Khái niệm hệ thống pháp luật – Một dẫn nhập vào lý thuyết
Một trong các phẩm quan trọng nhất của trường phái pháp luật thực chứng: “Khái niệm hệ thống pháp luật – Một dẫn nhập vào lý thuyết” của cố giáo sư Joseph Raz, người khổng lồ cuối cùng của pháp luật thế giới thế kỷ 20.
“Khái niệm hệ thống pháp luật – Một dẫn nhập vào lý thuyết” là tác phẩm chuyển soạn từ luận án tiến sĩ mà Joseph Raz đã thực hiện dưới sự hướng dẫn của H. L. A. Hart - vị triết gia thực chứng pháp lý vĩ đại của thế kỷ 20. Cuốn sách được xuất bản lần đầu vào năm 1970 và đây là bản dịch tiếng Việt đầu tiên của cuốn sách được thực hiện dựa trên phiên bản thứ hai của cuốn sách, được tái bản vào năm 1980. Đây có lẽ cũng là cuốn sách đầu tiên của trường phái thực chứng pháp lý được dịch và xuất bản tại Việt Nam. Cuốn sách cung cấp một khảo sát toàn diện, nhắm tới việc xây dựng lý thuyết về một hệ thống pháp luật cùng những khái niệm cơ bản có liên quan.
Sách áp dụng hai phương pháp tiếp cận: Lịch sử và phân tích. Với phương pháp lịch sử, sách sẽ khảo cứu lý thuyết của các nhà pháp lý học đi trước bằng góc nhìn phê phán, sau đó sẽ áp dụng lập trường phân tích để xây dựng khung lý thuyết cho công trình.
Bố cục sách gồm chín chương. Trong đó, hai chương đầu phê phán lý thuyết về pháp luật của Bentham-Austin, các chương III, IV, V phân tích lý thuyết thuần túy về pháp luật của Kelsen và so sánh nó với lý thuyết của Bentham-Austin. Trong chương VI, Raz xây dựng phương pháp luận về phép cá biệt hóa các luật để phản biện Kelsen. Sau đó, Raz tiến hành xem xét khả năng và những hạn chế trong việc xây dựng cấu trúc của hệ thống pháp luật trên cơ sở giả định rằng hệ thống này chỉ gồm các quy phạm (Chương VI) và hệ thống này có thể bao gồm cả các luật không phải quy phạm (Chương VII). Chương VIII xây dựng khái niệm hệ thống pháp luật có tính đồng nhất, còn chương IX bàn về việc hệ thống này có thể chứng minh sự tồn tại của mình thông qua hiệu quả của các luật.
“Cuốn sách này không phải là một bài phân tích dài, khô khan về luật. Trái lại, điều đặc biệt của cuốn sách này là ở chỗ, trước khi tiến hành phê phán, Raz đã trình bày rất cô đọng và đầy đủ những luận điểm chính của Bentham, Austin, Kelsen, Hart. Bên cạnh đó, ông cũng đã thảo luận nhiều khía cạnh lý thuyết của Salmond và Hohfeld, là những nhà luật học nổi tiếng vì các lý thuyết về quy phạm pháp luật. Nhờ đó, độc giả có thể nắm bắt được các khái niệm then chốt của trường phái luật thực chứng mà không cần phải đọc ngược về các tác phẩm đơn lẻ của các triết gia thực chứng trước đó (vốn nổi tiếng với văn phong khô khan).
Vì lý do trên, cuốn sách này hoàn toàn có thể được đọc như một bước dẫn nhập vào thế giới lý thuyết của luật thực chứng. Điều này đặc biệt rất hữu ích đối với bạn đọc Việt ngữ, vì phần lớn các tác phẩm pháp lý học được ấn hành tại Việt Nam đến nay đều xoay quanh học phái luật tự nhiên hoặc trường phái xã hội học phê phán về luật.”
Bình luận