Thơm hương cỏ xương bồ xứ Huế

Xuyên suốt tập trường ca, cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ Tố Hữu và đại tướng Nguyễn Chí Thanh dường như song hành bên nhau. Họ đã cùng nhau trải qua bao bước đường thăng trầm trong tù đày, sát cánh bên nhau trong những tháng ngày chiến đấu gian khổ, khó khăn mà thấm đẫm tinh thần lạc quan ở chiến khu Việt Bắc đến cuộc kháng chiến thần thánh trường kì giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

1. Tôi biết đến nhà thơ Tố Hữu từ những ngày ấu thơ, khi buổi đầu học chữ và bài thơ “Lượm” của ông đã in sâu trong trí nhớ nhiều thế hệ học sinh với những nhịp thơ ngắn, gọn, vui tai:

Chú bé loắt choắt

Cái xắc xinh xinh

Cái chân thoăn thoắt

Cái đầu nghênh nghênh

Lớn hơn một chút, thơ Tố Hữu vẫn đồng hành cùng học sinh Việt Nam qua những thi phẩm về Bác, hay những bài thơ về chặng đường cách mạng gian khổ mà vinh quang của đất nước. Sự  đóng góp của Tố Hữu cho nền văn chương nước nhà là không thể phủ nhận hay thay thế được.

Thơm hương cỏ xương bồ xứ Huế - 1

Nhà thơ Tố Hữu. Ảnh: Tư liệu.

Đã có nhiều công trình, bài viết, những bài phát biểu ngợi ca thơ Tố Hữu của các tên tuổi lớn, các nhà nghiên cứu, nhà văn uyên bác, nổi tiếng như: Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Nguyễn Đăng Mạnh, Trần Đình Sử, Hà Minh Đức, Nguyễn Khắc Phi… Những nhận định, đánh giá về ông cũng thật phong phú và đa dạng: Lá cờ đầu của nền thơ ca cách mạng Việt Nam; Nhà thơ của nhân dân; Một viên ngọc trong nền văn hóa Việt Nam…Thơ Tố Hữu đã và luôn là một nguồn sức mạnh tinh thần, một giá trị văn hóa tiềm ẩn trong con người thời đại Hồ Chí Minh cũng như trong tâm hồn nhiều thế hệ bạn đọc Việt Nam.

Trường ca “Dòng sông thơm hương cỏ xương bồ” của nhà thơ Châu La Việt ra đời trong một hoàn cảnh thật đặc biệt – nhân kỉ niệm 100 năm ngày sinh của nhà thơ Tố Hữu (1920-2020). Tác phẩm ra đời được hai Nhà xuất bản lớn là NXB QĐND và NXB VH  xuất bản, trang trọng xuất bản để gửi tới đông đảo cán bộ, chiến sỹ quân đội và bạn đọc trong cả nước.

Thơm hương cỏ xương bồ xứ Huế - 2

Bìa trường ca “Dòng sông thơm hương cỏ xương bồ”

Tập thơ nhằm gửi gắm nỗi niềm, sự kính trọng, ngợi ca và tạc dựng chân dung Tố Hữu trong thời đại mới bằng một cách thể hiện mới lạ, độc đáo mà từ trước tới nay chưa ai từng làm khi viết về nhà thơ Tố Hữu – là Trường ca về ông. Nhà thơ Châu La Việt đã sử dụng một thể loại thơ ca quen thuộc của Tố Hữu để viết về ông, có lẽ chỉ có đặc điểm tự sự - trữ tình với không gian rộng lớn, phóng khoáng, vừa tự do vừa thể hiện được chất riêng của trường ca mới có thể diễn tả được chi tiết bằng thơ hành trình cách mạng, cũng là hành trình thơ ca ngót một thế kỉ của Nhà thơ lớn Tố Hữu.

2. Nhan đề của tập trường ca “Dòng sông thơm hương cỏ xương bồ” cũng mang một ý nghĩa đặc biệt. Dòng sông thi ca – gắn bó trọn đời với nhà thơ Tố Hữu hay dòng sông quê hương ông – xứ Huế? Quê Tố Hữu ở làng Phù Lai, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, nơi có con sông Bồ - một phụ lưu quan trọng của con sông Hương chảy qua. Còn cây xương bồ vốn là loại cây thân cỏ mọc hoang tại miền núi phía Bắc và miền Trung nước ta, mọc rất nhiều nên thượng nguồn của dòng sông. (Nên Châu la Việt đã phát hiện vẻ đẹp dòng sông không chỉ trong xanh, mà bốn mùa thơm hương cỏ xương bồ).

Cũng xin nói thêm Xương bồ là một vị thuốc được dùng cả trong Tây y và Đông y, lá và thân rễ xương bồ có mùi thơm đặc biệt, mùi thơm của cây xương bồ là một trong những giả thuyết tương truyền tạo nên tên gọi cho nhánh của dòng sông Hương. Đặt tên cho tác phẩm, nhà thơ Châu La Việt có lẽ muốn tôn vinh những đóng góp của nhà thơ Tố Hữu cho quê hương nói riêng và cho đất nước nói chung. Thơ văn của Tố Hữu cũng giống như cỏ xương bồ - có một hương thơm riêng đặc biệt, giá trị luôn còn mãi với thời gian.

3. Nội dung của tập trường ca “Dòng sông thơm hương cỏ xương bồ” được chia làm 19 khúc, kể về cuộc đời hoạt động cách mạng và con đường thơ của Tố Hữu kể từ thời điểm nhà thơ bị bắt giam trong nhà ngục Thừa Thiên. Trong lao tù, Tố Hữu đã có một mối lương duyên đặc biệt – gặp gỡ và chiến đấu cùng với người bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên – chàng trai vạm vỡ với đôi mắt rất sáng và tinh thần đấu tranh kiên cường, quật khởi – mà sau này chúng ta quen thuộc với tên gọi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

… “Vịnh mỉm cười nhớ lại hôm nào

Chàng thư sinh sang mình giác ngộ

Chuyện đôi câu tuy chửa vào đâu

Mà hiểu nhau mến thương từ đó…”

Xuyên suốt tập trường ca, cuộc đời và sự nghiệp của nhà thơ Tố Hữu và đại tướng Nguyễn Chí Thanh dường như song hành bên nhau. Họ đã cùng nhau trải qua bao bước đường thăng trầm trong tù đày, sát cánh bên nhau trong những tháng ngày chiến đấu gian khổ, khó khăn mà thấm đẫm tinh thần lạc quan ở chiến khu Việt Bắc đến cuộc kháng chiến thần thánh trường kì giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Giữa Tố Hữu và Nguyễn Chí Thanh có nhiều điểm giống nhau kì lạ. Họ đều là những người con trưởng thành ven bờ sông Bồ, cùng tham gia đấu tranh cách mạng từ khi còn rất trẻ, cùng nếm trải những gian khổ trong lao tù và trở thành những người bạn tri kỉ, tri âm qua những chặng đường đấu tranh cách mạng. Nhà thơ Châu La Việt đã vô cùng tinh tế, sáng suốt khi nhận ra sợi dây liên kết kì diệu giữa hai con người tưởng như không có điểm chung ấy:

… “Người gặp gỡ móc nối đồng chí

Người truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê

Nhóm sông Bồ, Niêm Phò, nhóm Huế

Những trái tim chung một lời thề…”

Thơm hương cỏ xương bồ xứ Huế - 3

Hai người con ưu tú đất Thừa Thiên - nhà thơ Tố Hữu và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Trong suốt chặng đường cách mạng của dân tộc, từ chống Pháp đến chống Mĩ, như một sự sắp đặt kì lạ của số phận, Tố Hữu và Nguyễn Chí Thanh – hai con người hoạt động trong hai lĩnh vực khác nhau: một vị tướng và một thi nhân, nhưng đã gặp nhau ở một điểm chung – cùng cống hiến sứclực , tài trí và cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Họ vẫn luôn dõi theo bước đường hoạt động của nhau, sát cánh cùng nhau chiến đấu giải phóng Huế - thành phố quê hương, hay lên đường vào miền Nam đánh giặc và có những cuộc gặp gỡ ngắn ngủi giữa những trận chiến như thế này:

… “Cho đến lúc vào tận Quảng Ngãi

Mới tìm được người bạn quê hương

Mấy năm xa nắng mưa dầu dãi

Ôm chặt nhau nước mắt chứa chan..”

Tình cảm gắn bó khăng khít, thắm thiết của hai con người đặc biệt Tố Hữu và Nguyễn Chí Thanh được đan lồng vào nhau, tạo thành một dòng chảy bất tận trong bản trường ca. Bên cạnh tình đồng chí, đồng đội, nhà thơ Châu La Việt cũng không quên những mối quan hệ khác trong cuộc sống của Nguyễn Chí Thanh và Tố Hữu, như tình cảm vợ chồng của đại tướng Nguyễn Chí Thanh khi chia tay nhau, họ ôm nhau bên dòng sông, nước mắt đầm hai má:

… “Họ lội xuống quyện chặt lấy nhau

Nước mắt ướt đầm hai đôi má

Nụ hôn nồng nàn và vội vã

Nghe súng nổ, xa nhau lên đường..”

Niềm hạnh phúc ngắn ngủi mà thiêng liêng của hai vợ chồng càng tô đậm sự hy sinh lớn lao của những con người Việt Nam trong cuộc chiến tranh cho tổ quốc. Vì trận chiến còn đang tiếp diễn, hai vợ chồng đã nén nỗi niềm riêng, chỉ kịp gửi trao nhau một nụ hôn nồng nàn và vội vã – gửi gắm hết nhung nhớ và yêu thương trong đó rồi lại lên đường. Trong cuộc chiến tranh cứu nước của dân tộc Việt Nam, có biết bao cuộc chia tay vội vàng như thế, cách mà nhà thơ Châu La Việt táo bạo khắc tạc bằng một nụ hôn cháy bỏng cũng là điều đặc biệt, tạo nên điểm nhấn đáng nhớ cho bản trường ca này.

 Chuyến công tác của nhà thơ Tố Hữu vào Thanh Hóa cũng để lại những kỉ niệm và ấn tượng khó quên về tình quân dân cá nước. Kỉ niệm với mẹ Tơm và những người dân nơi đây là những hồi ức đẹp đẽ mà Tố Hữu đã mang theo suốt cuộc đời. Tố Hữu không chỉ để lại bài thơ “Mẹ Tơm” nổi tiếng mà tình yêu với đất, với con người Thanh Hóa đã trở thành một lời ước hẹn thiêng liêng:

… “Xin chào nhé đất Thanh yêu dấu

Nơi ta yêu như Huế quê ta

Rồi mai sau có con em nhé

Đặt cho con tên gọi: Thanh Hoa"

Phải là người rất yêu và hiểu tâm tư của Tố Hữu thì Châu La Việt mới có thể nắm rõ được khát vọng thầm kín đó của nhà thơ và giúp người đọc biết thêm những mong muốn giản dị, đời thường của một nhà thơ lớn như Tố Hữu.

Một nốt lặng trầm buồn trong bản trường ca chính là đề cập đến sự ra đi đột ngột của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Toàn bộ tám khổ thơ ở khúc 17 của “Dòng sông thơm hương cỏ xương bồ” như bản tráng ca tiễn biệt vị đại tướng lừng danh của nhân dân và đất nước. Nhà thơ Châu La Việt đã dùng những ý thơ của Tố Hữu làm điểm nhấn cho tiếng hát ấy:

… “Những cánh rừng hôm nay vẫn hát

Tiếng nhạc buồn tiễn người đi xa

“Nước non như lòng mẹ đau thắt”

Bao năm rồi mẹ vẫn xót xa..”

Sự ra đi của đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại thời điểm quan trọng nhất trong cuộc chiến tranh giành độc lập cho dân tộc là một tổn thất không gì sánh được. Cái siết tay tạm biệt của nhà thơ Tố Hữu với “người bạn, người đồng chí, đồng hương” trước ngày Nguyễn Chí Thanh lên đường về lại miền Nam chiến đấu, lại trở thành lời vĩnh biệt. Nỗi đau đớn không kể xiết bằng lời bởi tình cảm tri kỉ gắn bó mấy chục năm trời của hai người bạn được nhà thơ Châu La Việt ghi lại bằng hình ảnh đấm cửa tuyệt vọng và tiếng kêu thương bất lực: “Anh Thanh ơi, sao Anh vội đi…”.

Khúc ca 19 – khúc ca cuối khép lại bản trường ca là những dòng thơ chất chứa những cảm xúc bâng khuâng, xao xuyến, nghẹn ngào của nhà thơ Châu La Việt khi đứng trước dòng sông Bồ và tưởng nhớ đến hai con người tuyệt vời của đất nước:

… “Bên này sông có người thi sĩ

Bên kia sông quê người chiến sĩ

Nên dòng sông bốn mùa xanh trong

Đất thi nhân, đất của anh hùng …”

Dòng sông vẫn miệt mài chảy cùng tháng năm, hòa cùng hương thơm của cỏ xương bồ, bồi đắp phù sa cho quê hương thêm tốt tươi, màu mỡ. Hai con người – hai tên tuổi lớn gắn bó với dòng sông – nay đã không còn nữa nhưng những giá trị tinh thần và đóng góp to lớn mà họ đã cống hiến cho tổ quốc, cho quê hương thì sẽ luôn còn mãi với thời gian. Dòng sông Bồ - gắn bó với quê hương của nhà thơ Tố Hữu và đại tướng Nguyễn Chí Thanh, không chỉ xuất hiện ở phần đầu của trường ca, dòng sông ấy đã âm thầm chảy suốt dọc tác phẩm và trở thành một dòng sông đặc biệt, đi vào thơ ca với một tạo hình riêng biệt – mang hương thơm của cỏ xương bồ. Để rồi cùng bất tử với dòng sông là hình ảnh một đôi bạn cùng vào lịch sử: Một Danh tướng và một thi nhân.

4. “Dòng sông thơm hương cỏ xương bồ” là một bản trường ca đặc biệt và độc đáo của nhà thơ Châu La Việt. Độc đáo trước hết là cách ông xây dựng chân dung hai tên tuổi lớn trong lịch sử dân tộc Việt Nam: nhà thơ Tố Hữu và đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong một tác phẩm mang âm hưởng sử thi hào hùng và bi tráng. Giọng điệu thơ ngọt ngào, giản dị, chân thành, vừa pha chút âm hưởng dân ca Huế, vừa có chất thơ hiện đại gọn gàng, chắc khỏe. Nhưng thú vị nhất là cách Châu La Việt sử dụng đan cài rất nhiều câu thơ của Tố Hữu trong toàn bộ trường ca một cách tinh tế, khéo léo, từ những câu thơ trong các tập thơ đầu tay: Từ ấy tới Việt Bắc, Gió lộng, Ra trận, Máu và hoa đến những tập thơ Tố Hữu viết trong những năm cuối đời Một tiếng đờn và Ta với ta.

Phải có một tình yêu tha thiết, một sự yêu mến và trân trọng lớn lao với Tố Hữu, nhà thơ Châu La Việt mới có thể thuộc nhiều, biết nhiều và trích dẫn khéo léo đến thế các câu thơ của Tố Hữu vào tác phẩm trường ca của mình. Thể thơ thất ngôn (7 chữ) được sử dụng trong trường ca cũng là thể thơ Tố Hữu đã sử dụng trong những bài thơ nổi tiếng: mẹ Tơm, Bác ơi!, Theo chân Bác, điều này góp phần giúp cho trường ca tăng thêm sự trang trọng mà không khuôn sáo, giúp cho hơi thơ liền mạch, tự nhiên, diễn tả được hiện thực đa dạng và nhiều trạng thái cảm xúc khác nhau. Về ngôn ngữ, cũng giống như Tố Hữu, nhà thơ Châu La Việt không chú ý sáng tạo từ mới, cách diễn đạt mới, mà thường sử dụng những từ ngữ và cách nói quen thuộc của dân tộc song lại phát huy cao độ tính nhạc của thơ thông qua các từ láy và sự kết hợp tài tình của các thanh điệu và nhịp thơ như:

…Những cánh rừng sẽ còn hát mãi

Hát về người đại tướng lừng danh

Từng qua đây những năm đánh Pháp

Dép cao su, áo lính phong phanh…”

Khép lại trường ca "Dòng sông thơm hương cỏ xương bồ" người đọc không chỉ xúc động trước tình cảm chân thành, sự kính trọng của nhà thơ Châu La Việt dành tặng đến nhà thơ Tố Hữu và đại tướng Nguyễn Chí Thanh, mà có lẽ tác phẩm còn là lời tri ân gửi đến những người lính, những con người đã bất tử cùng với đất nước, quê hương trên chặng đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chúng ta.

Trích trường ca “Dòng sông thơm hương cỏ xương bồ” - Nhà xuất bản Quân đội và Nhà xuất bản Văn học 2020

Lúa mới gặt xong, chửa qua mùa

Kháng chiến súng nổ vang khắp cõi

Đảng lại điều đi công tác mới

Thuyền xuôi Việt Bắc, Đảng và thơ…

Lại chào nhé đất Thanh yêu dấu

Bao kỷ niệm cách mạng nơi đây

Càng không quên người mẹ Hoằng hóa

Ta làm con của mẹ nơi này…

Thuyền xuôi đi trong ánh ráng chiều

Em cùng ta lên đường kháng chiến

Xa mẹ , xin em đừng khóc nhiều

Đường kháng chiến sẽ thêm tôi luyện

Và bên em có anh đồng chí

Trái tim đỏ chia ba phần đều

Phần trước nhất xin dành cho Đảng

Phần cho thơ, phần để em yêu….

Xin chào nhé đất Thanh yêu dấu

Nơi ta yêu như Huế quê ta

Rồi mai sau có con em nhé,

Đặt cho con tên gọi: Thanh Hoa

*

Xuôi sông Mã thuyền về Nga sơn

Trăng sông Đáy soi dòng nước biếc

Qua sông Lô nhớ xưa câu hát

Ai “dấy binh lấy lau làm cờ”…

Bến Bình ca, rừng núi thâm u

Đây Việc bắc quê hương kháng chiến

Nơi rực rỡ mặt trời Bác Hồ

“Chào nhà thơ hôm nay đã đến!”

Tìm anh em tạo nên đội ngũ

Xây nền văn hóa mới là đây

Bộ đội đánh giặc, dân sản xuất

Ta văn nghệ sỹ viết cho hay…

Văn Cao viết Trường ca sông Lô

Nguyễn Huy Tưởng: Những người ở lại

Nguyễn Đình Thi làm thơ không vần

Mà câu thơ bừng bừng lửa cháy…

“Sáng nay ra trận lên Tây Bắc

Hai đứa ta cùng đi đánh giặc”

Tố Hữu xung trận với đoàn quân

Đêm bên bếp lửa tiếng thơ ngâm...

Đảng giao anh chuyên trách văn hóa

Rồi trở thành lá cờ thi ca

Nền văn học từ trong đạn lửa

Thơ của anh đến với mọi nhà…

Thơ buổi đầu “vạn kiếp phôi pha”

Lão đầy tớ, lũ trẻ không nhà

Thơ hôm nay tiếng kèn xung trận

Cùng người lính lửa đạn xông pha

Ôi nhớ sao những đêm Việt bắc

Bên bếp lửa đọc nhau vần thơ

Lại những ngày “đầu quân” ra trận

Đầu mũ nan dầu dãi nắng mưa

Sau những trận Đại Bục, Đại Phác

Quân ta về chuẩn bị “Phố Ràng”

Một người lính trong đêm thổn thức:

-Nhớ vợ quá, ôi nhớ ra răng…

Nguyễn Huy Tưởng:” Mình cũng như thế”

Tố Hữu rằng “ Xin tặng mọi người”

Rồi trong đêm nhà thơ se sẽ

Ấm giọng Huế một khúc” Mưa rơi”

“Mưa rơi đầm lá cỏ

Mái tóc em ướt rồi,

Đôi má em bừng đỏ

Muốn hôn quá... mà thôi”

Nghe thơ người lính trẻ thốt lên:

-Nhà thơ tả giống vợ hiền em quá

 Khi hết giặc sẽ xin cấp trên

Đem bằng khen về làng tặng vợ….

Anh lại đọc thơ Xi mô nốp

“Đợi anh về “ - mới dịch đêm qua

Những người lính thêm lần thổn thức

Trăng rừng sáng như trăng quê nhà…

*

Năm 48 Đại hội Văn nghệ

Nguyễn Tuân- Tổng thư ký đầu tiên

Ôi những người “ Một thời vang bóng”

Nay cây bút nơi chốn trận tiền

Như Thạch sanh năm xưa cung, nỏ

Mà cây đàn vẫn khóac bên vai

Đất nước mình là như thế đó

Vừa đánh giặc, vừa hát không thôi….

Một dân tộc ai cũng ra trận

Một dân tộc ai cũng làm thơ

“Nguyệt thôi song vấn: - Thi thành vị? “

Bác Hồ cười:”Việc bận, xin chờ”

Hoàng Văn Thụ “Cho dù ngọc nát”

Thơ Sóng Hồng vằng vặc trăng treo

 Lê Đức Thọ thơ: “Em liên lạc”

 Xuân Thủy” Vườn xuân những sớm chiều!”

“Không có sách, chúng tôi làm ra sách

Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình… “(3)

Nhớ biết mấy những năm tháng ấy

Những nhà thơ trong cuộc trường chinh

“Chúng tôi trẻ nên củi rừng mau bén

  Hơ bàn tay lại nhớ các anh

  Chúng tôi sưởi bằng ngọn lửa của mình

   Lại thấy ấm từ các anh đi trước

   Các anh nhớ nhà

   Các anh sốt rét

   Những câu thơ còn được đến bây giờ

   Chúng tôi sưởi trên những câu thơ ấy

    Cứ thế qua đi nhiều mùa mưa…”(3)

CHÂU LA VIỆT

Thạc sỹ Nguyễn Thị Hồng Hạnh

Xe tăng cưỡi sóng Mekong...
Xe tăng cưỡi sóng Mekong...

Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã quyết định trao Giải thưởng Văn học sông Mekong 2022 dành cho tiểu thuyết Lính tăng...

Tin liên quan

Tin mới nhất