Tâm tình của văn nghệ sĩ với sự nghiệp đoàn kết dân tộc

Triển khai kế hoạch của Ban Chỉ đạo Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh”, sáng 15/11, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học “Nâng cao vị thế, vai trò của giới văn nghệ sĩ - trí thức vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc trong thời kỳ mới”.

Tâm tình của văn nghệ sĩ với sự nghiệp đoàn kết dân tộc - 1

Các đồng chí chủ trì Hội thảo. (Ảnh: Huyền Thương)

Về phía các Ban Đảng, Hội thảo có sự tham dự của PGS. TS Trần Khánh Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương; Đồng chí Ngọ Văn Khuyến, Phó Vụ trưởng Vụ Đoàn thể nhân dân, Ban Dân vận Trung ương; Đại diện Vụ văn hóa Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương.

Về phía Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội thảo có sự tham gia của Thường trực Đoàn Chủ tịch, gồm các đồng chí: PGS. TS. Nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; Đồng chí Đoàn Thanh Nô, Phó Bí thư Đảng đoàn, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Văn học nghệ thuật Việt Nam Việt Nam; NSND. Họa sĩ Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Văn học nghệ thuật Việt Nam Việt Nam; Nhạc sĩ Nông Quốc Bình, Phó Chủ tịch Liên hiệp, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam; NSND Trần Quốc Chiêm, Phó Chủ tịch Liên hiệp, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội; cùng đông đảo các đồng chí là Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban toàn quốc là Chủ tịch các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương và một số Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố.

Vị thế đi song song với vai trò

Theo Nhà nghiên cứu Văn học dân gian Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, nghệ sĩ là những trí thức hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật. Ông cho biết: “Tôi không nghĩ chỉ có một bộ phận trong giới văn nghệ sĩ là trí thức, mà tất cả những văn nghệ sĩ chân chính dù bất cứ lao động nghệ thuật nào cũng đều hướng đến lao động trí thức”.

Tâm tình của văn nghệ sĩ với sự nghiệp đoàn kết dân tộc - 2

Nhà nghiên cứu Văn học dân gian Bùi Văn Tiếng phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Huyền Thương)

Nhà văn Trương Thị Thương Huyền, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương cho biết, vị thế của văn nghệ sĩ – trí thức có liên quan đến sự nhìn nhận, nhận thức của các lãnh đạo quản lý địa phương.

“Mỗi một địa phương có một cái rất riêng, riêng từ cách đánh giá, nhìn nhận, nhận thức của lãnh đạo quản lý đối với văn nghệ sĩ các tỉnh, để từ cách nhìn nhận đó, họ có những chính sách, chế độ, sự quan tâm nhất định đối với văn hóa nói chung và văn học nghệ thuật nói riêng” - Nhà văn Trương Thị Thương Huyền nói.

Tâm tình của văn nghệ sĩ với sự nghiệp đoàn kết dân tộc - 3

Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương nói về vị thế của văn nghệ sĩ. (Ảnh: Huyền Thương)

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương cũng đề nghị, để nâng cao vị thế của mình, văn nghệ sĩ phải tham gia trực tiếp vào hoạt động chính trị xã hội của địa phương, phải cất lên tiếng nói của mình, nhưng nói phải đúng, phải chuẩn và phải nói lên được nguyện vọng của đại đa số quần chúng.

Để đại đoàn kết dân tộc, trước hết phải đoàn kết nội bộ

Nghĩ về đại đoàn kết dân tộc qua các vấn đề của thơ Việt Nam trong thời kỳ mới, Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến trăn trở: “Đã nhiều đêm tôi băn khoăn, phải lý giải sao đây khi thơ hiện đại mỗi ngày đều ít độc giả? Phải chăng tiếng nói của nhà thơ không phải tiếng nói của số đông trí thức? Phải chăng tiếng nói của nhà thơ chưa rung động, chưa lôi cuốn được mọi người? Phải chẳng các nhà thơ đã khép chặt cõi thơ của mình không để âm vang nhọc nhằn, bức bối của đời thường có cơ hội lên tiếng?”.

Tâm tình của văn nghệ sĩ với sự nghiệp đoàn kết dân tộc - 4

Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Huyền Thương)

PGS. TS. NSND Ứng Duy Thịnh cho biết, cái kéo được cảm xúc của con người đến được nhau đó là việc tạo ra những nhân tố đoàn kết, bài học đại đoàn kết dân tộc là bài học muôn thuở, mãi mãi cần phải duy trì, phát huy, phát triển, bởi nó sẽ tạo ra giá trị mới trong hiện thực đời sống hôm nay.

Tâm tình của văn nghệ sĩ với sự nghiệp đoàn kết dân tộc - 5

PGS. TS. NSND Ứng Duy Thịnh phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Huyền Thương)

Đại đoàn kết là một vấn đề căn cốt, là một vấn đề của truyền thống của dân tộc, một vấn đề mà những văn nghệ sĩ cần phải bảo vệ, giữ gìn và phát huy. PGS. TS Trần Khánh Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương cho rằng, để thực hiện đại đoàn kết dân tộc, trước hết trong giới văn nghệ sĩ phải đoàn kết.

“Có những người họ cũng yêu nước nhưng họ nhận thức khác mình, có những người đôi lúc hơi chệch hướng nhưng chúng ta không vì một vài khuyết điểm đó mà đẩy những người đồng nghiệp của mình ra xa. Đoàn kết là biết chia sẻ, biết cảm thông, biết độ lượng” - Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương nhấn mạnh.

PGS. TS Trần Khánh Thành cho biết, trong giới văn nghệ sĩ với đặc thù là hoạt động trong môi trường rất độc lập, rất sáng tạo, cho nên không thể là một đội quân đồng bộ được. Chúng ta phải biết tiếp nhận tính khác biệt, cá tính sáng tạo trên cơ sở tin cậy, tôn trọng lẫn nhau trên tinh thần khách quan, khoa học, nhân văn.

Tâm tình của văn nghệ sĩ với sự nghiệp đoàn kết dân tộc - 6

PGS. TS Trần Khánh Thành cho rằng, để thực hiện đại đoàn kết dân tộc, trước hết trong giới văn nghệ sĩ phải đoàn kết. (Ảnh: Huyền Thương)

Cũng khẳng định giá trị của việc đoàn kết nội bộ, Nhà nghiên cứu Văn học dân gian Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng cho biết, để nâng cao vị thế, vai trò của giới văn nghệ sĩ - trí thức cần phải thành tâm tiến hành đoàn kết trong bản thân giới văn nghệ sĩ. Vì nếu bản thân văn giới trong từng Hội chuyên ngành, trong Liên hiệp nếu không thành tâm ngồi lại với nhau, cùng nhau nhìn về một phía thì rõ ràng khó có thể đóng góp hiệu quả vào sự nghiệp đại đoàn kết.

“Chúng ta đoàn kết trong văn giới thì cũng chỉ với tư cách công dân, cái điều mà Đảng, Nhà nước và nhân dân trông chờ ở chúng ta là chúng ta đoàn kết với tư cách là một người sáng tạo nghệ thuật” - Chủ tịch Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh.

Tâm tình của văn nghệ sĩ với sự nghiệp đoàn kết dân tộc - 7

Các đại biểu nghiêm túc lắng nghe ý kiến tham luận tại Hội thảo. (Ảnh: Huyền Thương)

Nêu ý kiến về vai trò của văn nghệ sĩ trong việc gắn bó và đoàn kết dân tộc, Nhà văn Niê Thanh Mai, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk khẳng định, văn nghệ sĩ phải bắt nhịp được đời sống và hòa hợp vào đời sống của nhân dân, biết khen cái hay, biết chê cái dở.

Văn nghệ sĩ phải đặc biệt khéo léo trong việc khen chê trong các tác phẩm văn học nghệ thuật, bởi công chúng, đặc biệt là người dân tộc thiểu số mong muốn những tác phẩm chân thật và phong phú, nhưng phù hợp với nguyện vọng và mong muốn của họ chứ không phải là sự xem thường, bài xích.

Tâm tình của văn nghệ sĩ với sự nghiệp đoàn kết dân tộc - 8

Nhà văn Niê Thanh Mai, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Đắk Lắk phát biểu. (Ảnh: Huyền Thương)

Một số giải pháp để nâng cao vai trò giới văn nghệ sĩ trong sự nghiệp đoàn kết dân tộc

Tại Hội thảo, PGS.TS. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã đưa ra một số gợi ý để làm rõ vai trò, vị trí của văn nghệ sĩ – trí thức trong sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc.

Tâm tình của văn nghệ sĩ với sự nghiệp đoàn kết dân tộc - 9

PGS.TS. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Huyền Thương)

Theo đó, cần tăng cường tình đoàn kết trong giới, thảo luận, tranh luận về các xu hướng, phong cách sáng tác, những hiện tượng nổi cộm trong đời sống văn nghệ nước nhà; Mở rộng đối tượng văn nghệ sĩ là người dân tộc thiểu số, các tầng lớp xã hội như công nhân, nông dân, sinh viên, văn nghệ sĩ ở nước ngoài...;

Phải nâng cao vai trò của đội ngũ phê bình văn học nghệ thuật (các Giáo sư, Tiến sĩ, các nhà khoa học, nhà báo chuyên về các lĩnh vực văn học nghệ thuật). Tăng cường công tác tư vấn, phản biện cho Đảng và Nhà nước, phản ánh tâm trạng xã hội, phản ứng của nhân dân trước những bất cập, nổi cộm trong cuộc sống.

Tâm tình của văn nghệ sĩ với sự nghiệp đoàn kết dân tộc - 10

Các tham luận tại Hội thảo cho thấy sự tâm huyết của các nghệ sĩ đối với sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc. (Ảnh: Huyền Thương)

Đối với vấn đề chăm sóc tài năng trẻ, cần chú trọng vào cơ chế phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài. Bên cạnh đó, cần mở rộng dân chủ, đảm bảo tự do sáng tạo, bảo vệ sở hữu trí tuệ. Mở rộng vai trò tư vấn, phản biện của văn nghệ sĩ thông qua các tổ chức Hội và Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật thuộc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam.

Đồng thời khuyến khích văn nghệ sĩ sáng tác nhiều tác phẩm về chủ đề “Đại đoàn kết dân tộc”, về truyền thống văn hóa của dân tộc, sự độc đáo, phong phú của nền văn hóa, văn học nghệ thuật dân gian của các dân tộc anh em./.

Huyền Thương

Tin liên quan

Tin mới nhất

Một nhà văn đam mê khám phá những đề tài mới lạ

Một nhà văn đam mê khám phá những đề tài mới lạ

Không chỉ là người đầu tiên viết tiểu thuyết về lực lượng Cảnh sát biển, mới đây nhà văn Trần Khánh Toàn lại tiếp tục thành công (giải B của Bộ Công an) với tiểu thuyết đầu tiên viết về lực lượng Cảnh sát Cơ động - một đề tài mới lạ còn ít người khám phá.