Thi ca yêu nước và các nhà thơ cách mạng

Buổi sinh hoạt chuyên đề “Thi ca yêu nước và các nhà thơ cách mạng” do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9 đã tập trung bàn về một phẩm chất đặc biệt của dòng thơ cách mạng kháng chiến 1945-1975 là thi pháp trữ tình lãng mạn – điều đã làm nên sức sống trường tồn của thi ca đương đại Việt Nam.

Thi ca yêu nước và các nhà thơ cách mạng - 1

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, Ủy viên Ban chấp hành, Trưởng ban Sáng tác, Trưởng ban Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Hà Nội và nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu, Ủy viên Ban chấp hành, Chủ tịch Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn Hà Nội chủ trì buổi sinh hoạt.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, Ủy viên Ban chấp hành, Trưởng ban Sáng tác, Trưởng ban Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Hà Nội cho rằng, nhìn lại dòng thơ cách mạng kháng chiến 1945-1975, ta thấy phẩm chất chủ đạo và nổi trội nhất là tinh thần yêu nước mang tính chiến đấu với những khúc tráng ca có tính sử thi nhằm động viên người người, lớp lớp xông ra chiến trường trong cuộc trường chinh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, dòng thơ này cũng mang một phẩm chất đặc biệt: thi pháp trữ tình lãng mạn.

Theo nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, giọng điệu chung của các tác phẩm này là trữ tình lãng mạn, mang tinh thần yêu nước thương nòi và chia sẻ với những nỗi buồn đau, mất mát của con người và lên án chiến tranh xâm lược tàn khốc của kẻ thù đã xéo dày lên quê hương, đất nước Việt Nam.

Tại buổi sinh hoạt, các diễn giả đã phân tích một số tác phẩm giàu chất trữ tình lãng mạn của các nhà thơ Quang Dũng, Hoàng Cầm và Lưu Quang Vũ.

Thi ca yêu nước và các nhà thơ cách mạng - 2

Các diễn giả chia sẻ tại buổi sinh hoạt.

Trong dòng thơ cách mạng của nhà thơ Việt Nam từ năm 1945-1975, bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng sừng sững như một đỉnh cao của thi ca yêu nước với những câu thơ tráng ca bi hùng mang tính sử thi. Tuy nói đến những khó khăn, gian khổ như “dốc lên khúc khủy dốc thăm thẳm”, “đoàn binh không mọc tóc” và cả những mất mát đau thương “gục lên súng mũ bỏ quên đời”, “áo bào thay chiếu anh về đất” nhưng Tây Tiến vẫn là khúc hùng ca cháy sáng của thi ca yêu nước giai đoạn 1954 – 1975.

Tây Tiến là một sáng tác mang đậm nét hào hùng, bi tráng pha chất lãng mạn được nhiều người yêu thích và tác phẩm cũng đã được chọn vào giảng dạy trong giáo trình trung học phổ thông. Bài thơ cũng được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc.

Thi ca yêu nước và các nhà thơ cách mạng - 3

Nhà thơ Quang Dũng. Ảnh tư liệu

Bên cạnh Tây Tiến, bài thơ nổi tiếng Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm đã dựng lên một bức tranh thấm đẫm tình quê hương, sông núi trong kháng chiến gian lao đã bị giặc Pháp tàn phá dập vùi trong bom đạn. Những câu thơ cho thấy những hình ảnh thân thương về miền quê Kinh Bắc với hình tượng thơ lãng mạn, trữ tình: “Sông Đuống trôi đi/ một dòng lấp lánh/ nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ” đã làm nên một biểu tượng của cái đẹp vượt lên sự tàn khốc của chiến tranh trong thi ca đương đại.

Bài thơ Bên kia sông Đuống là một đỉnh cao của thơ ca kháng chiến, khi lòng yêu nước được thể hiện từ những cảm xúc và hình ảnh chân thực, thấm đẫm nét văn hóa của miền quê Kinh Bắc. Cái trục quê hương-văn hóa-con người với hình ảnh lãng mạn trữ tình đã xuyên suốt từ đầu tới cuối bài thơ đã làm nên một tứ thơ rất độc đáo của phong cách thi ca Hoàng Cầm.

Thi ca yêu nước và các nhà thơ cách mạng - 4

Nhà thơ Hoàng Cầm. Ảnh tư liệu

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến nhận định: “Bài thơ Bên kia sông Đuống đã đưa Hoàng Cầm lên vị trí sáng chói của thơ ca Kháng chiến và các tác phẩm sau đó đã khẳng định ông là một trong số ít những tên tuổi lớn của nền thơ đương đại. Hoàng Cầm có một ảnh hưởng khá lớn và thơ ông có một lượng bạn đọc đông đảo. Ông là ngọn cờ đầu của trường phái duy mỹ trong thơ Việt trong nhiều năm qua. Phải chăng chính vì sự khơi nguồn mạch chảy của thơ từ những cảm xúc duy mỹ nên ông đã rung động được lòng trắc ẩn của người đời”.

Thơ trữ tình của Hoàng Cầm còn có một phong thái rất đặc biệt và đặc thù, tên tuổi của ông đã làm rạng danh cả một vùng Kinh Bắc - cái nôi của nền văn hoá sông Hồng. Theo nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, những câu thơ trữ tình của ông được ủ bằng một chất men đặc biệt, trong đó có thế thấy cái ngậm ngùi thương nhớ của những câu ca vùng quan họ còn bịn rịn đâu đây, cái bình yên siêu thoát của những tiếng chuông chùa vẫn bảng lảng ngân nga trong xa vắng và cái gần gũi với hồn người Việt trong tục ngữ, ca dao.

Là một kịch tác gia xuất sắc của sân khấu đương đại Việt Nam, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ còn là một tài năng thơ với nhiều bài thơ có sức lay động lòng người và hội nhập được với đời sống tinh thần của con người hôm nay.

Trong bài thơ Đất nước đàn bầu, với mỹ cảm lãng mạn, đã được ông mở đầu bằng những hình ảnh sinh động, hoang dã, lộng lẫy và hào sảng về lịch sử dân tộc Việt từ thuở sơ khai: “Đi dọc một triền sông/ Những chiếc trống đồng vùi trong cát/ Những mảnh bình vỡ nát/ Những mũi tên lăn lóc/ Khắp núi đồi hoang vu…”.

Chúng ta có cảm tưởng, Lưu Quang Vũ như một nhà khảo cổ học đi tìm lại thời gian đã mất bằng ngôn ngữ của thi ca lãng mạn và ông đã phát hiện những tầng văn hóa Việt cổ trong bề dày lịch sử văn hiến của dân tộc. Thơ của Lưu Quang Vũ mang vẻ đẹp lạ kỳ của hình ảnh và ngôn ngữ thơ lãng mạn, mang tính đặc thù của riêng ông với những câu thơ xuất thần, đậm nét tài hoa và giàu cảm xúc.

Thi ca yêu nước và các nhà thơ cách mạng - 5

Nhà thơ, kịch tác gia Lưu Quang Vũ. Ảnh tư liệu

Bài thơ cũng chứa đựng dưới tầng thi ngữ những âm thanh, cảnh sắc, nhạc điệu, hình tượng,… của một vở sử thi lớn tái hiện những trang sử đậm chất bi ca và hùng ca của dân tộc Việt trong suốt chiều dài ngàn năm dựng nước và giữ nước.

Qua bài thơ Đất nước đàn bầu, chúng ta có thế thấy một số đóng góp của Lưu Quang Vũ cho sự phát triển của thơ hiện đại. Không chỉ nằm ở bình diện phát hiện các vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ, sự đóng góp ấy còn thể hiện ở việc Lưu Quang Vũ đã khắc họa chiều sâu những rung động suy tư của tâm trạng con người trong những tầng văn hóa sống động của đời sống lịch sử dân tộc bằng ngôn ngữ thi ca mang phong cách độc đáo của riêng ông: "Em đến cùng tôi như chùm vải đầu mùa/ Tóc hoang dại lòa xòa trên ngực nắng/ Ngực em sáng như mặt trời sắp lặn/ Tôi đầm đìa sương lạnh của bờ đê/ Tôi thấm đầy nước mắt của trời khuya/ Trăng đã hiện, đêm ca dao vằng vặc…”.

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến nhận xét: “Lưu Quang Vũ là một tài năng thơ bẩm sinh rất đặc biệt và độc đáo. Bản năng thi sĩ của anh giàu có trong những nỗi buồn, trong nỗi cô đơn, khổ hạnh và trong những khoảnh khắc chập chờn sáng tối ấy, những vần thơ ám ảnh của anh tung bứt lên như muốn đối mặt với buồn đau. Những trăn trở, day dứt trước cuộc đời đã để lại không ít vết thương nơi trái tim nhà thơ. Sự khắc nghiệt của cuộc sống mà anh phải nhìn thấy, phải nếm trải, phải hứng chịu đã dội đập vào thơ anh đến tức ngực, nhưng cũng đã làm thơ anh bừng tỉnh”.

Thi ca yêu nước và các nhà thơ cách mạng - 6

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến chia sẻ về thi ca yêu nước và các nhà thơ cách mạng.

Với các bài thơ Tây Tiến, Bên kia sông Đuống, Đất nước đàn bầu của các nhà thơ Quang Dũng, Hoàng Cầm, Lưu Quang Vũ, độc giả có thể thấy vẻ đẹp của thi ca lãng mạn yêu nước đã cất cánh trên cái nền của văn hóa-nghệ thuật ngàn đời của cha ông. Đây là sự đóng góp lớn của ba nhà thơ cho thi ca yêu nước nói riêng và thi ca Việt Nam nói chung.

Thi ca yêu nước và các nhà thơ cách mạng - 7

Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu chia sẻ tại buổi sinh hoạt.

Theo nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu, Ủy viên Ban chấp hành, Chủ tịch Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn Hà Nội, các nhà thơ thế hệ trước đã bước vào kháng chiến với một cách hào hùng và lãng mạn. Các ông đã để lại những dấu ấn sâu đậm trong lịch sử thơ ca Việt Nam. Nhà thơ Nguyễn Linh Khiếu tin rằng, trong tương lai, chân dung các nhà thơ và giá trị của các tác phẩm của họ sẽ dần dần được phát lộ, được bạn đọc phát hiện ra nhiều điều thú vị hơn vì đó là những hồn thơ được xuất phát từ tâm thức của dân tộc.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất