Chuyện làng văn nghệ: Phạm Đức – “Vây anh giữa những mắt dịu dàng”

Trưởng thành từ những đơn vị thông tin qua năm tháng chống Mỹ có nhà thơ Phạm Đức. Bền bỉ và lặng thầm - người lính và người tình - đó là hai vệt thơ tạo nên ấn tượng rõ nhất trong suốt chặng đường sáng tạo của anh. Tôi biết Phạm Đức từ những ngày đầu của Khóa 2 - Trường Viết văn Nguyễn Du (1983 - 1985). Phạm Đức dáng người thấp, chầm bập, giọng nói nhỏ nhẹ. Thơ anh - như chúng tôi thường đùa vui: "Chắc như cua gạch, chắc như cơm nắm...”. Anh chỉ cười, không nói gì.

Tính Phạm Đức ưa lặng lẽ, không quen nói to, viết cũng ưa hướng nội, nên dễ đồng cảm với tôi. Lúc đó, nhà Phạm Đức ở Khu tập thể Bệnh viện Bạch Mai. Thỉnh thoảng, vào ngày chủ nhật, tôi thường từ trường vào thăm anh chị và các cháu. Lâu dần thành thân:

Rất may mà những dấu vết

Ta nhen vào hồn nhau

Ta khắc vào thương nhớ

Chẳng bao giờ mờ đâu

(Cho một thời)

Đó là một người lính, dù ở đâu, đi đâu - dù giữa phố phường ồn ã vẫn không quên được một thuở hàng dọc trong đội hình, tuân thủ những quy định nghiêm ngặt của chiến trường, kết chung tình đồng đội, sống chết chẳng xa nhau:

Lính chiến trường, giẫm theo bước chân nhau 

Khép mình lại; nghiêng người đi, để thành mục tiêu nhỏ nhất

Mong có thể tránh làn đạn địch

Chân người sau đặt đúng dấu chân người trước 

Bạn đã dành cho mình một khoảng bình an

Và anh tâm niệm một điều - dù trong bất cứ hoàn cảnh nào:

 Có thể chăng, dẫu ngang ngược cuộc đời

 Vẫn giữ trọn tâm hồn hàng dọc 

(Hàng dọc)

Chuyện làng văn nghệ: Phạm Đức – “Vây anh giữa những mắt dịu dàng” - 1

Nhà thơ Phạm Đức

Cái đáng quý trong nhà thơ Phạm Đức là anh biết chắt chiu kỷ niệm, không vô tâm, không vô ơn, biết trân trọng những gì đã qua. Anh nhớ đến “Những vô danh như thế”, những người lính bình dị như cây cỏ, đất đai đã làm nên “Cái nền xây chiến thắng”:

Tất cả thời tuổi trẻ

Đã rơi rụng muôn phương

Lặng lẽ như mái rạ

Thản nhiên như con đường

(Cái nền)

Phạm Đức cảm thông những mất mát của người mẹ trong cuộc chiến, thể hiện qua hình ảnh người mẹ liệt sĩ khóc con. Chỉ những người bước ra từ cuộc chiến tranh khốc liệt mới có được tấm lòng cảm thông đến vậy:

Không gì đau hơn

Người mẹ già khóc con

Mà dòng nước mắt quặn thắt

Héo hắt cả tâm hồn

Chậm và buồn

Chậm và buồn... ’

(Điệp khúc)

Giữa ngổn ngang thế sự, khi người lính trở về vẫn phải xác định cho mình một vị thế, một chỗ đứng - không phân rõ ranh giới địch - ta như trong cuộc chiến tranh mà làm sao tránh được sự vấp ngã ngay giữa cuộc đời ngỡ như bình yên này:

Lằn ranh giới như sợi dây mờ tỏ

Có và không, và đứt rối, trập trùng

Ta phải lần tìm, nhặt, chắp nối và gỡ

Để hồn mình xe với sợi dây chung

(Ranh giới)

Con người luôn phải cảnh tỉnh với mình, không thể quên đi một thời gian khổ, sống với nhau đẹp và nhân ái đến vậy. Mà bây giờ con người sao cứ phải phiền muộn, lo âu:

Lặng im mà có thể chẳng yên

Chẳng ai báo động khéo quên mất mình

(Báo động)

Trong tấm lòng nhà thơ - chiến sĩ Phạm Đức mang nặng hàm ơn với những người lính không một chút nguôi ngoai:

Bạn bè tan tác nơi đâu

Máu xương che đỡ cho nhau một thời

Đấy cũng là tâm nguyện của anh với đời, với thơ:

Những người sống chết cho tôi

Mà tôi đã sống cho người mấy khi?

Mà thơ tôi nói được gì?

Mà hồn tôi mấy thầm thì cầu mong?

(Nhớ đồng đội)

Thơ về người lính như mạch nguồn lúc cuộn xiết, lúc lặng lờ, đến với trái tim bạn đọc thấm thìa, len lách, lặng thấm như anh đã từng tâm sự:

Là yêu, yêu thế, tự nhiên

Như tự nhiên có anh - em trên đời

(Mến yêu)

Như suối reo róc rách đổ về sông lớn mà làm nên một giọng điệu thủ thỉ tâm tình, làm nên một đời thơ chiến sĩ Phạm Đức với những bài thơ còn đọng lại ít nhiều trong lòng bạn đọc: Bài thơ xua khói, Hơi ấm bàn tay, Dấu chân...

Thật khiếm khuyết nếu không bàn thêm một tầng vỉa khác trong giọng điệu thơ anh: Thơ tình yêu.

Có người nói không ngoa rằng: Chỉ cần “sát hạch” nhà thơ có đích thực không, cứ qua thơ tình yêu là biết được ngay. Thơ tán nhăng cuội thì đầy, chứ thơ tình yêu mà hay, mà đến được con tim của những lứa đôi yêu nhau thì liệu chừng cũng chẳng có nhiều lắm đâu. Ta hãy xem người lính thông tin này yêu như thế nào:

Súng nào nổ tiếng lặng im

Ánh nhìn một thoáng, trái tim rụng rời 

Vết thương tưởng nhẹ êm thôi 

Biết đâu suốt cả cuộc đời còn đau!

(Lặng êm)

Phạm Đức xác định: Yêu là yêu người (theo nghĩa rộng của từ này).

Nó không chỉ nằm trong khái niệm yêu của cái tôi bé nhỏ, vị kỷ, nhỏ nhen, có thể làm chết người ta trong cái bẫy dịu êm:

Đơn phương là biết yêu người

Yêu người - là biết yêu đời đó em 

Là mình sẽ được giàu thêm

Trái tim êm ái, cái nhìn sâu xa

(Gửi người đọc Đơn phương)

Và gần hơn, ta nhận diện ra người lính thông tin đã yêu, đã hòa trộn như thế này:

Cho tôi làm đường dây nối liền xa cách 

Của những tâm tình thương nhớ nhau 

Cho tôi hoà với muôn làn sóng 

Để những hồn xa chụm mái đầu

(Cho tôi)

Điện tối khẩn

Bao giờ cũng ngắn thôi

Trong tình yêu cũng vậy

Nói, e đã thừa rồi

(Tối khẩn)

Có thể kể ra muôn hình vạn trạng của nỗi nhớ thương, sầu muộn, chia lìa, nát tan, gặp gỡ... trong thơ tình của Phạm Đức, nhưng trước sau vẫn là một hồn thơ đôn hậu, chân thành của trái tim đến với trái tim muôn thuở lứa đôi: Đầy trời nhưng chỉ thấm - Riêng tâm hồn em thôi (Đầy trời).

Bởi thế, Phạm Đức đã được nhiều bạn đọc trẻ yêu mến qua các bài thơ: Đơn phương, Thì anh lại sợ, Ví dầu, Ba Vì, Trả thù...

Để khép lại bài này, tôi xin kể lại kỷ niệm với nhà thơ Phạm Đức trong chuyến đi Hội An - Cù Lao Chàm của nhóm học viên trường viết văn Nguyễn Du vào giữa năm 1984 (cùng với Nguyễn Trác, Đức Ban).

Đến Cù Lao Chàm trong khi tôi mải đi tìm hiểu công việc của người dân làng chài, mải ngắm họàng hôn trên biển, mải nhặt vỏ sò, vỏ ốc theo chân sóng dạt vào bãi biển... thì Phạm Đức đã “chộp” được cái tứ thật lạ trong khả năng chuyển hóa cái trải nghiệm đồng nhất với khoảnh khắc thu nhận được. Đó là bài thơ Đan lưới của anh, bài này không lệ vào cảnh sắc vùng biển, vào vụ cá bội thu mà được anh nâng lên thành bài thơ tình yêu, không chỉ thâu nhận bằng mắt mà cất lên từ hồn, với rất nhiều gợi mở.

Chúng ta luôn bị vây bủa trong những mắt lưới vô hình, vô định như vậy. Mắc vào mắt lưới đó đã đành mà thoát ra khỏi nó lại càng khó hơn, phải thế không, nhà thơ Phạm Đức?

Trong mịn màng tay em thoăn thoắt

Sợi cước cô đơn bỗng hóa thành

Những tấm lưới mở ngàn con mắt

Nhìn em và nhìn anh

Lưới nghìn mắt bắt cá to, cá nhỏ

Em biết mình đan lưới trích(*), lưới hai(*)

Nhưng em biết chăng

Tấm lưới nào vô định

Giăng ở đâu? Dưới nước, trên bờ?

Mà bắt hồn anh trong vô hình, mềm mại

Ơi tình yêu, âm thầm chăng lưới

Vây anh giữa những mắt dịu dàng...

(Đan lưới)

(*) Tên một số loại lưới ở Cù Lao Chàm (Đà Nẵng).

Nguyễn Thanh Kim

Tin liên quan

Tin mới nhất

Triển lãm Won Chang Lee Ju Reem – Không gian kết nối văn hóa Việt - Hàn

Triển lãm Won Chang Lee Ju Reem – Không gian kết nối văn hóa Việt - Hàn

Từ 28/12/2024 – 04/01/2025 Thời báo Văn học Nghệ thuật phối hợp với Hội hữu nghị Việt Nam Asean TP.HCM, Quỹ hỗ trợ sáng tạo Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức tuần lễ triển lãm tranh đặc biệt của nghệ sĩ Hàn Quốc Won Chang Lee Ju Reem tại TP.Hồ Chí Minh (tại địa chỉ Victory Hotel SaiGon – số 14 Võ Văn Tần, P.Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM). Sau triển lãm ở Việt Nam, Lee Ju Reem sẽ tiếp tục hành