Người nghệ sĩ khoác áo lính, lầm lũi đi trong dòng chảy nghề múa

Đại tá, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Ứng Duy Thịnh, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam đã trọn đời cống hiến cho nghệ thuật múa nước nhà, ông đảm đương nhiều vai trò từ diễn viên, biên đạo, đạo diễn, quản lý cho đến giảng dạy, viết sách, nghiên cứu khoa học và trong vai trò nào ông cũng làm rất tốt. Điều đáng ngạc nhiên là ông không phải “con nhà nòi” mà lớn lên trong một ngôi nhà nhỏ ven sông Tô Lịch, cả bố và mẹ đều làm nghề nông. Vậy điều gì đã khiến người nghệ sĩ khoác áo lính ấy trở thành một trong những trụ cột của ngành múa nước nhà?

Hành trang bước vào nghiệp múa

Năm 1967, khi mới 15 tuổi cậu bé Ứng Duy Thịnh đã bắt đầu bước vào nghiệp múa với lý do “chẳng có gì ghê gớm” mà chỉ để “cho gia đình đỡ một miệng ăn”, để bố mẹ không phải vất vả nuôi mình.

Người nghệ sĩ khoác áo lính, lầm lũi đi trong dòng chảy nghề múa - 1

Đại tá, Phó giáo sư, Tiến sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Ứng Duy Thịnh.

Sau khi trúng tuyển vào lớp diễn viên múa khóa I, trường Nghệ thuật Quân đội ông cứ thế cố gắng, phấn đấu để luôn giữ vị trí đứng đầu lớp, rồi được cử sang Liên Xô học lớp biên đạo múa cùng với sinh viên của nhiều nước như Mỹ, Thụy Điển, Pháp. Ở một vùng đất xa lạ, bên cạnh những người tài giỏi, lại từ một nước nghèo vừa bước ra khỏi chiến tranh nên trong kỳ học đầu tiên ông bị điểm kém. Nhớ lại thời gian đó ông kể:

Năm thứ nhất trong tư thế của kẻ bị điểm kém, gặp mấy người bạn nước ngoài ở hành lang, tôi chào chúng nó và bằng một thái độ rất kiêu ngạo, chúng nó đánh mặt, nghiêng đầu sang trái rồi gật đầu: “ừ hứ”. Bực quá, tôi lao vào phòng thay đồ, nước mắt rơi lã chã, hai bàn tay nắm chặt: “được rồi, chúng mày đợi đấy, kỳ sau biết nhau nhé”.

Và cứ thế ông “nghiến răng” quyết tâm học tập, ông bảo, lúc đó tình yêu hay đam mê gì thì chưa rõ nhưng khi lòng tự tôn bị kích động thì phải lao vào học để không bị coi thường. Và quả nhiên, kỳ sau với điểm số trong top cao nhất lớp, ông cũng đã ung dung gật đầu “ừ hứ” với những thanh niên kiêu ngạo trước đó.

Ông vẫn nhớ như in lời dặn của thầy giáo Liên Xô khi tiễn ông về nước: Thịnh ơi, em về nước em hãy sáng tác như thế nào để tác phẩm của em cho những nhà bác học, những nhà khoa học nổi tiếng họ thích đồng thời cho cả những người nông dân chân lấm tay bùn họ cũng thích.

Tinh thần ấy đã trở thành phương châm hành động, được ông gói gém vào hành trang để bước vào nghiệp múa. Chính vì vậy, trong các tác phẩm của NSND Ứng Duy Thịnh ta sẽ nhìn thấy ông luôn tìm một con đường ngắn nhất để chạm đến trái tim khán giả.

Một tâm hồn nghệ thuật luôn đắm đuối với đề tài người lính

Đến nay, khi ở độ tuổi 70 ông đã có một gia tài khá đồ sộ với các tác phẩm múa. Sau tác phẩm thơ múa đầu tay “Con đường ra chiến dịch” nhận được tiếng vang lớn, ông tiếp tục sáng tác hàng loạt các tác phẩm nức tiếng một thời như: “Khúc biến tấu từ Pho tượng cổ”, “Vũ điệu chim công”, “Bầu trời và lời ru”, “Thư nhà”…

Người nghệ sĩ khoác áo lính, lầm lũi đi trong dòng chảy nghề múa - 2

Tác phẩm múa “Khúc biến tấu từ Pho tượng cổ” do NSND Ứng Duy Thịnh biên đạo. (Ảnh Facebook NSND Ngọc Bích)

Ngoài những tác phẩm nho nhỏ về người lính, ông có nhiều tác phẩm vũ kịch: kịch múa “Đất nước”, kịch múa “Ngọn lửa”, kịch múa “Bông lau trắng”, kịch múa “Con đường tới Điện Biên”, kịch múa “Bài ca ra trận”, kịch múa “Ngọn lửa”,… Những tác phẩm ấy đã góp phần để lại dấu ấn tốt đẹp cho nghệ thuật Cách mạng của nước nhà, đoạt nhiều giải thưởng lớn và đều là những tác phẩm đạt đỉnh cao, có chất lượng.

NSND Ứng Duy Thịnh cho biết, những tác phẩm mang đến cho ông nhiều thành công nhất đa số về đề tài người lính, về đề tài chiến tranh, về đề tài đất nước. Cho đến bây giờ, ông vẫn đắm đuối với đề tài này, mặc dù đã có rất nhiều các tác phẩm nhưng sâu trong tim một người lính, ông vẫn đau đáu với nó mãi không thôi.

Người nghệ sĩ khoác áo lính, lầm lũi đi trong dòng chảy nghề múa - 3

Hình ảnh trong vở kịch múa “Đất nước”. (NVCC)   

Bằng khinh nghiệm chiến đấu sương máu, bằng tâm luôn hồn thổn thức với nghệ thuật ông không khỏi xuýt xoa: Con người trong chiến tranh nó kỳ lạ lắm, đó là mối quan hệ khăng khít với quê hương, với tổ quốc và những tình cảm khác như tình yêu đôi lứa, tình cảm với cha mẹ, tình anh em, tình đồng đội đều được gói vào trong đó, bởi đó là những nơi thử thách cao nhất của tình cảm con người.

Theo NSND Ứng Duy Thịnh, hiện tại làm đề tài chiến tranh vẫn không làm sai lệch lịch sử, nhưng phải làm bằng cảm xúc mới, giọng điệu mới, bằng cách nhìn mới, chiến tranh càng lùi xa thì sự tôn vinh quá khứ, tôn vinh công lao của người chiến sĩ càng được nhìn rõ. Bằng ánh mắt rực sáng, ông chia sẻ: Đó là một đề tài vô tận! Một đề tài tuyệt vời! Mong sao đề tài này không phải chỉ của thế hệ của chúng tôi mà thế hệ trẻ sau này cũng sẽ vẫn tiếp bước sáng tác về nó.

Người nghệ sĩ khoác áo lính, lầm lũi đi trong dòng chảy nghề múa - 4

Kịch múa "Trăng Treo" Tác giả kịch bản - Tổng đạo diễn: NSND Ứng Duy Thịnh.

Để làm nên thành công của một tác phẩm múa, NSND Ứng Duy Thịnh cho rằng cần phải tìm được cái mạch, cái trọng tâm, cái chủ yếu của một tác phẩm múa cần phải có. Bởi vậy, ông ví đề tài như một điểm tựa đầu tiên cho tác giả, đề tài thể hiện thế giới quan, nhân sinh quan của tác giả, đồng thời thể hiện năng lực của tác giả.

Để có được đề tài hay, tác giả hãy chia sẻ với cộng đồng, chia sẻ với cuộc sống, xem người dân cần cái gì thì mình tìm cái đó. Tác giả phải đặt câu hỏi rằng tác phẩm của mình mang lại cái thông điệp gì cho cuộc đời? Tác giả phải gần gũi, chia sẻ, động viên, khích lệ người xem và khiến người xem cho dù ở cấp độ nào, giai tầng nào của xã hội vẫn sẽ tìm thấy mảnh vụn của mình ở đâu đó. Khi tác phẩm chia sẻ được với cuộc đời thì tác phẩm ấy sẽ hấp dẫn - NSND Ứng Duy Thịnh nhấn mạnh.

Sáng tác để yên ổn hơn

Sắp tới NSND Ứng Duy Thịnh sẽ được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh – một giải thưởng vô cùng danh giá cho tác phẩm kịch múa “Đất nước”, kịch múa “Ngọn lửa”; sách “Con đường dân gian đến sáng tạo múa chuyên nghiệp”. Chia sẻ niềm hạnh phúc lớn lao này, ông cho biết, ai ở trong trường hợp này cũng sẽ sung sướng và thấy mắt mình rưng rưng.

Người nghệ sĩ khoác áo lính, lầm lũi đi trong dòng chảy nghề múa - 5

Sắp tới NSND Ứng Duy Thịnh sẽ được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, với ông đó là niềm hạnh phúc vô bờ bến.

Suốt một chặng đường dài đem hết đam mê và trách nhiệm để cống hiến cho nghệ thuật, đến nay được nhà nước và nhân dân ghi nhận nên ông bâng khuâng và cảm động lắm: Tôi sáng tác không phải chỉ để cho nó có tiết mục, tôi sáng tác để mình sống yên ổn hơn. Không mong sáng tác để biểu diễn ở nhà hát lớn, hay trình diễn ở nước ngoài mà với tôi, sáng tác là trách nhiệm của mình với lịch sử, với quá khứ.

18 năm ở cương vị Trưởng đoàn Ca múa Quân đội (nay là Nhà hát ca múa nhạc Quân đội), sau đó ông được điều sang giữ chức Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội. Dù trong vai trò nào cũng vậy, với phẩm chất của một người nghệ sĩ – chiến sĩ, trong phóng thái điềm đạm, chuẩn mực, lối tư duy minh triết và cách làm việc khoa học, tận tâm, ông đã để lại cho đời những tác phẩm sống mãi với thời gian, những học trò dưới bàn tay ông dạy dỗ đã có nhiều người thành công trong nghiệp múa, được công nhận NSƯT, NSND.

Người nghệ sĩ khoác áo lính, lầm lũi đi trong dòng chảy nghề múa - 6

NSND Ứng Duy Thịnh cùng bạn bè - đồng nghiệp.

Tuổi trẻ đã qua, tuổi già cũng đang tới, cho đến lúc này tôi thực sự hạnh phúc, mặc dù “nhân vô thập toàn” nhưng rất nhẹ nhõm vì mình không làm cái gì dối lòng, không làm một cái gì mà cảm thấy có lỗi với cuộc đời, với đồng đội, đồng chí, đồng nghiệp. Nói đến đây giọng ông bỗng trở nên da diết đến lạ thường, ông coi sự trong sáng, bình an trong tâm hồn mình có được hôm nay chính là phần thưởng vô giá sau ngần ấy năm lầm lũi, kiên nhẫn miệt mài đi trong dòng chảy nghiệp múa.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Du lịch văn hóa – lịch sử: Mở ra cơ hội phát triển cho du lịch Hà Nội

Du lịch văn hóa – lịch sử: Mở ra cơ hội phát triển cho du lịch Hà Nội

Hội nghị “Hà Nội - Điểm đến Du lịch Văn hóa - Lịch sử” được tổ chức nhằm giới thiệu, tôn vinh những giá trị bền vững về văn hóa, di sản Thủ Đô, đồng thời mở ra những cơ hội đối với sự phát triển du lịch văn hóa – lịch sử Hà Nội. Hội nghị nằm trong khuôn khổ Lễ Hội Du Lịch Hà Nội 2024 với chủ đề “Thăng Long - Hà Nội, Thủ đô quyến rũ” được tổ chức từ ngày