Ngôi sao mới của làng chèo

Năm Nhâm Dần đang đi vào những tháng cuối cùng. Đây chính là thời gian mà làng sân khấu Việt Nam sau thời gian nằm im lặng kéo dài tới hai năm bởi đại dịch Covid-19 bỗng tưng bừng, sôi động trở lại. Liên tiếp từ tháng 10 đến tháng 12 năm nay, bốn liên hoan sân khấu rộn ràng, trang trọng mở ra.

Một liên hoan sân khấu của Thủ đô Hà Nội, còn ba của Cục biểu diễn, Bộ Văn Hoá phối hợp cùng Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức. Tháng 10 là Liên hoan sân khấu chèo tại Hà Nam, nửa đầu tháng 11 là Liên hoan sân khấu cải lương ở Long An - một trong những cái nôi của cải lương Nam bộ nói riêng và Việt Nam nói chung, và cuối tháng 11 là Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế lần thứ V.

Khác hẳn thời gian trước, điều đáng mừng trong mỗi cuộc Liên hoan sân khấu năm nay, bên cạnh sự tham gia đầy nhiệt tình vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc sống của các đơn vị sân khấu quốc doanh và các đơn vị tư nhân, xã hội hoá đều nổi lên những ngôi sao xuất sắc tạo điểm nhấn cho mỗi Liên hoan.

Liên hoan sân khấu chèo năm nay tại Hà Nam, bạn nghề cũng như giới chuyên môn ghi nhận sức sáng tạo đa dạng của một ngôi sao. Đó là Tiến sĩ, NSƯT Lê Tuấn Cường, một đạo diễn chèo tài năng, vừa được giao vị trí trọng trách làm Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam thay NSND Thanh Ngoan.

Ngôi sao mới của làng chèo - 1

Lê Tuấn Cường chỉ đạo diễn xuất

Trong Liên hoan chèo kì này, NSƯT Lê Tuấn Cường với tư cách là một đạo diễn đã mang về một Huy chương Vàng cho vở diễn “Nguyễn Đình Nghị” của Nhà hát Chèo Hưng Yên. Hai Huy chương Bạc cho vở diễn “Thần tướng Yết Kiêu” của Nhà hát Chèo Hải Dương, và vở diễn “Lưu xá, một thời hoa lửa” của Nhà hát nghệ thuật Thái Nguyên.

Điều đáng nói không chỉ bộc lộ tài năng với vai trò của một đạo diễn, Lê Tuấn Cường còn tỏ ra sắc sảo và tài hoa khi anh là tác giả kịch bản “Lưu Xá, thời hoa lửa”. Đây chính là kịch bản lần đầu tiên anh tham dự Trại sáng tác kịch bản sân khấu do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức vào tháng 5/2022 và được đồng nghiệp, gồm nhiều cây bút gạo cội của sân khấu Việt Nam đánh giá cao.

Nếu đứng từ góc độ truyền thống thì NSƯT Lê Tuấn Cường sinh ra trong một gia đình không dính dáng gì đến nghệ thuật. Nhưng hình như tài năng ở anh là kết hợp của hai con người từ hai miền quê mang đủ tố chất của vùng đất nghệ thuật. Ông nội anh là người làng Chèm, một vùng đất cổ bên dòng sông Hồng của kinh thành Thăng Long, quê hương của Thượng đẳng Thiên Vương Lý Ông Trọng. Ông từng là đồng nghiệp của danh nhân Hoàng Tăng Bí trong ban giám hiệu của trường Đồng Kinh nghĩa thục do Phan Bội Châu khởi xướng.

Bố anh ngay từ khi học phổ thông đã bộc lộ nhiều tố chất của một nghệ sĩ khi ông ham thích hội hoạ và ca hát. Quê mẹ anh ở trung tâm vùng quan họ Kinh Bắc. Cái gen văn hoá đó ẩn sâu đến đời thứ ba thì phát lộ. Trong ba anh em trai thì Lê Tuấn Cường giờ đang là một trong những nhân vật nổi tiếng của làng chèo Việt Nam. Người em anh là Lê Mạnh Kiên, diễn viên Nhà hát Kịch Hà Nội, người từng đóng vai thủ lĩnh nhóm bụi đời trong phim “Đau buốt đến tim” của người viết bài này.

Ngôi sao mới của làng chèo - 2

Tiến sĩ, NSƯT Lê Tuấn Cường

Tiến sĩ, NSƯT Lê Tuấn Cường, tân Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam đang ở độ tuổi U50, độ tuổi chín của một đời người, và với tích luỹ của người đã 31 năm lăn lộn trong nghề, anh cũng có thể nói là đã bước vào độ chín của nghề. Khi tâm sự với tôi, anh nói: “Nghệ thuật chèo là nghệ thuật truyền thống của cha ông, không phải bỗng nhiên chèo có sự tồn tại vững bền và sâu rộng đối với dân tộc ta. Nhưng với chức năng là một nghệ thuật thì nó luôn cần sự sáng tạo. Chính vì vậy người làm chèo phải luôn luôn học hỏi, bồi dưỡng cho mình kiến thức về đạo đức học, logic học, mỹ học… để hiểu thấu đáo những gì cha ông truyền lại và trên nền tảng đó sáng tạo cho phù hợp với thời đại”.

Với một cách nghĩ nghiêm túc về nghề như vậy nên hơn ba năm làm nghề, anh luôn luôn bồi dưỡng cho mình những kiến thức, và tham khảo kinh nghiệm của người đi trước và bạn nghề. Nhìn vào quá trình làm việc và bồi dưỡng tay nghề của anh, ta càng thấy rõ.

Lê Tuấn Cường vào trường Đại học Sân khấu Điện ảnh năm 1986. Sau khi tốt nghiệp năm 1991 anh được nhận về công tác tại Nhà hát Chèo Việt Nam. Trong bốn năm làm diễn viên, do năng khiếu ca hát và sự đào sâu, nghiên cứu vai diễn khi được phân công nên Lê Tuấn Cường tỏ ra có sở trường khi vào những vai có tính cách đa dạng, có chiều sâu. Cho đến nay đồng nghiệp trong làng chèo Việt Nam vẫn nhớ vai Lý trưởng trong vở “Quan âm Thị Kính”, vai Trần Phương trong vở “Xuý Vân” cùng nhiều vai trong các vở hiện đại do Cường thủ vai…

Với sự ham học và chí tiến thủ nên năm 2004 anh về trường cũ học đạo diễn. Sau bốn năm, vào năm 2008, anh tốt nghiệp khoá đạo diễn. Qua thời gian làm diễn viên và học đạo diễn, tình yêu chèo càng sâu đậm trong anh. Chính vì thế nên ngay sau khi tốt nghiệp đạo diễn, Cường đã là nghiên cứu sinh tại Viện Văn hoá nghệ thuật quốc gia. Năm 2020, anh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với đề tài rất “chèo” “Kế thừa và biến đổi truyền thống trong kịch bản chèo của Trần Đình Ngôn”.

Đúng với mục tiêu phấn đấu để thực hiện lòng say mê chèo của mình trong thời buổi hiện đại, làm sao phù hợp với sự phát triển của môn nghệ thuật truyền thống của cha ông, ở mỗi vở diễn với chức năng đạo diễn, Lê Tuấn Cường luôn tuân thủ nguyên tắc mà những người thầy trong đó đáng trân trọng nhất là Tiến sĩ - nhà soạn chèo tài năng Trần Đình Ngôn đã truyền thụ. Dù sáng tạo đến đâu thì “Chèo vẫn phải đúng là chèo”.

Nếu tính từ khi tốt nghiệp đạo diễn vào năm 2008, sau một vài năm chập chững trong vai trò mới thì có thể tính, đạo điễn Lê Tuấn Cường mà dân trong nghề gọi thân mật là Cường “Chèm” đến nay đã là một đạo điễn uý tín và ăn khách trong làng chèo Việt Nam. Chỉ mới bước vào hàng ngũ đạo diễn hơn 10 năm Cường “Chèm” đã dựng hơn 20 vở diễn. Bình quân một năm anh được mời dựng hai vở, trong đó có 10 vở nằm trong kế hoạch, 10 vở tham gia liên hoan, hội diễn. Cũng chỉ trong thời gian ngắn ngủi đó, các vở diễn của Tiến sĩ - Đạo diễn – NSƯT Lê Tuấn Cường đã mang về những kết quả có thể xem như là những kỉ lục của đạo diễn sân khấu. Hai lần anh được nhận giải “Đạo diễn xuất sắc”, bốn vở được tặng thưởng Huy chương Vàng, bốn vở đoạt Huy chương Bạc.

Tôi biết Lê Tuấn Cường đã lâu nhưng mãi đến cuối năm 2020 tôi mới có dịp làm việc kĩ với anh khi anh nhận dàn dựng kịch bản “Vì sao của sóng” viết về danh tướng Yết Kiêu của tôi cho Nhà hát Chèo Hải Phòng. Khi nghe anh trao đổi những tình tiết, mảng miếng, lớp lang của vở diễn, đồng thời qua cách cảm nhận kịch bản của anh tôi càng hiểu trình độ chuyên môn của vị đạo diễn ham học hỏi, một nghệ sĩ thực sự yêu nghề, một thạc sĩ am hiểu nhiều kiến thức của anh.

Ngôi sao mới của làng chèo - 3

Cảnh trong vở "Những vì sao của sóng"

Khi mổ xẻ lớp chèo Quốc công Tiết chế Trần Hưng Đạo bàn bạc với danh tướng Phạm Ngũ Lão trong lúc đợi Yết Kiêu đang đi phá thuyền của giặc, đạo diễn Tiến sĩ Lê Tuấn Cường cho biết:

Khi nhận kịch bản này, cháu đã đọc lại “Đại Việt sử kí toàn thư” và một số sách khác nói về ba danh tướng này. Cháu càng hiểu mối quan hệ của ba vị này có nhiều điểm đặc biệt. Yết Kiêu và Phạm Ngũ Lão xuất thân là hai gia nô của Quốc công tiết chế, nên trong họ chất “nô” trong người họ cũng lớn song họ lại có tài quân sự nên sự trọng dụng của Trần Quốc Tuấn đối với họ cũng nhiều. Biết là vậy nên việc xây dựng hình tượng hai vị này cần có các điểm khác đối với các vị tướng khác.

- Thế còn tình cảm của nhân vật cô Vân, con ông thuyền chài nguyên là tướng cướp cũ…

- Trong truyền thuyết, vùng Thuỷ Nguyên – Hải Phòng cũng nhắc đến hai nhân vật này, song lờ mờ. Ở kịch bản thì hai nhân vật này khá rõ bởi được hư cấu với những tình tiết hấp dẫn, vì thế cháu phải tính cho phù hợp để hư cấu của tác giả hợp lý với lịch sử.                                 

Khi xem toàn bộ vở diễn với sự đạo diễn nhất là cách kể câu chuyện của đạo diễn Tiến sĩ Lê Tuấn Cường , tôi càng hiểu tài năng của anh trong sự nhấn nhá các chi tiết để xây dựng nhân vật cũng như khắc hoạ hoàn cảnh lịch sử. Những điều đó tưởng như nhỏ nhưng thực ra đó là sự vững vàng trong kiến thức của người đạo diễn. Sự chịu học, chịu đọc, chịu tìm tòi, sáng tạo đó là hiển hiện tình yêu nghề, trách nhiệm của người làm sân khấu đối với khán giả. Nhất là đối với chèo - một nghệ thuật truyền thống của cha ông trước khán giả trẻ hôm nay.

“Nghệ thuật chèo là nghệ thuật truyền thống của cha ông, không phải bỗng nhiên chèo có sự tồn tại vững bền và sâu rộng đối với dân tộc ta. Nhưng với chức năng là một nghệ thuật thì nó luôn cần sự sáng tạo. Chính vì vậy người làm chèo phải luôn luôn học hỏi, bồi dưỡng cho mình kiến thức về đạo đức học, logic học, mỹ học… để hiểu thấu đáo những gì cha ông truyền lại và trên nền tảng đó sáng tạo cho phù hợp với thời đại” – NSƯT Lê Tuấn Cường.

Nguyễn Hiếu

Nguyễn Hiếu

Tin liên quan

Tin mới nhất

Thi nhân bầu rượu túi thơ

Thi nhân bầu rượu túi thơ

Tết, dẫu ngày thường không hay rượu thì, chí ít mỗi người dù già trẻ, gái trai, đều có thể nâng một ly rượu thơm nồng mừng xuân, mừng năm mới. Người ta nói đến “văn hóa rượu”, vì rượu là một trong những phát minh quan trọng của loài người (nhiều ý kiến còn cho là sau việc phát minh ra lửa!?). Muốn cảm nhận được cái nhã thú của văn hóa rượu, thiết nghĩ có một cách, hãy tìm đ