Giải bài toán ứng dụng tuồng trong đời sống đương đại

Nghệ thuật tuồng có thể tiếp tục được thăng hoa trong ngôi nhà nghệ thuật thời đại của dân tộc Việt Nam hay không được trông chờ rất lớn vào việc ứng dụng chất liệu của tuồng trong đời sống đương đại, và đó cũng là chủ đề của buổi tọa đàm do Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp Nhà hát tuồng Việt Nam tổ chức. Với số lượng người trẻ tham dự không quá ít ỏi và nán lại đến những phút cuối cùng, tọa đàm đã dấy lên hy vọng về việc thế hệ trẻ ngày nay không “vô tâm” với những nghệ thuật truyền thống mà cha ông để lại.

Giải bài toán ứng dụng tuồng trong đời sống đương đại - 1

Tọa đàm “Ứng dụng chất liệu tuồng trong đời sống đương đại”. Ảnh: Huyền Thương

Tuồng - nghệ thuật đã bắt rễ ở Việt Nam từ rất lâu

Nhà nghiên cứu Chu Thu Phương, thành viên Ban Thư ký, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đặt ra vấn đề: “tuồng khó vì nó quá đậm đặc”. Cũng là do nghệ thuật tuồng mang tính bác học, ước lệ, nó đặt ra các vấn đề về quân quốc, xung đột xã hội, với những giá trị như Chân - Thiện - Mỹ, Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín,...

NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, nguyên Giám đốc Nhà hát tuồng Việt Nam khẳng định: “Sân khấu tuồng đã tạo ra được những khuôn mẫu, hướng tới sự cô đọng trong nghệ thuật và chính tính nghệ thuật của sân khấu ước lệ đã giúp tuồng vươn đến tầm khoa học”.

Giải bài toán ứng dụng tuồng trong đời sống đương đại - 2

Các diễn giả chia sẻ tại toạ đàm. Ảnh: Huyền Thương

Cùng với đó, tuồng còn chứa những kịch bản đặc sắc khai thác nhiều khía cạnh trong đời sống, lối biểu diễn cường điệu từ lời nói cho tới hành động, lối hoá trang giàu tính hội hoạ, âm điệu giàu tính dân gian tạo không khí, cảm xúc,…

Giải bài toán ứng dụng tuồng trong đời sống đương đại - 3

Mặt nạ tuồng mang tính ước lệ cao. Ảnh: Huyền Thương

Hình tượng của người anh hùng trong những tác phẩm tuồng đã gieo vào khán giả những tấm gương, những mẫu hình lý tưởng để noi theo, học tập. NSND Lê Tiến Thọ cho biết, trong thời phong kiến người quân tử thường lấy tấm gương của nghệ thuật tuồng để soi chiếu, đây cũng là bài học để cho nhà vua muốn giữ gìn ngai vàng của mình thì phải lấy đó làm gương.

Tại toạ đàm, nhà nghiên cứu Chu Thu Phương đã điểm qua lịch sử hình thành, phát triển của nghệ thuật tuồng.

Giải bài toán ứng dụng tuồng trong đời sống đương đại - 4

Nhà nghiên cứu Chu Thu Phương nói về lịch sử tuồng. Ảnh: Huyền Thương

Theo bà, tuồng phát triển từ các trò diễn xướng dân gian thuở xưa. Đời nhà Lý tuồng trở thành một loại hình biểu diễn có khúc nhạc Đại Vân, có vai tuồng; đời nhà Trần diễn tuồng khi có yến tiệc, bắt đầu có tuyến nhân vật (đán nương (đào), quan nhân (kép), châu tử (tướng), sửu nô (hề)..

Đời vua Lê chúa Trịnh miền bắc cấm tuồng, năm 1627 Đào Duy Từ đưa tuồng vào nam, khi Nguyễn Huệ thống nhất đất nước, tuồng lại từ miền Nam ảnh hưởng ngược ra bắc.

Thế kỷ 18-19, tuồng phát triển cực thịnh nhưng đến thế kỷ 20 thì tuồng suy yếu dần. Sau 1945, ban đầu tuồng bị coi là tàn tích chế độ cũ nhưng sau đó được đánh giá là một môn nghệ thuật. Cuối thế kỷ 20 đến những năm đầu thế kỷ 21, tuồng suy yếu mạnh và đứng trước nguy cơ mai một.

Giải bài toán ứng dụng tuồng trong đời sống đương đại - 5

Trưng bày nhân vật tuồng tại Trung tâm giao lưu văn hóa Phố cổ - 50 phố Đào Duy Từ. Ảnh: Huyền Thương

Nhà nghiên cứu Chu Thu Phương cũng chỉ ra sự chuyển biến, khác biệt cơ bản giữa tuồng xưa và nay. Tuồng xưa có thời lượng rất dài với các tác giả là vua, quan, những người có kiến văn rộng, là một vở kịch tổng hợp ở mức độ cao, được trao truyền qua các gia đình, gánh hát.

Tuồng nay có thời lượng ít hơn, với kỹ thuật và nguyên liệu làm trang phục hiện đại, các tác giả kịch bản được đào tạo chuyên sâu, được trao truyền qua các câu lạc bộ, gia đình, lớp học.

Tuồng ngày nay đứng trước một số vấn đề “nan giải” mà theo nhà nghiên cứu Chu Thu Phương đó là: Tuồng đang bị mai một và xa rời khán giả; Chưa được nhìn nhận là một di sản phi vật thể, sau đó là bảo vệ và phát huy giá trị di sản; Chưa có cơ sở lý luận thống nhất cho tuồng với tư cách là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.

Là một người lớn lên từ sân khấu tuồng, với niềm say mê và yêu tha thiết môn nghệ thuật ấy nhưng NSND Lê Tiến Thọ cũng phải nhận định rằng lịch sử tuồng đã từng trải qua rất nhiều giai đoạn lên, xuống, bổng, trầm, có những lúc tưởng như “tuyệt vọng” khi có một số đánh giá cho rằng “tuồng là loại hình nghệ thuật cổ và không còn ở lại được với thời đại”.

Giải bài toán ứng dụng tuồng trong đời sống đương đại - 6

NSND Lê Tiến Thọ chia sẻ tại toạ đàm. Ảnh: Huyền Thương

“Thế nhưng hiện nay, nhờ đường lối văn hoá phát triển việc khẳng định những giá trị của nghệ thuật truyền thống, cùng với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của các nhà bảo tồn, nhà nghiên cứu, các nghệ sĩ chúng ta có thể hy vọng vào một tương lai phát triển hơn cho nghệ thuật tuồng”, NSND Lê Tiến Thọ kỳ vọng.

Ứng dụng chất liệu tuồng trong đời sống đương đại

Hiện nay tuồng đã được ứng dụng khá nhiều trong đời sống, có thể ứng dụng nhạc tuồng vào múa hiện đại, ghép múa tuồng với kịch câm, ứng dụng chất liệu tuồng trong thời trang và ứng dụng trong tạo đồ lưu niệm...

Là một nghệ sĩ thực hành nghệ thuật đương đại, hoạ sĩ Thế Sơn cho rằng, tuồng có thể ứng dụng trong thiết kế mỹ thuật. Và điều này đã được nhóm của anh triển khai qua một số dự án nghệ thuật công cộng trên phố Phùng Hưng, phường Phúc Tân...

Giải bài toán ứng dụng tuồng trong đời sống đương đại - 7

Hoạ sĩ Thế Sơn chia sẻ về việc ứng dụng chất liệu tuồng trong thiết kế mỹ thuật. Ảnh: Huyền Thương

TS. Lư Thị Thanh Lê, giảng viên Khoa các khoa học Liên ngành (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, chuyển động của nghệ thuật tuồng trong vài năm trở lại đây đang có dấu hiệu thay đổi tích cực. Mặc dù thời gian đầu khi giới thiệu tuồng với sinh viên có gặp nhiều định kiến cho rằng tuồng khó tiếp cận với đương đại.

Nhưng qua thực tế một số cuộc tiếp xúc của tuồng với các bạn trẻ, TS. Lư Thị Thanh Lê cho rằng nhiều bạn cảm thấy xúc động về tuồng, họ đã thấy được vẻ đẹp của tuồng với những trang phục nổi bật, những khuôn mẫu nhân vật đẹp, thích thú với những chuyển động cuốn hút, điêu luyện của các nghệ sĩ tuồng.

TS. Lư Thị Thanh Lê cũng đặt ra những băn khoăn để làm sao có được những vở diễn tuồng hàng ngày? Liệu biểu diễn tuồng có thể được thường xuyên như biểu diễn múa rối nước? Liệu khi giới thiệu tuồng với bạn bè quốc tế có thể có những cách nào giúp họ hiểu được một cách tóm tắt, cũng như tiếp cận được tinh hoa, nét đẹp riêng của tuồng Việt Nam?

“Chúng ta cần một sự giới thiệu để nghệ thuật tuồng có được những thành quả trong bối cảnh đương đại, được ghi nhận, để khi nhìn vào tuồng Việt Nam người ta nhận ra đó là một sự đặc sắc văn hoá rất riêng.

Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể có những tham khảo kinh nghiệm quốc tế, cũng như kinh nghiệm trong nước để có thể đưa nghệ thuật tuồng đi vào các hoạt động biểu diễn, giới thiệu hàng ngày cho du khách nước ngoài và cả nội địa, cho những ai quan tâm đến du lịch trải nghiệm”, TS. Lư Thị Thanh Lê nhấn mạnh.

Giải bài toán ứng dụng tuồng trong đời sống đương đại - 8

Toạ đàm thu hút đông đảo bạn trẻ quan tâm đến nghệ thuật tuồng. Ảnh: Huyền Thương

Hoạ sĩ Nguyễn Mạnh Đức cũng trăn trở với việc phải làm sao để giúp tuồng trở thành một loại hình nghệ thuật có thể đưa các cá nhân tìm được giá trị đích thực của mình. Để thực sự bảo vệ và phát triển tuồng một cách đúng nghĩa, hoạ sĩ gợi mở: “Chúng ta ngoài việc đón nhận tuồng đến với mình thì phải nghiên cứu nó, phải sử dụng những giá trị của tuồng vào công nghiệp văn hoá, ứng dụng vào đời sống hàng ngày”.

Tọa đàm đã ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý và nghệ sĩ thực hành nghệ thuật trên cơ sở khẳng định những giá trị truyền thống của nghệ thuật tuồng và bước đầu gợi mở những giải pháp giúp các nhà quản lý tìm ra hướng phát triển, phương pháp để bảo tồn, để nghệ thuật tuồng có chỗ đứng vững chắc trong đời sống nghệ thuật đương đại.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu - Những câu chuyện đời thường và lời thề chiến sĩ

Anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu - Những câu chuyện đời thường và lời thề chiến sĩ

Đối với cá nhân tôi, trong hàng chục năm gần đây luôn có nhiều kỷ niệm, những câu chuyện đời thường với anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu (1929 - 2021). Trong những lúc trà dư tửu hậu trên hành trình công tác xuôi ngược các tỉnh miền Trung, vào Nam ra Bắc, kể cả khi có anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu hoặc vắng mặt ông, thì đều là những câu chuyện rất đặc biệt, vui vẻ và hài hước