Những trái tim thổn thức về Bình Dương – Vùng đất anh hùng

Chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sự hy sinh cao cả của nhân dân, chiến tranh nhân dân ở xã Bình Dương (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) đã được kể lại trong các câu chuyện bình dị mà vĩ đại qua hai bút ký "Bình Dương vùng đất anh hùng" và "Vườn mẹ".

Lễ ra mắt hai tác phẩm này được tổ chức ngày 24/3 tại Hà Nội, do Nhà xuất bản Hội nhà văn Việt Nam phối hợp với Hội đồng hương Thăng Bình tại Thành phố Đà Nẵng tổ chức.

Buổi ra mắt sách có sự tham dự của TS. Lê Doãn Hợp, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Ông Thuận Hữu, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân; Ông Vũ Trọng Kim, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; PGS. TS Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Nhiều người con của Bình Dương, của Quảng Nam và những người từng chiến đấu ở Bình Dương cũng đã có mặt trong sự kiện đặc biệt này.

Những trái tim thổn thức về Bình Dương – Vùng đất anh hùng - 1

Chiếu phim "Sắc xanh VƯỜN MẸ" tại Lễ ra mắt sách. (Ảnh: Huyền Thương)

Chia sẻ về quá trình thực hiện 2 tác phẩm, nhà văn Thái Bá Lợi, Trưởng Chi nhánh Nhà xuất bản Hội Nhà văn tại Miền Trung và Tây Nguyên cho biết, Bình Dương là xã có 4.700 người ngã xuống trong chiến tranh trên tổng số 7.869 người dân toàn xã. Xã có 1.347 liệt sĩ, gần 400 Mẹ Việt Nam anh hùng, 5 Anh hùng Lực lượng vũ trang, là xã được phong 3 lần danh hiệu Anh hùng. Hai cuốn sách sẽ góp phần minh chứng một cách thuyết phục nhất cho mục tiêu các di tích cách mạng của Bình Dương xứng đáng được công nhận là di tích quốc gia.

Những trái tim thổn thức về Bình Dương – Vùng đất anh hùng - 2

Nhà văn Thái Bá Lợi, Trưởng Chi nhánh Nhà xuất bản Hội Nhà văn tại Miền Trung và Tây Nguyên chia sẻ về quá trình thực hiện 2 tác phẩm. (Ảnh: Huyền Thương)

Dựng tượng đài ngôn từ về Bình Dương

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam xúc động cho biết, đây không phải là lễ ra mắt sách, đây thực sự là một nghi lễ thiêng liêng để tưởng niệm những người Bình Dương đã ngã xuống trong một cuộc chiến tranh tàn khốc nhất thế kỷ XX của nhân loại, cho độc lập, tự do của đất nước.

Những trái tim thổn thức về Bình Dương – Vùng đất anh hùng - 3

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam phát biểu khai mạc. (Ảnh: Huyền Thương)

Bày tỏ niềm xúc động với mảnh đất này, Nhà thơ Quang Thiều đã băn khoăn tự hỏi: "Nếu đến Bình Dương tôi sẽ bước đi như thế nào? Lương tâm tôi, bàn chân tôi có đủ sạch để đặt lên mảnh đất kỳ vĩ, thiêng liêng, anh hùng và bi thương ấy không?"

"Chúng ta xây dựng tượng đài Bình Dương không chỉ bằng lòng mang ơn, sự kính phục mà bằng cả sự sám hối. Bởi lúc nào đó, ở đâu đó trong những ngày hoà bình, chúng ta đã phản bội lại nhân dân mình - những người đã hy sinh tất cả cho mảnh đất này", Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhấn mạnh.

Những trái tim thổn thức về Bình Dương – Vùng đất anh hùng - 4

Những bài viết trong hai tác phẩm “Bình Dương - vùng đất anh hùng” và “Vườn Mẹ” viết về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, chiến tranh nhân dân ở xã Bình Dương. (Ảnh: Huyền Thương)

Bày tỏ sự cảm kích trước những cống hiến của đội ngũ tác giả, nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: “Chúng ta sẽ có thêm một Bình Dương ở huyện Thăng Bình và một Bình Dương ở trong những bài viết trong cuốn sách này, các tác giả đã kịp ghi lại những dấu ấn của cha ông thành một cuốn sách, cuốn sách đã tiếp máu cho những người đang sống – những dòng máu trong sạch, tinh khiết, bất khuất, anh hùng”.

Bên cạnh đó, nhà thơ mong muốn các tác giả tiếp tục viết về Bình Dương, sau này có thể dựng các ý tưởng đó thành những cuốn tiểu thuyết, những bộ phim, những bản nhạc để đưa Bình Dương đi khắp mọi miền đất nước.

Những trái tim thổn thức về Bình Dương – Vùng đất anh hùng - 5

Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ. (Ảnh: Huyền Thương)

Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha trong tâm thế của một người lính đã dấn thân nhiều năm trên chiến trường, sau khi được trực tiếp ghé thăm Bình Dương và đọc hai cuốn sách, những con chữ đã kéo ông đắm chìm vào sự dâng hiến và hy sinh của Bình Dương.

Ông chia sẻ: “Bình Dương khiến tôi vô cùng kinh ngạc, sửng sốt, khiến tôi thấy thật ngỡ ngàng. Bình Dương không chỉ dâng hiến và hy sinh, Bình Dương chứng tỏ sâu sắc tinh thần của chiến tranh nhân dân, nơi chứng minh chiến tranh nhân dân Việt Nam đã chiến thắng được kẻ thù rất lớn. Từ đắm chìm đến kính trọng, cho đến ân hận và thay cho một lời chào cho lần ghé thăm tiếp theo, tôi đã bắt gặp một bài thơ của người bạn Nguyễn Cảnh Thìn và phổ thành ca khúc “Bình Dương tượng đài”.

Những trái tim thổn thức về Bình Dương – Vùng đất anh hùng - 6

Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha chia sẻ. (Ảnh: Huyền Thương)

Đặc biệt, tại buổi ra mắt sách, nhà thơ trẻ Đỗ Anh Vũ đã thể hiện ca khúc ấy một cách đầy xúc động và tạo nên dư âm lớn trong lòng khán giả.

Những trái tim thổn thức về Bình Dương – Vùng đất anh hùng - 7

Nhà thơ trẻ Đỗ Anh Vũ trình bày ca khúc “Bình Dương tượng đài”. (Ảnh: Huyền Thương)

Trích đoạn ca khúc “Bình Dương tượng đài” do nhà thơ Đỗ Anh Vũ và ca khúc "Quảng Nam yêu thương" do ca sĩ Nguyễn Hữu Ty - Đoàn Văn công Giải phóng Quảng Nam Đà Nẵng thể hiện:

Hiện thực hóa truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”

Từ niềm tri ân sâu sắc đối với đất và người Bình Dương, một số tác giả đã tâm nguyện xây dựng không gian “Vườn mẹ”.

Tiến sĩ Lê Doãn Hợp, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông – một người đã 3 lần tới Bình Dương chia sẻ, không gian “Vườn mẹ” vừa là một công viên văn hóa, vừa là một công viên lịch sử, vừa là một công viên truyền thống để cho thế hệ hôm nay và cả mai sau nhớ đến những người mẹ anh hùng. Theo ông, đó chính là tài liệu sinh động nhất, là lịch sử để lại cho tâm tưởng rõ nhất.

Những trái tim thổn thức về Bình Dương – Vùng đất anh hùng - 8

Tiến sĩ Lê Doãn Hợp, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu. (Ảnh: Huyền Thương)

Ông Hồ Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng hương Thăng Bình tại Đà Nẵng, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Quảng Nam, nguyên Trợ lý Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, dự án không gian “Vườn mẹ” là một dự án có giá trị nhân văn sâu sắc, là địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống cách mạng, đồng thời là bảo tàng sinh động, tái hiện những chiến tích của chiến tranh cách mạng, để cho các thế hệ trẻ có thể hiểu cái giá phải trả cho cuộc sống hôm nay chính là sự hy sinh bằng xương máu của đồng bào và chiến sĩ trong cuộc chiến đầy máu lửa.

Những trái tim thổn thức về Bình Dương – Vùng đất anh hùng - 9

Ông Hồ Thanh Hải, Chủ tịch Hội đồng hương Thăng Bình tại Đà Nẵng, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh Quảng Nam, nguyên Trợ lý Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu. (Ảnh: Huyền Thương)

Theo ông Hồ Thanh Hải, quá khứ của mảnh đất này đã nhắc nhở chúng ta hãy làm những việc có ý nghĩa cho đời để cùng chung tay, góp sức xây dựng mảnh đất Bình Dương ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại. Không gian “Vườn mẹ” sẽ tích cực giáo dục cho các thế hệ mai sau về cách đánh giặc của các lớp cha ông ngày xưa, ý tưởng về “Vườn mẹ” trên mảnh đất Bình Dương sẽ là lý tưởng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là di tích lịch sử của vùng đất anh hùng, là lời tri ân cho những người đã ngã xuống trên mảnh đất này.

Tác phẩm “Bình Dương - vùng đất anh hùng” chia làm 3 phần gồm: Bình Dương vùng đất anh hùng; Căn cứ lõm Bàu Bình; Đất và người Bình Dương. Cuốn sách không chỉ nói về Căn cứ lõm Bàu Bính mà còn nhấn mạnh sự góp sức người, sức của, sự hy sinh cao cả của đồng bào, chiến sĩ. Từ đó gợi lên cho nhiều người dù đã đến đó hay chỉ mới nghe về nó niềm tự hào, lòng kính phục, niềm thân thương với những câu chuyện, những con người ở nơi đó như đi vào huyền thoại.

Những trái tim thổn thức về Bình Dương – Vùng đất anh hùng - 10

Tác phẩm “Bình Dương - vùng đất anh hùng”

Sách gồm những bài viết với sự đóng góp của nhiều nguyên thủ, chính khách, tướng lĩnh. Đồng thời có sự góp mặt của các nhà văn, nhà báo, nhà thơ như: Xuân Diệu, Lý Hoài Xuân, Nguyên Ngọc, Ý Nhi, Gia Vi, Thanh Quế, Thái Bá Lợi, Trung Trung Đỉnh, Thanh Thảo, Hồ Duy Lệ, Nguyễn Bá Thâm, Ngân Vịnh, Hồ Sĩ Bình, Trần Trung Sáng…

Tác phẩm “Vườn mẹ” gồm gần 70 bài viết ghi lại những câu chuyện về ý tưởng và thực tiễn, với ước muốn xây dựng công trình mang hình ảnh nông thôn mới Bình Dương an lành, hạnh phúc. Tác phẩm không chỉ là di tích lịch sử bi hùng mà còn là hình ảnh của một vùng quê ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Những trái tim thổn thức về Bình Dương – Vùng đất anh hùng - 11

Tác phẩm “Vườn mẹ”

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất