Phát biểu của Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam Đỗ Hồng Quân tại Hội nghị gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ Xuân Quý Mão 2023

Sáng 16/2, tại trụ sở Trung ương Đảng đã diễn ra Hội nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt các đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nhân dịp Xuân Quý Mão 2023. PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã có bài phát biểu. Thời báo Văn học nghệ thuật (Arttimes.vn) trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân.

Phát biểu của Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam Đỗ Hồng Quân tại Hội nghị gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ Xuân Quý Mão 2023 - 1

PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phát biểu tại Hội nghị.

Kính thưa đồng chí Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng. 

Kính thưa các đồng chí đại diện Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Kính thưa Quý vị Đại biểu, các văn nghệ sĩ trí thức, các nhà khoa học.

Hôm nay, tôi rất vui mừng và xúc động được đến dự Hội nghị gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ Xuân Quý Mão 2023. Trong không khí mừng Đất nước, mừng Đảng, mừng Xuân, cuộc gặp mặt thể hiện sự trân trọng của Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ, là lực lượng hùng hậu, tin tưởng, tinh túy trên mặt trận văn hóa, tư tưởng của Đảng và của nhân dân.

Trước hết, tôi xin phép gửi tới các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bác, các anh, các chị và các đồng chí, đồng nghiệp lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Kính thưa các đồng chí,

Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam - tiền thân là Hội Văn nghệ Việt Nam - một tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, được Đảng và Bác Hồ thành lập từ năm 1948 tại chiến khu Việt Bắc. Trải qua 75 năm hình thành và phát triển dưới sự lãnh đạo của Đảng, các thế hệ văn nghệ sĩ đã được tôi luyện thử thách qua 2 cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc và trong thời kỳ đổi mới luôn gắn bó với Đảng với nhân dân, luôn đồng hành cùng dân tộc.

Hàng ngàn tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị đã tô đậm truyền thống lịch sử oai hùng của dân tộc, truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng, chuyển tải tinh thần yêu nước thương nòi, tinh thần nhân văn cao cả, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng, tạo nên niềm tin và khát vọng cho nhân dân vào sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc ta.

Có thể nói, trong 2 năm đại dịch Covid-19, các hoạt động văn học nghệ thuật hầu như bị đóng băng, thì năm qua là một năm hoạt động sôi nổi, khởi sắc, đa dạng, không khí văn nghệ ấm dần lên, có tác dụng tích cực tới tư tưởng, tình cảm, tâm lý của nhân dân. Đặc biệt Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24 tháng 11 năm 2021 đã thổi một luồng không khí phấn khởi, tạo cảm hứng sáng tạo tươi mới cho giới văn học nghệ thuật, làm chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của các cấp lãnh đạo từ trung ương đến địa phương, cụ thể là sự quan tâm thiết thực hơn đến các vấn đề văn hóa, đến đội ngũ văn nghệ sĩ - trí thức.

Bám sát kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc với 6 nhiệm vụ trọng tâm và 4 giải pháp quan trọng, nhiều chương trình, dự án lớn về văn học nghệ thuật đã được Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và các Hội Văn học nghệ thuật cả nước tiến hành triển khai với những kế hoạch thiết thực. Có thể kể đến: Hội nghị Những người viết văn trẻ toàn quốc lần thứ 10 do Hội Nhà Văn Việt Nam tổ chức với sự tham dự của hơn 100 cây viết trẻ; Chương trình nghệ thuật đặc sắc chào mừng Ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ XIII; Lễ kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam và Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam với chủ đề “Hát lên Việt Nam” và “Tinh hoa nghệ thuật Việt”; các cuộc thi triển lãm cấp quốc gia, khu vực và quốc tế của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam, các cuộc Liên hoan Sân khấu trong nước và quốc tế, cùng với giải thưởng Cánh Diều Vàng của Hội Điện Ảnh Việt Nam và Giải thưởng Kiến trúc Việt Nam, Ngày Thơ Việt Nam Rằm tháng Giêng năm Quý Mão.

Đó là những kết quả ban đầu, đặt cho chúng ta niềm tin, hy vọng văn học nghệ thuật sẽ phát triển, thu được nhiều kết quả hơn nữa dưới sự định hướng từ các nội dung trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc.

Phát biểu của Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam Đỗ Hồng Quân tại Hội nghị gặp mặt đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ Xuân Quý Mão 2023 - 2

Hội nghị lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt các đại biểu trí thức, nhà khoa học, văn nghệ sĩ nhân dịp Xuân Quý Mão 2023

Kính thưa Quý vị,

Bước vào năm 2023 giới văn nghệ sĩ, trí thức cùng toàn Đảng, toàn dân vui mừng kỷ niệm 80 năm ngày Đảng ta ban hành bản Đề cương văn hóa Việt Nam (1943 - 2023). Đây là một văn kiện lịch sử có tầm vóc và ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bởi bản Đề cương này đã vạch ra phương hướng phát triển cho nền văn hóa, văn học nghệ thuật - nền tảng tinh thần của quốc gia - dân tộc theo ba nguyên tắc: Dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa.

Năm nay chúng ta cũng kỷ niệm 25 năm Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc (tháng 7/1998). Đây cũng là năm tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW (năm 2008) của Bộ Chính trị “về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; và chuẩn bị cho việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 9 (Khóa XI, 2014) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Những dấu mốc lịch sử trọng đại nói trên khẳng định chắc chắn rằng: Đảng và Nhà nước luôn dành cho sự nghiệp phát triển văn hóa nói chung và sự nghiệp phát triển văn học nghệ thuật Việt Nam nói riêng một sự quan tâm đặc biệt và sự lãnh đạo chính trị liên tục, sát sao. Nhất là trong quá trình đất nước ta đổi mới và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện thì sự quan tâm và lãnh đạo của Đảng và Nhà nước cũng càng mạnh mẽ, cụ thể hơn.

Đảng ta đã khẳng định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội và đồng thời cũng là một nguồn lực nội sinh trọng yếu cho sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước; phát triển văn hóa gắn bó mật thiết với phát triển con người Việt Nam; phải đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị và xã hội. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhấn mạnh: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn...”.

Kính thưa Quý vị,

Với tất cả trách nhiệm và sự trung thực, cầu thị, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận rằng: Những thành tựu đạt được trong lĩnh vực văn hóa - văn học nghệ thuật trong những năm gần đây còn chưa thực sự tương xứng với những kỳ tích của dân tộc, chưa đáp ứng được yêu cầu và sự kỳ vọng của nhân dân, của Đảng và Nhà nước.

Xin chỉ nêu ra vài nét chính của tình hình thực tế: Đó là sự vắng bóng của những công trình, những tác phẩm có tầm vóc, được công chúng trong và ngoài nước ghi nhận, đánh giá cao; đó là sự lúng túng, sa sút nghiêm trọng của nhiều loại hình nghệ thuật dân gian và bác học. Xu thế “nghiệp dư” hóa trong sáng tác và biểu diễn, đó là sự “lên ngôi” của những những loại hình, những tác phẩm bị dư luận gọi là “thị trường”, “nhảm nhí” nhằm đáp ứng thị hiếu của một bộ phận công chúng. Cùng với nó là các sản phẩm văn hóa ngoại lai, chất lượng thấp, không phù hợp, thậm chí phản cảm lại tràn ngập, chiếm lĩnh đa phần các phân khúc thị trường văn hóa, từ thành thị tới nông thôn, từ sân khấu màn ảnh đến báo hình, báo mạng cho tới cả những chốn linh thiêng, di tích, lễ hội.

Là những người trực tiếp công tác trong lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật, chúng tôi cũng như rất nhiều anh chị em văn nghệ sĩ, trí thức hết sức trăn trở, thấy rõ trách nhiệm của mình trong đó, đã, đang và sẽ nỗ lực tìm kiếm giải pháp để cải thiện tình hình.

Chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp cụ thể như sau:

- Thứ nhất, là giải pháp về đội ngũ. Cần chăm lo phát triển để đội ngũ văn nghệ sĩ nước nhà có đủ năng lực và điều kiện cống hiến nhiều nhất cho sự nghiệp phát triển của đất nước. Các tài năng nghệ thuật cần được phát hiện sớm, chăm lo đào tạo, bồi dưỡng bài bản, được tôi luyện và trọng dụng. Vì vậy, chúng tôi tha thiết đề nghị Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương cùng toàn xã hội tăng cường những giải pháp mạnh mẽ để chăm lo đào tạo, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ - những “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa” cho hôm nay và mai sau.

- Thứ hai, là về cơ chế, cần đặt toàn bộ sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam vào trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa quốc gia. Đảng và Nhà nước ta rất quan tâm đến sự phát triển của công nghiệp văn hóa và công nghiệp sáng tạo, coi đó như một xu thế phát triển không thể đảo ngược của quá trình toàn cầu hóa văn hóa và là một trong những giải pháp chiến lược để tăng cường sức mạnh mềm, đưa Việt Nam ra thế giới, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia... Tuy nhiên, trong các văn bản chiến lược và kế hoạch phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam, văn học nghệ thuật chưa có vị trí tương xứng. Đã đến lúc cần thiết có một chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, văn học nghệ thuật.

Những loại hình văn học, nghệ thuật trực tiếp liên quan đến vấn đề bảo vệ nền tảng tư tưởng, chính trị của Đảng, chủ quyền, thống nhất quốc gia, dân tộc, đến các giá trị cốt lõi của văn hóa, con người Việt Nam thì Nhà nước cần tập trung đầu tư, hỗ trợ tối đa để đảm bảo có những tác phẩm có chất lượng cao về tư tưởng và nghệ thuật.

- Cần đổi mới chính sách đãi ngộ, sử dụng đối với đội ngũ văn nghệ sĩ. Tôn vinh tài năng và cống hiến của họ. Phấn đấu có nhiều tài năng lớn ở các loại hình văn học nghệ thuật.

- Tăng cường năng lực hưởng thụ tác phẩm văn học, nghệ thuật của các tầng lớp nhân dân, thu hẹp dần khoảng cách thụ hưởng văn hóa của người dân thuộc các vùng miền, các nhóm xã hội khác nhau.

Kính thưa Quý vị,

Trên đây là một số ý kiến của chúng tôi, báo cáo với các cấp Lãnh đạo của Đảng và Nhà nước và chia sẻ cùng Quý vị Đại biểu.

Từ sâu thẳm trái tim mình, chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng:

Trách nhiệm và sứ mệnh của đội ngũ văn nghệ sĩ thật là nặng nề, rất vẻ vang. Văn nghệ sĩ hôm nay nguyện noi gương các thế hệ tiền nhân, tiếp tục dấn thân, cống hiến hết mình cho Tổ quốc. Mỗi văn nghệ sĩ, bằng những tác phẩm của mình phải góp thêm một tia lửa sáng tạo để thổi bùng lên ngọn đuốc trí tuệ - nhân văn, để văn hóa thực sự trở thành một nguồn lực nội sinh mạnh mẽ nhất, một nguồn năng lượng tinh thần, làm giàu có thêm, nhân ái thêm đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần đưa nước ta trở thành một quốc gia phát triển bền vững, giàu có phồn vinh và hạnh phúc.

Trên dặm dài gian nan đó, giới văn nghệ sĩ chúng tôi nguyện là những cánh chim nhỏ như trong bài hát của nhạc sĩ Trần Hoàn phổ thơ Thanh Hải: “Mùa xuân, mùa xuân, một mùa xuân nho nhỏ lặng lẽ dâng cho đời. Mùa Xuân tôi xin hát: Đất nước bốn ngàn năm vất vả và gian lao/ Đất nước như vì sao vững vàng lên phía trước/ Ta làm con chim hót, ta làm một nhành hoa, một nốt trầm xao xuyến tan biến trong hòa ca!”.

Xin kính chúc các đồng chí Lãnh đạo, nguyên Lãnh đạo Đảng và Nhà nước cùng Quý vị đại biểu sức khỏe - hạnh phúc và đạt nhiều thành tích trong năm mới.

Tin liên quan

Tin mới nhất