Những nỗi niềm trong văn chương
Khắc khoải tri âm
“Có ai nghe thấy một tiếng vọng/ Thì thả con thuyền sang với tôi”, câu thơ của nhà thơ Trần Lê Văn đã làm bao người yêu thơ xúc động suốt mấy chục năm qua. Nhà thơ Vũ Đức Dật (1942 - 1992) quê Bắc Ninh, công tác ở Sở Văn hóa Hải Hưng trước đây, tác giả tập thơ Chim hót lời yêu được Tặng thưởng của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cũng có một câu thơ tương tự: “Đắm say chi đó người ơi!/ Có nghe trong vắt ngang trời tiếng chim?”. Đó là nỗi khắc khoải tri âm của các thi sĩ.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều trong bài viết về nghệ sĩ Lê Vân “Như một cái cây sau bão”, có viết rằng: “Cái làm cho con người rơi vào cô đơn trong chính chốn ồn ào nhân thế là không tìm được tri âm của mình”. Các nhà thơ tại sao lại phải đi tìm những “tiếng vọng”? Thật khó trả lời! Nhưng quả thật nếu không cần những “tiếng vọng” thì họ thả thơ vào đời làm gì? Nỗi khắc khoải của các thi sĩ là đại diện cho nỗi khắc khoải của mọi người mà thôi!
Ảnh minh hoạ
Dân ca Quan họ Bắc Ninh bài nào cũng thấy thổn thức, khắc khoải. Mà khắc khoải nhất với tôi là bài Bèo dạt mây trôi. Đây là nỗi khắc khoải của thân phận con người bao đời gửi gắm qua nỗi khắc khoải của tình yêu nam nữ: “Bèo dạt mây trôi chốn xa xôi/ Anh ơi em vẫn đợi bèo dạt…/ Anh ơi, em vẫn đợi mỏi mòn…”. Nghe lời ca ấy, tôi thấy cha ông ta thật là nghệ sĩ, trái tim thật vô bờ.
Không ngờ, ngàn đời trước, ông cha mình sống nghèo nàn về vật chất mà tâm hồn lại giàu có làm vậy. Bây giờ, thấy thương quá nhiều người sống giàu có về vật chất mà tâm hồn lại nghèo nàn. Vậy thì, phấn đấu để làm giàu đời sống tinh thần của nhân dân chính là nhiệm vụ của các thi sĩ.
Nhưng tri âm lại là tình cảm tự nhiên giữa những cá nhân, thường thiêng liêng và kín đáo. Giai thoại “Rau sắng chùa Hương” của thi sĩ Tản Đà và một người nào đấy đã gửi rau sắng kèm theo bài thơ cho thi sĩ, công khai mà bí ẩn cho đến tận bây giờ. Thi sĩ công khai đăng thơ trên báo: “Muốn ăn rau sắng chùa Hương/ Tiền đò ngại tốn, con đường ngại xa/ Mình đi ta ở lại nhà/ Cái dưa thì khú, cái cà thì thâm”.
Một bạn đọc đã gửi rau sắng và kèm bài thơ cho thi sĩ: “Kính dâng rau sắng chùa Hương/ Tiền đò đỡ tốn, con đường đỡ xa/ Không đi thì gửi lại nhà/ Thay cho dưa khú cùng là cà thâm” (Đỗ tang nữ kính biếu). Bài thơ cũng được thi sĩ Tản Đà cho đăng báo công khai, mà đến nay vẫn không biết ai là tác giả? Thế mới thấy người xưa sống sâu sắc, có dịp trở thành nổi tiếng nhưng vẫn giấu mình. Càng thấy thương những ai muốn nổi danh bằng mọi giá, kể cả gây ra scandal!
Tôi cũng có bài thơ “Đêm trăng nhớ bạn” nói về nỗi khắc khoải tri âm của mình:
Trăng sáng không ai cùng dạo
Trong phòng đọc thơ nghêu ngao
Càng đọc càng buồn dằng dặc
Hết đi ra lại đi vào
Bạn bè mỗi người mỗi nẻo
Từ nay xa cách mãi sao?
Bao giờ cùng ngồi trò chuyện
Đời người sống được là bao!
Trăng ơi! Sao trăng sáng thế
Bạn tri âm ở phương nào?”
Như thế mới thấy khắc khoải tri âm không phải riêng ai. Thi sĩ Nga Konstantin Simonov đã có câu nổi tiếng: “Không nỗi đau nào của riêng ai”… Đúng vậy, nhân loại là một cộng đồng, người ta luôn là mỗi cá nhân trong một tập thể. Có phải mối quan hệ cá nhân và tập thể, mỗi người và cộng đồng luôn là mối quan tâm giải quyết của mỗi chế độ xã hội trong lịch sử!
Nỗi khắc khoải tri âm lớn nhất trong các thi sĩ là của đại thi hào Nguyễn Du:“Ba trăm năm nữa ta đâu biết?/ Thiên hạ ai người khóc Tố Như!”. Và có lẽ Nguyễn Du cũng là người hạnh phúc nhất, bởi sau chưa tới ba trăm năm đã có hàng triệu triệu người Việt Nam và thế giới tri âm với ông. Ông xứng đáng được hưởng hạnh phúc ấy, bởi tấm lòng nhân văn sâu sắc và cao cả của ông, khi ông nói về một nửa nhân loại: “Đau đớn thay phận đàn bà!” đến hai lần trong những kiệt tác của mình.
Nỗi niềm thân phận con người
Đúng là văn chương viết về tình yêu và thân phận con người thì dễ được mọi người chú ý hơn. Nhưng được chú ý với được yêu mến lại là một vấn đề khác. Và để được truyền tụng lại là một vấn đề khác nữa. Chân lý lịch sử thì dễ gây tranh cãi, vì lịch sử đi qua rất khó dựng lại, còn chân lý nghệ thuật càng lùi xa càng dễ thống nhất vì nó còn hiện diện văn bản trên giấy trắng mực đen. Vì vậy, văn chương nghệ thuật được truyền tụng thì phải là vàng mười, là ngọc quý. Chứ viết về tình yêu và thân phận con người mà nhợt nhạt, mà bàng bạc, thì cũng bằng gió thoảng mây bay...
Tôi đã viết về “Tình yêu và nghệ thuật”, nay chỉ đi sâu về văn chương và thân phận con người. Theo tôi thì đây là chủ đề lớn nhất của văn chương nhân loại từ cổ đến nay. Bởi vì, con người chỉ sản sinh ra những gì cần thiết cho cuộc sống của chính mình. Thân phận con người là điều con người quan tâm nhất. Ca dao dân ca rất nhiều khúc hát than thân: “Thân em như hạt mưa sa/ Hạt rơi xuống đất hạt ra ngoài đồng”; “Thân em như dải lụa đào/ Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”... Hai kiệt tác lớn nhất của văn chương bác học nước nhà là “Truyện Kiều” và “Chinh phụ ngâm” thể hiện vô cùng sâu sắc về thân phận con người, thì ai ai cũng thừa nhận.
Thân phận con người cũng là chủ đề lớn của văn chương nhân loại. Nhà thơ hiện thực vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Hoa, mà đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc tới khi viết di chúc của mình - nhà thơ Đỗ Phủ - thì toàn bộ thơ ông là nói về thân phận con người. Đỗ Phủ có ba bài “Biệt” nổi tiếng là “Tân hôn biệt”, “Thùy lão biệt” và “Vô gia biệt”.
Đây là ba bài thơ nói về chiến tranh và cảnh biệt ly điển hình. “Tân hôn biệt” nói về vợ chồng mới cưới mà phải biệt ly vì chiến tranh. “Thùy lão biệt” là lúc sắp già mà còn phải biệt ly để ra trận. Đó là hai cảnh huống thật trớ trêu. Nhưng đến tận cùng trớ trêu, tận cùng xót xa đấy là “Vô gia biệt”, kể chuyện một người đi lính thua trận trở về gia đình tan nát, nhà cửa bị tàn phá, cha mẹ chết, anh em vợ con không còn một ai, bây giờ lại bị bắt đi lính lần nữa, nên không còn ai mà từ biệt. Tác giả đã phải thốt lên: “Không nhà mà phải biệt ly/ Người đời đến thế còn chi là người!”.
Nhà văn lớn của nước Nga Mikhail Sholokhov (1905-1984) có một truyện ngắn được dựng thành phim từ thập niên sáu mươi của thế kỷ trước đã gây chấn động dư luận. Đó là truyện ngắn “Số phận một con người”, kể về cuộc đời của một người lính Nga Andrey Sokolov, bị đẩy đến tận cùng đau khổ, tận cùng bất hạnh. Chỉ nhìn đôi mắt thất thần của anh ta, tác giả (người dẫn truyện) đã phải thảng thốt...
Còn chàng trai bạch vệ Grigori trong kiệt tác “Sông Đông êm đềm”, 14 lần bị thương trong chiến tranh và nàng Axinhia với cuộc đời sóng gió chỉ mong ước được sống bình yên mà không được, rồi bị chết vì đạn lạc. Số phận con người thật là nhỏ bé, thật là mong manh trước bão lửa chiến tranh chính là bài ca bi thảm có sức mạnh phản đối chiến tranh.
Một số tác phẩm văn học Nga.
Nền văn chương hiện thực huyền thoại của các nước Nam Mỹ trong thế kỷ XX cũng vậy thôi. Từ bộ tiểu thuyết về ca cao của Jorge Amado: “Miền đất quả vàng”, “Đất dữ”, “Ca cao”; đến các tiểu thuyết “Đôna Bacbara”, “Người đàn bà cuối cùng” và “Cuộc chiến đấu sắp tới”; những tiểu thuyết của Marquez mà tiêu biểu là “Trăm năm cô đơn”... Trên nền cuộc chinh phục miền đất dữ Nam Mỹ là số phận của những con người.
Rồi ở châu Á, tiểu thuyết “Mùa tôm” của nền văn chương Ấn Độ, “Nền giáo dục sai lầm” của Indonesia, “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” của nhà văn Úc Colleen McCullough... Tất cả, tất cả như một bản đồng ca của nhân loại về thân phận con người, ở những hoàn cảnh khác nhau, những phương diện khác nhau, các tầng nấc khác nhau... được thể hiện bằng những hình thức nghệ thuật đặc sắc và độc đáo. Vâng, nghệ thuật đặc sắc và độc đáo chính là yếu tố đảm bảo sức bền vững và lan tỏa của các tác phẩm văn chương nghệ thuật, chứ không phải ở bản thân chủ đề thân phận con người.
Ở cuối thế kỷ XX, trước những biến động lớn của lịch sử, nhà thơ Raxun Gamzatov ở nước cộng hòa nhỏ bé Dagestan (Nga) đã viết bài thơ “Không đề” về thân phận con người: “Số phận hiền lành, tôi chẳng cuồng điên/ Mắt vẫn sáng, tôi vẫn còn mơ ước/ Được nhìn thấy giá bánh mì hạ xuống/ và giá con người được nâng lên”. Phải chăng thân phận con người mãi mãi là đề tài lớn nhất của văn chương nghệ thuật và mọi thiên tài nghệ thuật tỏa sáng rực rỡ nhất đều từ sự trăn trở về thân phận con người?
"Chính vì nhà văn Lê Lựu xuất hiện đầu tiên mà Trung tâm William Joiner quyết định mở rộng quan hệ với các nhà văn Việt...
Bình luận