Sức sống mạnh mẽ của nghệ thuật cải lương trong nhịp sống thời đại
Vừa qua, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức khai mạc vòng chung kết cuộc thi “Tài năng diễn viên sân khấu Cải lương Trần Hữu Trang-năm 2022”. Theo đó, vòng chung kết diễn ra liên tục 5 đêm từ 17-10 đến 21-10 tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang.
Cuộc thi nhằm tiếp tục bảo tồn và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và nghệ thuật sân khấu Cải lương, một giá trị văn hóa lớn, đặc trưng của vùng đất phương nam. Đây còn là một trong những hoạt động trọng tâm thực hiện “Đề án tổ chức Lễ hội, sự kiện văn hóa và thể thao tiêu biểu Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2030”.
Ca cảnh mở đầu trong đêm khai mạc vòng chung kết với sự quy tụ nhiều nghệ sĩ.
Được biết, đây là 1 trong 19 sự kiện văn học nghệ thuật tiêu biểu của TPHCM, được tổ chức 2 năm một lần nhằm tôn vinh và ghi nhận lòng yêu nghề, sức sáng tạo của nghệ sĩ, đồng thời khuyến khích sự phấn đấu trong sáng tạo, biểu diễn, tìm kiếm các tài năng, lực lượng nghệ sĩ kế thừa.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao TP.HCM, Trưởng ban tổ chức cuộc thi, cho biết lĩnh vực văn hoá cùng với kinh tế, xã hội đang dần phục hồi sau đại dịch COVID-19 và cuộc thi sẽ góp phần tạo nên sự sôi động cho hoạt động nghệ thuật TP.
"Đi đến giai đoạn cuối của cuộc thi dần hé lộ những tài năng mới cho nghệ thuật sân khấu Cải lương phía Nam. Ban tổ chức luôn tạo điều kiện tốt nhất cho các nghệ sĩ thoả sức sáng tạo trên sân khấu để sân chơi nghệ thuật đạt chất lượng, chuyên nghiệp góp phần tạo điều kiện cho các tài năng toả sáng” - Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao TP.HCM nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao TP.HCM phát biểu.
Sau lễ khai mạc, 5 thí sinh đầu tiên đã thể hiện các phần thi diễn của mình. Sau mỗi phần thi, các thí sinh sẽ bốc thăm và trả lời câu hỏi do hội đồng báo chí nêu ra. Ngoài cơ cấu giải thưởng chính, các thí sinh sẽ có cơ hội nhận giải thí sinh ấn tượng nhất và thí sinh trả lời câu hỏi ứng xử hay nhất.
Chuông vàng vọng cổ Thu Vân vào vai Huệ (trích đoạn Duyên kiếp), cô gái nghèo phải rời bỏ mối tình thơ ngây vào làm vợ gia đình giàu có để cứu gia đình mình.
Năm nay, vòng chung kết có sự tranh tài của 27 thí sinh xuất sắc nhất, trong đó có sự góp mặt của nhiều Nghệ sĩ Ưu tú, nghệ sĩ nổi tiếng như: Nghệ sĩ Ưu tú Thu Vân, Nghệ sĩ Ưu tú Lê Trung Thảo, Võ Minh Lâm, Hà Như, Minh Trường...
Chuông vàng vọng cổNguyễn Văn Khởi dự thi thể loại kép mùi với vai Sang trong trích đoạn "Mẹ của chúng con".
Hội đồng nghệ thuật của cuộc thi gồm NSND Trần Ngọc Giàu trong vai trò chủ tịch hội đồng và các ủy viên: NSND Giang Mạnh Hà, Đạo diễn - NSƯT Ca Lê Hồng, NSƯT Thanh Điền, NSƯT Thanh Thanh Hiền, NSƯT Thoại Mỹ, NSƯT Quế Trân.
Hội đồng tư vấn nghệ thuật gồm nhà giáo ưu tú Diệu Đức, NSƯT Kim Phương, NSƯT Phượng Loan. Hội đồng báo chí gồm năm nhà báo đến từ Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người Lao Động, Phụ Nữ TP.HCM và SGGP.
Ban tổ chức tặng hoa cho Hội đồng cố vấn nghệ thuật và Hội đồng báo chí.
Lễ tổng kết và trao giải sẽ được tổ chức tối 31-10 tại Nhà hát thành phố. Giải thưởng tại cuộc thi gồm 30 huy chương, trong đó có 10 huy chương Vàng, 20 huy chương Bạc cho các thể loại vai: Kép mùi, Đào mùi; Kép độc, Đào lẳng; Kép lão, Đào mụ; Kép hài, Đào hài.
Cuộc thi khẳng định sức sống mạnh mẽ của nghệ thuật cải lương vẫn luôn đồng hành với nhịp sống thời đại. Đồng thời tôn vinh và ghi nhận lòng yêu nghề, sức sáng tạo của nghệ sĩ, khuyến khích sự phấn đấu đối với các nghệ sĩ trong sáng tạo, biểu diễn. Thành tích của các nghệ sĩ, diễn viên đạt được từ cuộc thi sẽ được Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam chứng nhận, là cơ sở đề xuất xem xét, bổ sung thành tích nghệ thuật của cá nhân trong các đợt xét danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” do Nhà nước phong tặng.
Bình luận