Thơ cách tân trong dòng chảy thi ca đương đại

Các nhà thơ cách tân ở mỗi thời đại đều mang những “gương mặt thơ” khác nhau, thể hiện sự phản ánh sinh động hiện thực đời sống của thời đại đó. Hiện nay, vấn đề đổi mới thơ đang được đặt ra như một nhu cầu bức thiết và tự thân của mỗi cá thể sáng tạo, tuy một số khuynh hướng cách tân trong thơ gần đây chỉ là những tìm tòi ban đầu nhưng với vận hội mới của thơ ca Việt Nam đương đại, nó mang đến những hy vọng về một “làn sóng mới”, mang đến diện mạo thơ mới về hình thức nghệ thuật và nội dung tư tưởng.

Trong buổi sinh hoạt chuyên đề “Thi ca đương đại và các nhà thơ cách tân” do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức, các nhà thơ, nhà nghiên cứu đã phân tích những đặc sắc trong thơ của một số nhà thơ cách tân tiêu biểu, đồng thời đưa ra một số đánh giá đáng chú ý về thi ca đương đại và thơ cách tân.

Thơ cách tân trong dòng chảy thi ca đương đại - 1

Quang cảnh buổi sinh hoạt chuyên đề “Thi ca đương đại và các nhà thơ cách tân”. Ảnh: Huyền Thương

Vai trò của những nhà thơ cách tân

Tại chương trình, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến nhận định, sau thế hệ Thơ Tiền chiến (1930 - 1945), thi ca Việt Nam đi thẳng vào khói lửa trận mạc trong suốt 30 năm chiến tranh liên miên giặc giã với thế hệ Thơ Kháng chiến (1945 - 1975). Trong suốt 30 năm trận mạc đó, thi ca Việt Nam đã thăng trầm cùng số phận dân tộc để vượt lên và tồn tại. 48 năm sau chiến tranh, thế hệ Thơ Hậu chiến (1975 - 2023) đã hướng tới một cuộc cách tân để đưa thơ đương đại Việt Nam hội nhập với thế giới.

Nhìn lại chặng đường thơ Việt Nam 48 năm qua với những thành tựu mới được công chúng văn học ghi nhận, có thể thấy đội ngũ những nhà thơ Việt Nam xuất hiện sau 1975 đã chia vai “gánh vác” được một phần “gánh nặng” văn chương được nối tiếp “chuyển vai” từ thế hệ các nhà thơ đã hành trình trong suốt 30 năm chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ (1945 - 1975).

“Thực sự những nhà thơ xuất hiện sau 1975 đã là một thế hệ đổi mới quan trọng của văn học đương đại Việt Nam, họ đã có những bước chuyển mới rất cơ bản về nội dung phản ánh, về nghệ thuật và thi pháp. Thơ của họ gần gũi với thiên nhiên, với cuộc đời, với những tâm sự buồn vui của con người hơn và thơ của họ nghiêng về phía những cá thể và tiếng nói thân phận. Ngòi bút thơ của họ chủ động hơn, tìm tòi vươn tới bề sâu của những vỉa tầng còn ẩn khuất của đời sống tâm trạng và tinh thần con người để khai thác và hướng tới những hiệu quả nghệ thuật mới”, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến nhấn mạnh.

Thơ cách tân trong dòng chảy thi ca đương đại - 2

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến và Tiến sĩ Đỗ Anh Vũ chủ trì buổi tọa đàm. Ảnh: Huyền Thương

Theo nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, các nhà thơ đương đại đã làm chúng ta ngạc nhiên về những tư duy thẩm mỹ mới và hiện đại. Thơ của họ đã vượt thoát khỏi những khuôn sáo ước lệ của vần điệu để thắp lên những hình tượng thơ mới. Không gian thơ được mở rộng hơn, mở sâu hơn, với tới các chiều kích của những suy tưởng lớn mang tính khái quát cao. Trong đó, nhiều nhà thơ đã thu hút được sự chú ý nhất định từ phía độc giả và dư luận khi họ biết cách giữ được đặc thù của ngôn ngữ thơ trong chuyển động đổi mới của những con chữ với các xu hướng tìm tòi nhằm nâng cao vẻ đẹp của ngôn ngữ thơ bằng những ý tưởng mới.

Có một số nhà thơ đương đại đang hướng đến cách tiếp cận tư duy thơ hiện đại theo kiểu lập trình những suy tưởng mới, những ý tưởng mới để làm thay đổi nội dung trình hiện của các bài thơ, để làm cho những “con chữ thơ” có một đời sống tư tưởng sâu sắc hơn, đa nghĩa hơn, giàu hàm lượng tri thức hơn. Và phải chăng, đây cũng là một hướng cách tân của thơ đương đại, khi một số nhà thơ đang xem trọng sự đổi mới về “chất suy tưởng” của nội dung thơ hơn là sự đổi mới về mặt hình thức nghệ thuật câu chữ trong thơ.

Có thể thấy, những nhà thơ này là lực lượng chủ đạo của nền thơ đương đại Việt Nam, trên vai họ gánh nặng thi ca của một thế hệ đổi mới đang được khai sáng với sự chín chắn và kinh nghiệm tích lũy được cùng thời gian. Họ đã mang lại những phát hiện mới, đã chạm được vào cõi sâu của tâm hồn, không chỉ bằng sự phá vỡ sắc cạnh của lý trí mà còn bằng cảm xúc của trái tim, giúp người đọc cảm thấy gần gũi, dễ đồng cảm với các nhà thơ hơn.

Để cách tân và đổi mới thơ hôm nay

Một số ý kiến đưa ra tại chương trình cho rằng, bản chất của sự cách tân và đổi mới thơ hôm nay không chỉ nằm ở sự tìm tòi về mặt hình thức nghệ thuật cấu trúc của ngôn ngữ thơ mà còn ở sự đổi mới nội dung đời sống được phản ánh trong thơ.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Vũ nhận định, nếu trong truyền thống, các nhà thơ quan tâm “từ nghĩa đến chữ” thì trong thơ ca thời hiện đại là “từ chữ đến nghĩa”. Nhiều nhà thơ hiện đại chú trọng đến câu chữ, như trong những bài thơ tối giản,chúng đòi hỏi sự phối nén cô đọng rất nhiều và có độ sáng tạo cao.

Tiến sĩ Nguyễn Anh Vũ cho rằng, mỗi nhà thơ trong hành trình của mình luôn có ý thức trong việc nỗ lực đổi mới, làm sao để sáng tạo được những bài thơ hay dành cho bạn đọc. Như trong trường hợp hai bài thơ đều mang nhan đề “Thư gửi mẹ” của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, tuy cùng nói về tình cảm của người con đối với mẹ nhưng do được ra đời ở thời điểm khác nhau mà ở mỗi bài viết lại toát lên những tâm tư, tình cảm khác nhau với những cảm thức rất rõ về thời gian.

Hay như ở Nguyễn Bình Phương, từ những bài thơ đầu tiên của ông đã cho thấy một lối tư duy đặc biệt và cách lựa chọn từ ngữ vô cùng đặc sắc. Tiến sĩ Nguyễn Anh Vũ nhận định, trong thơ của Nguyễn Bình Phương tuy khiến độc giả khó cắt nghĩa về chủ thể của tác phẩm nhưng nó lại như những tín hiệu nghệ thuật riêng của nhà thơ khi mang đến những ấn tượng khó quên về cảm xúc.

Thơ cách tân trong dòng chảy thi ca đương đại - 3

Chương trình ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết về việc cách tân và đổi mới thơ hôm nay. Ảnh: Huyền Thương

Nhà thơ Linh Chi cũng cho rằng, việc sợ cải cách thơ sẽ cản trở tới sự phát triển của thơ, làm cho thơ mất đi hơi thở của thời đại. Giống như con người của chúng ta hiện nay thực ra là kết quả của một quá trình tiến hóa lâu dài, các nhà thơ chúng ta cần không ngừng đổi mới chính mình trong tư duy, phát triển thơ để phù hợp với thời đại mới. Nhưng phải cách tân và đổi mới làm sao để không phá bỏ hết những tinh hoa của thuở trước.

Về người cách tân thơ, nhà thơ Linh Chi bày tỏ quan điểm: “Nếu cốt cách, suy nghĩ, mục đích của người ấy đã là giả tạo thì không thể viết được chân; nếu lời thơ cất lên từ lòng hận thù thì không thể có tiếng nói thiện; nếu dụng từ kém cỏi, văn phong mờ nhạt, hiểu biết hời hợt thì không thể đưa ra sản phẩm toàn mỹ. Những sản phẩm ấy cho dù có được tung hô, lăng-xê đến đâu thì sớm muộn cũng bị đào thải bởi một điều rất đơn giản: con người vốn có bản tính hướng thiện, họ sẽ hướng suy nghĩ của mình tới chân thiện mỹ”.

Chia sẻ về chính những sáng tạo trong quá trình sáng tác thơ của mình, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến bày tỏ: “Điều tôi quan tâm nhất trong sáng tạo thi ca chính là phẩm chất thơ, là phẩm chất của ngôn ngữ thơ – điều làm nên sự khác biệt của văn bản thơ với các thể loại văn bản văn học khác. Với tôi, điều cốt yếu của thơ đích thực – thơ hay là thứ thơ phải tạo nên được một trường thẩm mỹ mới về mặt mỹ học văn học với các vẻ đẹp mang chiều sâu của cảm xúc, hình ảnh, thanh âm, ngữ điệu, tư tưởng, hình tượng và ngôn từ,…”

Đối với nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, vấn đề quan trọng có thể coi là căn cốt nhất trong việc sáng tạo thi ca chính là việc phát hiện, xây dựng các tứ thơ cho mỗi bài thơ: “Nếu coi mỗi bài thơ là một ngôi nhà thì đường nét kiến trúc của ngôi nhà ấy chính là tứ thơ. Tứ thơ chính là sự kết hợp hài hòa của các trạng thái hưng phấn trong sáng tạo thi ca như cảm xúc, suy nghĩ và trí tưởng tượng. Trong quá trình sáng tác mỗi bài thơ sẽ có một “tam giác thơ” bao gồm 3 đỉnh: da thịt của cảm xúc thơ, xương cốt của ý tưởng thơ và cái hồn của tứ thơ. Nên một bài thơ đích thực trước hết phải có đủ 3 yếu tố: cảm xúc, ý tưởng và tứ thơ”.

Nhấn mạnh về mối quan hệ giữa nội dung và hình thức của tác phẩm trong sáng tác văn học nói chung và cách tân và đổi mới thơ nói riêng, GS. TS. Trần Đăng Xuyền cho rằng, giữa nội dung và hình thức của tác phẩm phải có sự hài hòa, không thể có nội dung một cách trừu tượng, không thể có tư tưởng cứng đơ trên trang sách, nội dung tư tưởng ấy phải được thể hiện qua hình thức phù hợp. Và không có hình thức tự thân, hình thức phải thể hiện được nội dung tư tưởng sâu sắc bởi nếu như văn học chỉ có hình thức không thôi thì không thành văn học được.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất