Trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực từ lâu được Đảng ta xác định là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, cấp bách trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, nhiệm vụ chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa.

Kiên quyết loại bỏ tệ tham nhũng

Nhận thức được tác hại của tham nhũng, lãng phí, ngay từ khi vừa mới giành được chính quyền, Đảng ta đã xác định tham nhũng, lãng phí chính là một kẻ thù nguy hiểm không kém gì giặc ngoại xâm nên phải kiên quyết loại bỏ.

Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do đồng chí Tổng Bí thư làm Trưởng ban.

Từ những kết quả đã đạt được và rút kinh nghiệm về công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng mà Trung ương lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt trong các nhiệm kỳ trước, đến nay, tiếp tục giành nhiều kết quả cụ thể, quan trọng, toàn diện, tạo sự ủng hộ, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội và thực sự đã trở thành tất yếu. Tham nhũng, tiêu cực từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân đối với Đảng.

Tuy nhiên, bằng nhiều “chiêu trò”, thủ đoạn, các thế lực thù địch, phản động vẫn không ngừng công kích, chống phá, phủ nhận thành quả công tác phòng, chống tham nhũng; xuyên tạc đường lối, chủ trương về công tác phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta.

Các thế lực thù địch, thành phần cơ hội chính trị, phản động tiếp tục rêu rao, cho rằng: phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam mãi chỉ là khẩu hiệu, hình thức. Có thể nói, đây là những luận điệu sai trái, nguy hiểm nhằm chống phá quyết tâm của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội.

Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cùng với đó Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Quy định số 67-QĐ/TW ngày 2-6-2022 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban chỉ đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và nhanh chóng đi vào hoạt động.

Đây là những tín hiệu cho thấy, nhiều cấp ủy đảng địa phương đã và đang vào cuộc ngày càng quyết liệt hơn, thực hiện đúng tinh thần mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh. Đó là, các cấp, các ngành phải “tiền hô hậu ủng”, “nhất hô bá ứng”, “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt” để cùng Trung ương thực hiện có chất lượng, hiệu quả cao hơn trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tham nhũng không phải chỉ có ở Việt Nam mà là vấn nạn của nhiều quốc gia. Do vậy, Đảng đã chỉ đạo từng bước đẩy mạnh đàm phán, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp, các thỏa thuận về hợp tác đấu tranh phòng, chống tội phạm với các nước; phối hợp chặt chẽ với cơ quan tư pháp của các nước, các tổ chức quốc tế để truy bắt, dẫn độ các đối tượng phạm tội tham nhũng lẩn trốn, chuyển giao tài liệu, chứng cứ và thu hồi tài sản tham nhũng tẩu tán ra nước ngoài.

Trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí - 1

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam

Những kết quả thực tiễn nêu trên là minh chứng thuyết phục, đập tan luận điệu xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch khi cho rằng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, Đảng viên là “đấu đá nội bộ, phe cánh”. Đồng thời khẳng định, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta là đúng đắn, kịp thời, hiệu quả, không phải là hình thức, mà đã trở thành quyết tâm chính trị và hành động thực tế. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, đấu tranh phòng, chống tham nhũng thực sự đã “trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược”. Công cuộc này thực sự làm cho đội ngũ cán bộ, Đảng viên và nhân dân thêm tin tưởng, phấn đấu cho sự nghiệp phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là công việc gian nan, khó khăn và lâu dài, không phải của riêng một người, một cơ quan hay một cấp, ngành, mà là công việc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đòi hỏi sự kiên quyết, kiên trì, bền bỉ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trước hết, cần: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế; đẩy mạnh phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực; hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về phòng ngừa tham nhũng; xây dựng cơ quan và đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong sạch, vững mạnh; mở rộng hợp tác quốc tế; triển khai có hiệu quả hoạt động phòng, chống tham nhũng khu vực ngoài nhà nước. Đồng thời, phải luôn tỉnh táo, đập tan âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vấn đề này.

Trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu

Thực tế, việc nêu gương của cán bộ, Đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu đóng vai trò thành hay bại trong duy trì hoạt động, đoàn kết nội bộ và chất lượng công tác của đơn vị.

Tham nhũng, tiêu cực tập trung chính vào những người có quyền lực, vị trí. Vì vậy, muốn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì cần giám sát và kiểm soát được quyền lực, chức vụ, quyền hạn của những người có quyền lực.

Muốn vậy, điều kiện quan trọng và tiên quyết không trông chờ vào các cơ quan hay nhân dân mà trước hết và sâu sắc nhất phải là vai trò của người đứng đầu đơn vị. “Thủ trưởng nào phong trào ấy” nên việc người đứng đầu sâu sát, chỉ đạo các đơn vị, cán bộ chiến sĩ chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thì sẽ được thực hiện tốt.

Mặt khác, nếu không được kiểm soát tốt, người đứng đầu có thể không thực hiện đúng hoặc tạo điều kiện, móc ngoặc, hoặc buông lỏng quản lý để cấp dưới thực hiện các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Thực tiễn đời sống chính trị cho thấy, càng đi vào quá trình phát triển hiện đại hóa, càng có nguy cơ quyền lực bị lạm dụng tha hóa. Song nhu cầu, quyết tâm kỹ năng và năng lực kiểm soát quyền lực để quyền lực phục vụ mục tiêu phát triển xã hội bền vững cũng có xu hướng ngày càng khả thi, hiệu quả hơn. Kiểm soát quyền lực nói chung và kiểm soát quyền lực của người đứng đầu nói riêng ở nước ta hiện nay đang là vấn đề được Đảng, Nhà nước và xã hội đặc biệt quan tâm ở cả hai phương diện lý luận và thực tiễn.

Từ lâu, trong nhiều văn bản quy định, Đảng ta đã nhiều lần sử dụng khái niệm “người đứng đầu”. “Người đứng đầu” ở đây được hiểu là những người có vai trò, trách nhiệm quản lý trong hệ thống tổ chức, cấp ủy đảng, cán bộ lãnh đạo quản lý đứng đầu trong hệ thống các cơ quan hành pháp, từ Chính phủ đến các cấp chính quyền địa phương. Nhìn lại hầu hết các vụ án đã đưa ra xét xử trong những năm qua, những cán bộ lãnh đạo, quản lý bị xử lý kỷ luật, cách chức, lĩnh án tù… đều là những người đứng đầu … Các nhân viên cấp dưới là những người “ăn theo”, bị người đứng đầu chỉ đạo thực hiện.

Ngạn ngữ Việt Nam có câu “Sông có khúc, người có lúc” hay “Thức lâu mới biết đêm dài, sống lâu mới biết dạ ai thế nào”. Một trong những trách nhiệm vô cùng quan trọng của người đứng đầu trong tình hình, thời điểm đầu nhiệm kỳ là trực tiếp lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát đồng thời trực tiếp kiểm tra, giám sát đối với tổ chức đảng cấp dưới cũng như đối với những vụ việc quan trọng, nổi cộm, không được khoán trắng việc kiểm tra, giám sát cho Ủy ban kiểm tra cùng cấp.

Thời gian qua, vẫn còn không ít người đứng đầu chưa dành nhiều thời gian, tâm sức cho việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát, nhất là kiểm tra, giám sát để phòng ngừa. Thực tiễn những năm qua cho thấy, ở đâu và khi nào, người đứng đầu quan tâm, coi trọng và trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, thì ở đó, vai trò, trách nhiệm của Ủy ban kiểm tra được phát huy, hoạt động kiểm tra, giám sát được đẩy mạnh, nội bộ đoàn kết, thống nhất; kỷ luật, kỷ cương được giữ vững, cán bộ, đảng viên ít vi phạm kỷ luật, thực hiện nhiệm vụ chính trị đạt kết quả tốt; tổ chức đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Trong khi đó, khi có vụ việc vi phạm kỷ luật Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, người đứng đầu thường vô cảm hoặc chịu trách nhiệm một cách chung chung sẽ làm giảm đi vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cũng như kỷ luât, kỷ cương của Đảng. Do vậy, xây dựng quy chế, quy định trong đó xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác kiểm tra, giám sát là một việc làm cần thiết.

Hiện nay, vấn đề kiểm tra, giám sát người đứng đầu là một trong những nội dung còn nhiều khó khăn, phức tạp và nhạy cảm. Có thể thấy rằng, hầu hết những hiện tượng tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, tha hóa quyền lực, lạm quyền, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống… suy cho cùng là do thiếu kiểm tra, giám sát, trước hết là đối với người đứng đầu.

Thực tiễn nhiều năm qua cho thấy, có một điểm nghẽn trong cơ chế kiểm tra, giám sát người đứng đầu đó là tình trạng trên không với tới, dưới không được lên trên trong quản lý, giám sát, thực hiện phê bình, góp ý người đứng đầu. Cơ chế hiện nay là người đứng đầu đều do cấp trên quản lý. Nếu như cấp trên quan liêu, nể nang, né tránh, không sâu sát, không lắng nghe ý kiến phản ánh, góp ý của quần chúng nhân dân về người đứng đầu thì sẽ tạo ra lỗ hổng, vô hình trung tạo điều kiện cho người đứng đầu kém chất lượng, thậm chí tham nhũng quyền lực để lợi ích nhóm, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí - 2

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng phát biểu kết luận Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020. 

Theo quan điểm cá nhân người viết bài này, thực hiện trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu trong việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí thể hiện qua những việc như sau:

1- Nhận thức rõ hơn về tham nhũng, tiêu cực và tổ chức phổ biến, quán triệt các văn bản của Đảng, Nhà nước về công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tới các thuộc cấp.

Trước đây, đấu tranh phòng, chống tham nhũng chủ yếu tập trung vào các hành vi: tham ô, chiếm đoạt tiền bạc, làm thất thoát tài sản nhà nước, nhận và đưa hối lộ. Hiện nay, tham nhũng được xác định là một loại hành vi tiêu cực do người có chức vụ, có quyền hạn thực hiện, là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Đồng thời, Đảng ta cũng nhận thức và bổ sung thêm nhiệm vụ chống tiêu cực, vì tiêu cực chính là căn nguyên dẫn đến tham ô, tham nhũng.

Phạm vi phòng, chống tham nhũng cũng được xác định rõ hơn, trước đây chỉ tập trung phòng, chống tham nhũng về tiền bạc, tài sản thì nay, phòng, chống cả sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, Đảng viên và xác định đây là chính là “cái gốc” của tham nhũng.

Trước đây, tham nhũng chỉ tập trung ở khu vực nhà nước thì nay được mở rộng ra cả phạm vi ngoài nhà nước. Sự cấu kết giữa những cán bộ, công chức, viên chức thoái hóa, biến chất trong khu vực nhà nước với những đối tượng hoạt động ngoài khu vực nhà nước là một dấu hiệu có tính phổ biến hiện nay của tội phạm tham nhũng, tiêu cực. Do đó, Đảng đã lãnh đạo từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ra ngoài khu vực nhà nước để thực hiện đồng bộ, hiệu quả.

Sau hơn 35 năm đổi mới, Đảng ta chỉ rõ, bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra còn tồn tại, trong đó nguy cơ về tham nhũng, lãng phí, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống đã có những diễn biến có chiều hướng phức tạp, chưa thể đẩy lùi một cách triệt để. Đảng ta luôn nhận diện đúng về tham nhũng, luôn nhận thức đúng về vai trò của đấu tranh phòng, chống tham nhũng lãng phí được gắn với phòng, chống tiêu cực, trọng tâm là phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, Đảng viên.

Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “… nguyên nhân sâu xa của tham nhũng là do chủ nghĩa cá nhân, do sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao”. Do đó, các tổ chức Đảng và từng cán bộ, Đảng viên phải chấn chỉnh, uốn nắn từ suy nghĩ, nhận thức mới có thể phòng, chống từ sớm, từ xa, cả ngọn lẫn gốc tình trạng tham nhũng”.

Việc phổ biến, quán triệt các văn bản được tổ chức theo nhiều hình thức và bằng nhiều biện pháp, bảo đảm đến từng cán bộ, chiến sĩ; không chỉ quán triệt chung, nhất thời mà còn phải được thực hiện thường xuyên liên tục; thậm chí nếu có điều kiện thì xây dựng hình tượng hóa trong các tác phẩm hay các cuộc thi.

Ngoài ra, việc phổ biến, quán triệt còn được thể hiện trong việc chủ động xây dựng thành các Kế hoạch, Nội quy, Chương trình… phù hợp với điều kiện theo từng hệ lực lượng và bám sát nhiệm vụ chính trị của đơn vị.

2- Thực hiện dám nghĩ, dám làm

Biểu hiện của thờ ơ vô trách nhiệm, thiếu trách nhiệm là không quan tâm đến các sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội đang diễn ra xung quanh; sống ích kỷ, suy nghĩ hẹp hòi, chỉ quan tâm đến lợi ích cá nhân, tự tư, tự lợi, sùng bái cái tôi. Luôn kèn cựa, đố kỵ; tranh công đổ lỗi, không trung thực, có những hành vi thiếu chuẩn mực văn hóa, đạo lý, pháp lý; làm việc theo kiểu nước chảy bèo trôi, cầm chừng, được chăng hay chớ với thái độ lừng khừng theo kiểu “dân có cần nhưng quan không vội”, khó người dễ ta, hoàn thành nhiệm vụ thấp, sống khép kín, làm việc, quan hệ, ứng xử theo tư duy nhiệm kỳ, né tránh để không phải nhận nhiệm vụ, bỏ bê công việc được giao hoặc rời vào trạng thái quan liêu, tham nhũng, lãng phí… Nó tước bỏ đi sự nhiệt tình, hăng hái, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên; làm mất niềm tin của đồng chí, đồng đội, của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị: Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Thực tiễn công tác lãnh đạo, chỉ đạo của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong tiến trình cách mạng Việt Nam nói chung, sau hơn 35 năm đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng nói riêng đã cho thấy: Việc cán bộ “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” có vai trò quan trọng không chỉ đối với vấn đề hoàn thành nhiệm vụ được giao mà còn ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của đất nước nói chung và mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị nói riêng.

Trước những khó khăn, thách thức của thực tiễn “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” chính là sự quyết tâm, táo bạo, dám ra quyết định đột phá của người cán bộ lãnh đạo, để họ không chỉ hoàn thành trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó mà trong những trường hợp cụ thể có thể tránh được những tổn hại không cần thiết cho tập thể, cộng đồng.

Thực tế là trước khi có Kết luận số 14, Nghị quyết số 05/NQ/HNTW khóa VI ngày 20/6/1988 “Một số vấn đề cấp bách vè xây dựng Đảng bảo đảm thực hiện Nghị quyết Đại hội VI của Đảng (Nghị quyết Trung ương 05 khóa VI) đã đưa “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” vào trong hệ tiêu chuẩn của người cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Cụ thể, Nghị quyết nêu rõ: “Tiêu chuẩn hàng đầu của cán bộ lãnh đạo là phẩm chất chính trị, trước hết thể hiện ở lòng trung thành với đường lối của Đảng, ở thái độ tích cực đối với công cuộc đổi mới, ở sự trung thực đối với Đảng; có quyết tâm cao trong việc thực hiện các Nghị quyết của Đảng, có lối sống trong sạch, lành mạnh; có kiến thức và năng lực tiếp thu và cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng vào lĩnh vực mình phụ trách, biết tổ chức và điều hành công việc, có khả năng đoàn kết cán bộ; có phong cách dân chủ tập thể, biết lắng nghe ý kiến quần chúng, sâu sát quần chúng và cơ sở; có ý thức tổ chức kỷ luật, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nói đi đôi với làm”. Với Nghị quyết Trung ương 5 khóa VI, lần đầu tiên, Đảng coi “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” là một phẩm chất cần phải có; đồng thời, đó cũng là một tiêu chuẩn đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.

Thực tế cũng cho thấy, công tác đánh giá về đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ lãnh đạo, quản lý nói riêng bên cạnh nhận xét, đánh giá của cơ quan chức năng… thì cơ bản vẫn dựa vào lá phiếu. Vì thế, trong những trường hợp cụ thể, có cán bộ sáng tạo trong suy nghĩ và thực thi nhiệm vụ, triển khai công việc có lợi cho tập thể, mang lại hiệu quả thiết thực, song lại không vừa lòng một cá nhân hay một số người nào đó, thì khi tiến hành đánh giá bằng phiếu thường sẽ bị thấp/mất phiếu. Tất nhiên, cũng cần phải khẳng định rằng, việc dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ không đồng nghĩa với làm liều, với việc nhân danh “sáng tạo, đột phá” để mưu cầu lợi ích cho bản thân hoặc nhóm lợi ích; lại càng không phải là quyết định triển khai một ý tưởng, một công việc bất chấp cơ sở lý luận và thực tiễn.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng là phải “bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”. Thực tiễn luôn là tiêu chuẩn của chân lý, được chân lý kiểm nghiệm. Vì lẽ đó, báo cáo đánh giá công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng của nhiệm kỳ Đại hội XII tại Đại hội XIII đã nhấn mạnh yêu cầu cần phải có cơ chế khuyến khích, bảo vệ những cán bộ, Đảng viên dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung.

Từ khuyến khích, đề ra yêu cầu cán bộ lãnh đạo dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm đến yêu cầu cần phải xây dựng đội ngũ cán bộ dám nghĩ dám làm dám chịu trách nhiệm là một bước tiến. Đặc biệt, yêu cầu cần phải có cơ chế để bảo vệ cán bộ “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung” chính là sự đổi mới mạnh mẽ trong công tác cán bộ của Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “Khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến… Khiến cho cán bộ có gan phụ trách, có gan làm việc… Phải đào tạo một mớ cán bộ phụ trách, có gan làm việc, ham làm việc. Có thế Đảng mới thành công. Nếu đào tạo một mớ cán bộ nhát gan, dễ bảo đập đi, hò đứng, không dám phụ trách. Như thế là một việc thất bại cho Đảng. Đồng thời, yêu cầu cần phải có cơ chế, đó là đòi hỏi của thực tiễn, để không chỉ giúp mỗi cán bộ khi quyết định sáng tạo đột phá được yên tâm hơn trong quá trình thực thi thí điểm những sáng tạo của mình, mà còn đồng thời cho thấy ý nghĩa lịch sử và giá trị thời sự lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: Học hỏi quần chúng nhung không theo đuôi quần chúng”.

Trong thực tiễn đã và luôn xuất hiện những cán bộ lãnh đạo, quản lý không chỉ thấm nhuần đạo đức cách mạng thực hiện cần kiệm liêm chính, chí công vô tư mà còn phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu, luôn sáng tạo trong từng suy nghĩ và việc làm vì lợi ích chung của nhân dân.

3 - Nêu gương trong việc thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước, các quy định của nơi cư trú, trong đó tập trung nêu gương trong sinh hoạt, trong công tác và trong tư tưởng.

Có thể nói, không chỉ trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực mà trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng vậy, vai trò của người đứng đầu vô cùng quan trọng và có tính tiên quyết. Ở địa phương (hay cơ quan, đơn vị) nào, nếu người đứng đầu có tâm, có tầm, hết lòng vì nhân dân, vì sự ổn định và phát triển của địa phương hay cơ quan, đơn vị mình thì ở đó luôn có sự phát triển ổn định và ngược lại.

Trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực chính là một trong những biểu tượng, tấm gương sáng ngời trong lãnh đạo công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Theo ông Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính trung ương, thì: "Sự gương mẫu, quyết liệt "nói đi đôi với làm" và "làm đi đôi với nói" của Tổng bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo và các lãnh đạo chủ chốt chính là chỗ dựa vững chắc, bảo đảm về mặt chính trị và tạo động lực to lớn. Do đó, đây là nhân tố hàng đầu quyết định sự thành công của công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian vừa qua".

Thực hiện tốt chế độ nêu gương, hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên nói chung, nhất là người đứng đầu nói riêng, với phương châm: “Cán bộ, đảng viên giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nêu gương”. Người đứng đầu cần nêu cao trách nhiệm, gương mẫu, quyết liệt, đi đầu, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực; chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc tham nhũng và các hành vi bao che, dung túng, cản trở việc chống tham nhũng theo quy định của Đảng, Pháp luật của Nhà nước.

Đối với người đứng đầu cấp ủy các cấp, phải thực hiện nghiêm túc Quy định số 11-QĐi/TW, ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Đây là kênh thông tin rất quan trọng giúp người đứng đầu cấp ủy kịp thời nắm bắt các thông tin liên quan đến tiêu cực, tham nhũng để xem xét, xử lý.  Sự gương mẫu, nêu gương của người đứng đầu ở các cơ quan, đơn vị, địa phương là vô cùng quan trọng và là nhân tố hàng đầu trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Nó góp phần đắc lực vào cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực thắng lợi.

Đỗ Thanh Tùng (Phòng CSGT ĐB- ĐS- CATP Hải Phòng)

Tin liên quan

Tin mới nhất