Xe tăng cưỡi sóng Mekong...

Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam đã quyết định trao Giải thưởng Văn học sông Mekong 2022 dành cho tiểu thuyết Lính tăng của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn và tập Ký sự xứ người của nhà văn Trình Quang Phú. Nhân dịp này, Thời báo Văn học nghệ thuật giới thiệu bài viết của nhà phê bình Bùi Việt Thắng về tác phẩm đoạt giải của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn.

Lính tăng và nhà văn

Lính tăng không phải là tác phẩm văn chương đầu tiên về binh chủng Tăng - Thiết giáp, có lẽ bài thơ Trên một chiếc xe tăng (3/1971) của Hữu Thỉnh (vốn là lính xe tăng) là tác phẩm văn học sớm nhất về một lực lượng vũ trang còn ít người biết đến. Cùng năm, nhạc sĩ Doãn Nho đã phổ nhạc bài thơ này (nhạc phẩm Năm anh em trên một chiếc xe tăng).

Năm 1972, Nguyễn Khải ra mắt Chiến sĩ (tiểu thuyết) viết về binh chủng Tăng - Thiết giáp. Sau nữa có truyện ngắn Hồi ức binh nhì (giải Nhì, Cuộc thi truyện ngắn, 1992 - 1994, của Tạp chí Văn nghệ Quân đội) của Nguyễn Thế Tường (vốn là sinh viên khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhập ngũ năm 1971, làm lính xe tăng đến hết chiến tranh).

Đáng chú ý là Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt (từng tốt nghiệp Trường Sỹ quan Tăng - Thiết giáp) trong khoảng thời gian 2009 - 2012 đã xuất bản bộ tiểu thuyết tư liệu - lịch sử Bão thép (gồm 4 tập: Cơn lốc đầu mùa, Áp thấp đường số 9, Tâm bão, Trận cuồng phong),…

Ngoài ra còn phải kể thêm hồi ức Công trường 92 ngày ấy của Đại tá Dương Đằng Giang (nguyên Phó Trung đoàn trưởng đầu tiên Trung đoàn 202), hồi ức Tôi trở thành chiến sĩ xe tăng như thế nào của Đại tá Phùng Văn Minh (nguyên Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Tăng - Thiết giáp). Những hồi ức này đăng trong sách Theo vết xích xe tăng (2 tập, Nxb Hội Nhà văn 2002, 2004).

Lính tăng của Nguyễn Bắc Sơn ra mắt độc giả đúng dịp kỷ niệm 60 năm truyền thống binh chủng Tăng - Thiết giáp (5/10/1959 - 5/10/2019). Tác phẩm tái hiện một phương diện của chiến tranh, về đời sống người lính xe tăng Việt Nam trên đất Lào (theo cảm hứng ngợi ca tình đoàn kết keo sơn, bền vững “Việt - Lào hai nước chúng ta/Tình sâu như nước Hồng Hà, Cửu Long”). Thiết nghĩ, đây chưa phải là tác phẩm cuối cùng viết về một binh chủng anh hùng của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Xe tăng cưỡi sóng Mekong... - 1

Nhà văn Nguyễn Bắc Sơn

Lính tăng kể chuyện

Lính tăng kể chuyện trong trường hợp này có biệt sắc. Trong Hồi ức binh nhì người kể chuyện (ngôi thứ nhất xưng “tôi”) trực tiếp là lính xe tăng trong nghĩa chính xác của từ. Tác giả Nguyễn Thế Tường vốn là lính xe tăng từng đánh trận ở Cửa Việt (năm 1972), nên khi viết thành thục, đam mê đến từng chi tiết mà người ngoài cuộc, quan sát và sống gián tiếp thì không thể với tới được.

Trường hợp khác là tác giả Nguyễn Khắc Nguyệt, qua bộ tiểu thuyết tư liệu Bão thép (4 tập), đã “bấu chặt” lấy hiện thực của đời sống lính xe tăng trong chiến tranh để viết với vị thế và tâm thế của người trong cuộc, hài hòa được ngoại cảnh và nội tâm. Chưa kể, ông đã tốt nghiệp Trường Sỹ quan Tăng - Thiết giáp, nên cái nhìn của người viết có sự phối thuộc giữa cận cảnh và toàn cảnh (giữa chiến thuật và chiến lược, giữa chiến hào và Tổng hành dinh). Nhưng mỗi nhà văn lại có cách tiếp cận đối tượng không ai giống ai.

Trong Lính tăng của Nguyễn Bắc Sơn có hai lớp/ vai kể chuyện. Một là Nguyễn Văn Nhã, vốn là giáo viên dạy môn Lịch sử ở trường THPT, vào lính, sang Lào, xung phong vào binh chủng Tăng - Thiết giáp. Nhưng anh có nghĩa vụ hoàn thành “nhiệm vụ ngoài nhiệm vụ”. Nghĩa là quan sát, ghi chép, khôi phục, tái dựng truyền thống “đã ra quân là đánh thắng” của binh chủng đặc biệt ngay xuất quân trận đầu đã giòn giã chiến thắng trong Chiến dịch Khe Sanh, 1968.

Nguyễn Văn Nhã là lính tăng theo nghĩa bóng (dẫu có lúc ngồi trong xe tăng thực sự). Anh là người lính viết lịch sử binh chủng Tăng - Thiết giáp. Trường đoạn (Chương 8: Truy điệu sống, trang 101-122) hay nhất trong Lính tăng, theo tôi, chính là lần Nguyễn Văn Nhã và Lê Đình Đến thực thi nhiệm vụ tối mật, tối quan trọng: “Mang kế hoạch tác chiến đến Phu Tâng, giao tận tay Tiểu đoàn phó Trần Văn Tân trước 18 giờ hôm nay. Chắc các đồng chí biết vì sao Tiểu đoàn không dùng hữu tuyến, vô tuyến của các đồng chí mà lại cử hai đồng chí trực tiếp mang đi chứ gì? Mỗi người một bản. Người này hi sinh, người kia phải bằng mọi giá mang văn bản, giao tận tay Thủ trưởng Tân”.

Những kỹ chiến thuật của xe tăng và lính tăng được (nhân vật Trần Văn Vụ/ vai kẻ thứ hai) kể lại dẫu rất chi tiết cũng không phải là phần hấp dẫn của Lính tăng. Theo tôi, phần hấp dẫn và tạo nên chiều sâu tác phẩm là khi tác giả kể chuyện về phần “người”, phần “sống”, phần “đời” trong mỗi người lính (chuyện bao đồng từ chuyện quê kiểng đến bạn bè, yêu đương, ham muốn bản năng, giới tính, gia đình, công việc,…).

Chính thế, nên những trường đoạn (Chương) về “Em sợ nhất môn Sử”” (Chương 9), “Lòng vả cũng như lòng sung” (Chương 10), “Ngày về lại nhớ ngày đi” (Chương 19), “Ở hai đầu nỗi nhớ” (Chương 20), “Về phép” (Chương 22)… là những phần “bắt mắt” độc giả nhiều hơn cả, cũng là nơi bộc lộ “sở trường” của nhà văn vốn được đánh giá cao với những tác phẩm viết về đời tư - thế sự như Lửa đắng, Luật đời và cha con, Gã Tép Riu, Vỡ vụn, Cuộc vuông tròn. Vậy nên, Lính tăng là một “thung thổ” khác, một mạch văn khác, có thể là một sự chuyển đổi sáng tác, nhưng cái “chất đời” luôn cựa quậy đã làm cho Lính tăng ít đi tính khu biệt, tính cục bộ chăng (?!).

Lính tăng - quyền uy của tư liệu

Tư liệu đang là một dòng chảy/ khuynh hướng phát triển của văn học đương đại, đặc biệt ở thế kỷ XXI. Tháng 8/2018, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân tổ chức tọa đàm về tính ưu trội của văn chương tư liệu về chiến tranh.

Thực tiễn sáng tác gần đây chứng minh điều này với sự xuất hiện của  các các tác phẩm như Thượng Đức (2005) của Nguyễn Bảo, Dòng sông mang lửa (2013) của Hồ Sỹ Hậu, Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 (2014) của Trần Mai Hạnh, Rừng đói (2016) của Nguyễn Trọng Luân, Trong cơn lốc xoáy (2016) của Trầm Hương, Đừng kể tên tôi (2017) của Phan Thúy Hà, Mùa chinh chiến ấy (2018) của Đoàn Tuấn, Chuyện lính Tây Nam (2018) của Trung Sỹ,… Những tác phẩm kể trên đều thu hút sự quan tâm của độc giả ngay từ khi mới xuất hiện trên văn đàn.

Lính tăng, theo tôi, rất tự nhiên hòa nhập vào dòng chảy văn học tư liệu đang sục sôi. Ở đây có mấy “khối”/ “mảng” tư liệu tạo nên kết cấu của tiểu thuyết: nhân vật Vàng Pao, truyền thống chiến đấu của Binh chủng Tăng - Thiết giáp, các biến cố lịch sử trọng đại (chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy Xuân 1968, chẳng hạn). Vì sao tư liệu có quyền uy? Có người giả định rằng viết về lính tăng thì nhà văn khó mà đạt được sự thỏa mãn độc giả nếu chỉ có “hư cấu”, “bịa đặt”, “tưởng tượng”. Dễ rơi vào “hoang đường”, vì tác giả không là người trong cuộc. Nên cứ “tư liệu” là chắc ăn.

Nhưng xét kỹ, không phải thế. Một chất liệu mới, một đối tượng mới, rất có thể nhà văn phải “khai bút” theo một cách khác, thậm chí cần thay đổi bút pháp. Thứ hai, tác giả sở trường viết tác phẩm có tính chính luận - chính trị và phản biện - đối thoại. Nên khi tiếp cận một đối tượng mới, xử lý một chất liệu mới ông dùng “tư liệu” để chuyên chở ý tưởng. Dĩ nhiên hình thức thể loại Lính tăng chỉ được ghi đơn giản là “tiểu thuyết”.

Có ba khối/ mảng tư liệu như đã nói ở trên. Một, khá hấp dẫn độc giả là nhân vật Vàng Pao và tất cả những gì xoay quanh nó. Phải nói ngay, nhân vật này tạo nên phần hấp dẫn quan trọng của Lính tăng. Trong 24 chương của tiểu thuyết thì tác giả dành cho Vàng Pao đến 4 chương: 4, 5, 11 và 18 (theo thứ tự: Kẻ soán ngôi, Một ngày của Chầu Xa Vit - Vàng Pao, Nhổ cái gai nhọn của Vàng Pao, Dấu chấm hết của Chầu Xa Vit).

Tác giả đã có được một lượng tài liệu rất lớn về nhân vật này khi viết. Rất nhiều chuyện về đời tư, về “sự nghiệp” phụng thờ quan thầy Mỹ để mưu cầu quyền cao chức trọng và tiền bạc. Nhưng có lẽ, tác giả đã tập trung khai thác và thể hiện quá trình tha hóa, thú tính hóa của một con người lầm đường lạc lối, bán linh hồn cho quỷ dữ. Văn học viết về cái ác, cái xấu chính là đã hiện diện và thành công ở “điểm” này.

Khối/ mảng tài liệu thứ hai là truyền thống chiến đấu của Binh chủng Tăng - Thiết giáp đã lan tỏa xã hội rộng lớn. Ở chương 24 (Vĩ thanh) có họa sĩ Thành Chương (người vẽ bìa cho 6 tiểu thuyết của Nguyễn Bắc Sơn ), Lê Trí Dũng (lính tăng “đồn trú” ở Hà Nội), chị Vũ Hòa Bình (y tá  của Trường sỹ quan Tăng Thiết - Giáp), ca sĩ Bích Việt (vốn là nữ thợ điện, sửa chữa máy thông tin trên xe tăng), Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt (tác giả bộ tiểu thuyết 4 tập Bão thép - một panorama về binh chủng Tăng - Thiết giáp), Trần Văn Vụ (Trưởng Ban liên lạc lính tăng Tiểu đoàn 195). Toàn là người thật việc thật. Không tư liệu thì là gì (!?).

Ở phần Lời bạt cuối sách, tác giả kê danh sách 28 cán bộ chiến sĩ thuộc Binh chủng Tăng - Thiết giáp, trong đó có 2 cựu chiến binh đã mất và 5 Liệt sĩ. Khối/ mảng tư liệu thứ ba là những biến cố lịch sử trọng đại được đánh giá lại khách quan và công bằng để các thế hệ sau hiểu rõ hơn lịch sử, sự thật và chân lý. Một dẫn chứng sinh động: “Cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968 được đánh giá thế nào?” (tr. 518).

Chiến tranh đã lùi xa. Đã đến thời điểm bạch hóa sự kiện lịch sử. Vậy nên tác giả đã rộng cửa đề luận bàn về lịch sử thông qua tư liệu (tr. 518-522). Tác giả đã dẫn ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ ra những nguyên nhân sâu xa của tổn thất nặng nề trong chiến dịch có ý nghĩa chiến lược này: “Ta không nắm được quy luật của khởi nghĩa và quy luật của chiến tranh nên đã kết hợp tổng công kích, tiến hành tổng khởi nghĩa trong chiến tranh, khi trên chiến trường còn hơn nửa triệu quân Mỹ và hơn một triệu quân Sài Gòn và các nước phụ thuộc (...).

Lẽ ra phải chuyển hướng hoạt động về nông thôn. Nhưng ta lại chủ trương tiếp tục tấn công vào các đô thị nhằm dấy lên tổng khởi nghĩa, cuối cùng tổng khởi nghĩa vẫn không diễn ra, cách mạng phải chịu nhiều tổn thất”(tr. 521). Về phần tư liệu này, theo kinh nghiệm đọc của tôi, đã qua biên tập (kiểm duyệt) của nhà xuất bản nên không có điều gì phân vân.

Phần hư cấu ở đâu trong một tác phẩm được gọi là “tiểu thuyết”? Thiết nghĩ, ở đây trước hết là sự sắp xếp, tổ chức tác phẩm thành một chỉnh thể nghệ thuật. Thứ hai, rất quan trọng là hư cấu những gì không nhìn thấy được nhưng có thể cảm thấy được (đó là đời sống nội tâm phong phú và phức tạp của con người, dẫu nó đóng vai nào ở trần gian). Thứ ba là hư cấu những gì có thể xảy ra (khả nhiên), ví dụ những bức thư của cặp đôi “anh - em” rất mùi mẫn (Chương 20: Ở hai đầu nỗi nhớ, tr. 414 - 447). Ai dám nói là không sự thật. Nhưng ai dám nói là bịa đặt (!?).

Rất mừng khi đồng nghiệp văn chương “gừng càng già càng cay”, vẫn giàu bút lực, vẫn nung nấu ý tưởng, miệt mài đèn sách, trình làng một tiểu thuyết đầy đặn về chiến tranh và người lính.                                                                                                           

Bùi Việt Thắng

Tin liên quan

Tin mới nhất

Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 sẽ diễn ra tại Cần Thơ

Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2024 sẽ diễn ra tại Cần Thơ

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thành phố Cần Thơ; Trung tâm Văn hóa thành phố Cần Thơ và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức “Liên hoan Cải lương toàn quốc - 2024”.