Chiến tranh cách mạng - đề tài vô tận của điện ảnh Việt Nam
Nét đặc trưng của điện ảnh cách mạng Việt Nam là từ khi được thành lập, các bộ phim luôn bám sát từng bước đi, thậm chí ở trong lòng mọi sự kiện lịch sử của dân tộc. Lời căn dặn của Bác Hồ trong thư gửi các họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa vào năm 1952: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” được văn nghệ sĩ Việt Nam ghi lòng tạc dạ.
Điện ảnh cách mạng Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập chính thức vào ngày 15/3/1953 tại Bản Bắc (huyện Định Hóa - Thái Nguyên) cũng in dấu ngay trong lòng Chiến khu, giữa cuộc kháng chiến chống Pháp. Các nhà điện ảnh miền Nam từ cái nôi điện ảnh Bưng Biền (Khu 7, Khu 8, Khu 9) đã ra Thủ đô gió ngàn Thái Nguyên, cùng các đồng nghiệp quay phim, nhiếp ảnh miền Bắc trở thành “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa”, vừa tham gia Kháng chiến chống Pháp, vừa ghi lại những thước phim vô cùng quý giá: phản ánh cuộc chiến đấu không cân sức “châu chấu đá xe, tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng” (thơ Hồ Chủ tịch). Sau những bộ phim tài liệu ghi lại những cột mốc lịch sử quan trọng một thời (Trận Mộc Hóa, Chiến dịch Cao Bắc Lạng, Chiến thắng Tây Bắc…), Điện Biên Phủ (đạo diễn Nguyễn Tiến Lợi, Nguyễn Hồng Nghi - 1955) được xem là bộ phim tài liệu hoàn chỉnh đánh dấu thành công thuở ban đầu của điện ảnh cách mạng. Các nhà làm phim không chỉ ghi lại những hình ảnh chân thực, những tư liệu sống có một không hai mà còn thể hiện phẩm chất anh hùng của quân và dân ta, lý giải nguyên nhân sâu xa để một dân tộc nhỏ, yếu như Việt Nam lại chiến thắng một đối thủ mạnh hơn gấp bao lần!
Năm 1959, bộ phim truyện đầu tiên của điện ảnh cách mạng là Chung một dòng sông (đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi, Phạm Hiếu Dân - tức Phạm Kỳ Nam) ra mắt, phản ánh một vấn đề nóng bỏng xung quanh việc đế quốc Mỹ phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, âm mưu chia cắt đất nước Việt Nam. Mối tình “chồng Bắc vợ Nam” bị chia cắt bởi con sông Bến Hải nhưng vẫn sắt son chung thủy, trở thành biểu tượng cho hai miền Nam Bắc kề vai sát cánh, sẵn sàng chiến đấu và hy sinh vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước.
Suốt 30 năm từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời - ngày 02/9/1945 cho đến Đại thắng mùa xuân 1975 - cả dân tộc đã trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ bảo vệ Tổ quốc, giành lại độc lập cho một đất nước Việt Nam thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Đã có thời gian dài, điện ảnh Việt Nam được xem là nền điện ảnh chiến tranh. Điện ảnh Việt Nam trong những năm chiến tranh chống đế quốc Mỹ (1959 - 1975), làm ra các bộ phim chủ yếu tập trung ca ngợi những phẩm chất cao quý của thời chiến như anh hùng trong chiến đấu, sẵn sàng hy sinh bản thân mình vì sự nghiệp chung, đề cao những chuẩn mực đạo đức của dân tộc Việt Nam như thủy chung vẹn toàn, lấy đức hy sinh vì người khác làm lẽ sống... Mỗi bộ phim hoàn thành được người xem nồng nhiệt đón nhận, bởi đó là nguồn động viên to lớn, giúp mỗi người vượt qua những gian lao và nguy hiểm, chiến thắng bản thân để đi đến chiến thắng cuối cùng của cả dân tộc. Nhiều tác phẩm điện ảnh được xem như những bộ phim chiến tranh kinh điển của Việt Nam đã ra đời trong giai đoạn này. Với điện ảnh tài liệu, đây là “thời hoàng kim”, với những bộ phim vừa là “nhân chứng lịch sử” lại vừa được đánh giá cao về nghề nghiệp, được trao giải Vàng tại các Liên hoan phim Quốc tế như: Đầu sóng ngọn gió (1967) và Lũy thép Vĩnh Linh (1971, đạo diễn Nguyễn Ngọc Quỳnh), Du kích Củ Chi (1967, đạo diễn Trần Nhu), Đường ra phía trước (1969, đạo diễn Nguyễn Hồng Sến), Trận địa mặt đường (1970, đạo diễn Nguyễn Kha), Những người săn thú trên núi Đắc Sao (1971, đạo diễn Trần Thế Dân), Làng nhỏ ven sông Trà (1971, đạo diễn Trần Văn Thủy)…
Trong khi đó, phim truyện cũng có bước phát triển nhanh chóng, có những bộ phim để lại những hình tượng nhân vật vượt thời gian, bên trong hiện thực chiến đấu cuồn cuộn của nhân vật là lý tưởng cao đẹp về cuộc sống, là sức thuyết phục trong mỗi khuôn hình. Có thể kể đến các phim Con chim vành khuyên (1962, đạo diễn Nguyễn Văn Thông, Trần Vũ), Chị Tư Hậu (1963, đạo diễn Phạm Kỳ Nam), Lửa trung tuyến (1961, đạo diễn Phạm Văn Khoa), Kim Đồng (1964, đạo diễn Nông Ích Đạt), Nguyễn Văn Trỗi (1966) và Đường về quê mẹ (1971, đạo diễn Bùi Đình Hạc), Nổi gió (1966, đạo diễn Huy Thành), Vĩ tuyến 17 - Ngày và đêm (1972) và Em bé Hà Nội (1974, đạo diễn Hải Ninh)…
Cần khẳng định là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến thành công của điện ảnh chiến tranh là nhờ sự dấn thân của các nhà làm phim, các nghệ sĩ cùng sống, cùng chiến đấu với quân và dân trong lòng cuộc chiến, giữa đạn bom ác liệt, với tinh thần “nghệ sĩ là chiến sĩ”! Mỗi thước phim, mỗi khuôn hình là sự chắt lọc của trải nghiệm, của mồ hôi nước mắt - có khi là máu - của các nhà làm phim, các nghệ sĩ. Không chỉ có cảm xúc hay sự thăng hoa sáng tạo mà mỗi tác phẩm là sự chắt lọc một phần đời hy sinh vì nghệ thuật, cùng nhân dân của các “nghệ sĩ - chiến sĩ”.
Đại thắng mùa Xuân năm 1975 đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, chấm dứt chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ và các thế lực tay sai, bắt đầu một cuộc sống hòa bình ở Việt Nam. Phải nói rằng đề tài chiến tranh cách mạng trong tác phẩm điện ảnh từ sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước có sự khác biệt, đổi mới rõ rệt so với những phim ra đời trong thời chiến. Phim tài liệu chiến tranh không còn giữ được vị trí tiên phong như trước kia, thời hoàng kim phim tài liệu đã lùi lại, nhường chỗ cho phim truyện. Các nhà làm phim truyện đã có sự giãn cách thời gian để nhìn lại cuộc chiến, chiêm nghiệm những giá trị lớn lao của phẩm giá anh hùng, niềm tự hào dân tộc và cái giá của những hy sinh mất mát. Điều này được thể hiện trong những bộ phim phản ánh cuộc sống những ngày đầu hòa bình, trong đó vết thương chiến tranh cả về thể xác và tinh thần ngày đêm còn âm ỉ rỉ máu. Nhưng ngay cả phim phản ánh chiến tranh một cách trực diện thì sự chiêm nghiệm cũng đạt được độ khái quát cao, dưới bề mặt của bom đạn, khói lửa, của sự chiến đấu anh dũng và hy sinh, mất mát đã kết tinh những triết lý - đạo lý Việt Nam.
Cánh đồng hoang (1979, đạo diễn Nguyễn Hồng Sến) chinh phục mạnh mẽ người xem trong nước và quốc tế bởi các nhân vật được khắc họa như những con người bằng xương bằng thịt, họ có những tình cảm và khát vọng như bất cứ một con người nào sống trên trái đất này. Cuộc chiến đấu không cân sức của vợ chồng người du kích chống lại những chiếc trực thăng Mỹ ngày đêm quần thảo trên cánh đồng nước ngập mênh mang đem đến một lẽ sống đã thấm vào lịch sử ngàn đời của dân tộc Việt Nam: lấy yếu đánh mạnh, lấy ít địch nhiều. Sự hy sinh của người du kích trong phim có sức nặng, khiến người xem tin vào cuộc sống và chiến đấu đầy nghịch lý của dân tộc Việt Nam: cái bình dị tạo nên cái phi thường; chủ nghĩa anh hùng tiềm ẩn trong cuộc sống đời thường của mỗi người dân.
Mấy năm sau, Bao giờ cho đến tháng mười (1984, đạo diễn Đặng Nhật Minh) phản ánh sự tàn khốc của chiến tranh qua thân phận người phụ nữ. Chị Duyên biết tin chồng hy sinh nhưng một mình nén chịu, giấu tin dữ để người bố chồng gần đất xa trời được thanh thản. Phim đi sâu vào sự thiêng hóa lòng yêu nước qua số phận cá biệt của nữ nhân vật khi Duyên “gặp lại” người chồng đã khuất ở miếu thờ Thành hoàng (cũng từng hy sinh trong chiến tranh chống ngoại xâm) trong “phiên chợ Âm phủ” đêm Rằm tháng Bảy. Phim khái quát những trải nghiệm mà dân tộc ta phải gánh chịu trong lịch sử liên miên chiến tranh, từ đó bật lên truyền thống nhân văn đặc sắc Việt Nam: người hy sinh vì Tổ quốc sẽ trường tồn cùng quê hương đất nước bởi những người còn sống không bao giờ quên họ. Lẽ sống ấy có sức cảm hóa mạnh mẽ khán giả quốc tế.
Cảnh trong phim “Bao giờ cho đến tháng Mười”.
Từ sau Đại hội Đảng lần thứ VI (tháng 12/1986) xã hội Việt Nam bắt đầu vào thời kỳ Đổi mới, với hàng loạt những đổi thay, cải cách trong đời sống của nhân dân. Phải khẳng định luồng gió đổi mới đã đem đến cho điện ảnh Việt Nam những tác phẩm mà giờ đây nhìn lại vẫn thấy nhiều nét mới mẻ và táo bạo chứa đựng trong đó. Ngay từ những năm tháng đầu tiên sau Đại hội Đảng VI, bầu không khí văn học nghệ thuật như được thổi vào một luồng gió sáng tạo, và điện ảnh cũng đón luồng gió này.
Các phim khai thác đề tài chiến tranh tương đối thành công đều là do Nhà nước đặt hàng. Ba bộ phim của đạo diễn Lê Hoàng là Lưỡi dao (1995), Ai xuôi vạn lý (1996) và Chiếc chìa khóa vàng (2000) khai thác những lát cắt chiến tranh khác nhau nhưng đều gai góc và quyết liệt. “Lưỡi dao” trong phim Lưỡi dao vừa là biểu tượng của một mối hận thù, vừa là phương tiện để trả thù luôn được giấu ở sau lưng của một cô gái xứ đạo nhằm vào Giải phóng quân - những người mà cô cho là đã giết chết bà nội cô. Ngay từ đầu phim, người xem đã thấy rõ bà nội cô gái chết là do quân “ngụy” gài bẫy, đẩy bà làm vật hy sinh để chúng đổ lỗi cho đối phương. Chỉ riêng “người trong cuộc” là cô gái thì không được chứng kiến và không hề biết điều đó. Mô tả quá trình thay thế lưỡi dao thù hận của cô bé bằng lòng tin cậy và tình cảm yêu thương, các nhà làm phim một mặt nêu bật được bản chất nhân ái của Quân đội nhân dân Việt Nam, mặt khác đã giải quyết một vấn đề mấu chốt khi tiếng súng vừa ngưng, chiến tranh vừa kết thúc: đó là sự phức tạp, dữ dội trong quá trình thống nhất đất nước Việt Nam và hòa hợp dân tộc.
Ai xuôi vạn lý mô tả hành trình gian nan với những tình huống dở khóc dở cười xảy ra với một chiến sĩ giải phóng đưa hài cốt của người đồng đội từ miền Nam về quê ở miền Bắc. Anh gặp người đàn bà buôn chuyến trên tàu hỏa (vốn là nữ Biệt động Sài Gòn) và một anh xe ôm vốn là lính ngụy Sài Gòn cũ. Ba nhân vật đóng vai trò như dấu gạch nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa chiến tranh và hòa bình, làm bật lên một ý tưởng mang đậm màu sắc Việt Nam: Những người đã ngã xuống vì Tổ quốc tồn tại bất diệt trong lòng những người sống và tiếp sức mạnh cho người sống vượt qua những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất.
Còn phim Chiếc chìa khóa vàng kể câu chuyện xảy ra trong 24 giờ đồng hồ một ngày năm 1972 tại Hà Nội của một nữ y tá hộ sinh và một anh lính pháo cao xạ, giữa lúc đế quốc Mỹ trút bom xuống Thủ đô Việt Nam. Sáng sớm hôm sau chàng phải ra trận và họ quyết định làm cái việc thiêng liêng nhất trong đời người: thành hôn. Với cách thể hiện vừa hiện thực vừa giả tưởng, phim đã phần nào tái hiện được sự ác liệt tàn khốc của chiến tranh qua lăng kính của những con người đang sống trong thời bình.
Cùng với Lê Hoàng, một đạo diễn nổi bật của thế hệ đạo diễn Việt Nam thời Đổi mới là Lưu Trọng Ninh cũng đem đến 2 bộ phim chiến tranh ấn tượng là Ngã ba Đồng Lộc (1997), Bến không chồng (2000). Phim Ngã ba Đồng Lộc dựa trên câu chuyện có thật về 10 cô gái thanh niên xung phong phá bom ở vùng túi lửa Hà Tĩnh - miền Trung Việt Nam trong chiến tranh chống Mỹ, đã anh dũng hy sinh tại ngã ba Đồng Lộc. Bộ phim miêu tả 60 giờ đồng hồ cuối cùng trước lúc hy sinh của 10 cô gái trinh trắng, tràn đầy sức xuân, làm bật lên cái nghịch lý chiến tranh - nghịch lý giữa sự bình dị và sự vĩ đại, giữa sự sống và cái chết qua việc khắc họa bức chân dung tập thể vừa có những nét chung, vừa có cá tính khá rõ nét của 10 cô gái. Sự đầy ắp của chi tiết và tình huống kịch tính đã tạo nên cái hồn và sức sống cho phim, để rồi sau bao nhiêu tiếng cười và nước mắt, khao khát và khắc khoải, các cô tưởng có thể gánh lên vai cả núi bom đạn mà đi suốt cuộc chiến tranh thì bỗng bầu trời sập tối ngay trong khoảnh khắc bình lặng nhất. Phim kết hợp hài hòa phong cách chân thực của phim tài liệu (trong cách trình bày tỉ mỉ từng khoảnh khắc sống của các cô gái) với chất trữ tình (khi thể hiện những ước mơ, khát vọng của các cô) và cả chất tráng ca bi hùng (trong sự hy sinh để các cô trở thành nhân vật của huyền thoại bất diệt).
Khác với Ngã ba Đồng Lộc, phim Bến không chồng là bức tranh đậm nét và dữ dội về một nông thôn Việt Nam trải dài hơn hai chục năm - từ năm 1956 đến sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất. Phía sau cái lũy tre làng ấy là những gương mặt, những số phận phụ nữ - những người đàn bà cô đơn. Bởi lẽ tất cả đàn ông đều đã ra trận, để rồi một ngày kia họ không trở về hoặc trở về với những vết thương làm biến dạng cơ thể bên ngoài hoặc ẩn sâu trong tâm hồn như ông Vạn - người đàn ông duy nhất trong làng, một người lính trở về sau kháng chiến chống Pháp. Luôn ôm ấp cây súng như một “người tình”, một chỗ dựa, một thứ vũ khí tự vệ để tự diệt mọi tình cảm, ham muốn suốt hai chục năm ròng chiến tranh chống Mỹ, ông Vạn trở thành “thuốc thử” để các nhân vật nữ bộc lộ hết bản ngã của mình.
Đạo diễn Nguyễn Thanh Vân có hai bộ phim về chiến tranh là Đời cát (1999) và Người đàn bà mộng du (2001). Trong Đời cát, trải dài từ đầu đến cuối phim là một màu cát trắng và những cuộc chia ly và đoàn tụ đẫm nước mắt với “vợ lớn” và “vợ nhỏ” của một người đàn ông đi “tập kết” sau hơn 20 năm dằng dặc đất nước chia cắt thành hai miền Bắc - Nam. Đã có lúc trong đạn bom, trong sự giành giật triền miên giữa cái sống và cái chết, người ta quên đi những nhu cầu và khát khao của bản thân mình. Nhưng giờ đây, chiến tranh đã kết thúc, cuộc sống hòa bình làm sống lại những đòi hỏi của tình yêu và tình dục, như con dao vô hình khoét sâu những phần thiếu hụt mà chiến tranh đã cướp đi, khiến cho những vết thương chiến tranh ngày đêm không ngừng rỉ máu. Cách khai thác sự va chạm giữa dấu tích của những gì đã mất bởi chiến tranh và những khát vọng đang sống lại trong cuộc sống thời bình đã làm phim Đời cát gieo vào lòng người xem sự xúc động.
Câu chuyện phim Người đàn bà mộng du bắt đầu vào thời hậu chiến, khi Quỳ - cô y tá chiến trường ngày xưa, nay làm việc tại một trại điều dưỡng thương binh, luôn bị những ký ức chiến tranh giày vò, khiến cô như người đi bên lề cuộc sống. Từ một cô gái trong sáng, niềm mơ ước, tình yêu trong mộng của biết bao người lính, Quỳ trở thành một người đàn bà mộng du trong cơn mơ bất tận về chiến tranh và những người đã khuất. Bộ phim thể hiện được tinh thần và trạng thái xung đột bên trong của nhân vật, khái quát được hiện thực bằng sự chiêm nghiệm của những người đang nhìn lại chiến tranh để rút ra những quy luật cuộc đời.
Đạo diễn “gạo cội” nổi tiếng Đặng Nhật Minh thành công với phim Đừng đốt (2009), tái hiện cuộc đời của một nhân vật có thật - nữ bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm - dựa trên cuốn Nhật ký Đặng Thùy Trâm, xuất bản tại Việt Nam năm 2005 đã làm rung động hàng triệu con tim khán giả, trở thành một hiện tượng xã hội, sau đó được tái bản nhiều lần và được dịch ra nhiều thứ tiếng để phát hành ở nhiều nước. Là một người con gái Hà Nội cương nghị, trong sáng đến thánh thiện, Đặng Thùy Trâm đã từng sát cánh cùng những người đồng đội của mình chiến đấu, hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho vùng đất lửa chiến trường Nam Trung bộ trong những năm chiến tranh chống đế quốc Mỹ. Chính ở nơi đó, chị đã viết những dòng nhật ký với nỗi nhớ gia đình cháy bỏng, với tình yêu thương sâu thẳm đối với những người đồng đội và bà con. Một người lính Mỹ nhặt được cuốn nhật ký, giữ ở bên mình suốt 30 năm rồi tìm mọi cách để trả lại cho gia đình nữ bác sĩ Việt Cộng. Phim Đừng đốt có sức thuyết phục bởi cách thể hiện giản dị, nhìn cuộc chiến tranh bằng con mắt của những người trong cuộc từ hai chiến tuyến.
Cảnh trong phim "Đừng đốt".
Vào thập kỷ 1 và 2 của thế kỷ XXI, bên cạnh những bộ phim chiến tranh của các đạo diễn có tiếng thì một số phim của các đạo diễn trẻ cũng có những thành công nhất định. Đó là Đường thư (2004, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng) thể hiện chiến tranh theo hướng phim hành động nhằm cuốn hút người xem vào hành trình của những người lính quân bưu; Sinh mệnh (2007, đạo diễn Đào Duy Phúc) kể về ranh giới giữa cái sống và cái chết, giữa khát vọng yêu và sự kìm nén; Mùi cỏ cháy (2011, đạo diễn Nguyễn Hữu Mười) về 81 ngày đêm chiến đấu và hy sinh anh dũng của các chàng lính trẻ tại Thành cổ Quảng Trị vào năm 1971; Những người viết huyền thoại (2013, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng) khắc họa chân dung vị tướng và những người chiến sĩ mở con đường Trường Sơn huyết mạch nối liền Bắc Nam trong chiến tranh chống Mỹ.
Gần đây, bộ phim Truyền thuyết về Quán Tiên chuyển thể từ truyện cùng tên của nhà văn Xuân Thiều (2019, đạo diễn Đinh Tuấn Vũ), phát hành tuần cuối tháng 5/2020 (khi rạp chiếu phim mở cửa trở lại sau mùa Covid -19 tại Việt Nam) đã đem lại những nét mới mẻ khi chiến tranh được nhìn dưới con mắt của nhà làm phim trẻ. Phim kể câu chuyện thời chiến của ba nữ thanh niên xung phong xinh đẹp được điều động đến một hang động nằm sâu trong núi rừng Trường Sơn để mở cái Quán Tiên, đón những người lính lái xe đến nghỉ chân trên đường vào tiền tuyến. Bên cạnh đạn bom, thiếu thốn vật chất, các cô bị nỗi cô đơn gặm nhấm. Tiêu điểm là cô “chị cả” tên Mùi - người phải xa chồng mới cưới sau 3 ngày nếm trải hạnh phúc - bị ám ảnh bởi một con vượn luôn ẩn hiện, rình mò cô ngày đêm, thậm chí như một người đàn ông si tình nhìn trộm cô tắm suối. Điều đặc biệt, hình như cái nhìn của con vượn đó đã đánh thức bản ngã phụ nữ vốn bị vùi sâu dưới lớp lý trí của chiến sĩ Mùi và xoa dịu cơn khát vắng chồng. Bộ phim diễn tả được sự tàn khốc của chiến tranh không phải bằng bom rơi đạn nổ mà qua số phận của những người phụ nữ bị giằng xé, khổ đau vì khát vọng yêu và nỗi cô đơn, nhưng họ vẫn sẵn sàng hy sinh bản thân mình cho Tổ quốc.
Gần đây nhất, bộ phim Đào, phở và piano (2024, đạo diễn Phi Tiến Sơn) thể hiện tinh thần “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” sục sôi trong huyết quản mỗi con người Hà Nội - từ cô gái “tiểu tư sản” đến chàng tự vệ, từ ông họa sĩ già đến chú bé đánh giày, từ công tử nhà giàu đến vợ chồng ông bán phở gánh… Đạo diễn kiêm biên kịch Phi Tiến Sơn thể hiện cuộc sống con người Hà Nội trong những ngày máu lửa, mô tả khá tỉ mỉ mỗi số phận trong từng tình huống căng thẳng và bi kịch, rồi “sắp đặt” cạnh nhau khá “thoải mái” mà không cần nhiều sự cân nhắc, tính toán. Cho dù cách “kể” của phim không phải bằng một câu chuyện theo lối truyền thống, nhưng rất may là phim khá dễ hiểu, nên phù hợp với nhiều đối tượng khán giả - kể cả những người trẻ tuổi đến các khán giả “bình dân”. Quan trọng nhất là phim đã chạm được vào “sợi dây đàn của lòng yêu nước” trong con người Việt Nam, khiến cho nó rung lên và tạo hiệu ứng lan truyền mạnh ngoài sức tưởng tượng của bản thân nhà làm phim!
Điểm qua các sáng tác điện ảnh về đề tài chiến tranh trong từng giai đoạn lịch sử, ta thấy cách nhìn, cách tư duy và sáng tạo của các nhà làm phim có những thay đổi rõ rệt. Thời chiến tranh, các nhà sáng tác, đạo diễn thiên về phản ánh trực diện, từ đó nhiều tác phẩm giá trị ra đời, nhưng điểm chung là các phim mang tính tuyên truyền, động viên tinh thần chiến đấu của quân và dân. Sau khi đất nước thống nhất, các nhà làm phim đã có sự gián cách thời gian để suy ngẫm, từ đó có những bộ phim thể hiện cả những bi kịch chiến tranh, những thân phận “bé nhỏ”, bất hạnh; có những phim mang tính khái quát, chứa đựng những triết lý nhân sinh của dân tộc Việt Nam.
Nói cụ thể, cách nhìn đa chiều, cách khai thác những góc khuất chiến tranh, những lát cắt đời thường của các nhân vật - dù là người lính hay vị tướng - cách thể hiện lúc tinh tế, lúc trần trụi đã làm nên sự khác biệt của những bộ phim chiến tranh trong giai đoạn hòa bình so với phim chiến tranh thời chiến. Hơn bao giờ hết, rất cần sự đổi mới tư duy, đổi mới cách khai thác đề tài chiến tranh từ phía các nhà sáng tác, nhà làm phim, nghệ sĩ để làm sống lại một đề tài lớn, vô tận, để phim về chiến tranh có sức chinh phục khán giả hôm nay.
“Hơn bao giờ hết, rất cần sự đổi mới tư duy, đổi mới cách khai thác đề tài chiến tranh từ phía các nhà sáng tác, nhà làm phim, nghệ sĩ để làm sống lại một đề tài lớn, vô tận, để phim về chiến tranh có sức chinh phục khán giả hôm nay. |

Từ cuối thập kỷ 40, điện ảnh đã thể hiện tinh thần tự lực tự cường, từng bước trưởng thành qua hai cuộc kháng...
Bình luận