Câu chuyện về chữ viết của tiếng Việt

Buổi tọa đàm “Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ - Câu chuyện về chữ viết của tiếng Việt” xoay quanh chuyến hành trình sáng tạo và phát triển, phổ biến của chữ viết hệ Latinh của tiếng Việt, kể từ khi giáo sĩ Alexandre de Rhodes lần đầu đặt chân tới Việt Nam vào 400 năm trước (1624-2024) và giá trị của các loại văn tự được ghi nhận trong những thăng trầm của lịch sử Việt Nam.

Tọa đàm do nhà Xuất bản Kim Đồng tổ chức tại Thư viện Quốc gia Việt Nam (Hà Nội) trong khuôn khổ Triển lãm sách chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) với sự tham gia của TS. Phạm Thị Kiều Ly - tác giả cuốn sách Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ, PGS.TS. Trần Trọng Dương – nhà nghiên cứu Hán Nôm và TS. Vũ Đức Liêm – nhà nghiên cứu lịch sử.

Câu chuyện về chữ viết của tiếng Việt - 1

Tọa đàm “Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ - Câu chuyện về chữ viết của tiếng Việt”. Ảnh: Huyền Thương

Chữ viết chính là một trong những thành tựu văn hóa nổi bật nhất của nền văn minh nhân loại. Mỗi quốc gia, dân tộc có tiếng nói, chữ viết khác nhau.

Hiện nay ở Việt Nam chúng ta đang sử dụng một dạng văn tự khác biệt so với các nước “đồng văn” xung quanh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Chữ Quốc ngữ của Việt Nam là chữ viết ghi âm của tiếng Việt bằng ký tự Latinh và nó có một lịch sử khá đặc sắc với những câu chuyện ly kỳ, gắn với hành trình truyền giáo của các giáo sĩ phương Tây.

Cuốn sách Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ đã giải đáp hàng loạt thắc mắc như: Chữ viết Tiếng Việt ra đời như thế nào? Tại sao chúng ta hiện nay lại đang dùng thứ văn tự Latinh, khác hẳn với các nước xung quanh? Vậy chữ Quốc ngữ là gì? Ai đã tạo ra nó?

Đây là cuốn tranh truyện bán hư cấu kể lại câu chuyện cuộc đời nhiều thăng trầm của giáo sĩ Đắc Lộ - Alexandre de Rhodes, một vị linh mục, người của Tòa thánh Vatican đã tới Việt Nam từ thế kỉ 17 và có công rất lớn trong việc in cuốn từ điển đầu tiên của tiếng Việt (Từ điển Việt-Bồ-La) vào năm 1651.

Câu chuyện về chữ viết của tiếng Việt - 2

Bìa cuốn sách "Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ". Ảnh: Huyền Thương

Tác giả Phạm Thị Kiều Ly chọn Alexandre de Rhodes là người dẫn truyện vì đây là vị linh mục đã sống cả ở Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài, ông hiểu phong tục, tập quán của cả hai miền. Hơn nữa, ông cũng để lại nhiều công trình để tác giả có dữ liệu xây dựng cốt truyện cho cuốn sách này.

Điểm qua về lịch sử chữ viết Việt Nam, tại tọa đàm, PGS.TS. Trần Trọng Dương cho biết, việc xuất hiện chữ Nôm và sử dụng chữ Nôm vào khoảng đầu triều Lý là một dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của chữ viết nước ta.

Giai đoạn đầu tiên khi các giáo sĩ vào truyền giáo ở Việt Nam, bên cạnh việc học tiếng Việt và dùng chữ Latinh để ghi chú thì họ học chữ Nôm trước và xuất hiện chữ Nôm Công giáo.

Câu chuyện về chữ viết của tiếng Việt - 3

Các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Huyền Thương

PGS.TS. Trần Trọng Dương cho rằng chữ La tinh ở Việt Nam sinh ra trong “môi trường quý tộc” bởi giai đoạn đầu thế kỷ XX là thời kỳ phát triển mạnh mẽ của báo chí chữ Quốc ngữ.

“Báo chí chữ Quốc ngữ đã góp phần tạo nên một lớp người đọc mới. Thay đổi một hệ thống chữ viết là thay đổi một hệ thống đọc, và thay đổi ngôn ngữ là thay đổi trí nhớ. Chúng ta hiện đang có hai trí nhớ về chữ viết, một là của chữ Hán và chữ Nôm, một là chữ Quốc ngữ - một di sản mới, với những ký tự mới đang được chúng ta xây dựng và tiếp tục kiến tạo trong hôm nay”, PGS.TS. Trần Trọng Dương nói.

Chữ Quốc ngữ được chọn là chữ viết quốc gia của Việt Nam phản ánh sự tất yếu, là lựa chọn của lịch sử.

PGS.TS. Trần Trọng Dương nhận định: "Từ khi Nhà nước ban hành sắc lệnh về việc học bắt buộc, chữ Quốc ngữ chính thức có sinh mệnh mới, được phổ cập nhanh chóng tới người dân thông qua những lớp bình dân học vụ".

Trong cuốn sách Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ có đoạn viết: “Sau khi Việt Nam giành độc lập năm 1945, đại tướng Võ Nguyên Giáp thay mặt chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kí sắc lệnh số 20/SL. Theo đó, học tiểu học là bắt buộc và miễn phí, và hạn trong một năm tất cả mọi người dân Việt Nam từ 8 tuổi trở lên phải biết đọc, biết viết chữ Quốc ngữ, nếu không sẽ bị phạt tiền. Như vậy việc biết đọc và viết chữ Quốc ngữ nằm trong chính sách của Chính phủ lâm thời.

Một năm sau, hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946 quy định: công dân nào đi bầu cử mà không biết chữ Quốc ngữ là coi như mất quyền bầu cử. Việc sắc lệnh và hiến pháp quy định người dân phải biết đọc và viết chữ Quốc ngữ mới có quyền bầu cử đã đưa lối viết này trở thành văn tự chính thức của Việt Nam”.

Câu chuyện về chữ viết của tiếng Việt - 4

Tọa đàm giúp công chúng hiểu rõ hơn về tiếng Việt, truyền ngọn lửa tình yêu tiếng Việt. Ảnh: Huyền Thương

Theo TS Phạm Thị Kiều Ly, ban đầu, chữ Quốc ngữ chỉ là một công cụ để học tiếng Việt nhằm dễ dàng trao đổi với người Việt và thuận tiện cho việc truyền giáo, sau đó nó được sử dụng như một thứ mật mã giữa các thừa sai với bổn đạo và chỉ được dạy trong các chủng viện. Sau những biến động chính trị và giáo dục, chữ Quốc ngữ dần thay chữ Nho trong các văn bản hành chính của đất nước, nắm giữ vai trò khai dân trí và trở thành chữ viết chính thức của nước ta.

TS Phạm Thị Kiều Ly cũng cho hay, chữ Quốc ngữ mà chúng ta đang dùng không phải là sản phẩm sáng tạo duy nhất của các thừa sai người nước ngoài. Vào giữa thế kỷ 19, các vị linh mục người Pháp đã tìm ra con đường lên Kon Tum và cũng bắt tay vào học tiếng nói của người Jrai, Bahnar, Xê Đăng... Họ cũng tạo ra chữ viết hệ Latinh cho khoảng chục ngôn ngữ tại Tây Nguyên. Hiện nay, bà đang tiếp tục nghiên cứu lịch sử sáng tạo và phát triển của các chữ viết này.

Tọa đàm Hành trình sáng tạo chữ Quốc ngữ - Câu chuyện về chữ viết của tiếng Việt đã giúp công chúng hiểu rõ hơn về tiếng Việt, truyền ngọn lửa tình yêu tiếng Việt, thứ ngôn ngữ rất đẹp của dân tộc Việt Nam.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất