn ghi cảm tưởng.
Lần thứ hai là tôi đến nhà riêng mời ông viết lời tựa cho cuốn sách Hồ Gươm sắp xuất bản nhân kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội. Sau khi ông rót nước mời tôi, ông cười:
- Chú Đáng đến thăm anh hay có việc gì cần hỏi?- Thưa anh, nhân kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, em làm cuốn sách Hồ Gươm, đã xong và muốn mời anh viết lời tựa.
- Lời tựa! Suy nghĩ trong giây lát, ông từ chối lời đề nghị của tôi với lý do: “quỹ thời gian của ông già 80 không còn nhiều nữa”. Viết lời tựa là phải đọc kỹ lắm mới viết được. Chú nên mời những anh đang còn chức sắc viết thì hợp hơn. Thí dụ như Hữu Thọ là một nhà báo lớn, đang là Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương. Hữu Thọ viết hay lắm đấy. Nếu còn “đất” cho mình in ghé vào một bài thơ về Hà Nội, gọi là góp một tiếng nói tình cảm với nhân dân Thủ đô, được chứ?
- Vâng, vậy thì quá hay. Em ngồi chờ và xin anh bản viết tay để in nguyên văn nhé.Ông gật đầu và ngồi vào bàn viết. Tôi lại có dịp được ngắm ông khá kỹ. Tố Hữu - một nhà thơ lớn, một cán bộ chủ chốt của Đảng đang ở tuổi 80 (1920 - 2000) vẫn mạnh khỏe, minh mẫn, nguồn cảm xúc vẫn còn ào ạt trút lên trang giấy. Bỗng nhiên tôi nhớ lại: Tố Hữu - một chàng thanh niên 27 tuổi đã được Trung ương điều lên Việt Bắc phụ trách công tác Văn hóa - Văn nghệ của Đảng.
Tố Hữu người được trao trọng trách thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam
Tố Hữu tên thật là Nguyễn Kim Thành, sinh ngày 4/10/1920 tại Hội An. Năm 1936 (16 tuổi), Tố Hữu đã vào Thanh niên Cộng sản đoàn. Năm 1937 gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1939 Tố Hữu bị thực dân Pháp bắt, ông bị giam tại các nhà tù và trại tập trung như: Lao Thừa Phủ (Huế), nhà tù Lao Bảo, Buôn Mê Thuột, Quy Nhơn và trại tập trung Đắk Glei. Năm 1942 (22 tuổi) Tố Hữu vượt ngục, tiếp tục hoạt động Cách mạng.Năm 1945 (Cách mạng Tháng Tám) Tố Hữu là Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa giành chính quyền tại Huế khi mới tròn 25 tuổi.
Năm 1947, đang làm cán bộ tuyên huấn của tỉnh Thanh Hóa, Tố Hữu được Trung ương điều lên Việt Bắc.
Tạp chí văn nghệ năm 1948
Tôi chợt nhớ đến bài hồi ký của Tố Hữu mang tên Văn nghệ Việt Nam những ngày đầu kháng chiến ông viết: Nơi tôi đến là một cái lán tre, mái nứa nấp kín dưới rừng mai. Ở đó đã có một số anh em chưa hề quen. Tôi đoán là một “nhà khách” tạm trú. Trời vừa tối. Cơm dọn ra là một nồi cơm ghế sắn khô, một bát canh bí đỏ và một lọ măng chua ngâm muối ớt. “Bữa cơm Việt Minh” ở đâu cũng thế thôi, khác nhau là có tý tép khô hay cua đồng. Ăn xong, lên sàn nằm đỡ mệt, muốn ngủ mà không sao ngủ được. Lại nhớ “em” rồi. Giá ở với nhau vài ngày cũng đỡ buồn. Tại mình cả thôi. Trên biết thế nào bụng dạ của mình. “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”. Đám cưới “Đời sống mới” chả căng cái biển to tướng đó ư? Thế mới là cách mạng chứ. Nhưng thôi, ngủ đã, để xem mai đi đâu và gặp ai, làm gì?
Sáng sớm mùa thu, sương mù mênh mông, nghe tiếng gáy te te đâu đó, không biết gà rừng hay gà nhà.
Ra suối rửa mặt, mát lạnh. Cái “cọn” nước quay lọc rọc, đổ nước ồ ồ xuống cái máng đưa nước vào mấy mảnh ruộng bậc thang.
Một chú em mặc áo chàm đến, nhìn thấy tôi liền nhẩy lên ôm chặt, mừng ríu rít: “Tưởng là ai, hóa anh, tha hồ mà làm thơ anh ơi!”. Tôi nhận ra chú đánh máy văn phòng Trung ương ở Hà Nội, chú đưa tôi đến phòng khách, một cái nhà vách nứa còn tươi xanh. Có một chiếc bàn bốn chân vầu và mấy cái ghế tre kiểu “sa lông”. Mấy phút sau, vị chủ nhà ra tiếp tôi là anh Lê Đức Thọ. Tôi đã làm việc với anh ở Hà Nội, lần này gặp giữa núi rừng nên vui ngay câu chuyện:
- Cậu ra hôm nào?
- Mới hôm qua thôi - tôi đáp.
- Nghe nói cậu mới cưới vợ phải không?
Thế cô ấy đâu rồi?
- Vâng, cùng ra với tôi. Bây giờ thì cô ấy còn ở ngoài kia, chỗ liên lạc, không được vào đây.
Anh liền quay lại sau, tìm ai đó, rồi lắc đầu:
- Bậy, sao lại thế! Thôi được, để tạm đó vài ngày ta bàn xong sẽ thu xếp.
- Tôi được gọi ra, không biết sẽ làm gì, anh?
- Ấy mới nhìn chung công việc, thấy mảng văn hóa yếu quá. Cậu đang công tác ở Thanh Hóa, đã quen người, quen việc mà phải điều ra, cũng hơi tiếc. Nhưng chẳng biết lấy ai làm văn hóa, công việc quan trọng mà lại phức tạp.
Tôi xen luôn:
- Thiếu gì người biết việc này hơn tôi, sao anh không lấy?
Anh cười vẻ tinh đời:
- Nhưng chẳng như cậu, vừa là cán bộ chính trị, vừa là nhà thơ, phải biết cả hai mặt: chính trị và văn hóa mới được. Mình làm cán bộ tổ chức là biết dùng người chứ.Tôi vẫn chưa thông lắm:
- Anh tính, tôi đã biết gì về văn hóa, chẳng qua làm mấy bài thơ tuyên truyền cách mạng, còn chính trị thì làm ở cấp tỉnh. Bây giờ lại đang kháng chiến, chẳng biết tôi lên đây thì làm được việc gì?
- Tất nhiên là phải vừa làm vừa học, ai cũng thế thôi. Cậu còn trẻ, cố gắng thì chắc làm được. Anh động viên tôi. Nhưng thôi, đã quyết định rồi. Cậu sẽ gặp anh Trường Chinh bàn thêm.
Chẳng phải đợi lâu, tôi được mời đến nhà anh Trường Chinh ngay chiều hôm ấy. Vẫn là nhà tre vách đất nhưng sạch sẽ, ngăn nắp, thoáng gió. Một con suối róc rách chảy qua các tảng đá để rửa chân, rửa dép trước khi vào hàng hiên. Tôi vừa bước vào đã thấy anh từ phòng trong đi ra. Anh sẽ sàng bắt tay tôi, mỉm cười thân mật và mời ngồi lịch sự như ngày nào ở Hà Nội.
Sợ mất thì giờ của anh, tôi nói luôn: “Xin anh cho biết cụ thể tôi sẽ nhận công tác gì, hôm qua anh Thọ đã nói sơ qua…”
Anh vẫn thong thả, từ tốn: “Công tác văn hóa có nhiều mặt, văn nghệ, khoa học, giáo dục… mà hiện nay ta còn thiếu nhiều cán bộ. Tôi nghĩ anh có thể làm về văn nghệ. Còn các anh Nguyễn Khánh Toàn, Đặng Thai Mai… phụ trách về khoa học xã hội, giáo dục… Anh nghĩ thế nào?”.
Giữa năm 1945, Trung ương gọi tôi ra Hà Nội, giao cho công tác văn hóa. Tôi bắt đầu tìm hiểu việc và người. Đúng là rất khó, mà tôi lại chưa quen. Nay tiếp tục làm, thì xin trước hết phải có bộ máy với những cán bộ thích hợp về các mặt. Riêng về văn nghệ, tôi cảm thấy Hội Văn hóa Cứu quốc chưa tập hợp đông đảo anh em, tôi e có phần chặt chẽ quá nếu không nói là hẹp hòi… và dễ sinh bè phái.
Tôi vừa nói đến đây thì thấy đôi mày anh hơi nhíu lại, có vẻ vừa chăm chú vừa ngạc nhiên, anh định hỏi qua nhưng thôi.
- Mời anh tiếp tục nói, tôi nghe đây.- Thưa anh, tôi có tí kinh nghiệm ở Huế. Có tổ chức nhóm “Xây dựng” mời hết các anh em văn nghệ tham gia, từ Hải Triều đến Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư, Chế Lan Viên… có nhiều khuynh hướng và tính cách khác nhau nhưng sống và làm việc với nhau rất thoải mái.Ở Hà Nội, tôi thấy có những anh em vì lý do này nọ chưa thích vào Hội Văn hóa Cứu quốc…
- Như ai? Anh hỏi
- Chẳng hạn như anh Nguyễn Tuân hay Tô Ngọc Vân…
- Có lẽ họ thích “độc lập” hơn là tổ chức gò bó…- Tôi cũng mới làm quen, chưa thật rõ lắm.
- Dù sao - anh nói - nên đoàn kết họ lại, thực hiện cho được khẩu hiệu Bác đã nêu trong Hội nghị văn hóa toàn quốc: “Kháng chiến hóa văn hóa, văn hóa hóa kháng chiến”.
Tôi tranh thủ hỏi luôn:
- Xin anh cho ý kiến về vấn đề cụ thể này: có nên đặt cơ quan văn nghệ ở trong chiến khu Trung ương hay là về một nơi nào đó gần dân hơn, thí dụ vùng Trung du?Anh suy nghĩ một lát rồi gật đầu:
- Đúng đấy, tùy các anh nên chọn đâu cho tiện hai việc, gần nhân dân và gần anh em văn nghệ. Có vấn đề gì, khó khăn gì, báo cáo Trung ương biết.Thế là xong, tôi chào anh ra về, lòng vẫn day dứt, bâng khuâng: “Làm thế nào đây để xây dựng một nền văn nghệ kháng chiến? Bây giờ thì hãy tạm ở cơ quan Trung ương rồi sẽ đi tìm nơi làm việc lâu dài”. Bụng nghĩ thế mà chân thì tự nhiên, cứ theo đường rừng lần ra trạm liên lạc, xem “Bé xanh” của anh thế nào rồi. Vừa bước vào cái phòng trống tuếch toác, thấy em ngồi quay lưng tựa cửa nhìn ra rừng. Nhẹ chân tới gần, sợ em giật mình nên chỉ nói khẽ: “Anh đây mà!”
Em quay lại hai mắt ướt nhòe, rồi gục vào ngực anh, nóng hổi. “Sao anh đi mất hút thế? Để em có một mình, buồn và sợ quá!”
- Có ai đến và bảo gì không?
- Họ bảo ngày mai về cơ quan phụ vận. Anh đi với em không?
- Sao lại không? Phải biết em ở đâu mà tìm chứ, lạc mất thì sao?
Em nũng nịu: “Lạc thì thôi chứ sao! Ai cần gì mình?”.
Hai đứa cùng cười. Rủ nhau ra quán ở ngã ba, mua mấy nải chuối và “mắc coọc” rồi lại dắt nhau về trạm ăn tối: một rá cơm với sắn luộc, một đĩa măng chua và một tô bí đỏ.
Còn một đêm ở cùng nhau, cứ thao thức mãi chỉ sợ ngủ quên mất.
Đêm lạnh, lều rơm, không liếp cửa
Hai đứa mình ôm nhau trên sàn nứa
Nằm bên em, nghe mà ấm vòng tay
Sợ tiếng gà gáy hết đêm nay…
Hôm sau, hai anh em theo chú liên lạc xuôi xuống gần quán Ông Già rẽ vào một lối rừng, vừa đến một bờ suối đã nghe tiếng gọi ý ới, tiếng cười của mấy cô gái. Đúng là trụ sở phụ nữ rồi. Tôi bước qua bậc đá vào nhà, thì gặp ngay chị Diệu Hồng, thấy cô bé lớ ngớ nhìn quanh, chị túm lấy tay kéo vào lòng, rồi vừa nhìn vừa kêu lên vui vẻ: “Ôi, xinh quá! Nhà có út rồi, các cô ơi!”. Thế là yên tâm. Có người chị nhanh nhẹn mà hiền lành cũng dễ chịu.
Ở chơi một hôm, tôi trở lại cơ quan để trù liệu công việc. Đang chuẩn bị xuống Đại Từ, tìm chỗ ở thì bỗng được lệnh khẩn: “Dọn cơ quan ngay!”. Địch đã ném bom ở núi Hồng và nhảy dù xuống Bắc Cạn. Nửa đêm ấy, từng tốp cán bộ, ba lô trên vai, nối đuôi nhau đi về hướng Thái Nguyên. Ngày hôm sau tiếp tục lên vùng Võ Nhai. May mà trời đã sang thu, nắng dịu nên hành quân đỡ mệt. Đồng chí giao thông đưa vào một bản nhỏ, kín đáo tựa lưng vào núi đá. Tôi bước lên sàn nhà bỗng rất ngạc nhiên thấy anh Trường Chinh ngồi bên bếp. Trông anh như chẳng có việc gì xảy ra, mặc dù cuộc di chuyển hai ngày qua khá vất vả.
Anh nhìn tôi cười và nói ngay: “Lại ngồi đây ta bàn chuyện này”. Tôi nghĩ là bàn chuyện việc ăn ở, làm việc thế nào. Không ngờ, anh lại hỏi: “Theo anh, thì Goóc-ky là hiện thực hay là lãng mạn?”. Thú thật, tôi không thể tin được lúc này anh lại có thể bình tâm nghĩ đến chuyện văn chương như thế. Nhưng thấy anh hỏi một cách tự nhiên, tôi cũng vui lây và nói: “Tôi chưa đọc được nhiều, nhưng lấy quyển Người mẹ làm thí dụ, thì tôi nghĩ Goóc-ky vừa là hiện thực vừa là lãng mạn. Có lẽ đó là bản chất của văn nghệ cách mạng. Hiện thực mà không lãng mạn cũng như có chân đứng, mà không có cánh bay. Lãng mạn mà không có hiện thực thì như có cánh bay mà không có chân đứng. Có lẽ nói thế hơi thô, nhưng tôi cho đó là hai yếu tố không thể tách rời…”.
Tôi thấy anh tủm tỉm cười có vẻ hứng thú “Đó cũng là một ý kiến. Rồi ta bàn thêm”. Trong lòng tôi tự nhiên nổi lên một niềm vui lớn: Trong lúc gian nan mà các đồng chí lãnh đạo của Đảng có ý chí mạnh mẽ và trí tuệ vững vàng. Lúc đó, tôi vẫn chưa biết anh vừa mới thoát được hai lần nguy hiểm. Trận bom núi Hồng trút xuống một lớp học của cán bộ Đảng trong khi anh đang giảng bài và anh đã thoát chết nhờ có mấy anh em nằm đè lên trên, che chắn cho anh. Lại đến chiến dịch nhảy dù xuống Bắc Cạn đúng lúc anh đang lên làm việc ở đó. Không kịp chạy ra rừng, anh phải nấp vào một cái hầm trong đó có cả mấy người dân. May mà không bị phát hiện, đến đêm anh chui ra và về cơ quan được an toàn.
Qua hai cơn “chết người” như thế mà vẫn còn nghĩ đến văn chương, thì tâm hồn đẹp biết mấy!
Bây giờ thì “Văn chương” là việc chúng tôi phải làm. Các anh Thi và anh Tưởng đã bàn với tỉnh Bắc Giang sắp xếp cho một ngôi nhà ở gần Nhã Nam làm cơ quan văn nghệ. Cạnh đấy là “ấp đồi cháy” nơi ở của bác Ngô Tất Tố và Nguyên Hồng, Kim Lân. Chúng tôi dọn về đó chưa được một tháng, đã thấy một số cơ quan Trung ương lục tục kéo về, rải rác các làng. Một buổi chiều, sắp chạng vạng, một đoàn cán bộ nữ, ba lô oằn lưng, lếch thếch qua chân đồi, nơi chúng tôi ngồi hóng gió. Tôi chạy xuống bờ đường xem có ai quen. Trời, Phật ơi! Em của anh! Em đang lúc cúc đi, tóc xõa trên trán, trên má đỏ bừng, mồ hôi ướt đẫm áo nâu. Có ngờ đâu anh lại đang ở đây, anh đợi chờ em từ bao giờ vậy. Mừng quá liền túm lấy tay em, làm em hơi hoảng, ai lại túm lấy nhau giữa đoàn chị em thế này. Thôi thì đi theo vậy, đến nơi đoàn ta “đóng quân” cũng không xa lắm. Được gặp lại và ở gần nhau mấy hôm, không gì vui bằng. Tưởng có thể yên ổn ở nơi này nhưng lại báo động: địch đang đánh lên Nhã Nam! Cả hai cơ quan Văn nghệ và Phụ nữ liền hội ý nhanh, chuyển sang Phú Thọ. Cùng đi một đường, càng tiện giúp nhau. Các anh đồng ý cho em cùng đi với anh, thật là hợp lý, hợp tình. Qua Sơn Cốt, vượt đèo Nhe xuống Vĩnh Yên. Cuộc “du lịch” đang thú vị, thì lại nghe tiếng súng nổ từ dưới lên. Lại tạt qua Việt Trì lên Phú Thọ. Tỉnh ủy bố trí cho chị em vào một bản, còn văn nghệ thì vào thôn Gia Điền ở Thanh Ba. Từ đây, thực sự bắt đầu công việc văn nghệ kháng chiến. Đó là một xã nghèo đói, chỉ mấy mảnh ruộng bằng tấm chiếu trải giữa đồi cọ xác xơ. Nhà chúng tôi đến chỉ có một bà cụ già, có một con trai đã vào bộ đội. Lỏng chỏng hai cái giường tre đủ cho bốn người nằm và một bộ phản gỗ làm bàn cho “tòa soạn” một tạp chí sắp ra đời.
Chiến thắng Bông Lau, Ỷ La, Đèo Thông, Đèo Giàng và chiến thắng sông Lô đánh đắm tàu địch, dội vang rừng đã thổi một luồng gió lạc quan lớn đến làng bản. Chúng tôi càng nóng lòng ghi được chút gì góp vào ngày hội của đất nước. Phải ra ngay tạp chí Văn nghệ. Giấy bản còn dính rơm, nhưng vừa đủ mấy khuôn chữ bỏ cặp mang theo, nhưng ra được báo là sướng rồi. Gay nhất là bài vở thế nào cho hay, anh em bò ra mà viết, nhờ có gió chiến thắng, hào hứng nổi lên có đủ tiểu luận, truyện ngắn, thơ, nhạc… Một tạp chí đã ra đời, mặt mũi khôi ngô, tinh thần rất mạnh, bắt đầu có khí sắc kháng chiến.
*
- Xong rồi, tôi trao lại cho chú tùy nghi sử dụng!
Tôi bừng tỉnh, cắt đứt dòng suy nghĩ về một Tố Hữu thời trai trẻ sớm trở thành một nhà thơ nổi tiếng, một cán bộ cách mạng đầy nhiệt huyết.Bài viết trên đây của Tố Hữu được xem là “Bức chân dung tự họa của Tố Hữu thời trai trẻ”.
Tố Hữu tuổi 80
Trước mắt tôi, ông là một thi sĩ lão thành đường bệ đã tròn 80 tuổi, với một gia tài tác phẩm đồ sộ, được bạn đọc nhiều thế hệ, được nhân dân thuộc nhiều thơ Tố Hữu, với Từ ấy (1937 - 1946); với Việt Bắc (1948 - 1954); với Gió lộng (1955 - 1961); với Ra trận (1962 - 1977); với Một tiếng đờn (1979 - 1992); với Ta với Ta (1993 - 2002)… và được nhiều bạn đọc, các nhà nghiên cứu văn học nước ngoài biết đến, tìm đến thơ Tố Hữu.
Cơ quan tạp chí Văn nghệ (Hội Văn nghệ Việt Nam) tại xóm Chòi, xã Yên Mỹ, huyện Đại Từ, Thái Nguyên, 1949 - 1950 (Từ trái sang: Nguyễn HuyTưởng, Ngô Tất Tố, Nguyễn Đình Thi, Trần Huy Liệu, Nguyễn Xuân Sanh,Tố Hữu, Hoài Thanh và Nguyễn Tuân (Ảnh tư liệu Bảo tàng Cách mạng Việt Nam)
Trên con đường chính trị ông cũng đạt tới nhiều thành công, sớm trở thành Đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương, là Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng tại Cố đô Huế (8/1945) khi mới 25 tuổi. Năm 1947 (27 tuổi) ông được Trung ương trao trách nhiệm lãnh đạo Văn hóa - Văn nghệ của Đảng. Năm 1951 được bầu vào Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam.
Từ năm 1958 Tố Hữu lần lượt được cử giữ cương vị chủ chốt trên mặt trận Tư tưởng - Văn hóa: Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương, Trưởng ban Khoa giáo; Trưởng ban Thống nhất Trung ương; Hiệu trưởng Trường Chính trị cao cấp Nguyễn Ái Quốc Trung ương. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (1976) Tố Hữu được bầu vào Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và giữ cương vị Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Bộ trưởng (từ năm 1981 - 1986).
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình Tố Hữu đạt tới đỉnh cao của sự nghiệp ở cả hai lĩnh vực: văn học và chính trị. Ông là nhà thơ lớn của nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Năm 2020 là năm gặt hái của nhà thơ Lương Hữu Quang khi anh đoạt đến 4 giải thưởng văn học tầm cỡ quốc gia: 1/ Giải...
Bình luận