Đi tìm ý nghĩa mới của “Tuyên ngôn Độc lập” – từ triết học liên văn hóa!

Bước vào thời toàn cầu hóa, liên văn hóa được mở rộng, khái quát thành trào lưu triết học liên văn hóa (The Intercultural Philosophy) hướng đến những điểm tương đồng trên nền tảng những khác biệt văn hóa. Đó là một xu hướng tất yếu, không chỉ là nhận thức đời sống từ cái nhìn dân tộc, mà đa chiều hơn, hướng đến những giá trị phổ quát, nhân loại, hay được gọi là mẫu số chung của văn hóa toàn cầu. Từ cái nhìn này cấu trúc chủ thể nhà văn hóa được quan niệm giống như cấu trúc một tòa lâu đài có nền móng vững chắc là văn hóa dân tộc; cái thân lầu là trí tuệ, tư tưởng, tâm hồn; được trổ nhiều cửa sổ ngôn ngữ để đón các luồng gió văn hóa bốn phương; có nhiều cửa chính đón độc giả từ khắp nơi ghé thăm, chiêm ngưỡng, học tập... Thế nên càng là nhà văn lớn tính liên văn hóa càng rõ mà Hồ Chí Minh là một trường hợp tiêu biểu, điển hình. Các cuộc Hội thảo khoa học Quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh gần đây nhất cũng hầu như nhìn nhận đối tượng nghiên cứu bằng hướng tiếp cận này. Bài viết xin triển khai cụ thể vào “Tuyên ngôn Độc lập” – tác phẩm mẫu mực về liên văn hóa.

Vì là văn bản tuyên bố với quốc dân và thế giới khai sinh ra một chính thể mới nên tự thân “Tuyên ngôn Độc lập” đã là một văn bản liên văn hóa. Nói “tự thân” là vì đối thoại với “quốc dân” đương nhiên phải dùng giao tiếp nội văn hóa (intercultural communication), cụ thể là có mối liên hệ tất yếu giữa truyền thống lịch sử và hiện đại đương diễn ra. Đối thoại với thế giới, hẳn nhiên phải sử dụng giao tiếp liên văn hóa (Intercultural communication), phải thuyết phục bằng cả liên văn hóa thời gian lịch sử và liên văn hóa không gian đương đại. Nhưng với ý nghĩa lịch sử vô cùng trọng đại của cuộc Cách mạng, bằng tài năng lập luận của tác giả, mạch ngầm tính chất liên văn hóa sâu rộng, lớp lang hơn nhiều những câu chữ ngắn gọn chỉ gồm 1.120 âm tiết diễn đạt cực kỳ giản dị, dễ hiểu trong 49 câu văn. 

Đây là một văn bản đối thoại liên văn hóa có mục đích cao nhất là thuyết phục mọi người/mọi nền văn hóa công nhận nền “Độc Lập” của Việt Nam. Người kiến tạo văn bản này thực sự phải ở một tầm cao chinh phục, muốn vậy, theo lý thuyết đối thoại, phải thấu hiểu đạo lý, thấu cảm nhân tâm và thấu tỏ bước đi của thời đại. Thế nên văn bản có kết cấu cực kỳ vững chắc của thế chân kiềng: điểm tựa đạo lý; sự thật (thời đại thực tế. Vì lẽ này hai chữ “sự thật” luôn được nhắc lại để nhấn mạnh); khát vọng về quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc (của con người).

Đi tìm ý nghĩa mới của “Tuyên ngôn Độc lập” – từ triết học liên văn hóa! - 1

Bản "Tuyên ngôn Độc lập" bằng 3 thứ tiếng Việt - Anh - Pháp do VNTTX phát đi ngày 15/9/1945, thông báo với toàn thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam mới. Đây là bản tin phát sóng đầu tiên của VNTTX.

Những khác biệt phi lý: về hoàn cảnh, về đạo lý

Yêu cầu nổi bật của liên văn hóa là “cầu đồng tồn dị”, từ những khác biệt để tìm những nét chung. Chỉ là 4 chữ TỰ DO, ĐỘC LẬP nhưng là ước mơ của bất cứ ai, bất cứ dân tộc nào còn trong vòng nô lệ. Không ngẫu nhiên đoạn cuối cùng của bản Tuyên ngôn mang sức mạnh khái quát cao nhất: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Trong 2 câu văn, 51 chữ nhưng 4 chữ này được nhắc lại 3 lần. Riêng câu đầu được nhấn mạnh 2 lần.

   Khác biệt về cái gì?

   1.1. Khác biệt giữa Việt Nam và Pháp.

Cái khác lớn nhất là Pháp đến “cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta”

Về chính trị, chúng “tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào”.

Về kinh tế “chúng bóc lột dân ta đến xương tủy...”.

Những chi tiết này không chỉ là kể tội để kết tội mà còn tạo ra một điểm tựa lập luận: sự khác biệt lớn nhất giữa ta và Pháp là khác biệt ĐẠO LÝ. Thực dân Pháp là kẻ đi cướp nước người, áp bức người, bóc lột người, ngu hóa người, giết người. Không hề có 2 chữ DIỆT CHỦNG, nhưng sự chứng minh qua lối liệt kê ấy là một sự kết án gián tiếp: thực dân Pháp là những kẻ diệt chủng!

1.2. Khác biệt ở chính người Pháp.

Thực dân Pháp đi ngược đạo lý thông thường còn ở:

Là kẻ lợi dụng “Lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái...”.

Là kẻ tráo trở tuyên bố “bảo hộ” nhưng “sự thật” là cướp nước và giết người.

Hèn nhát đến tận cùng: “quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật”, “hoặc là bỏ chạy, hoặc là đầu hàng”.

Tàn bạo, độc ác, vô đạo như quỷ dữ: “biết bao lần Việt Minh đã kêu gọi người Pháp liên minh để chống Nhật. Bọn thực dân Pháp đã không đáp ứng, lại thẳng tay khủng bố Việt Minh hơn nữa”.

Hai chữ “bảo hộ” là dấu nối liên văn hóa rõ nhất. Dưới góc độ tu từ thì đây là phép “nhại”, có thể gọi là “nhại liên văn hóa” để mỉa “Mẫu quốc”, “nước Mẹ”, mà họ tự gọi, tự phong là “Đại Pháp” (nước Mẹ đại Pháp) đến để “bảo hộ”.

1.3. “Đồng bào ta”, “Việt Minh” thì “khoan hồng và nhân đạo”.

Trong khi đó, “đối với người Pháp” thì chúng ta cao thượng vô cùng, nhân đạo vô cùng: “đồng bào ta vẫn giữ một thái độ khoan hồng và nhân đạo”. Chú ý cách dùng từ rất mực tinh tế, nếu thay ba chữ “đồng bào ta” bằng hai chữ “Việt Minh” (Việt Minh vẫn giữ một thái độ...) thì ý nghĩa giữ nguyên, thậm chí chính xác hơn nhưng cái ý ngầm sâu sắc hơn nhiều là đề cao sức mạnh quần chúng, đề cao tinh thần nhân nghĩa (đồng bào), cái ý nghĩa quan trọng nhất là hướng mọi người về sự đoàn kết sẽ không có. Xét ở kết cấu lập luận thì câu này mang tính khái quát chung, là luận điểm chung nên dùng “đồng bào ta” - khái niệm mang tính bao hàm rộng rãi, là đích đáng.

Khoan hồng và nhân đạo ở chỗ nào:

“Việt Minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thùy...

 “lại cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam...”

 “và bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ”.

Câu này gồm ba mệnh đề triển khai (mà chúng tôi ngắt dòng) nên dùng từ “Việt Minh” cụ thể là phù hợp. Giả sử thay “Đồng bào đã giúp...” thì lập luận sẽ bị khập khiễng!

Tóm lại: Sự khác biệt ta và Pháp không thể dung hòa, Pháp đi ngược lại khát vọng nhân bản của loài người là tự do, độc lập; ta là con người chân chính. 

Đó là “sự thật” ai cũng biết. Nhưng còn “sự thật” nữa phải nói rõ hơn cho thế giới biết, cho chính người Pháp biết: “Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sự thật là dân ta lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp”.

Xét từ cấu trúc liên văn hóa theo chiều dọc thời gian thì hai câu này hướng về tương lai để khẳng định: người Pháp không còn một tí chút gì quyền lợi, danh dự ở mảnh đất này nữa. Các người ác thế, dã man thế, vô nhân thế, hèn hạ thế. Các người “bán đứng” chúng tôi cho Nhật, chúng tôi “lấy lại nước từ tay Nhật”. Lập luận mạnh mẽ, dứt khoát như chặt đứt cây cầu giao lưu với Pháp. Vì thế Pháp đừng có ý định quay trở lại...!!!

       2. Kết tinh tinh thần yêu nước, tự chủ và âm hưởng hùng tráng từ lịch sử.

Điểm tựa lập luận trong “Nam quốc sơn hà” là “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”, xét đến cùng là đạo lý trong quan hệ giữa các quốc gia, dù bé dù lớn.

Cảm hứng đạo lý và ý thức tự chủ về nền độc lập từ “Nam quốc sơn hà” được Nguyễn Trãi kế thừa, cụ thể hóa và phát triển thành tư tưởng nhân nghĩa: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/ Quân điếu phạt trước lo trừ bạo” và tư tưởng độc lập dân tộc: “Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu...”.

Hồ Chí Minh đã kế thừa, tiếp thu, phát triển và nâng cao thành tư tưởng tỏa sáng ở thời đại mới, dựa trên đạo lý cả thế giới thừa nhận. Văn bản mở rộng ý nghĩa hơn nhiều, không chỉ là tuyên ngôn độc lập của dân tộc Việt Nam mà còn là tuyên ngôn về quyền con người, quyền của các dân tộc nói chung.

Về hình thức cũng thấy rõ “Tuyên ngôn Độc lập” cùng một âm hưởng hùng tráng, mạnh mẽ, hào sảng và cảm hứng dân tộc đậm đà, sâu sắc. Thấy rõ cả sự ảnh hưởng ở vỏ cấu trúc câu chữ. Trong “Cáo bình Ngô” có câu: “Như ngã Đại Việt chi quốc/ Thực vi văn hiến chi bang” (Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu) thì “ngã Đại Việt” trong “Tuyên ngôn” là “nước ta”, là “nước Việt Nam”; “thực vi” (thực/thật là) trong “Tuyên ngôn” chính là hai chữ “Sự thật”.

Tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi là “cốt để yên dân”, là bảo vệ hạnh phúc cho dân, là: “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn/ Lấy chí nhân để thay cường bạo” hay “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” nên với kẻ xâm lược bạo tàn từng “nướng dân đen” từng “vùi con đỏ” nhưng “Thần Vũ chẳng giết hại, thể lòng trời ta mở đường hiếu sinh/... Ta lấy toàn quân là hơn, để nhân dân nghỉ sức”. Những ánh sáng ấy như chiếu thêm vào để “Tuyên ngôn” thêm bừng sáng hơn.

3. Liên văn hóa thời gian lịch sử– kết tinh ánh sáng tư tưởng về quyền được sống, quyền tự do, hạnh phúc.

3.1. Ánh sáng của chủ nghĩa Tam dân

Bác Hồ từng khẳng định: “Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểm của nó, chính sách của nó thích hợp với điều kiện nước ta”. Mục đích của Chủ nghĩa Tam dân là “đưa Trung Quốc tới một địa vị quốc tế bình đẳng, địa vị chính trị bình đẳng, địa vị kinh tế bình đẳng, làm cho Trung Quốc mãi mãi tồn tại trên thế giới” . Như vậy Chủ nghĩa Tam dân có những hạt nhân rất tích cực và đi vào “Tuyên ngôn Độc lập” như là sự đương nhiên, tự nhiên vì chung mục đích “cứu nước”, đòi độc lập cho nước, hạnh phúc cho dân đưa Việt Nam “bình đẳng” với các nước lớn! 

Trong cấu trúc thường thấy của một “Tuyên ngôn” thì không thiếu phần lịch sử truyền thống. Nhưng tại sao trong “Tuyên ngôn Độc lập”, Bác không đưa vào? Vấn đề này nên được soi sáng dưới “liên văn hóa không gian đương đại”.

Tình hình chính trị nước ta lúc bấy thật sự “ngàn cân treo sợi tóc”, phía Bắc “Hoa quân” chuẩn bị “nhập Việt”, phía Nam quân Anh đang ngấp nghé... Hơn nữa Quốc dân đảng thân Tàu (đúng ra là “con đẻ”) còn mạnh. Và như trình bày ở trên chủ nghĩa Tam dân đang như luồng ánh sáng... Do vậy nếu nhắc lại lịch sử giữ nước mấy nghìn năm (hầu như chỉ chống giặc Tàu) thì, về đối nội không chỉ làm mất đi sức đoàn kết nội bộ cần thiết, không tranh thủ được hầu hết các nguồn lực; về đối ngoại, sẽ gây sự tự ái với “Hoa quân” sắp vào... Quả là phải một tầm nhìn thiên tài mới có thể kiến tạo được văn bản “Tuyên ngôn Độc lập” như đã có!

3.2. Điểm tựa công lý từ Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ

Mở đầu Tuyên ngôn, Hồ Chí Minh trích dẫn bản “Tuyên ngôn Độc lập” của nước Mỹ do Thô-mát Giép-phơ-xơn (Thomas Jefferson) soạn thảo và công bố ngày 04/7/1776. Linh hồn của bản “Tuyên ngôn” này chính là chữ “quyền” mà tác giả Hồ Chí Minh đã rất chú ý nhấn mạnh trong 2 câu văn (dịch) nhưng có tới 6 chữ “quyền”. Chúng tôi xin mượn lời tác giả Archimedes L.A.Patti - cựu sĩ quan OSS của Mỹ được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời đến tham khảo ý kiến về bản “Tuyên ngôn” trước khi đưa ra công bố:

“Bản tài liệu đánh máy bằng tiếng Việt Nam, có nhiều chữ bị xóa đi và được viết đè lên bằng bút mực, với nhiều ghi chú bên lề… Ông Hồ cho gọi một người trẻ tuổi vào để dịch và tôi chăm chú nghe. Trong mấy câu đầu, người phiên dịch đã nói lên một số danh từ rất đỗi quen thuộc và giống lạ lùng như bản “Tuyên ngôn” của chúng ta (tức nước Mỹ). Câu tiếp sau là lời tuyên bố bất hủ đã được nêu trong “Tuyên ngôn độc lập” của Hợp chúng quốc Hoa kỳ năm 1776... Tôi chặn người phiên dịch lại và kinh ngạc quay sang hỏi ông Hồ có thực ông có ý định sử dụng câu đó trong bản Tuyên ngôn của ông không… Ông Hồ ngồi dựa vào ghế, hai tay úp vào nhau, ngón tay sát vào một cách nhẹ nhàng và đang như suy tưởng. Với một nụ cười nhã nhặn, ông hỏi lại tôi một cách nhẹ nhàng: “Tôi không thể dùng được câu ấy à”? Tôi cảm thấy ngượng ngập và lúng túng: “Tất nhiên!... Tại sao không?”. Bình tĩnh lại, tôi nói người phiên dịch đọc lại đoạn đó từ đầu một lần nữa… Cố nhớ lại, tôi mới thấy các danh từ đã được chuyển vị và nhận xét là trật tự các chữ “tự do” và “quyền sống” đã bị thay đổi. Ông Hồ nắm ngay lấy và nói: “Đúng, không thể có tự do mà không có quyền sống, cũng như không thể có hạnh phúc mà không có tự do…” . 

Lời nói của một người từ nền văn hóa Mỹ cho thấy một cách cụ thể Bác Hồ tiếp nhận, kế thừa cái hạt nhân tinh hoa của bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ.

3.3. Ngọn lửa nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp

Tuyên ngôn Độc lập trích một câu từ Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền nổi tiếng năm 1791 của cách mạng Pháp: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Các chữ: tự do, bình đẳng, quyền lợi được nhấn mạnh chính là linh hồn của bản Tuyên ngôn này.

Như vậy điểm tựa đạo lý đã trở thành vũ khí pháp lý: nước Mỹ và nước Pháp đã đặt vấn đề và mở ra kỷ nguyên mới cho loài người: quyền sống, quyền tự do, quyền bình đẳng của con người. Từ bình diện con người ở hai bản Tuyên ngôn này, Bác Hồ nâng lên ở bình diện mới: quyền sống, quyền tự do, quyền bình đẳng của các dân tộc. Hàm ý bật ra từ “liên văn hóa” Mỹ - Pháp - Việt Nam: chúng tôi làm đúng theo tuyên ngôn của các người. Các người hãy công nhận chúng tôi. Xa hơn là: các người đã tuyên bố thế thì hãy làm theo tuyên bố của mình!   

4. Liên văn hóa không gian đương đại - Hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn. 

Để ràng buộc cả thế giới vào sự công nhận Việt Nam độc lập là một “liên văn hóa” theo chiều rộng không gian: “Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”. Nếu ở trên là sự ràng buộc với Mỹ, Pháp thì đến đây là ràng buộc với Đồng Minh. Hội nghị Tê-hê-răng ở Iran là hội nghị cấp cao họp từ ngày 23/11 đến 01/12/1943 với sự có mặt của nhà lãnh đạo Liên Xô Dô-xép Sta-lin (Joseph Stalin), Tổng thống Mỹ F. Ru-dơ-ven (F. Roosevelt) và Thủ tướng Anh W. Sớc - sin (W. Churchill). Hội nghị đã củng cố khối đoàn kết của các nước Đồng minh trong đấu tranh chống phát-xít.

Cũng tại đây, tại thời điểm này, Liên Xô đã tuyên bố tham gia chống quân phiệt Nhật sau khi chiến tranh kết thúc ở châu Âu. Hội nghị Cựu Kim Sơn ở Mỹ (San Francisco) họp từ ngày 25/4 đến 26/6/1945, gồm đại biểu của 50 nước, đã thông qua bản Hiến chương Liên hợp quốc.

Hiểu chủ đề cơ bản của hai hội nghị này càng thấy sự ràng buộc các nước lớn (Hội nghị Têhêrăng), ràng buộc cả thế giới (Hội nghị Cựu Kim Sơn) phải công nhận nền độc lập của Việt Nam như là một sự đương nhiên vậy!

5. Ngọn lửa bùng cháy và tỏa sáng dưới thấu kính văn hóa.

Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 đã dựa trên cơ sở chính trị và pháp lý vững chắc của nhiều nguồn “liên văn hóa”. Như ngọn lửa được đặt dưới dưới thấu kính văn hóa kết tinh ánh sáng các đỉnh cao tư tưởng lớn nên ngọn lửa ấy càng bùng cháy mạnh mẽ, Tuyên ngôn khẳng định chủ quyền dân tộc Việt Nam được đòi lại từ cuộc đấu tranh lâu dài chống thực dân, phát-xít và được bảo đảm bởi những cam kết quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”. Đây là cấu trúc nhân – quả vững vàng nhất (Một dân tộc đã gan góc...) để khẳng định một chân lý chắc chắn như bàn thạch (Dân tộc đó phải được độc lập). 

Nhờ hội tụ các liên văn hóa nên về mặt cấu trúc tổng thể chúng ta cũng thấy sự chặt chẽ mang tính thuyết phục lớn: Từ điểm tựa đạo lý (về nhân quyền, dân quyền, về lẽ phải bảo vệ giang sơn đất nước). Cái lõi của điểm tựa đạo lý này chính là chữ “quyền” được tác giả điệp lại nhiều lần (13 lần) để nhấn mạnh ở phần mở đầu khi trích hai bản Tuyên ngôn của Mỹ và Pháp: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền... quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc...”.

Đến sự thật chân lý (Pháp lợi dụng lá cờ tự do đến cướp nước ta... Tác giả như chôn đứng kẻ thù trong một chữ “chúng” được nhấn mạnh - tới 15 lần, trong những câu văn ngắn xuống dòng nhiều lần để liệt kê kể tội: “Chúng lập ra nhà tù... Chúng thẳng tay chém giết... Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa...”. Rồi Pháp bán đứng, Pháp đầu hàng...). Để nêu bật một công lý (ta có quyền hưởng tự do, độc lập và quyết giữ vững tự do độc lập. Các chữ ta, nước ta, dân ta, đồng bào ta, công nhân ta được nhấn mạnh như là một “đối trọng” một trời một vực với “chúng” tức Pháp) cần được thừa nhận, khẳng định.

Điểm tựa đạo lý là chữ “quyền” được nhắc đi nhắc lại ở phần trích hai bản Tuyên ngôn, thì ở phần cuối khẳng định, ý tứ cũng dồn về một chữ “quyền” này: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thực đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

Như vậy Hồ Chí Minh là người tô đậm thêm chữ “quyền” trong lịch sử văn hóa nhân loại để mở ra trang mới cho các dân tộc thuộc địa là đòi quyền (tự do độc lập) và quyết giữ cái quyền ấy. Đến lượt Tuyên ngôn Độc lập của Bác Hồ lại tỏa ánh sáng “liên văn hóa” đến các vùng văn hóa khác!

Đến đây ta thấy Bác Hồ đặt tên bản Tuyên ngôn nước Việt Nam giống như bản Tuyên ngôn của nước Mỹ là hoàn toàn có chủ ý: Cảm ơn nhân dân Mỹ đã khởi đầu, đã làm tấm gương cho các dân tộc trên thế giới đòi quyền Độc Lập - quyền thiêng liêng nhất của mỗi con người, mỗi dân tộc. Chúng tôi là một trong số đó, nhiều dân tộc khác sẽ học tập chúng tôi để có những “Tuyên ngôn Độc lập” của riêng họ!

Nguyễn Thanh Tú

Tin liên quan

Tin mới nhất