NSND Thu Vân – Người thổi hồn vào các điệu múa Chăm Bình Thuận

Bốn mươi năm gắn bó với nghệ thuật múa chuyên nghiệp, vừa là diễn viên vừa là biên đạo, nghệ sĩ múa Thu Vân đã đóng góp rất nhiều vào sự thành công và phát triển của nghệ thuật múa tỉnh Bình Thuận.

Nghệ sĩ Thu Vân tên thật là Trần Thị Thu Vân, sinh năm 1962 tại Lạc Đạo, Phan Thiết, Bình Thuận. Từ nhỏ, khi còn ngồi trên ghế nhà trường Thu Vân đã yêu thích nghệ thuật múa. Dù trong gia đình không ai theo con đường nghệ thuật, nhưng rất ủng hộ cô bé Vân ngày đó đi theo nghệ thuật múa. Có năng khiếu, sáng dạ, lại ham học hỏi cộng với gương mặt đẹp, dáng vẻ ưa nhìn, Vân nổi bật hơn cả so với các bạn múa cùng thời.

NSND Thu Vân – Người thổi hồn vào các điệu múa Chăm Bình Thuận - 1

NSND Thu Vân

Tháng 4/1977, khi Vân tròn 15 tuổi, cô được tuyển chọn vào Đoàn ca múa kịch nhân dân Thuận Hải (nay là Nhà hát ca múa nhạc Biển Xanh). Được làm việc trong môi trường nghệ thuật chuyên nghiệp, Vân được học hỏi từ các bậc anh chị trong Đoàn mà đặc biệt là được sự huấn luyện, đào tạo của NSND Đặng Hùng. Với niềm đam mê Vân luôn phấn đấu và không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao trình độ cá nhân. Chỉ trong thời gian ngắn Vân đã được lãnh đạo Đoàn tin tưởng và phân công múa chính trong các tiết mục quan trọng tham gia biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương và Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc.

Nghệ sĩ múa Thu Vân bước đầu chạm đến đỉnh cao sự nghiệp vào năm 1985, khi chị tham gia Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức tại Hải Phòng. Hội diễn năm ấy Đoàn ca múa kịch nhân dân Thuận Hải đã tạo nên kỳ tích ngoạn mục, hàng loạt tiết mục mới ra đời với hai chương trình “dân tộc” và “hiện đại” đã nhận được trên 20 Huy chương Vàng và Bạc, đứng đầu bảng xếp hạng hội diễn, tạo nên dấu ấn khó quên trong lòng cán bộ diễn viên trong đoàn cũng như tạo sự thán phục trong đội ngũ những người hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc. Nghệ sĩ múa Thu Vân tỏa sáng tại Hội diễn năm đó và được tặng Huy chương Vàng giải cá nhân.

Ở thập niên 80 và 90 của thế kỷ trước, cái tên Thu Vân được nhiều người xem nghệ thuật múa yêu thích và giới nghệ thuật múa đánh giá là một trong số ít diễn viên múa xuất sắc nhất của cả nước.

Năm 1992, Thu Vân được cử đi nghiên cứu học tập nghệ thuật múa tại Ấn Độ. Tháng 1/1993, trong lúc đang theo học biên đạo múa tại Học viện Shriram Bharatiya Kala Ấn Độ, thì chị nhận được quyết định phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú của Nhà nước. Danh hiệu này càng khiến chị quyết tâm nỗ lực nên khóa học ấy chị là sinh viên giỏi được nhận học bổng của nhà trường. Theo quy định của Học viện chị được giữ lại trường ở Ấn Độ  làm việc, nhưng chị đã từ chối. Vì chị mong muốn đem kiến thức tiếp thu tại Ấn Độ và kinh nghiệm trong hoạt động nghệ thuật truyền đạt lại cho diễn viên trẻ trong Đoàn.

Năm 1995, Thu Vân nhận bằng Diploma (tương đương bằng đại học ở Việt Nam) và trở về Bình Thuận. Thời điểm đó, Đoàn Ca múa kịch nhân dân Thuận Hải đã đổi tên thành Đoàn Ca múa nhạc Bình Thuận.

Thu Vân sau khi từ Ấn Độ trở về đã trưởng thành hơn rất nhiều, chị lúc này vừa là diễn viên múa vừa là biên đạo, là trụ cột chính của Đoàn. Mỗi lần Đoàn tham gia chương trình nghệ thuật phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương hay tham gia Hội diễn nghệ thuật toàn quốc đều có sự góp công của nghệ sĩ Thu Vân. Các tiết mục múa do Thu Vân trực tiếp diễn xuất hay do Thu Vân biên đạo đều làm đắm say người xem.

Tại Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995 tổ chức ở Tp. Đà Nẵng, tiết mục múa Huyền thoại Bhagavati do Thu Vân biên đạo đã đạt Huy chương Vàng.

NSND Thu Vân – Người thổi hồn vào các điệu múa Chăm Bình Thuận - 2

Tiết mục múa “Huyền thoại Bhagavati” do Thu Vân biên đạo và thể hiện.

Từ năm 1997 đến 2001, Thu Vân tiếp tục học hệ đại học biên đạo múa tại Tp. Hồ Chí Minh do trường Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội tổ chức. Sau khi tốt nghiệp, hiểu biết về nghệ thuật múa của Thu Vân được nâng cao hơn. Vốn đam mê, ham học hỏi để tìm tòi cái mới, chị đã nghiên cứu nghệ thuật dân gian các dân tộc trong tỉnh để sáng tác nhiều tác phẩm múa có giá trị. Hội diễn nghệ thuật toàn quốc tổ chức năm 2002 tại Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Thu Vân tham gia biên đạo 2 tiết mục múa Huyền thoại sinh tồn Tình yêu làng gốm đều đạt Huy chương Vàng. Rồi sau đó, Thu Vân liên tiếp đạt nhiều giải thưởng do chị biên đạo.

Ở các tác phẩm múa do Thu Vân biên đạo, ngôn ngữ múa dân gian dân tộc được cách điệu, nâng cao mà không làm mất gốc, kết cấu tác phẩm chặt chẽ, mạch lạc; hình tượng nghệ thuật phong phú, rõ nét, giàu bản sắc nghệ thuật truyền thống.

Năm 2017, nghệ sĩ Thu Vân nghỉ hưu, không còn làm việc ở Đoàn ca múa nhạc Biển Xanh nữa, song với niềm đam mê nghệ thuật múa trong chị thì vẫn còn nguyên vẹn. Chị vẫn thường xuyên tham gia dàn dựng, biên đạo các tiết mục múa của các Hội diễn nghệ thuật trong tỉnh và mở lớp dạy múa, truyền đạt những kinh nghiệm quý báu mà chị có được trong suốt quá trình học tập và công tác cho các thế hệ trẻ…

Có thể nói, Nghệ sĩ Thu Vân là một trong những người có đóng góp lớn vào việc bảo tồn và phát huy giá trị tinh hoa văn hóa các dân tộc của tỉnh Bình Thuận. Chị đã thổi hồn mình vào các điệu múa, đặc biệt là múa Chăm để thế hệ trẻ hôm nay tiếp nối. Ghi nhận sự cống hiến của chị, Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận đã nhiều lần tặng bằng khen, giấy khen. Năm 2019, nghệ sĩ Thu Vân vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân.

Hồ Xuân Hải

Múa dân tộc và phát triển
Múa dân tộc và phát triển

Múa truyền thống của các dân tộc đều có chung một ý tưởng xuyên suốt một tình cảm là hướng thượng và ngợi ca. Thông...

Tin liên quan

Tin mới nhất