Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam: Dấu ấn chặng đường 75 năm (1948 - 2023)

Cách đây 75 năm, tại Chiến khu Việt Bắc, sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ hai, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ ngày 25 đến 27/7/1948, Hội nghị Văn nghệ toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức với 80 đại biểu trí thức văn nghệ sĩ cả nước tham dự. Hội nghị quyết định thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam, tiền thân của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam ngày nay. Hội nghị được xem như Đại hội thành lập, mở ra một trang sử mới của lịch sử văn nghệ cách mạng Việt Nam.

1. Thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam (1948)

Hội nghị Văn nghệ toàn quốc với hơn 80 đại biểu đã họp tại làng Dộc Phát, Yên Kỳ, Hạ Hòa, Phú Thọ trong 3 ngày 23, 24, 25 tháng 7. Hội nghị đã chính thức thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam và bầu ra Ban Chấp hành. Thường vụ: Nguyễn Tuân - Tổng Thư ký; Tố Hữu - Phó Tổng Thư ký; Võ Đức Diên, Ngô Quang Châu, Xuân Diệu - Ủy viên. Ủy viên Ban Chấp hành: Trần Văn Cẩn (Mỹ thuật), Thế Lữ (Sân khấu), Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước (Âm nhạc), và đại biểu các khu: Ngô Tất Tố (khu I), Lê Hữu Kiều (Sơn Tùng) (khu III), Trương Tửu, Lưu Trọng Lư (khu IV), Tạ Mỹ Duật (khu V), Nam Trung Bộ: Nguyễn Đỗ Cung; Nam Bộ: Hoàng Xuân Nhị, Huỳnh Văn Gấm.

Trong Hội nghị cùng thành lập Đoàn Nhạc sĩ Việt Nam, Đoàn Sân khấu Việt Nam cùng với Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam đã thành lập trước.

Cơ quan Hội Văn nghệ Việt Nam đóng tại Gia Điền, Hạ Hòa, Phú Thọ (1947 - 1948), năm 1949 chuyển sang xóm Chòi, Yên Giã, Thái Nguyên, năm 1950 chuyển sang Thương Yên, Tuyên Quang.

2. Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ II

Từ ngày 20 đến 28/2/1957 tại Thủ đô Hà Nội, Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, nhà văn Đặng Thai Mai là Chủ tịch; các Phó Chủ tịch: nhà văn Nguyễn Tuân, nhà thơ Tú Mỡ, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, họa sĩ Trần Văn Cẩn, kiến trúc sư Nguyễn Cao Luyện, nhà thơ Nông Quốc Chấn, nghệ sĩ Nguyễn Phương Danh, nhà viết kịch Thế Lữ; Tổng Thư ký là nhà văn Nguyễn Đình Thi, các Phó Tổng Thư ký: nhạc sĩ Văn Cao, họa sĩ Lương Xuân Nhị, nhà văn Nguyễn Văn Bổng.

Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam: Dấu ấn chặng đường 75 năm (1948 - 2023) - 1

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và dự Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ II, 1957

Các hội chuyên ngành Trung ương bắt đầu được thành lập: Hội Mỹ thuật Việt Nam (3/1967), Hội Nhà văn Việt Nam (4/1957), Hội Kiến trúc sư Việt Nam (4/1957 - tiền thân là Đoàn Kiến trúc sư Việt Nam, thành lập từ năm 1948), Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (5/1957), Hội Nhạc sĩ Việt Nam (12/1957).

3. Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ III

Họp từ ngày 26 tháng 11 đến 1 tháng 12 năm 1962 tại Thủ đô Hà Nội. Đồng chí Trường Chinh có bài nói chuyện tại Đại hội: “Tăng cường tính Đảng, đi sâu vào cuộc sống mới để phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng tốt hơn nữa”. Đặc biệt lần này Hồ Chủ tịch đã đến dự và nói chuyện với Đại hội. Người nhắc nhở: “Văn nghệ sĩ cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân, giữ gìn thái độ khiêm tốn; phải thật sự hòa mình với quần chúng, cố gắng học tập chính trị, trau dồi nghề nghiệp, phải hết lòng giúp đỡ thanh niên, làm cho văn nghệ nước nhà ngày càng thêm trẻ, thêm xuân”.

Ban Chấp hành khóa III gồm 51 văn nghệ sĩ, nhà văn Đặng Thai Mai làm Chủ tịch, nhà thơ Tố Hữu, nhà văn Nguyễn Đình Thi là Phó Chủ tịch, nhà phê bình Hoài Thanh làm Tổng Thư ký, nhà thơ Bảo Định Giang làm Phó Tổng Thư ký.

Sau Đại hội, Đảng đã tổ chức cho văn nghệ sĩ học tập Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (giữa năm 1963) và của Hội nghị Trung ương lần thứ 9 (đầu năm 1964). Hai đợt học tập này trang bị những nhận thức mới, sâu sắc hơn về tình hình trong nước và thế giới, về nhiệm vụ cách mạng ở miền Bắc và nhiệm vụ cách mạng của miền Nam.

4. Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ IV

Khai mạc vào ngày 22/1/1968 tại Thủ đô Hà Nội. Đồng chí Trường Chinh và đồng chí Phạm Văn Đồng đã đến dự và nói chuyện với Đại hội.

Ban Chấp hành khóa IV gồm có 63 văn nghệ sĩ. Chủ tịch: nhà văn Đặng Thai Mai; các Phó Chủ tịch: nhà thơ Tố Hữu, nhà văn Nguyễn Đình Thi, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, họa sĩ Trần Văn Cẩn, nghệ sĩ Phương Danh; Tổng Thư ký: nhà văn Nguyễn Đình Thi; các Phó Tổng Thư ký: nhà thơ Bảo Định Giang, họa sĩ Huỳnh Văn Thuận, nhạc sĩ Đỗ Nhuận.

Thời gian này, các hội thành viên tiếp tục được thành lập. Ở Trung ương thành lập Hội Điện ảnh Việt Nam (1969).

Ở địa phương, từ năm 1968 - 1975 có thêm các Hội: Chi hội Văn nghệ Lạng Sơn (1968), Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh (1969), Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hà Tĩnh (1969), Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Bình (1971), Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Lào Cai (1972), Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thanh Hóa (1974), Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phú (1975).

5. Hội nghị Đại biểu các Hội Văn học nghệ thuật toàn quốc

Đại thắng mùa xuân 1975, với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Để thống nhất lực lượng, đáp ứng sự phát triển mới của phong trào văn nghệ Việt Nam, Hội nghị Đại biểu các Hội Văn học nghệ thuật toàn quốc đã được tổ chức các ngày 26, 27 tháng 4 năm 1984 tại Hà Nội. Hội nghị đã thống nhất các tổ chức văn nghệ hai miền cùng một mái nhà chung là Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam. Cũng trong Hội nghị này Ban Chấp hành Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Việt Nam được đổi thành Ủy ban Trung ương Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Chủ tịch: nhà thơ Huy Cận; các Phó Chủ tịch: họa sĩ Trần Văn Cẩn, nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, nhà văn Nguyễn Đình Thi.

Tình hình đất nước mới ra khỏi hai cuộc kháng chiến lâu dài gian khổ, nền kinh tế nghèo nàn lạc hậu. Đảng ta đã tiến hành công cuộc đổi mới bắt đầu từ Đại hội VI (12/1986).

Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam được thành lập (12/1989). Ở các địa phương (từ năm 1976 đến 1995) có thêm 31 Hội được thành lập.

6. Đại hội Văn nghệ toàn quốc lần thứ V

Tổ chức từ ngày 9 đến 11/9/1995, tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Đại hội vinh dự được đồng chí Đỗ Mười - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng tới dự và có bài phát biểu quan trọng. Đại hội này đã quyết định đổi tên Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam thành Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, đổi tên cơ quan lãnh đạo Ủy ban Trung ương Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam thành Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Đại hội đã hiệp thương cử Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Ủy ban toàn quốc cử nhà văn Nguyễn Đình Thi làm Chủ tịch; các Phó Chủ tịch: nhà thơ Huy Cận, nhà lý luận phê bình Hà Xuân Trường, nhà thơ Bảo Định Giang, họa sĩ Vũ Giáng Hương; Tổng Thư ký - GS.TSKH Tô Ngọc Thanh; các Ủy viên Đoàn Chủ tịch: nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, KTS Nguyễn Trực Luyện, GS.NSND, nhạc sĩ Trọng Bằng, NSND Dương Ngọc Đức, NSND Chu Thúy Quỳnh, NSND Đặng Nhật Minh, nghệ sĩ nhiếp ảnh Hoàng Tư Trai, nhà văn Tô Hoài.

Một sự kiện hết sức quan trọng mang tầm chiến lược là Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) của Ban Chấp hành Trung ương về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” đã có tác động tới sự phát triển mạnh mẽ của văn hóa nói chung và văn học nghệ thuật nói riêng. Nghị quyết đã xác định Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và các thành viên là “tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp” được Nhà nước tài trợ kinh phí hoạt động.

7. Đại hội VI Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam

Tổ chức vào các ngày 12, 13, 14 tháng 9 năm 2000 tại Nhà hát Lớn Thủ đô Hà Nội. Đồng chí Lê Khả Phiêu - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã đến dự và đã có bài phát biểu với Đại hội.

Đại hội đã hiệp thương cử ra Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Chủ tịch - nhà văn Nguyễn Đình Thi; các Phó Chủ tịch: nhạc sĩ Trần Hoàn (Phó Chủ tịch thường trực); nhà thơ Viễn Phương, hoạ sĩ Vũ Giáng Hương; các Ủy viên Đoàn Chủ tịch: nhà thơ Hữu Thỉnh, hoạ sĩ Trần Khánh Chương, KTS Nguyễn Trực Luyện, nhạc sĩ GS.NSND Trọng Bằng, NSND Trọng Khôi, PGS.TS Trần Luân Kim, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Phức, NSND Chu Thuý Quỳnh, GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, nhà thơ Nông Quốc Chấn, nhà thơ Bằng Việt, nhà văn Võ Quê, nhà văn Huy Cận, nhà lý luận phê bình Hà Xuân Trường, nhà thơ Bảo Định Giang, nhà văn Anh Đức.

Thay đổi giữa nhiệm kỳ, ngày 18/4/2003, nhà văn Nguyễn Đình Thi qua đời, Đoàn Chủ tịch họp ngày 18/7/2003 cử nhạc sĩ Trần Hoàn - Phó Chủ tịch thường trực giữ chức Chủ tịch, cũng trong cuộc họp này cử thêm 3 Phó Chủ tịch: nhà thơ Hữu Thỉnh, hoạ sĩ Trần Khánh Chương, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Phức. Ngày 23/11/2003 nhạc sĩ Trần Hoàn qua đời, Đoàn Chủ tịch họp ngày 14/5/2004 cử họa sĩ Vũ Giáng Hương giữ chức Chủ tịch và nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Phức làm Phó Chủ tịch thường trực.

8. Đại hội lần thứ VII Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam

Đại hội diễn ra từ ngày 23 đến 25/9/2005, tại Hội trường Ba Ðình, Hà Nội, với 347 đại biểu tham dự đến từ 10 Hội chuyên ngành Trung ương và 64 Hội Văn học nghệ thuật các tỉnh, thành phố, đại diện cho hơn 30 nghìn văn nghệ sĩ trong cả nước.

Đến dự và phát biểu có đồng chí Phan Diễn, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư.

Đại hội đã bầu ra Đoàn Chủ tịch khoá VII gồm 28 đồng chí, do PGS, họa sĩ Vũ Giáng Hương làm Chủ tịch; các Phó Chủ tịch: nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Phức (Phó Chủ tịch Thường trực, mất năm 2007), nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Hoạ sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, nhà thơ Bằng Việt - Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Hà Nội, GS, nhạc sĩ Ca Lê Thuần, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Ủy ban toàn quốc gồm 82 đồng chí là đại diện cho các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố và các đại biểu đại diện cho các cơ quan Trung ương quản lý văn nghệ.

9. Đại hội lần thứ VIII Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam

Từ ngày 23 - 25/9/2010, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Đại hội lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2010 - 2015) với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, tiếp tục phát triển văn học nghệ thuật, góp phần xứng đáng xây dựng con người và văn hoá Việt Nam”.

Đến dự Đại hội có đồng chí Trương Tấn Sang - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Nguyễn Thiện Nhân - Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và gần 500 đại biểu đại diện cho hơn 40.000 văn nghệ sĩ trong cả nước. 

Đại hội đã bầu 75 thành viên vào Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2010 - 2015. Trong số này có 23 đồng chí được bầu vào Đoàn Chủ tịch; thường trực Đoàn Chủ tịch gồm 7 thành viên: nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam được bầu làm Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhiệm kỳ 2010 - 2015; 6 Phó Chủ tịch gồm: nhạc sĩ Ca Lê Thuần, nhà thơ Bằng Việt, nhà văn Đỗ Kim Cuông, GS Tô Ngọc Thanh, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, nhà văn Tùng Điển.

10. Đại hội lần thứ IX Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam

Đại hội Đại biểu toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam lần thứ IX (nhiệm kỳ 2016 - 2020) từ ngày 8 - 9 tháng 1 năm 2016, tại Hà Nội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo. Đại hội có đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành liên quan, cùng 475 đại biểu là các văn nghệ sĩ tiêu biểu của 63 Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố; 10 Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, đại diện cho hơn 40.000 văn nghệ sĩ cả nước thuộc các chuyên ngành văn học nghệ thuật.

Đại hội đã thông qua danh sách Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam khóa IX gồm 76 thành viên; bầu ra Đoàn Chủ tịch gồm 25 thành viên và Thường trực Đoàn Chủ tịch gồm sáu thành viên. Nhà thơ Hữu Thỉnh tiếp tục được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (nhiệm kỳ 2016 - 2020). Thường trực Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam khóa IX gồm 6 thành viên: nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch; các Phó Chủ tịch: nhà văn Tùng Điển, nhạc sĩ Nông Quốc Bình, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, họa sĩ Trần Khánh Chương, nhà văn Đỗ Kim Cuông.

Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam: Dấu ấn chặng đường 75 năm (1948 - 2023) - 2

Vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập (7/1948 - 7/2018), Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đón nhận Huân chương Sao vàng, phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước tặng thưởng.

11. Đại hội lần thứ X Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam

Đại hội Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam khóa X (nhiệm kỳ 2020 - 2025) diễn ra tại Nhà khách La Thành, Ba Đình, Hà Nội từ ngày 12 đến ngày 14 tháng 1 năm 2021.

Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến dự phát biểu và chỉ đạo Đại hội, cùng các đồng chí lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương và Hà Nội; Ban chỉ đạo Đại hội, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Nội vụ, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch; các vị lãnh đạo đại diện cho các Hội Văn học Nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và các tỉnh thành trong cả nước.

Tổng số có 273 đại biểu chính thức trong toàn quốc tham dự Đại hội. Về cơ cấu thành phần đại biểu: Có 12 đại biểu là đại diện Thường trực, lãnh đạo cơ quan Liên hiệp; 54 đại biểu các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và Quỹ hỗ trợ; 207 đại biểu các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố. Đại biểu hoạt động tại các chuyên ngành văn học nghệ thuật bao gồm: Văn học 94 đại biểu, Mỹ thuật 23 đại biểu, Âm nhạc 26 đại biểu, Sân khấu 19 đại biểu, Điện ảnh 4 đại biểu, Nhiếp ảnh 25 đại biểu, Múa 7 đại biểu, Kiến trúc 5 đại biểu, Văn nghệ dân gian 17 đại biểu, các chuyên ngành khác 44 đại biểu.

Chương trình Đại hội diễn ra trong 3 ngày:

- Hội nghị Đảng viên, diễn ra vào 16 giờ, ngày 12 tháng 1 năm 2021, nhằm phát huy vai trò của các đảng viên trong Đại hội. Liên hiệp đã nghiêm túc triển khai tốt khâu chuẩn bị Đại hội, quán triệt Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương. Với con số 249 đảng viên/ 273 đại biểu dự Đại hội. Đây là con số cao nhất so với các Đại hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành. Quá trình chuẩn bị Đại hội rất chu đáo, cơ bản điều kiện thuận lợi để bước vào Đại hội.

- Ngày 13 tháng 1 năm 2021:

Sáng: Khai mạc Đại hội ngày thứ nhất, với các nội dung: Giới thiệu danh sách bầu Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký Đại hội, Ban Kiểm tra tư cách đại biểu; thông qua chương trình và Quy chế Đại hội; Đại hội nghe trình bày Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016 - 2020 và phương hướng hoạt động nhiệm kỳ 2020 - 2025; Báo cáo Kiểm điểm Đoàn Chủ tịch khóa IX (nhiệm kỳ 2016 - 2020); Báo cáo của Ban Kiểm tra khóa IX (nhiệm kỳ 2016 - 2020); Ban Kiểm tra tư cách đại biểu báo cáo tư cách đại biểu dự Đại hội; Báo cáo tóm tắt sửa đổi, bổ sung Điều lệ khóa X (nhiệm kỳ 2020 - 2025), thảo luận và thông qua Điều lệ; Báo cáo Đề án nhân sự khóa X (nhiệm kỳ 2020 - 2025); Hiệp thương cử Ủy viên Ủy ban toàn quốc, Ban Kiểm tra Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam khóa X (nhiệm kỳ 2020 - 2025).

Chiều: Họp Ủy viên Ủy ban toàn quốc, với các nội dung: Hiệp thương bằng hình thức giơ tay cử Ủy viên Đoàn Chủ tịch khóa X (nhiệm kỳ 2020 - 2025). Sau đó là cuộc họp của các Ủy viên Đoàn Chủ tịch để bầu các Phó Chủ tịch bằng hình thức bỏ phiếu kín và Ban kiểm phiếu công bố kết quả.

- Sáng 14 tháng 1 năm 2020: Phiên họp Đại hội chính thức, với các nội dung: Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2016 - 2020 và phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020 - 2025; các đại biểu trình bày tham luận và các ý kiến thảo luận; công bố kết quả hiệp thương cử Ủy viên Ủy ban toàn quốc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam khóa X (nhiệm kỳ 2020 - 2025); Đoàn Chủ tịch khóa X ra mắt Đại hội; Đại hội thông qua Nghị quyết Đại hội X (nhiệm kỳ 2020 - 2025).

Kết quả hiệp thương bầu Đoàn Chủ tịch khóa X (nhiệm kỳ 2020 - 2025)

Danh sách Đoàn Chủ tịch:

1. NSND, họa sĩ Vương Duy Biên

2. Nhạc sĩ Nông Quốc Bình - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam

3. Nhà thơ Kim Ba (Hồ Văn Cam)

4. NSND Trần Quốc Chiêm

5. Nhà văn Tùng Điển (Trần Quang Điển)

6. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam

7. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Thị Thu Đông - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam

8. Nhà thơ Bình Nguyên (Nguyễn Đăng Hào)

9. Nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Khương

10. Soạn giả Nguyễn Thiện Cẩn

11. GS.TS Lê Hồng Lý

12. NSND Trịnh Thúy Mùi

13. Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc

14. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, TS Đoàn Thanh Nô, Chánh Văn phòng, Tổng Thứ ký Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam 

15. NSND Phạm Anh Phương

16. Nghệ sĩ Đặng Thị Phượng, Chủ tịch Hội VHNT Tây Ninh

17. Nhạc sĩ, PGS.TS Đỗ Hồng Quân

18. KTS Phan Đăng Sơn

19. Nhà thơ Hải Thanh

20. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam

21. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Văn Tiếng

22. Nhà biên kịch Tô Hoàng Vũ

Hiệp thương bỏ phiếu kín bầu các Phó Chủ tịch Thường trực Đoàn Chủ tịch khóa X (nhiệm kỳ 2020 - 2025):

- 2 Phó Chủ tịch chuyên trách làm việc tại Liên hiệp:

1. NSND, họa sĩ Vương Duy Biên

2. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, TS Đoàn Thanh Nô

- 3 Phó Chủ tịch kiêm nhiệm:

3. Nhạc sĩ Nông Quốc Bình

4. NSND Trần Quốc Chiêm

5. PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân

07 thành viên Ban Kiểm tra:

1. Nhà thơ Hải Thanh (Bùi Xuân Thanh), Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Vĩnh Phúc - Trưởng Ban.

2. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - Phó Ban.

3. Nhà văn Trương Thị Thương Huyền, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Hải Dương - Phó Ban.

4. Nhà văn Niê Thanh Mai, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đắk Lắk - Ủy viên.

5. Họa sĩ Phạm Duy Phương, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Thanh Hóa - Ủy viên.

6. Họa sĩ Trần Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ngãi - Ủy viên.

7. Nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Vân, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Lai Châu - Ủy viên.

Theo chương trình Đại hội, ngày 13 tháng 1 năm 2021, tại phiên họp thứ nhất Đại hội đã biểu quyết thông qua danh sách Đoàn Chủ tịch và Ban Thư ký Đại hội. Đoàn Chủ tịch Đại hội gồm các đồng chí: Nhà thơ Hữu Thỉnh - Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; nhà văn Tùng Điển - Phó Bí thư Đảng Đoàn, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Ủy viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam; nhạc sĩ Nông Quốc Bình - Ủy viên Đảng Đoàn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam; TS, nhà nghiên cứu Đoàn Thanh Nô - Ủy viên Đảng Đoàn, Tổng Thư ký Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; NSND Trần Quốc Chiêm - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội.

Ban Thư ký Đại hội gồm PGS.TS Nguyễn Ngọc Thiện - Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam - Trưởng Ban; nhà thơ Bình Nguyên - Chủ tịch tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Ninh Bình; nghệ sĩ Đặng Thị Phượng - Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Tây Ninh - Ủy viên.

Kết thúc Đại hội thông qua kết quả hiệp thương danh sách Ủy viên Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (gồm 78 vị), Ủy viên Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (gồm 27 vị), Ban Kiểm tra Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (gồm 07 vị) và các Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (gồm 06 vị)

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân giữ chức Bí thư Đảng đoàn và Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam

Sáng 22/9/2021, Thường trực Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội nghị Công bố Quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc chỉ định Bí thư Đảng đoàn, và bầu chức danh Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam: Dấu ấn chặng đường 75 năm (1948 - 2023) - 3

Hội nghị công bố Quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ, PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân giữ chức Bí thư Đảng đoàn và Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Tới dự và chỉ đạo Hội nghị có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Phùng Xuân Nhạ - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; các đồng chí đại diện các Ban Đảng Trung ương, đồng chí Nguyễn Đức Tài - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Văn phòng Trung ương Đảng; đồng chí Nguyễn Minh Nhựt - Vụ trưởng Vụ Văn hóa -  Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Kiều Cao Chung - Phó Vụ trưởng Vụ 5, Ban Tổ chức Trung ương; đại diện lãnh đạo Ủy Ban Kiểm tra Trung ương; Vụ Tổ chức phi Chính phủ, Bộ Nội vụ; các đồng chí ủy viên Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, và các đồng chí ủy viên Đoàn Chủ tịch tham dự trực tuyến tại các điểm cầu trên tại các tỉnh, thành trên cả nước; các đồng chí Phó Chủ tịch các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương; Trưởng, Phó các Ban chuyên môn của Liên hiệp…

Tại Hội nghị, đại diện Ban Tổ chức Trung ương đã công bố Quyết định của Ban Bí thư về việc chỉ định đồng chí Đỗ Hồng Quân - Ủy viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam giữ chức Bí thư Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Trong buổi sáng cùng ngày, ngay sau lễ công bố Quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ, Hội nghị Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam khoá X, nhiệm kỳ 2020 - 2025 lần thứ 3 đã diễn ra, với sự tham gia của 18/22 thành viên của Đoàn Chủ tịch (trong đó có 11 thành viên họp trực tiếp và 7 thành viên tham dự bằng hình thức trực tuyến).

Đoàn Chủ tịch đã nhất trí giới thiệu đồng chí Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam bầu giữ chức Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhiệm kỳ 2020 - 2025. Các đại biểu tham dự Hội nghị đã tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân giữ chức Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Kết quả, đồng chí Đỗ Hồng Quân nhận được 100% số phiếu đồng thuận của các thành viên tham dự (18/18 phiếu), đồng chí Đỗ Hồng Quân đã chính thức đắc cử vào vị trí Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhiệm kỳ 2020 - 2025.

NSNA Trần Thị Thu Đông và NSND Trịnh Thúy Mùi được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm nhiệm Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam

Ngày 2/3/2023, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội nghị Đoàn Chủ tịch về công tác cán bộ, tiến hành kiểm phiếu bầu nhân sự 2 Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; TS Đoàn Thanh Nô - Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đồng chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có đồng chí Kiều Cao Chung - Phó Vụ trưởng Vụ 5, Ban Tổ chức Trung ương; đồng chí Phạm Xuân Đảng - Phó Vụ trưởng Vụ địa bàn VI, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cùng các đồng chí Ủy viên Đảng đoàn; Ủy viên Ban chấp hành Đảng ủy; Chủ tịch, Phó Chủ tịch các Hội văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương; Chủ tịch các Hội văn học nghệ thuật địa phương; Trưởng các ban chuyên môn và Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Liên hiệp…

Hội nghị đã tiến hành bước 5 trong quy trình 5 bước, kiểm phiếu bầu nhân sự 02 Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam là Thạc sĩ, NSNA Trần Thị Thu Đông - Đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và NSND Trịnh Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.

Sau thời gian làm việc khẩn trương, công tâm, minh bạch, Ban Kiểm phiếu đã công bố kết quả: NSNA Trần Thị Thu Đông đạt 24/25 phiếu tín nhiệm (chiếm tỉ lệ 96%), NSND Trịnh Thúy Mùi đạt 23/25 phiếu tín nhiệm (chiếm tỉ lệ 92%). Như vậy, NSNA Trần Thị Thu Đông và NSND Trịnh Thúy Mùi được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm nhiệm của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Thanh Nhã

Tin liên quan

Tin mới nhất

8 thành phần dưỡng da cực tốt giúp nàng 'trẻ mãi không già'

8 thành phần dưỡng da cực tốt giúp nàng 'trẻ mãi không già'

Nhiều người có thể thắc mắc có những chất dinh dưỡng nào giúp nuôi dưỡng làn da. Và nếu chọn sử dụng sản phẩm dưỡng da thì phải chọn những loại chất dưỡng nào? Dưới đây là 8 loại vitamin giúp da khỏe đẹp từ bên trong mà bất cứ cô gái nào cũng nên biết.

Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng

Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng

Ngày 25/4, tại TP Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo khoa học toàn quốc năm 2024 với chủ đề "Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng", do Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức. Hội thảo đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo các nhà khoa học và văn nghệ sĩ trong cả nước