Văn học thiếu nhi có thể trở lại thời hoàng kim?

Từng trải qua thời kỳ rực rỡ với những tác phẩm nuôi lớn bao tâm hồn thế hệ thiếu nhi Việt Nam, cũng trải qua giai đoạn ảm đạm, thưa vắng, ít được chú ý, văn học thiếu nhi Hà Nội nói riêng và văn học thiếu nhi Việt Nam nói chung đang thể hiện khao khát mãnh liệt để làm sao có thể đưa dòng văn học này trở lại thời hoàng kim.

Sáng 10/6, Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức Chương trình sinh hoạt chuyên đề văn học với chủ đề “Văn học thiếu nhi Hà Nội hiện nay: Thực trạng và giải pháp”. Chương trình do nhà thơ Nguyễn Việt Chiến, Ủy viên Ban chấp hành, Trưởng ban Sáng tác, Trưởng ban Nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Hà Nội và nhà văn Lê Phương Liên, nguyên Trưởng ban Văn học thiếu nhi, Hội Nhà văn Hà Nội chủ trì.

Văn học thiếu nhi có thể trở lại thời hoàng kim? - 1

Không gian Chương trình sinh hoạt chuyên đề văn học với chủ đề “Văn học thiếu nhi Hà Nội hiện nay: Thực trạng và giải pháp”. Ảnh: Huyền Thương

Phát biểu tại chương trình, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho biết, văn học thiếu nhi nói chung và văn học thiếu nhi Hà Nội nói riêng đang đứng trước những thách thức rất lớn. Trẻ em, những độc giả chính đang dần xa rời các sáng tác viết cho thiếu nhi và bị hấp dẫn bởi những trò chơi hiện đại khác. Khi sách không phải sự lựa chọn đầu tiên của trẻ, là điều các phụ huynh, nhà trường và xã hội rất quan tâm. Việc làm sao để tăng sức hấp dẫn, thu hút lớn đối với bạn đọc nhỏ tuổi là một câu hỏi khiến các nhà văn thiếu nhi hôm nay đang phải đặt ra đến để trả lời.

Văn học thiếu nhi có thể trở lại thời hoàng kim? - 2

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến phát biểu. Ảnh: Huyền Thương

Nhìn từ khía cạnh khác, nhà thơ Trần Gia Thái, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội cho rằng, vẫn còn nhiều trẻ em thích đọc sách nhưng đó lại là những tác phẩm phù hợp với sở thích và mong muốn của các em. Chính vì vậy, nhu cầu của độc giả trẻ cũng là vấn đề cần thiết được đặt ra để trao đổi trong chương trình này.

Theo nhà thơ Bảo Ngọc, Phó Chủ tịch Hội đồng Văn học Thiếu nhi, Hội Nhà văn Việt Nam, các tác giả phần lớn đều viết cho trẻ em bằng tấm lòng của người lớn, của cha mẹ, của ông bà dành cho các con, các cháu. Những kinh nghiệm, sự quan sát, kiến thức mà chúng ta chắt chiu vào đời dành cho những tranh viết ấy cực kỳ quý nhưng các em lại thích sự tươi mới, lạ kỳ và phải được thể hiện bằng góc nhìn mộc mạc, dung dị, gần gũi.

“Người viết cho trẻ em phải thực sự viết bằng đôi mắt và trái tim, phải đồng cảm với trẻ thơ, phải đến gần và lắng nghe các em hơn. Chính điều đó sẽ giúp tâm hồn người viết thêm tươi trẻ, yêu đời, yêu cuộc sống”, nhà thơ Bảo Ngọc khẳng định.

Qua nhiều thực trạng được đưa ra tại Chương trình cho thấy, các nhà văn viết cho thiếu nhi ngày càng thưa vắng. Những năm gần đây có xuất hiện một số tên tuổi ít nhiều đạt được thành tích bước đầu nhưng các tác giả này cũng không dành cho đề tài thiếu nhi những quan tâm lớn.

Nhà văn Thái Chí Thanh, Chủ tịch Hội đồng Văn học thiếu nhi Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, công tác văn học thiếu nhi những năm gần đây còn khá buồn, để lại một khoảng trống lớn. Đến năm 2022, Hội Nhà văn Việt Nam mới quyết định khôi phục lại Hội đồng Văn học thiếu nhi, tuy nhiên do những khó khăn chung, Hội đồng không nhận được sự quan tâm, đầu tư về kinh phí hoạt động.

Văn học thiếu nhi có thể trở lại thời hoàng kim? - 3

Nhà văn Nguyễn Thị Thiện phát biểu tham luận. Ảnh: Huyền Thương

Bên cạnh đó, dù đúng trước nhiều khó khăn, thách thức nhưng ở nước ta hiện nay vẫn còn tồn tại một dòng văn học viết cho thiếu nhi. Nhà văn Nguyễn Thị Thiện cho rằng, nền văn học Việt Nam là sự hợp lưu của nhiều dòng chảy đề tài, nội dung cũng như hình thức thể hiện. Trong đó, văn học viết cho thiếu nhi nói chung, thơ viết cho thiếu nhi nói riêng là một bộ phận quan trọng.

Có rất nhiều tác giả viết thơ thiếu nhi, đọc thơ của những cây bút quen thuộc, có thể thấy rõ được cái nhìn trẻ thơ trong trẻo, hồn nhiên về thiên nhiên và không gian làng quê thân thuộc như những bức tranh cảnh vật thiên nhiên trong thế giới thơ Lê Hồng Thiện; trở về tuổi thơ với những kỷ niệm nơi làng quê qua thơ Trần Đăng Khoa; bức tranh chân thực, gần gũi và sinh động về con người và các con vật trong thơ của nhà giáo Phương Anh; không gian ngôi nhà ở nông thôn qua những vật dụng được nhân hóa của Phan Thị Thanh Nhàn.

Thơ thiếu nhi đương đại còn hàm chứa ý nghĩa giáo dục nhẹ nhàng, tự nhiên, nhằm nhắc nhở tình cảm đoàn kết anh chị em trong gia đình, bài học về sự gương mẫu, giáo dục lòng dũng cảm, chăm chỉ trong lao động,… được các tác giả thể hiện nhẹ nhàng, giúp độc giả trẻ dễ nhớ, dễ hiểu.

Nhà thơ Nguyễn Quang Huệ cũng khẳng định, văn học thiếu nhi vẫn chảy trong dòng chảy hiện đại, trong đó có nhiều bài thơ viết cho thiếu nhi mang tính hướng thiện rất cao, đưa ra những lời khuyên đơn giản, gắn với thực tế nên hấp dẫn thế hệ trẻ. Việc đọc các câu chuyện hay, các bài thơ hay sẽ giúp các em ghi nhớ mãi, vận dụng để trở thành những công dân tốt trong tương lai.

“Tôi mong rằng Hội sẽ có những chủ trương đúng đắn để việc sáng tác văn thơ cho thiếu nhi đi vào nề nếp, ngày càng được quan tâm chú ý hơn. Đầu tư xây dựng một nền văn học thiếu nhi phong phú và bài bản là đầu tư cho hiện đại và tương lai lâu dài”, nhà thơ Nguyễn Quang Huệ bày tỏ.

Văn học thiếu nhi có thể trở lại thời hoàng kim? - 4

Nhà văn Lê Phương Liên chia sẻ về văn học thiếu nhi Hà Nội. Ảnh: Huyền Thương

Đối với văn học thiếu nhi Hà Nội, nhà văn Lê Phương Liên nhận định: “Hiện nay lớp bạn đọc nhỏ tuổi của Hà Nội đang dần được hình thành, mong rằng sự chung tay của chúng ta sẽ làm cho phong trào văn học thiếu nhi phát triển như cái tiềm năng sẵn có của Hà Nội và làm sống lại những thành tựu của các lớp cha ông đi trước. Đồng thời, tạo điều kiện phát triển văn học thiếu nhi cho tương lai với sự xuất hiện của nhiều tác giả, tác phẩm lớn”.

Văn học thiếu nhi có thể trở lại thời hoàng kim? - 5

Các nhà văn, nhà thơ tham dự chương trình chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Huyền Thương

Tiếp thu các ý kiến đóng góp tại tọa đàm, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cho biết, với sự vào cuộc của các Hội, sắp tới sẽ có sự kết hợp giữa ban Văn học thiếu nhi, Hội Nhà văn Hà Nội và Hội đồng Văn học Thiếu nhi, Hội Nhà văn Việt Nam qua việc tổ chức các cuộc thi, đẩy mạnh hoạt động của văn học thiếu nhi. Những việc làm này góp phần mở ra những hy vọng trong việc khôi phục lại vị thế của văn học thiếu nhi Hà Nội và văn học thiếu nhi Việt Nam.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Xây dựng cơ quan báo chí văn hoá và văn hoá của người làm báo

Xây dựng cơ quan báo chí văn hoá và văn hoá của người làm báo

Báo chí là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò quan trọng trên mặt trận tư tưởng, văn hoá. Toàn bộ hoạt động của báo chí, truyền thông tác động trực tiếp đến sự nghiệp cách mạng trên các lĩnh vực của đất nước, là chủ thể phản ánh đời sống xã hội; khơi nguồn, phổ cập những điều tốt đẹp, đồng thời đấu tranh chống cái xấu. Trong hoạt động báo chí, yếu tố nhân văn là tiêu