Vai trò của báo chí truyền thông trong việc xây dựng văn hóa ứng xử ở Việt Nam hiện nay

Đóng góp vào thành tựu chung của đất nước những năm tháng qua, hoạt động của hệ thống báo chí truyền thông đã và đang đóng vai trò quan trọng, góp phần tạo ra động lực phát triển xã hội và nâng cao nhận thức của cộng đồng

Văn hóa ứng xử hay ứng xử một cách có văn hóa là phạm trù thuộc về đạo đức, là thể hiện lối sống, nếp sống thông qua những hành vi, lời nói của con người, được thực hành trong giao tiếp ở những mức độ, cấp độ và phạm vi khác nhau, gắn với những hoàn cảnh, điều kiện lịch sử xã hội nhất định, của một cộng đồng người nhất định.

Cũng vì thế, cách ứng xử văn hóa hay văn hóa ứng xử của cá nhân trong cộng đồng tộc người nói riêng và cộng đồng quốc gia đa dân tộc hay nhân loại nói chung, không bao giờ cố định, bất biến, mà ngược lại, nó luôn luôn có sự vận động, thay đổi, tiếp biến theo thời đại, theo các nền văn hóa khác nhau, tạo ra sự khác biệt nhất định giữa thời kỳ lịch sử này với thời kỳ lịch sử khác, từ vùng văn hóa này đến vùng văn hóa khác, từ môi trường xã hội này sang môi trường xã hội khác…

Chính vì vậy, nói đến văn hóa ứng xử hay ứng xử một cách có văn hóa, chúng ta thường dễ có cảm nhận như vừa quen vừa lạ. Quen vì, văn hóa ứng xử của người Việt nói riêng và của các dân tộc khác trong cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam nói chung đã có quá trình hình thành từ hàng nghìn năm trên tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước.

Nhiều chuẩn mực về lối sống, đạo đức trong giao tiếp giữa con người với tự nhiên, con người với xã hội và giữa chính con người với nhau đã được các thế hệ tiền nhân tác tạo, lưu giữ và trao truyền từ đời này sang đời khác, thông qua các thị phạm răn dạy trực tiếp hoặc gián tiếp và gửi gắm vào hệ thống các kho tàng tục ngữ của mỗi dân tộc/tộc người, vào những lời hát ru hay những nếp sống, lối sống thông qua những phong tục, tập quán được cộng đồng chấp thuận, tuân theo ở các địa phương.

Lạ vì, sự thay đổi hoặc chuyển giao giữa các điều kiện lịch sử, hoàn cảnh lịch sử bao giờ cũng gắn liền với quá trình nảy sinh những yếu tố mới, cả về môi trường sinh thái lẫn môi trường nhân văn, tạo ra các tiền đề làm nảy sinh những quan niệm sống mới, những lối sống và cung cách ứng xử mới, mang lại những hậu quả vừa có tính tích cực, vừa mang biểu hiện tiêu cực, có tác động đa dạng và đa chiều tới môi trường sống của cộng đồng.

Vai trò của báo chí truyền thông trong việc xây dựng văn hóa ứng xử ở Việt Nam hiện nay - 1

Hoạt động của hệ thống báo chí truyền thông đã và đang đóng vai trò quan trọng, góp phần tạo ra động lực phát triển xã hội và nâng cao nhận thức của cộng đồng. (Ảnh minh họa) 

Việt Nam chúng ta những chục năm trở lại đây cũng đã và đang vận động bước sang một chu trình phát triển xã hội mới, gắn với nhu cầu hội nhập quốc tế. Từ một cộng đồng quốc gia vốn đã trải qua hàng nghìn năm gắn với văn hóa làng bản, tồn tại trong mối quan hệ gắn chặt giữa nông nghiệp, nông dân và nông thôn, quen với nếp sống khép kín xóm làng, lấy trọng tình làm rường cột cho mọi ứng xử, vượt qua biết bao khó khăn thử thách của các cuộc chiến tranh để tồn tại và vươn lên, bước sang thời kỳ đổi mới với những phát triển nhanh chóng về môi trường sống của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và giao lưu hội nhập, thực trạng hiện tồn của môi sinh xã hội vì thế cũng bị tác động sâu sắc.

Trong khi các hoạt động kinh tế, công nghệ đã và đang được nâng cao, phát triển như vũ bão, thì ngược lại, mọi quan hệ xã hội và môi trường văn hóa nhân văn lại đang đặt ra những vấn đề cấp thiết, gây không ít bức xúc cho cộng đồng dân tộc. Chưa bao giờ thực trạng xã hội lại sinh ra và hiện tồn như hiện nay “một bộ phận không nhỏ” đảng viên và quần chúng tha hóa về đạo đức, lối sống, chưa bao giờ mà các cặp quan hệ từ phạm vi gia đình đến nhà trường và xã hội với các ứng xử lại nảy sinh các hiện tượng phản văn hóa, vi phạm trầm trọng pháp luật Nhà nước và đi ngược với đạo lý truyền thống cao đẹp vốn có của cộng đồng, như các Nghị quyết qua những kỳ đại hội gần đây của Đảng đã chỉ ra.

Văn hóa ứng xử hay cung cách ứng xử một cách có văn hóa ở hầu khắp các mối quan hệ xã hội đã và đang đặt ra những vấn đề bức thiết, nhiều khi có nguy cơ ảnh hưởng đến sự tồn vong của dân tộc.

Trong hoàn cảnh chung đó của thực trạng xã hội những chục năm gần đây, Đảng  và Nhà nước ta đã nghiêm túc nhận ra và có những cơ chế, chính sách định hướng, điều hành các bộ máy của hệ thống chính trị vào cuộc kịp thời, từng bước có những giải pháp ứng dụng để quản lý xã hội nói chung và văn hóa nói riêng, từng bước có những cách thức tiến hành điều chỉnh, ngăn chặn tệ nạn xã hội cũng như các hình thức hoạt động của các lực lượng thù địch, hướng đến mục đích xây dựng một nước Việt Nam có nền văn hóa tiên tiến và đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Đóng góp vào thành tựu chung của đất nước những năm tháng qua, hoạt động của hệ thống báo chí truyền thông đã và đang đóng vai trò quan trọng, góp phần tạo ra động lực phát triển xã hội và nâng cao nhận thức của cộng đồng. Hàng nghìn bài báo trên các phương tiện truyền thông đại chúng đã kịp thời phản ánh thực trạng xã hội một cách tích cực, một mặt phê phán những hạn chế, tiêu cực phản văn hóa vốn đã và đang nảy sinh trong một bộ phận cộng đồng; mặt khác, góp phần phản ánh sâu rộng và kịp thời những tấm gương người tốt, việc tốt, có sức hút và tác động tích cực đến đời sống văn hóa nói riêng và đời sống xã hội nói chung của cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam.

Xuất phát từ những vấn đề đã và đang đặt ra trong thực tiễn cũng như trong nghiên cứu lý luận nói chung, liên quan đến phạm vi văn hóa ứng xử hay ứng xử một cách có văn hóa, tại nhiều cuộc hội thảo khoa học hoặc các diễn đàn văn hóa được tổ chức những chục năm trở lại đây, với sự hiện diện của đông đảo đại diện đội ngũ báo chí truyền thông, thiết nghĩ, đội ngũ các nhà báo và những người làm công tác quản lý văn hóa đã và đang tập trung quan tâm về một số vấn đề cơ bản sau đây:

Một là, xác định một cách rõ nét những nguyên tắc chung của văn hóa ứng xử trên cơ sở nghiên cứu môi trường và thực tiễn ứng xử văn hóa của cộng đồng các dân tộc, trong và ngoài nước, phù hợp với những điều kiện xã hội tương đồng với Việt Nam.

Hai là, đi sâu đề cập đến những biểu hiện ứng xử phi văn hóa vốn đã và đang diễn ra trong xã hội, dự báo những diễn tiến của nó để từng bước chủ động lên tiếng phê phán, ngăn chặn, góp phần hạn chế tiêu cực trong xã hội hiện tại và lâu dài.

Ba là, nêu ra những giải pháp ứng dụng thực tiễn để góp phần bảo tồn, lựa chọn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trong phạm vi ứng xử văn hóa của các dân tộc trong cộng đồng quốc gia đa dân tộc Việt Nam, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, phù hợp với tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế.

Bốn là, nêu những bài học kinh nghiệm trong quá trình tác nghiệp, viết bài về những tấm gương người tốt, việc tốt trong xã hội. những kinh nghiệm phổ biến, lan tỏa vẻ đẹp của ứng xử văn hóa tới mọi thành phần dân chúng trong điều kiện xã hội hiện nay và mai sau.

Năm là, đề xuất những giải pháp ứng dụng từ góc độ báo chí truyền thông để định hướng và thể hiện ý thức cụ thể, mang lại hiệu quả trong việc tuyên truyền văn hóa ứng xử trước sự hiện diện của mạng xã hội và những phương tiện truyền thông đại chúng trong thời đại công nghiệp 4.0 hiện nay.

Bàn về văn hóa ứng xử là bàn về một phạm vi rộng lớn, đa dạng và phức tạp, cần có sự hợp lực của các ngành, các cấp và toàn hệ thống chính trị của cả nước. 

Bùi Quang Thanh

Tin liên quan

Tin mới nhất

Nhà thơ thương binh viết về thương binh liệt sĩ Trường hợp Hoàng Cát

Nhà thơ thương binh viết về thương binh liệt sĩ Trường hợp Hoàng Cát

Sau nhiều năm lâm bệnh ung thư, khi thì qua, khi thì nặng trở lại, nhà thơ thương binh Hoàng Cát đã về cõi vĩnh hằng vào ngày 1 tháng 7 năm 2024, đúng vào đầu tháng có kỉ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, hưởng thọ 83 tuổi. Nhà thơ sinh năm 1942 tại quê nhà Nghệ An, nhưng đã cư trú liên tục tại Hà Nội từ năm 1960.

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống  văn hóa, văn minh đô thị

Phát huy giá trị đa văn hóa trong nếp sống văn hóa, văn minh đô thị

Hội thảo khoa học diễn ra ngày 25/07/2024 tại TP.HCM do Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á (Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) phối hợp với Hội hữu nghị Việt Nam – Asean TP.HCM tổ chức mang chủ đề "Giải pháp phát huy giá trị đa văn hóa và tiềm năng của các gia đình có yếu tố nước ngoài tại TP.HCM góp phần xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh đô thị” đã đặt ra nhi

Toàn văn Lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Toàn văn Lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Ngày 26/7, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), đồng thời Lễ truy điệu cũng được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội). Ủy vi