Dư âm “Chúng tôi một thời mũ rơm mũ cối”

Năm 1966, chuẩn bị tinh thần đi mặt trận, bố tôi gom cả ba anh em về trại trẻ con em báo Nhân dân sơ tán tại xã Thống Nhất, huyện Chương Mỹ, Hà Tây, nay là Hà Nội, và sau đó khoác ba lô vào chiến trường Trị Thiên - Huế. Mẹ tôi cũng dép cao su, vai ba lô đi mặt trận Lào biểu diễn.

…Vậy là từ ấy, ba anh em chúng tôi cùng lũ trẻ ở khu sơ tán ở với những người bà, người mẹ mới, là cô Bình Định, là mẹ An, là cô Hồ Vân, cô Lý, cô Bích Diệp... rồi bà Tạ Quang Đạm, bà Hồ Học Lãm - những nhà báo mà công việc chính là viết báo, nhưng chiến tranh được cắt cử thêm vai trò là người mẹ - cô bảo mẫu, chăm sóc chúng tôi, như lời thơ ông Tố Hữu mà tôi có xin phép “sửa” đôi chữ: “Những nhà báo từ tâm làm mẹ/ yêu quý con như đẻ con ra/ cho con nào áo nào quà/ cho củi con sưởi cho nhà con ngơi”, tình cảm và ấm áp vô cùng.

Năm ấy tôi 14 tuổi, cùng Trần Dũng, Nguyễn Nhất Phương là những đứa lớn nhất trại. Thật ra còn anh Trần Chiến Thắng con bác Hoàng Tùng, anh Tạ Quang Ngọc con bác Tạ Quang Đạm, anh Đức Thọ con bác Đức Thi lớn hơn chúng tôi, các anh cùng đi sơ tán theo trại trẻ, nhưng ở bên ngoài cùng gia đình. Cũng như vậy với Hà Huy Hiệp, con bác Ngô Thi, Đỗ Huy Thanh, Đỗ Huy Bắc con bác Lê Điền cũng đi sơ tán với trại trẻ nhưng ở với bà, với mẹ.

Dư âm “Chúng tôi một thời mũ rơm mũ cối” - 1

Tác giả cuốn hồi ký “Chúng tôi - Một thời mũ rơm mũ cối” ký tặng sách tại lễ ra mắt sách năm 2020.

Sau lứa ba thằng chúng tôi là Phạm Hiếu Dân (con bác Phạm Lợi), Nguyễn Minh Chính và chị Nghĩa (con cô Hà Hoa), Huỳnh Dũng Nhi (con chú Huỳnh Lý)… học sau chúng tôi một lớp, và sau nữa là Hoàng Tuấn Phong (con chú Hoàng Tuấn Nhã), Lê Khánh Châu - em tôi, rồi Huỳnh Dũng Nhân, Đặng Nam (con chú Đặng Phò) rồi bọn thằng Văn Ngọc con chú Lưu, Khánh bẹt… Tất cả lũ con trai chúng tôi nằm trên một tấm phản dài như trong trại lính, ở nhà bác Lê, một người đàn ông góa vợ và nhân từ vô cùng. Còn ăn uống hay sinh hoạt thì ở một nhà thờ họ gần đấy và ngày ngày đi học ở trường cấp hai xã Tụy An mà ba đứa lớn nhất trại chúng tôi cùng học một lớp 7 do thầy Thọ chủ nhiệm, và ngay từ khi học lớp 7 tâm hồn đã náo nức nghe tiếng súng mặt trận vọng về, đứa nào cũng háo hức một ngày cầm súng ra trận…

Tuổi 14, 15 của chúng tôi là như thế. Sớm khao khát và sẵn sàng cầm súng lên đường đi chiến đấu. Không chỉ bởi từ những bài học ở nhà trường khi đất nước bước vào cuộc kháng chiến, mà trước hết từ chính cha anh chúng tôi, những nhà báo đều từng kinh qua cuộc kháng chiến chống Pháp, rồi tiếp tục dũng cảm đi vào cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Chú Nguyễn Văn Bổng, bố Nguyễn Nhất Phương từng là trưởng ban nông thôn báo Nhân dân, đã lên đường đi B từ rất sớm, vượt Trường Sơn vào tận chiến trường Nam Bộ xa xôi với bút danh là Trần Hiếu Minh. Bố Trần Dũng, chú bác Trần Dũng đều là những người lính dạn dày trận mạc, có người đang chiến đấu tận miền Tây Nam Bộ xa xôi (Tướng Hai Nghiêm sau là Tư lệnh Quân khu 9).

Tôi nhớ có một đêm, tôi và Trần Dũng đi gác đầu làng (hồi đó chúng tôi hay chơi trò quân sự, cũng thành lập đơn vị rồi cắt cử nhau đi gác). Bỗng thấy đầu thôn, cái Ninh Hà cùng bố mẹ nó là chú Tuất Việt và cô Tuệ Quỳnh đang lưu luyến chia tay nhau. Dưới bóng trăng mờ, tôi thấy những vệt nước mắt trên má cô Tuệ Quỳnh, trên má cái Ninh Hà. Thì ra sau này tôi mới biết, đêm ấy cô chú Tuất Việt - Tuệ Quỳnh lên thăm con, rồi ngày mai chú Tuất Việt sẽ bí mật lên đường đi B mà không một ai được biết, kể cả là con như cái Ninh Hà. Thảo nào nơi đầu thôn, tôi có cảm tưởng đó là cuộc chia tay dài nhất thế gian này…

Rồi đến lượt anh em tôi cũng có một cuộc chia tay nơi đầu thôn như thế. Đấy là một ngày chủ nhật, bố mẹ tôi chở nhau vào thăm anh em chúng tôi. Cũng tưởng như mọi cuộc thăm nom, mẹ tôi lại tụ tập lũ con gái lại, hát cho chúng nó nghe bất cứ bài nào mà chúng nó yêu cầu, kể cả của trẻ con hay người lớn, lại hát cả những bài tình ca quá lứa tuổi chúng nó như “Xa khơi”, nhưng vì bài hát nổi tiếng quá nên mẹ tôi cũng chiều hát phục vụ các cháu. Còn bố tôi thì cứ đi quanh xem tờ báo tường của lũ trẻ con trong trại, trong đó đương nhiên có bài viết của anh em chúng tôi.

Đến khi tối mịt, cho con cái ăn uống xong xuôi, bố mẹ tôi mới ra về. Nhưng mẹ tôi “bấu” anh em tôi nói nhỏ, các con ra đầu thôn tiễn bố mẹ nhé. Thì hóa ra đấy là lần cuối, bố tôi vào thăm anh em chúng tôi để ngày mai lại lên đường vào mặt trận Trị thiên - Huế ác liệt, mà không ai dám đoán chắc còn có ngày trở về hay không. Nơi đầu thôn ấy, bố tôi lần lượt ôm hôn ba anh em tôi rất lâu, và nói thật đấy cũng là lần đầu tiên trong đời, tôi được bố ôm hôn lâu như thế…

Sau thời gian ở trại trẻ, cả 4 chúng tôi (Nguyễn Nhất Phương, Trần Dũng, Lê Khánh Hoài, Hà Huy Hiệp) theo sự dắt dẫn của anh Nguyễn Đức Thọ (con bác Đức Thi) học trên chúng tôi một lớp, lưu luyến xa trại trẻ để theo học cấp ba ở Trường Trưng Vương - Hà Nội sơ tán tại xã Hồng Châu, huyện Thường Tín, Hà Tây. Rồi cũng từ đây, tôi và Trần Dũng cùng Hà Huy Hiệp khi học hết phổ thông cùng tình nguyện lên đường đi chiến đấu. Hà Huy Hiệp cõng một máy vô tuyến điện vượt Trường Sơn vào công tác tại phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại chiến trường Nam Bộ. Trần Dũng nhập ngũ vào một sư đoàn bộ binh chiến đấu ở mặt trận miền Tây Nam bộ, nơi bác ruột anh là Tư lệnh mặt trận. Đỗ Huy Thanh con trai bác Lê Điền cũng nhập ngũ vào chiến trường Tây Nguyên. Còn tôi theo một binh trạm quân sự chiến đấu ở mặt trận Lào, phiên chế trong một tiểu đoàn cao xạ pháo bảo vệ con đường 7 vào Cánh đồng Chum. Trong cuộc chiến đấu ác liệt này, hai người bạn tuổi thơ của tôi là Trần Dũng và Đỗ Huy Thanh đã hy sinh, mà sau này tôi được nghe Huỳnh Dũng Nhân kể lại vô cùng xúc động, và thương nhớ các bạn…

Huỳnh Dũng Nhân kể về Trần Dũng: “Chưa học xong lớp 9, Dũng đi học trường kỹ thuật hóa chất ở Liên Xô. Khi về nước ít lâu, anh giấu cả nhà nộp đơn xin nhập ngũ. Rồi anh được phiên chế về một sư đoàn bộ binh chiến đấu ở chiến trường Nam bộ. Anh hy sinh trong một trận chống càn ở Bạc Liêu. Lời cuối anh nói với người đồng đội: Tao thương nhất con Bình em tao. Mày có về nói nó cố gắng phấn đấu, cả nhà trông chờ vào nó”.

Đỗ Huy Thanh nhập ngũ ngày 19/5/1969. Hôm Thanh lên đường, anh không cho ai ở nhà đi tiễn. Khi tiếng còi tàu vang lên rồi, mẹ anh (bác gái Lê Điền) mới dẫn em gái anh cùng mẹ đi dọc theo đoàn tàu, vừa đi vừa nhìn từng toa tàu và những người lính nơi sân ga để hy vọng thấy con mình… Thanh vào chiến trường Tây Nguyên, và hy sinh ngày 22/12/ 1972

*

Nhà báo, nhà văn Huỳnh Dũng Nhân thì có nhiều sách lắm, với hàng chục năm viết văn làm báo. Nhưng có lẽ đây là cuốn riêng tôi đợi chờ và yêu thích nhất, vì Nhân viết về tuổi thơ của chúng tôi - lũ trẻ con con em các phóng viên và cán bộ nhân viên báo Nhân dân những năm chiến tranh khốc liệt, mà cha anh chúng tôi vừa cầm bút, vừa cầm súng ở chiến trường và những nơi đầu sóng ngọn gió ác liệt nhất của đất nước. Còn những đứa con là lũ trẻ chúng tôi thì đi sơ tán "Mang mũ rơm đi học đường dài/ chuyện thần kỳ dân tộc ta là vậy" (Tố Hữu), xa cha xa mẹ, ở trong những mái nhà dân giàu tình thương yêu nhưng chỉ  khoai và sắn...

Nhân dự định viết cuốn này lâu rồi. Nhất là từ khi có “Quân khu Nam Đồng” của Bình Ca ra đời, con gà ấm ức nhau tiếng gáy, quân khu nào, lũ trẻ nào cũng muốn có sách của riêng mình. Nên bạn bè anh em động viên Nhân viết đi, viết đi, vì trong trại trẻ chúng tôi, nó là con chú Huỳnh Hùng Lý - một nhà báo nổi tiếng, lại là thằng phát tiết anh hoa sớm nhất, sớm cầm bút và sớm có tác phẩm.

“Chúng tôi - Một thời mũ rơm mũ cối” của Nhân là cuốn sách viết dạng hồi ký, gồm các ký ức gần 20 năm sống ở Hà Nội, trong đó có thời chiến tranh ném bom phá hoại miền Bắc của Mỹ mà trẻ em Hà Nội phải đi sơ tán ở nông thôn trong 8 năm (từ 1965 đến 1973). Ngoài ký ức về thời sơ tán, tác giả còn tập hợp những kỷ niệm của mình và bạn bè thời học sinh, thời sống trong khu tập thể báo Nhân Dân ở Ngõ Lý Thường Kiệt, nơi có thể gọi là “ra ngõ gặp nhà báo”, và thời học trường nghệ thuật Hà Nội (môn hội họa) với trường nội trú cùng con em các cán bộ cao cấp ở Hà Bắc và các giai đoạn sau khi sơ tán... Cuốn sách có nhiều câu chuyện cảm động về các liệt sĩ nhà báo của báo Nhân Dân và liệt sĩ là con em của các nhà báo... được biên soạn qua nhiều nguồn tư liệu (Trần Dũng con cô Bình Định, Đỗ Huy Thanh con bác Lê Điền).

Lại nói thêm, cuốn sách được viết với lời giới thiệu bởi anh Tạ Quang Ngọc, con trai nhà báo nổi tiếng Tạ Quang Đạm (báo Nhân Dân) và tuổi thơ của anh cũng ở cùng chúng tôi ở 7 ngõ Lý Thường Kiệt, Hà Nội, anh cũng là cháu ruột gọi bác Tạ Quang Bửu bằng bác ruột, và sau này anh là Bộ trưởng Bộ Thủy sản). Anh Ngọc viết lời bạt đương nhiên là nho nhã và khiêm nhường. Sách được một ông Bộ trưởng viết lời giới thiệu kể cũng là ân tình và oai.

Là một nhà văn, nhà báo có nhiều kỷ niệm ở Thủ đô Hà Nội "một thời đạn bom một thời hòa bình", tác giả Huỳnh Dũng Nhân đã gửi gắm vào tác phẩm rất nhiều điều để nhớ, rung cảm và tự hào. Thật sự đây là một cuốn sách hấp dẫn và giá trị trong số 20 đầu sách đã in của anh...

Trương Nguyên Việt

Tin liên quan

Tin mới nhất