“Ai nói và tại sao lại nói như thế?”: Thái độ của người trí thức với thời cuộc
Tập truyện ngắn “Ai nói và tại sao lại nói như thế?” cho thấy một nhà văn Văn Giá đầy dũng cảm, đầy dấn thân. Đó là sự dấn thân của một người trí thức với thời cuộc, với con người, sự dấn thân của một người viết với thể loại, với đề tài...
Cuộc “hành quân” từ phê bình sang sáng tác
Với tư cách là nhà giáo, nhà nghiên cứu, phê bình văn học, cho đến nay nhà văn Văn Giá đã in hàng chục tập tiểu luận - phê bình, chân dung văn học và giáo trình đại học. Dù theo đuổi sự nghiệp văn chương hay các hoạt động khác ngoài văn chương, ông đều luôn nhiệt huyết, thể hiện tiếng nói giản dị nhưng đầy kiên quyết dưới mọi hình thức. Đọc tác phẩm của Văn Giá, ta thấy xuyên suốt có một người kể chuyện đời, chuyện mình, nhưng không thể đồng nhất người kể chuyện ấy với người cầm bút Văn Giá.
Tọa đàm giới thiệu tác phẩm “Ai nói và tại sao lại nói như thế?” của tác giả Văn Giá đã được tổ chức tại Phòng Nghệ thuật, tầng 3, NXB Hội Nhà văn (số 65 Nguyễn Du, Hà Nội).
Trong suốt sự nghiệp của mình, ông như thực hiện cuộc “hành quân” từ phê bình sang sáng tác, bên cạnh các đầu sách về tiểu luận, phê bình, nhà văn Văn Giá đã trình làng ba tập truyện ngắn gây được nhiều ấn tượng là Một ngày nát vụn (2009), Một ngày lưng lửng (2015), Mưa ở Bình Dương (2019). Ai nói và tại sao lại nói như thế? sẽ là tập truyện ngắn thứ tư, tiếp tục khẳng định vị thế của một cây bút viết truyện ngắn có chất và giọng văn rất riêng.
Nhà văn Văn Giá ngày càng chứng minh rằng, ông đã hoàn toàn thoát khỏi cái mác “ông giáo viết văn” để nhập tâm vào đời thực, biến những câu chuyện mà mình được nghe trở thành tác phẩm.
Tác phẩm Ai nói và tại sao lại nói như thế? gồm 17 truyện ngắn được tập hợp lại một cách ngẫu hứng nhưng cũng vô cùng bài bản, thể hiện những suy ngẫm, quan sát của nhà văn Văn Giá trong cuộc sống. Trong đó, ông viết về Bức tường rào, Một góc trời xa, Người chú họ ở làng Ngoài, Người đàn bà bên kia sông, Về nơi chốn mới, Quán ông già,... Hầu hết các truyện ngắn này đều quan tâm tới lời nói, bao gồm ai nói, tại sao lại nói vậy, tính biểu nghĩa như thế nào trong hoạt động diễn ngôn.
Tập truyện ngắn “Ai nói và tại sao lại nói như thế?”.
Trong tọa đàm nhân dịp ra mắt cuốn sách, nhà văn Văn Giá chia sẻ: “Năm nay tôi đã vào tuổi sáu nhăm. Sau tuổi này không dám chắc một điều gì. Cuộc đời vốn rất vô thường, một khái niệm nhà Phật có nội hàm rộng lớn hơn cả khái niệm hư vô (đây cũng là một ý tưởng mà tôi ít nhiều đã có dụng ý thể hiện trong một số tác phẩm).
Nên, tập sách này như một tri ân với gia đình, thầy cô, bạn bè, học trò... Tôi vẫn thường hay nói, tôi mang ơn khắp gầm trời này. Nếu không có họ, cũng không có một tôi như đang là. Tập truyện ngắn này như thể khép lại một chặng đường để rồi mở ra một chặng khác, phía trước, mịt mờ, không biết rồi sẽ thế nào..., nhưng vẫn cứ phải hướng tới”.
Nhà văn Văn Giá chia sẻ tại tọa đàm.
Đọc Ai nói và tại sao lại nói như thế?, nhà phê bình văn học La Khắc Hòa nhận định: “Cuốn sách có giá trị riêng góp vào đời sống chung của văn học, xã hội. Tôi đọc Văn Giá và nhận ra anh là người viết sau khi ra tập đầu tay. Nhà văn dẫn đời sống văn học đi đâu là điều mà tôi quan sát mỗi người viết. Muốn đưa văn học đi đâu thì nhà văn phải có ngôn ngữ của mình”.
Theo nhà phê bình văn học La Khắc Hòa, Văn Giá là người viết có tác phẩm tạo ra được hình tượng lời nói, tạo ra được những truyện kể tình huống. Ông miêu tả những gì xảy ra hàng ngày, tưởng chuyện của một người mà là chuyện của muôn đời muôn người. Tác phẩm của ông tạo ra hai vùng, là vùng kí ức và vùng tiếp xúc. Mỗi truyện ngắn trong cuốn sách đều đưa đến cái tiếp diễn chứ không phải cái đã xong xuôi nên rất đáng để suy ngẫm.
Một nhà văn dũng cảm, đầy dấn thân
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận định, trong đời sống bộn bề, đôi khi giọng nói của con người vang lên đầy yếu ớt, vì sự hão huyền, sự ích kỷ đã đè nén mọi thứ xuống. Nhưng nhà văn Văn Giá lại cất lên tiếng nói thì thầm, mãnh liệt mà tử tế, bộc lộ qua những trang viết chân thực, đẹp đẽ và đầy trách nhiệm.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu tại sự kiện.
Nhà văn Sương Nguyệt Minh cũng cho rằng, khi viết truyện ngắn, Văn Giá chân thành, mộc mạc như khi mới xuất hiện. Ông viết về những con người đời thường, không kì công xây dựng nhân vật điển hình, ông đi vào những nhân vật thoáng qua nhưng vẫn bắt người ta phải nhớ.
“Văn chương của Văn Giá đa thanh, đa giọng, cựa quậy bứt phá. Cái hấp dẫn của ông ở khẩu ngữ ở văn nói. Văn Giá khác biệt người khác, khác biệt chính mình. Đó là tài hoa của người viết”, nhà văn Sương Nguyệt Minh nhấn mạnh.
Nhà phê bình Phùng Gia Thế cảm nhận, truyện ngắn của Văn Giá như những "mảnh vụn nhân gian muôn hình đòi lên tiếng". Ở đó, có cái chua xót, ngậm ngùi, cái vân vi về cõi nhân sinh vụn vẽ. Ở đó, có cái hoang mang vô hình về những bào mòn đứt gãy tình người trong cõi nhân gian. Văn Giá có lối viết tửng tưng, ưa cật vấn, đôi khi tỏ ra hơi lạnh, đâu đó chêm xen cái bỡn cợt đặc thù, nhưng ông không giấu được một trái tim nồng hậu, ấm nóng, trái tim luôn khao khát hướng về những điều tốt đẹp, từ tâm.
“Lâu nay, chúng tôi đọc Văn Giá với tư cách một nhà phê bình, nghiên cứu là chính nhưng khi đọc truyện ngắn của Văn Giá, tôi cảm nhận rằng ông là một cây bút truyện ngắn rất có duyên và có nghề. Tập truyện là chuyện của người kể, của một cái anh rất giỏi nghe chuyện của người khác, ở đó có sự thính nhạy, có một cái ăng - ten bắt sóng rất nhanh. Tôi cũng nhận ra rằng, có một Văn Giá hiền lành ở ngoài đời nhưng lại có một Văn Giá rất lọc lõi trong văn học”, nhà phê bình văn học Phùng Gia Thế nhấn mạnh.
Các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm.
Theo nhà văn Phùng Văn Khai, ở Văn Giá, góc độ trách nhiệm công dân của một người viết văn luôn được đề cao. Trách nhiệm ấy nằm ở sự say mê sáng tác, nằm ở những cái nhìn nhạy bén với những sự kiện của đời sống để bộc bạch nó qua thơ, phê bình và truyện ngắn.
Trong sự nghiệp của mình, nhà văn Văn Giá đã có những đóng góp tiêu biểu cho văn chương, ông đồng hành cùng người viết, là điểm tựa cho người viết; truyện ngắn của ông mang tính hài hước, thanh thoát nhưng cũng vô cùng sâu sắc; cùng với thế hệ của mình, Văn Giá đang dần làm tròn vai. Sự dấn thân của ông là sự dấn thân của một người trí thức, là thái độ của người trí thức với thời cuộc, với con người, với đời sống.
Như một người rong chơi lại như một người miệt mài, như một người thầm lặng lại như một người sôi nổi, Văn Giá góp vào dòng chảy văn xuôi đương đại Việt Nam những tiếng nói thầm thì, nhẫn nại, những tiếng cười hài hước dễ chịu, những thay đổi chậm rãi nhưng chắc chắn… Tuy nhiên, sự tự nhiên, mộc mạc của giọng điệu không làm lấn át hay khuất lấp yếu tố tài hoa.
Nhà văn Văn Giá sinh ngày 7/5/1959 tại Bắc Giang. Ông hiện là Chủ nhiệm khoa Viết văn - Báo chí Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Ngoài công tác giảng dạy, ông là một nhà phê bình văn học nổi tiếng, đồng thời cũng là một nhà báo với ngòi bút sâu sắc, đa chiều. Cho đến nay, ông đã in hàng chục tập tiểu luận - phê bình, chân dung văn học, giáo trình đại học, truyện ngắn. Tiêu biểu trong số đó có thể kể đến: Một khoảng trời văn học (2000), Vũ Bằng - bên trời thương nhớ (2000), Đời sống và đời viết (2005), Viết cùng bạn viết (2010), Người khác và tôi (2010), Viết khi tâm đắc (2020), Sáng tác truyện ngắn (2014), Viết phê bình văn học (2021)… |
Cách đây 3 năm, khi đến thăm tôi, nhà văn Phùng Văn Khai hỏi: "Chú có còn định viết gì nữa không?"
Bình luận