Đặc sắc thơ của người thơ Thường Dân

Đọc “Thuyền Thơ” của Thường Dân (NXb Hội Nhà văn, 2023) trong một hệ thống, ta thấy: tác giả là một người thật độc đáo khác đời. Còn thơ ông mang một nét đặc sắc riêng, vừa lãng mạn bay bổng vừa hàm ngậm những triết lý nhân sinh sâu sắc với một cái tôi cô đơn có phần thoát tục.

Một người thơ độc đáo, khác đời  

Thường Dân tự nhận mình là thằng khờ cuối cùng của thế kỷ hai mươi (Lời chưa nói) và qua lời tự bạch của thi nhân thì cái sự dại khờ, cái nết dở dở ương ương không giống ai của ông đã có sẵn trong con người sinh học và tiếp tục phát triển do đã từng trải qua một cú sốc văn hóa và biết bao nhiêu buồn vui, ấm lạnh của cuộc đời. Vì thế, đã tạo nên ở tác giả cái tính nết nhiều phần lập dị.

Đặc sắc thơ của người thơ Thường Dân - 1

Tác giả “Thuyền Thơ” của Thường Dân.

Nên sau khi hoàn thành trách  nhiệm với gia đình, xã hội, Thường Dân quyết  tìm cách  mở nắp chiếc soupape (van) để giải tỏa khối thuốc nổ, để giải stress, giải sự bức bối, tự giải phóng mình. Và người đàn ông ấy đã học theo các nhà Nho tài tử thời trung đại: Trần Nguyên Đán, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Khuyến… lánh đục về trong.

Để rồi, có một hành xử rất khác đời: bỏ lại vợ con, bỏ lại phố thị ồn ào, bỏ cả cái tên khai sinh Phạm Thành Ý… lặng lẽ về làng  sống một mình, làm một gã Thường Dân (Trẻ đi đất khách làm quan/ Già về với ruộng với làng làm dân - Về làng) để được tự do hòa nhập vào thiên nhiên, làm một cuộc hành hương đi tìm lại chính mình, tìm lại những cái đẹp đã bị đánh mất:

Làm trai cho đáng nên trai

Đắm mình trong những đền đài thiên nhiên 

(Làm trai)

Ngẫm trong trời đất giao hòa

Nhâm nhi từng giọt để mà còn nhau

(Cà phê muộn)

Hình như, sau hai phần ba thế kỷ trải nghiệm, ông đã ngộ ra rằng, đô thị với nhịp độ sống gấp là nơi giao lưu hội nhập và tiếp nhận cái mới của nền văn minh hiện đại. Còn làng quê dấu yêu là nơi lưu giữ bao trầm tích văn hóa truyền thống ngàn đời. Đó chính là những cốt, những mã, những vân văn hóa làm nên tấm thẻ căn cước để nhận dạng từng dân tộc nên ông đã  lựa chọn về quê nhà để  được sống chậm, sống nhàn theo phong thái ung dung tự tại của các bậc tao nhân mặc khách.

Song xem ra cách nghĩ, cách hành xử của kẻ ẩn sĩ thời nay ấy còn kỳ hơn khi gã dồn hết tâm lực, vật lực đóng một con thuyền gọi là “Thuyền thơ” rồi thả trên dòng sông Sứ để vừa làm nhà vừa làm trụ sở của “Hội tao đàn”,  kết nối bạn yêu thơ trong vùng Sơn Nam Hạ, cùng nhau nuôi dưỡng và  nguyện sống chết vì thơ.

Có thể coi đây là một ý tưởng độc sáng, một hành vi văn hóa sang trọng, lãng mạn: ngông và thật khác đời, còn Thường Dân phải được coi là người thơ ở thế kỷ XXI. Niềm đam mê thơ từ người thơ  đã có ảnh hưởng không nhỏ trong vùng quê văn vật, đã lan tỏa từ ông tới nhóm bạn yêu thơ: Xuân Đam, Tô Diệp, Phạm Tâm Dung, Nguyễn Xuân Nhuận… rồi mở  rộng và lan xa để có một câu lạc bộ mang tên Miền Cổ Tích bề thế với hơn 500 tác giả, trong đó có không ít tài hoa. Và rồi số khách thơ tìm về bến mộng nơi thuyền thơ Thường Dân neo đậu ngày một đông. Có thể nói, nhờ giao lưu mà thơ của anh chị em hội viên ngày một hay hơn. Cũng nhờ giao lưu mà thơ Thường Dân đã phát triển cả về số lượng và chất lượng với không ít giá trị đặc sắc.

Đặc sắc thơ Thường Dân

Thơ Thường Dân là một lối thơ trữ tình hướng nội và lãng mạn. Thơ ông giàu tính trữ tình, hướng nội, lãng mạn với những hình tượng thơ đầy mĩ cảm: con thuyền thơ mộng mơ, dòng sông chở nặng phù sa, cánh diều no gió hồn nhiên nối đất với trời … 

Hồn làng quê cất cánh bay

Khúc thanh bình dạo khi đầy khi vơi 

Trên đồng mê mải một người

Hồn nhiên nối đất với trời mà chơi

(Thả diều)

Thơ ông lãng mạn bởi dường như ông chỉ chuyên chú đi tìm cái đẹp. Đó là cái đẹp của sự giao hòa giữa rượu và thơ, những chất xúc tác linh diệu, làm sắc nhọn giác quan giúp thi nhân biến tiềm năng thành những tài năng: 

Nghiêng bình rượu rót thơ ra

Nào cùng cạn chén phù hoa kiếp người

Rượu mang con chữ khóc cười

Thơ chưng tinh túy cho đời men say

Đường mây lối gió rượu bay

Câu thơ đứng lại giữa ngày mồ côi

(Rượu thơ)

Có lẽ bởi mục đích của ông về quê, làm thơ để di dưỡng tâm hồn, để tự chữa lành những vết thương lòng và để tìm lại những cái đẹp đã bị đánh mất nên ông có phần né tránh ít đề cập tới những nỗi đau. Nhưng theo quy luật: cái nhàn luôn đi đôi với cái buồn. Đó là lý do làm cho thơ Thường Dân luôn toát lên một cái tôi cô đơn, toát lên một nỗi buồn có phần da diết.

Vẫn biết cô đơn là gia tài của kẻ làm thơ, vì thơ là tiếng nói tình cảm mà thi sĩ thường yêu ghét hơn người. Vẫn biết, cái đẹp luôn là sự gặp gỡ giữa hai đối cực nhưng trong lịch sử thơ ca nhân loại, thơ buồn bao giờ chẳng hay hơn và nhiều hơn thơ vui.

Đặc sắc thơ của người thơ Thường Dân - 2

Tác giả bài viết và tác giả Thường Dân

Khảo sát thơ Thường Dân ta thấy, trạng thái cô đơn thường xuyên xuất hiện trong thơ ông. Cùng với nỗi buồn là nỗi nhớ thương, là những nghĩ suy, là sự mất ngủ. Suốt năm canh vò võ, trằn trọc, thao thức, nỗi buồn càng  trở nên tê tái rồi lan tỏa khắp không gian làm người thơ thêm thấm thía nỗi cô đơn: Lạnh lùng ướt cả chiều quê/ Chợt thương, chợt nhớ tái tê lòng người (Thoáng thu), Hai đầu thương nhớ lên vời vợi/Bởi đã hòa chung một giọt buồn (Giọt buồn), Thức quen chẳng biết đêm  dài/ Ta ru ta thức… biết ai thức cùng? (Ru thức).

Thơ Thường Dân không chỉ được bay lên bằng đôi cánh lãng mạn, nhưng nhờ nhìn đời qua ánh nhìn lãng mạn, ông có thể bay cao hơn và có thể nhìn sâu hơn vào những khuất khúc, những khoảng lặng của cuộc đời. Vì thế thơ ông rất giàu tính triết lý. Tính triết lý có thể ở ngay những cái tên tác phẩm rất cô đọng, hàm súc. Thậm chí có những cái tên  duy nhất một từ: Tâm, Thức, Nợ, Bóng, Lịch, Tham…

Mặt khác, càng đi sâu vào bản thể, thơ ông ngày càng giàu triết lý. Đây là triết lý của ông về chính con người mình, ông đã nhận diện được mình nhờ cái mùi người gốc không hề son phấn: Giữa sắc hương ngụy tạo/Thật riêng mình anh thôi/Không vương mùi mỹ phẩm /Mùi anh mùi con người (Mùi anh).

Và ông cũng đã nghiệm ra rằng, trong hạnh phúc có khổ đau, khổ đau chính là một phần không thể thiếu của hạnh phúc. May rủi âu cũng là do cái quay tạo hóa búng sẵn lên trời: Nở bung ra - vỡ bung ra!/ Mới hay hạnh phúc cũng là khổ đau! (Hoa tim) “Ngẫm xem tạo hóa vần xoay/ May người này rủi người này mà nên” (Chợ Viềng).

Suy cho cùng, đời người chỉ là một chuyến đi dài rồi thân cát bụi lại trở về cát bụi: “Cả đời là một chuyến đi/ Khác gì bèo dạt khác gì mây trôi” (Bạn tôi), “Đời người đều thế cả thôi/Sang hèn rồi cũng lấp vùi nông sâu” (Thử chết), “Đời như sông khi bồi khi lở/ Sông như đời vẫn một dòng trôi” (Tình sông).

Trong khi xã hội có rất nhiều biến động như hiện nay, cái sự chân - giả, giả -  chân nhan nhản khắp nơi, nhà thơ không chỉ có thái độ phê phán, phủ nhận sự nhốn nháo của cuộc đời mà ông còn an nhiên bởi đã thấu thị được cái điều sắc sắc không không giữa chốn nhân gian.

Người ta cho rằng, một tác phẩm thơ hay là tác phẩm vừa làm rung động trái tim bạn đọc vừa hàm ngậm triết lý nhân sinh sâu sắc. Theo tiêu chí ấy, thơ Thường Dân có được không ít câu hay. Thành công của tập Thuyền thơ ngoài khả năng phát hiện những nội dung trữ tình, ngoài tư duy thơ mang tính triết lý, còn phải kể đến khả năng thể hiện khá tinh tế uyển chuyển của tác giả những đề tài, khả năng sử dụng các thể loại như: lục bát, song thất lục bát, thơ 5 tiếng, thơ 7 tiếng, thơ tứ tuyệt, thơ tự do. Thậm chí có bài rất gần thơ văn xuôi... Đặc biệt về ngôn ngữ thơ, Thường Dân có những sáng tạo rất riêng, góp phần làm giàu có, phong phú thêm cho ngôn ngữ dân tộc.

Thứ nhất, nhờ sự chuyển đổi cảm giác ông đã có cách kết hợp từ rất mới, tạo thêm nghĩa mới cho từ: giấy góa, ngày mồ côi, rỗng mùa hè, ướt cả chiều quê, xuân khép dải lưng xanh, xuân vươn ngực thở, ngô với từng cặp giò mềm, ước mơ nay đã úa vàng, thổi vẹt, đâm cái mênh mông…

Thứ hai, ông đã sử dụng linh hoạt rất nhiều ngôn ngữ dân gian. Hiểu rằng thơ viết về làng quê thì không gì bằng sử dụng đắc địa thành ngữ, tục ngữ vì đó là thứ ngôn ngữ được cô đi đúc lại nên ông cố gắng vận dụng những thành ngữ, tục ngữ sao cho đắc địa. Hóa thân vào câu thơ ông, những chất liệu dân gian đã tái sinh và tỏa sáng tạo nên những giá trị mới: Nắng tháng tám rám trái bòng, Xanh nhà hơn già đồng, duyên phận phải chiều, Lấy chồng từ thuở mười ba, Cái có cái vạc, Nước đổ lá khoai, Lời nói gió bay, Thả hồn bắt bóng, Con hơn cha, Chín hẹn mười chờ, Cau sáu bổ ba, Vợ người thì đẹp thơ mình thì hay, Muối mặn gừng cay, Trời thương đãi kẻ khù khờ, Thân tằm rút ruột nhả tơ, Bèo dạt mây trôi

Thơ Thường Dân có những thành công còn do đã tiếp cận được cách nghĩ, cách cảm, cách tư duy dân gian và đã vận dụng khá linh hoạt vào thơ. Với dân gian, cái đẹp nằm trong cái giản dị. Vì đi đến tận cùng cái đẹp đó là sự giản dị. Nên thơ ông: “Càng giản dị càng hay/ Như rượu quê nút lá/ Mới nhấp chén đã say” (Giản dị, Phạm Tâm Dung).

Trần Thị Trâm

Tin liên quan

Tin mới nhất

Chờ thị trường lao dốc để mua cổ phiếu giá rẻ giống “người làm nghề tang lễ đang chờ đợi một trận dịch cúm”

Chờ thị trường lao dốc để mua cổ phiếu giá rẻ giống “người làm nghề tang lễ đang chờ đợi một trận dịch cúm”

Warren Buffett, nhà đầu tư huyền thoại, luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư dài hạn thay vì chờ đợi thị trường lao dốc để mua cổ phiếu giá rẻ. Vậy tại sao Buffett cho rằng việc chờ đợi thị trường sụp đổ là vô ích và cách nào tốt hơn để đạt được thành công tài chính?

Kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ thăm Đền Hùng 19/9/1954 - 19/9/2024: Từ Đền Hùng còn vang vọng mãi lời Bác dạy

Kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ thăm Đền Hùng 19/9/1954 - 19/9/2024: Từ Đền Hùng còn vang vọng mãi lời Bác dạy

Phú Thọ, đất Tổ Hùng Vương, miền đất lịch sử văn hóa, nơi cội nguồn dân tộc Việt Nam. Sinh thời, trên cương vị Chủ tịch nước, dù bận trăm ngàn công việc nhưng Bác Hồ luôn dành cho Đảng bộ và nhân dân tỉnh Phú Thọ nói chung, Khu di tích Đền Hùng nói riêng những tình cảm và sự quan tâm đặc biệt. Trong 9 lần về Phú Thọ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 2 lần tới thăm Đền Hùng. Lần nào c