Nâng cao chất lượng tác phẩm văn học nghệ thuật: Những nhiệm vụ cấp bách

Đường lối đổi mới toàn diện đất nước không chỉ đem lại những thành tựu vượt bậc về kinh tế mà còn ghi nhận những thành quả lớn về văn hoá nghệ thuật, đặc biệt sau Nghị quyết 23 của Đảng. Hoạt động sáng tạo cùng với quá trình dân chủ hóa của đất nước, phát triển mạnh mẽ đa dạng và sinh động, đáp ứng nhiều nhu cầu xã hội hơn. Đề tài sáng tác, do vậy, được mở rộng hơn. Sự chuyển động mạnh mẽ của cơ chế thị trường và tinh thần tự do sáng tạo đã mang lại tiếng nói nhiều màu sắc trong sáng tác nghệ thuật. Ngôn ngữ nghệ thuật trở nên đa diện, đa thanh hơn. Phương pháp sáng tạo nghệ thuật trở nên phong phú hơn. Cơ cấu các tác phẩm văn học nghệ thuật ngày càng thoát khỏi sự áp đặt về nội dung, đơn điệu về nhu cầu, hình thức và thể loại.

Nhưng văn học nghệ thuật, sau không khí sôi động của những năm đầu đổi mới đã không theo kịp sự vận động của cuộc sống. Ngược với khí thế sôi sục của những năm tháng kháng chiến, văn học nghệ thuật gần như đứng ngoài cuộc sống xây dựng và phát triển của đất nước, không gắn mình vào số phận của nhân dân. Số lượng tác phẩm sáng tác tỷ lệ nghịch với chất lượng tác phẩm. Tác phẩm sáng tác thì nhiều, nhưng tác phẩm có chất lượng cao rất hiếm hoi.

Sáng tác văn học nghệ thuật đã hướng đến được những tâm trạng riêng tư, cái tôi cá nhân không được coi trọng trong nghệ thuật thời bao cấp nhưng đáng tiếc lại bỏ quên những vấn đề chung của con người. Sáng tác văn học nghệ thuật gần như không mấy quan tâm đến những vấn đề lý tưởng thẩm mỹ, lý tưởng nhân văn trong giai đoạn đặc biệt của dân tộc, phân tích và lý giải con đường đi lên của đất nước thời mở cửa và hội nhập... những vấn đề cốt tử của một nền nghệ thuật.

Nâng cao chất lượng tác phẩm văn học nghệ thuật: Những nhiệm vụ cấp bách - 1

Ảnh minh họa

THỬ TÌM NGUYÊN NHÂN

Nguyên nhân của tình hình trên có thể tìm thấy, trước hết trong chủ quan của chủ thể sáng tạo. Hoàn toàn không quá đáng khi nói rằng, sau đổi mới, giới nghệ sĩ sáng tạo đang rơi vào cuộc khủng hoảng mới, khó khăn hơn. Không ít người tỏ ra bối rối và đánh mất cảm hứng sáng tạo. Nhiệt huyết sáng tác sau những năm đầu đổi mới đang dần bị phai nhạt.

Nguyên nhân là do quá trình đổi mới tư tưởng và dân chủ hóa xã hội diễn ra chậm chạp. Tiến trình đổi mới nghệ thuật dường như bị cản trở bởi một lực cản vô hình, thậm chí cảm giác có lúc bị đảo ngược. Các chính sách về nghệ thuật tỏ ra bất cập, không theo kịp tình hình phát triển của nền kinh tế thị trường.

Những khiếm khuyết trong cơ chế quản lý xã hội chậm được sửa đổi đã bộc lộ rõ những bất cập trong định hướng phát triển. Một bộ phận trong đội ngũ cán bộ quản lý không ngang tầm với trách nhiệm, không đủ năng lực đáp ứng đòi hỏi của tình hình mới đã thể hiện tính bất lực trong việc hoạch định các chính sách văn hóa xã hội. Một bộ phận không nhỏ cán bộ Đảng viên xuống cấp về mặt đạo đức, suy thoái tư tưởng như Nghị quyết Trung ương 4 đã đề cập. Nạn tham nhũng, quan liêu, lãng phí, tiêu cực diễn ra tràn lan trong khi cơ chế chống tham nhũng chưa thật hiệu quả. Khoảng cách giàu nghèo ngày càng giãn ra khiến gia tăng bất công xã hội. Đời sống đại bộ phận nhân dân hết sức khó khăn. Bức tranh tổng thể xã hội như trên khiến người dân suy giảm lòng tin vào chế độ và nó đã tác động ngược lại chủ thể sáng tạo, bộ phận nhạy cảm nhất của cơ thể xã hội.

Trong khi đó, đầu tư vĩ mô cho hoạt động văn hóa lại như muối bỏ biển. Chú trọng đầu tư vào kinh tế là hết sức cần thiết nhưng chính sách vĩ mô đã tỏ ra bất công với văn hóa. Đầu tư công cho sản xuất vật chất không cân đối với đầu tư sản xuất sản phẩm tinh thần. Trong khi chúng ta vẫn tỏ ra rộng rãi bao cấp tràn lan cho khu vực kinh tế nhà nước bất chấp hiệu quả kinh tế thì đầu tư cho văn hóa, chủ yếu là đầu tư cho hoạt động hành chính, phần đầu tư cho sáng tạo văn học nghệ thuật quá ít ỏi. Đầu tư cho hoạt động sáng tạo đã ít, cách đầu tư theo kiểu dàn đều theo phương thức trợ cấp xã hội, không những không tạo được động lực mà còn làm nản lòng giới nghệ sĩ, lãng phí tiền của nhân dân. Đó là chưa kể sân chơi cho văn học nghệ thuật bị thu hẹp đến mức báo động.

Hoạt động xuất bản, nơi phổ biến chủ yếu của tác phẩm bị bỏ rơi cho thị trường và bị thị trường ăn tươi nuốt sống một cách thảm hại. Các nhà xuất bản tồn tại lay lắt buộc phải cắt đứt mối lương duyên với các chủ thể sáng tạo. Các phương tiện thông tin đại chúng, đất sống còn lại của sáng tạo nghệ thuật, do nhiều lý do, trong đó có lý do kinh tế, cũng thờ ơ với việc giới thiệu và quảng bá tác phẩm nghệ thuật. Mất động lực sáng tạo, đã đành, tác phẩm nghệ thuật làm ra không có đất phổ biến. Những nhà văn sinh tử vì nghề, nếu có tiền để in vài trăm cuốn cũng chỉ đủ để bạn bè đọc với nhau, làm sao vươn đến công chúng rộng rãi, và do vậy khó có thể có tác động đến dư luận xã hội.

Nhưng khi có đất diễn, văn học nghệ thuật còn phải đối mặt với một bài toán khó về công chúng nghệ thuật. Công chúng nghệ thuật thời thị trường có nhu cầu phong phú hơn công chúng nghệ thuật thời bao cấp. Trong điều kiện thu nhập có hạn, người ta quan tâm đến nhu cầu tri thức nghề nghiệp để tăng cường khả năng kiếm sống hơn là những nhu cầu tinh thần khác.

Thời hoàng kim của xuất bản với những cơn sốt kiểu “Sống như anh” không bao giờ trở lại. Với bộ phận công chúng còn yêu mến nghệ thuật, thị hiếu cũng khác trước. Nhu cầu mới trong thưởng thức nghệ thuật và cả những sai lầm trong định hướng thẩm mỹ vĩ mô đã khiến thị hiếu một bộ phận công chúng thay đổi. Người ta quan tâm đến xu hướng giải trí đơn thuần hơn là tìm đến những chức năng quan trọng khác của nghệ thuật. Không được công chúng ủng hộ, nghệ thuật trên thực tế đã ngã ngựa ngay trên sân chơi của chính mình. Niềm vui được đồng cảm, chia sẻ - một trong những động lực của kẻ sáng tạo đã bị dập tắt.

Có cơ may khi thoát được rào cản kinh tế, những sản phẩm nghệ thuật lại phải đối mặt với nguy cơ rào cản của thứ nghệ thuật dung tục. Văn học nghệ thuật vẫn chịu nhiều hệ lụy của quá nhiều định kiến về những vấn đề nhạy cảm, những barie vô hình, những định kiến xã hội, những suy diễn chính trị kiểu chụp mũ, áp đặt của những năm 60 thế kỷ trước. Nó khiến cho văn nghệ sĩ ngán ngại sáng tác còn nhà xuất bản tỏ ra nhát tay khi duyệt in những tác phẩm kiểu như thế này. Tư duy nghệ thuật ấu trĩ kiểu ấy, đã thủ tiêu những tác phẩm hướng tới phê phán mổ xẻ, lý giải vốn là một chức năng quan trọng của nghệ thuật.

Nghệ thuật tránh né những đề hóc búa của xã hội đương đại cũng vì lý do đó. Phải chăng đó cũng là nguyên nhân mà nghệ thuật cam chịu số phận là kẻ mua vui giải trí hơn là đóng vai trò của những nghệ sĩ thực thụ xả thân vì lý tưởng thẩm mỹ, và do vậy sẽ rất khó trở thành gương mặt văn hóa, tinh thần của thời đại.

NHỮNG GIẢI PHÁP CẤP BÁCH

Nâng cao chất lượng tác phẩm văn học nghệ thuật là một nhiệm vụ khó khăn và cần những nỗ lực đồng bộ từ nhiều phía, nhưng không phải nhiệm vụ bất khả thi. Đã có một thời chúng ta có một nền nghệ thuật xứng đáng với một giai đoạn lịch sử của đất nước là một minh chứng. Khí thế chống xâm lược trong những năm kháng chiến bảo vệ Tổ quốc đã tạo ra một không khí sáng tác đặc biệt làm tiền đề cho sự ra đời của một nền nghệ thuật chống đế quốc và phong kiến tiêu biểu được bạn bè quốc tế ghi nhận.

Những năm đầu đổi mới với tinh thần dân chủ hóa, mở cửa, cởi trói là cơ hội tinh thần cho chủ thể sáng tạo. Đã xuất hiện nhiều gương mặt mới trong nghệ thuật và đi theo họ là những tác phẩm có giá trị. Không khí tinh thần xã hội đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo ra cảm hứng sáng tạo. Bởi vậy, nhiệm vụ đầu tiên đặc biệt có ý nghĩa tiên quyết là chúng ta phải xây dựng cho được một hào khí mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Nâng cao chất lượng tác phẩm văn học nghệ thuật: Những nhiệm vụ cấp bách - 2

Ảnh minh họa

Để làm được điều này phải có những đột phá quan trọng từ phía vĩ mô. Phải phá tan không khí trì trệ, bảo thủ của quán tính biến mạnh mẽ trong xã hội, tăng cường dân chủ hóa, minh bạch hóa xã hội cũ. Khởi động lại tiến trình đổi mới thật sự, kiên quyết tạo bước chuyển Khắc phục triệt để những khiếm khuyết của cơ chế quản lý cũ. Khép lại quá khứ, mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc. Nhiệm vụ không kém quan trọng là quyết liệt chống tham nhũng, trong sạch hóa bộ máy lãnh đạo của Đảng theo tinh thần “đốt lò” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Xây dựng niềm tin mới cho nhân dân, tạo đà cho những hưng phấn sáng tạo của nghệ sĩ.

Từ sau Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII, nhiều nghị quyết của Đảng đã định hướng hiệu quả cho việc phát triển một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Nhưng trong tình hình mới, nghệ thuật đã đến lúc cần thiết ra một nghị quyết riêng về việc “phục hưng nền nghệ thuật dân tộc”. Nghị quyết phải kiên định đường lối đổi mới văn nghệ của Đảng, có định hướng đúng đắn, nhưng đồng thời cũng phải có tư tưởng mới mẻ, táo bạo, quyết liệt với những giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm hướng tới xây dựng một nền nghệ thuật có nhiều những tác phẩm văn học nghệ thuật chất lượng cao.

Nghị quyết phải đề ra những giải pháp để nghệ sĩ theo sát những vấn đề nóng bỏng của đất nước, gắn bó máu thịt với nhân dân, đồng hành cùng nhân dân trong giai đoạn đặc biệt của lịch sử. Nghị quyết phải tạo được sinh khí mới cho hoạt động nghệ thuật, có sức động viên toàn Đảng toàn dân tạo nên quyết tâm của toàn xã hội trong việc xây dựng một nền nghệ thuật mới xứng đáng là gương mặt văn hóa dân tộc thời hiện đại.

Với tinh thần này, nên thành lập lại Ban Văn hóa Văn nghệ tách khỏi Ban Tuyên giáo Trung ương hoặc một Ủy ban Quốc gia về Phát triển văn học nghệ thuật bao gồm tầm và có tâm để đề ra các chiến lược văn hóa, đặc biệt là chiến lược hoạt động văn học nghệ thuật trong tình hình mới. Những người lãnh đạo hiểu biết nghệ thuật, các chuyên gia đầu ngành đưa ra các chính sách mạnh mẽ thúc đẩy phát triển cho văn học nghệ thuật. Bộ máy tổ chức không đông nhưng cần tinh với những chuyên gia có hiểu biết sâu sắc nghệ thuật và có tâm huyết với việc phục hưng nền nghệ thuật dân tộc.

Tạo ra một cuộc vận động sáng tạo văn học nghệ thuật có quy mô toàn xã hội, đặc biệt là những sáng tác đề tài đương đại. Ưu tiên những tác phẩm thể hiện đề tài chiến tranh và những vấn đề đang đặt ra trong cuộc sống hôm nay. Đầu tư lớn cho cuộc vận động này với những ưu đãi về vật chất có tính động lực để tạo một luồng gió mới cho hoạt động sáng tạo nghệ thuật. Huy động các phương tiện thông tin đại chúng cùng vào cuộc để đưa cuộc vận động đến quảng đại nhân dân. Biến cuộc vận động thành một phong trào xã hội sâu rộng phổ biến trong phạm vi cả nước, tạo một không khí hồ hởi, phấn chấn để lôi kéo được lực lượng chủ chốt của đội ngũ sáng tạo nghệ thuật Việt Nam trong nước và nước ngoài tham gia. Nội dung cuộc vận động hướng mạnh vào việc phản ánh những vấn đề cấp bách trong xây dựng và phát triển đất nước, những giá trị của thời đại mới.

Những bài học quý trong công cuộc đổi mới, mở cửa, phát triển và hội nhập. Những trăn trở trong quá trình đi lên. Lý giải con đường tất yếu để xây dựng một xã hội hiện đại, dân chủ, công bằng và văn minh. Nhưng cũng không thể quên việc mổ xẻ, vạch trần những lực cản bảo thủ, quan liêu, tham nhũng đang cản trở con đường xây dựng và phát triển của dân tộc, lý giải những quy luật tất yếu để đưa đất nước trở thành một nước công nghiệp hùng mạnh.

Nâng cao chất lượng tác phẩm văn học nghệ thuật: Những nhiệm vụ cấp bách - 3

Nâng cao chất lượng tác phẩm văn học nghệ thuật là một trong những nhiệm vụ cấp bách.

Nhanh chóng thể chế hóa các nghị quyết của Đảng thành các chính sách cụ thể của nhà nước đối với hoạt động sáng tác nghệ thuật, một công việc nay vốn rất chậm trễ và bị coi nhẹ. Nâng tỷ lệ đầu tư trên GDP vốn thấp với văn hóa cho cân đối với các mảng đầu tư khác. Trong đó ưu tiên tập trung đầu tư đối với đội ngũ tác giả đang sung sức, sáng tác có hiệu quả và chất lượng. Chấm dứt phương thức đầu tư theo cơ chế xin cho kiểu trợ cấp xã hội sang phương thức đầu tư tập trung, có trọng điểm trước hết là cho cuộc vận động sáng tác lớn như đã nêu trên. Thành lập quỹ sáng tạo Văn học nghệ thuật quốc gia hoặc thành lập một ngân hàng phát triển Văn học nghệ thuật kiểu như ngân hàng chính sách xã hội phi lợi nhuận.

Đi cùng với nó là đẩy mạnh hơn chính sách xã hội hóa hoạt động văn hóa nghệ thuật. Thu hút sức mạnh xã hội để lập ra các quỹ đầu tư nghệ thuật phi chính phủ nhằm hỗ trợ hoạt động sáng tác tác phẩm trên nhiều lĩnh vực. Gắn liền đường hướng phát triển nghệ thuật với đường hướng phát triển kinh tế, đặc biệt là với kinh tế du lịch, kinh tế đối ngoại. Thực hiện chính sách văn hóa đồng hành cùng kinh tế, kiểu sau phim ảnh là hàng hóa như cách làm rất hiệu quả của Hàn Quốc đối với châu Á hiện nay.

Rà soát, sắp xếp lại toàn bộ hệ thống phổ biến tác phẩm văn học nghệ thuật đang rất lộn xộn và đang đối mặt với nguy cơ phá sản. Mạnh tay dẹp bỏ những nhà xuất bản không đủ năng lực, không hoạt động đúng tôn chỉ mục đích. Chấp nhận bỏ một nguồn vốn lớn đầu tư vào xuất bản, hệ thống rạp chiếu phim, sân khấu kịch... để làm nơi phổ biến tác phẩm Trước mắt tập trung vào việc phục hồi một số nhà xuất bản lớn có lịch sử phát triển lâu đời như Văn học, Văn hóa, Hội Nhà văn..., những nhà xuất bản chuyên xuất bản các tác phẩm văn học nghệ thuật, chọn những người có tâm huyết, tài năng để tổ chức kinh doanh xuất bản hiệu quả. Chấn chỉnh hệ thống thư viện của cả nước, lấy đó làm cơ sở đầu tiên, là bước đột phá cho thị trường tiêu thụ sách văn học nghệ thuật.

Tổ chức làm tốt nhiệm vụ quảng bá, giới thiệu sách văn học nghệ thuật với độc giả thân thuộc của thư viện. Tổ chức lại, lãnh đạo chặt chẽ hơn hoạt động thông tin văn học nghệ thuật trên các phương tiện thông tin đại chúng. Giao trách nhiệm cụ thể cho các tờ báo lớn như Nhân Dân, Sài Gòn Giải phóng, Hà Nội mới, Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Đài Truyền hình Việt Nam và các địa phương lớn... nhiệm vụ tuyên truyền sáng tạo nghệ thuật trong tình hình mới.

Bảo đảm các trang văn hóa, nghệ thuật trên báo chí, truyền hình phải là nơi quảng bá phổ biến những sáng tác tác phẩm văn học nghệ thuật và tôn vinh những thành tựu nghệ thuật. Các phương tiện thông tin đại chúng này phải thực sự trở thành nơi cổ vũ những hiện tượng nghệ thuật độc đáo, lý giải những xu hướng nghệ thuật mới xuất hiện, những vấn đề nóng phát sinh trong văn học nghệ thuật./.

Dương Trọng Dật

Tin liên quan

Tin mới nhất

Anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu - Những câu chuyện đời thường và lời thề chiến sĩ

Anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu - Những câu chuyện đời thường và lời thề chiến sĩ

Đối với cá nhân tôi, trong hàng chục năm gần đây luôn có nhiều kỷ niệm, những câu chuyện đời thường với anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu (1929 - 2021). Trong những lúc trà dư tửu hậu trên hành trình công tác xuôi ngược các tỉnh miền Trung, vào Nam ra Bắc, kể cả khi có anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu hoặc vắng mặt ông, thì đều là những câu chuyện rất đặc biệt, vui vẻ và hài hước