Hoàng Kim Đáng với "Một góc nhìn đất nước": Một tấm lòng, hai vũ khí

“Một góc nhìn đất nước” chạy theo mạch tư duy và cảm xúc nghề nghiệp với hai vũ khí trong tay, với một tấm lòng thương quý, trân trọng và bảo vệ từng tấc đất, từng con người sống trên mảnh đất hình chữ S.

Trong một cuộc gặp gỡ để nhớ lại những năm tháng đi “B dài” thật dài, tôi, phóng viên phát thanh phỏng vấn phóng viên ảnh Hoàng Kim Đáng về nghề nghiệp và tác phẩm, anh hồn nhiên: “Tác phẩm của tôi là hình ảnh” - “Nhưng anh ơi, trả lời trên sóng phát thanh thì phải là tiếng nói chứ?”. Anh vẫn hồn nhiên: “Tôi vào nghề báo bằng việc cầm bút trước. Với tôi sự nghiệp cầm bút cũng chỉ ở mức thường thường bậc trung. Biết vậy tôi liền tìm đến một loại vũ khí mới để hỗ trợ, đó là máy ảnh. Hai loại vũ khí đó như hai anh em trong một nhà. Tôi nghiệm ra hai loại vũ khí, hai loại hình ngôn ngữ hỗ trợ cho nhau rất lợi thế đối với người làm báo”.

Hoàng Kim Đáng với "Một góc nhìn đất nước": Một tấm lòng, hai vũ khí - 1

NSNA Hoàng Kim Đáng

Lần theo câu chuyện hồn nhiên ấy, tôi nghiền ngẫm hết cuốn “Một góc nhìn đất nước” của nhà báo, nghệ sỹ nhiếp ảnh tên tuổi Hoàng Kim Đáng. Sách khổ lớn 16x24cm, dày tới 400 trang có lẻ, là những bút ký, ghi chép, phóng sự, tản văn của tác giả sau năm 2000. Hay nói một cách khác là năm mươi lăm đứa con tinh thần sinh sau đẻ muộn, sau tuổi hưu mà vẫn “khôi ngô tuấn tú”.

Vẻ đẹp đầu tiên của người cha tinh thần Hoàng Kim Đáng là tấm lòng với “những đứa con”. Đứa sinh trước, kẻ ra sau “trứng gà trứng vịt”, nhưng được thu xếp, gọn gàng chu đáo vào “tám chiếc nôi”, tức là tám hạng mục trong một cuốn sách đầy đặn, phong phú nội dung, thoáng rộng, sinh động hình thức. Ấy là: Trên những nẻo đường đất nước - Từ chiến thắng Điện Biên đến Sài Gòn giải phóng – Cả nước hướng về Trường Sa thân yêu – Trưởng thành trong Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại – Hà Nội, thủ đô một trái tim hồng – Hội An, đô thị cổ - Những câu chuyện cảm động – Văn học và Báo chí, đôi điều tản mạn.

Mỗi tên đất, tên người, trong nước hay quốc tế trong bút ký của Hoàng Kim Đáng đều ngồn ngộn sự kiện, thấm đẫm tình người. Dù là ghi chép hay tản văn, tác giả không dừng lại kiểu “hót váng”, “ăn xổi ở thì” mà đào sâu suy nghĩ, lùi lại quá khứ, có khi cả hàng chục thế kỷ, hàng nghìn năm trước để hiểu thêm một vùng đất, một con người.

Hoàng Kim Đáng với "Một góc nhìn đất nước": Một tấm lòng, hai vũ khí - 2

“Một góc nhìn đất nước” của Hoàng Kim Đáng

Viết về “Biên giới lòng dân” tác giả lùi lại hơn nghìn năm trước. “Năm 1029 Lý Thái Tông gả công chúa Bình Dương cho con trai Tù trưởng Thân Thừa Quý là Thân Thừa Thái. Năm 1066 vua Lý Thánh Tông gả công chúa Thiên Thanh cho con trai Tù trưởng Thân Thừa Thái là Thân Cảnh Phúc. Công chúa cùng chồng chăm lo phát triển kinh tế, mở mang dân trí, đoàn kết dân tộc. Nhưng điều sâu xa hơn là giúp vua cha giám sát, đôn đốc phu quân trong việc thực thi mệnh lệnh, chiếu chỉ của triều đình, để mắt đến tình hình địch quân nhòm ngó bên kia biên giới”.

Lòng dân bảo vệ biên cương tổ quốc đâu phải hôm nay mới có mà thẳm sâu từ nghìn năm nước, để nên trường thành phên dậu Quốc gia. Những sự kiện tiếp theo ở Đồn Thủy hay Bản Giốc trong cuộc chiến tranh chống xâm lược, bảo vệ biên giới ngày nay đều chạy theo mạch ghi dấu lịch sử ấy tạo nên sức nặng, chiều sâu của tác phẩm.

Mỗi con người trong bút ký của Hoàng Kim Đáng đều có số phận, tính cách, phẩm hạnh và ý chí đổi đời. Những con người mà tác giả thường gặp trong cuộc sống bề bộn hay sống chậm lại mang dung lượng của một nhân vật trong truyện ngắn hay tiểu thuyết. Trong bút ký tác giả khắc họa bằng những chi tiết chọn lọc.

Hoàng Kim Đáng với "Một góc nhìn đất nước": Một tấm lòng, hai vũ khí - 3

Trong ghi chép “Những người đi mở đất” tác giả rỉ rả kể lại cuộc phiêu lưu thời “bao cấp” nghiệt ngã của chàng rể Nguyễn Doãn Hiền cùng cô dâu Nguyễn Thị Loan từ Hà Nội vào Đà Lạt nghỉ “tuần trăng mật”. Tuần trăng mật hết, tiền cũng hết. Có hai bộ quần áo, bèn bán đi một để lấy tiền mua vé về Hà Nội mà không đủ. Đường cùng, đôi uyên ương tìm đến bí thư huyện ủy Phan Hữu Gián trình bày hoàn cảnh, xin được giúp đỡ ở lại Lâm Hà xây dựng kinh tế mới, phát triển “vườn – ao – chuồng” mỗi năm thu về cả trăm triệu đồng. Trăm triệu đồng thời bao cấp đâu phải nhỏ.

Chi tiết chọn lọc khá đắt lại thêm ngôn ngữ dung dị mà sống động làm cho tác phẩm dù ngắn hay dài về dung lượng, thời lượng vẫn găm vào bộ nhớ người đọc, người nghe. Trước cao nguyên Châu Mộc đẹp từ xanh xanh đồi chè, lung linh hoa đào, hoa mận với những cô gái H'Mông váy áo sặc sỡ hút hồn tay viết, tay máy, Hoàng Kim Đáng miêu tả “Tiếng bấm máy tí tách phát một, ba phát một, có tay máy bấm liên tục như súng liên thanh, nghe mà xốn xang trong dạ, thổn thức con tim”.

Tay máy, tay viết của Hoàng Kim Đáng là vậy. Chân thực mà tinh tế. Có hai loại vũ khí trong tay, viết và máy ảnh, nhà báo, nghệ sỹ đưa đến độc giả bức tranh nghề nghiệp “Ba nhà nhiếp ảnh, ba nhà báo cùng người mẩu hào phóng mời chúng tôi cùng chụp, cùng vui chơi ca hát. Đôi lúc giữa các nhà báo, nhà nhiếp ảnh cùng người mẫu “nhập thần”, họ quên biến những bàn tay đạo diễn.

Đạo diễn đây. Người mẫu đây, nhưng sẽ không còn những ảnh khiên cưỡng, cứng đơ, vô hồn, vô cảm để lộ rõ những bàn tay đạo diễn. Đó là hình ảnh những tay máy thiện xạ và những người mẫu không chuyên diễn ra trong Tết người Mông trên cao nguyên Châu Mộc.

55 bút ký, ghi chép, tản văn của nhà báo, NSNA Hoàng Kim Đáng đọng lại trong “Một góc nhìn đất nước” chạy theo mạch tư duy và cảm xúc nghề nghiệp với hai vũ khí trong tay, với một tấm lòng thương quý, trân trọng và bảo vệ từng tấc đất, từng con người sống trên mảnh đất hình chữ S này.

Vĩnh Trà

Tin liên quan

Tin mới nhất

Những trải nghiệm tư tưởng của Nguyễn Huy Tưởng trên bước đường lập thân, lập nghiệp

Những trải nghiệm tư tưởng của Nguyễn Huy Tưởng trên bước đường lập thân, lập nghiệp

Cuốn nhật ký “Con đường Văn sĩ” là tác phẩm không chỉ dành cho những ai yêu văn chương của Nguyễn Huy Tưởng mà đó còn là kho tư liệu quý giá để hiểu về ông và rộng hơn là thế hệ nhà văn tiền chiến. Cuốn sách đặc biệt hướng đến độc giả trẻ tuổi – những người đang háo hức và băn khoăn, quả quyết và khắc khoải bước vào đời với những khát khao giống như bậc tiền nhân