3 lần ninja can dự thế cục thời Chiến quốc: Kết quả ra sao?

Ám sát, đột kích, thanh trừng, phá hoại và bảo vệ chủ nhân trung thành như một samurai, những hành động của ninja đến nay vẫn còn gây tranh cãi trong giới nghiên cứu lịch sử Nhật Bản.

3 lần ninja can dự thế cục thời Chiến quốc: Kết quả ra sao? - 1

Nhẫn thuật (ninjutsu) của ninja là thứ các daimyo, shogun thèm muốn (ảnh: Way of Ninja)

Suốt 1.000 năm chiến đấu trong bóng tối, giới ninja (nhẫn giả) chưa bao giờ được các lãnh chúa (daimyo) và tướng quân (shogun) coi trọng. Ninja chiến đấu vì tiền và những kỹ năng của họ chỉ được dùng đến khi một daimyo hoặc shogun cần “tốt thí” để xâm nhập lãnh thổ kẻ địch, thu thập thông tin tình báo, gây rối hay ám sát đối thủ.

Các daimyo và shogun có nhu cầu lớn về những “dịch vụ” như vậy, đặc biệt là trong thời kỳ Sengoku (Chiến quốc), kéo dài từ năm 1467 đến năm 1615 – thời kỳ vô pháp nhất trong lịch sử Nhật Bản. Ninja ở vùng Iga và Koga đã can dự vào nhiều cuộc chiến và tác động đáng kể đến kết quả, John Man – nhà nghiên cứu lịch sử người Anh – viết trong cuốn “Ninja: 1,000 Years of the Shadow Warrior” (Ninja: 1.000 năm chiến binh bóng tối).

3 lần ninja can dự thế cục thời Chiến quốc: Kết quả ra sao? - 2

Ninja không từ thủ đoạn để triệt hạ đối thủ (ảnh: Nippon)

Đốt cháy lâu đài

Thời phong kiến, các lâu đài ở Nhật không chỉ là nơi ở của daimyo và shogun. Chúng được thiết kế như một pháo đài, nơi các gia tộc tập trung lực lượng quân sự lớn để tấn công và thôn tính địa bàn của đối thủ, theo Grunge.

Ngay cả với một ninja chuyên nghiệp, việc xâm nhập vào lâu đài cũng không hề dễ dàng. Những con đường trong lâu đài được thiết kế quanh co, rất khó đi. Lính canh có thể phát hiện quân địch từ khoảng cách 1km. Tệ hơn, một số phòng trong lâu đài còn được thiết kế để chống ninja, với mặt sàn kêu cót két rất to khi có người giẫm lên, gọi là “sàn chim họa mi” (Uguisubari).

Bakemono-jutsu (nhẫn thuật ma) là thuật hiệu quả nhất để ninja sử dụng khi xâm nhập lâu đài địch, theo Grunge. Nghe có vẻ khá đáng sợ, nhưng bakemono-jutsu thực chất là việc ninja cải trang, thay đổi từ ngoại hình đến giọng nói, để trà trộn vào hàng ngũ kẻ địch. Với thuật này, ninja có thể thoải mái hành động trong lâu đài của đối phương mà không bị phát hiện.

Theo Iga Ninja (trang tin Nhật), năm 1558, Rokkaku Yoshikata (1521 – 1598), trưởng gia tộc Rokkaku và là daimyo ở tỉnh Omi, đã phải thuê ninja để trừng trị Dodo Kuranosuke – viên tướng phản bội trong gia tộc.

Sự phản bội của Kuranosuke được cho là do sự xúi giục của Azai Nagamasa, thuộc hạ cũ của Rokkaku Yoshikata. Trong cuộc tranh đoạt quyền lực ở tỉnh Omi, gia tộc Azai đã nhiều lần bị gia tộc Rokkaku chèn ép.

3 lần ninja can dự thế cục thời Chiến quốc: Kết quả ra sao? - 3

Lâu đài Sawayama ở Hikone (ảnh: Japan Guide)

Sau khi tuyên chiến với gia tộc Rokkaku, Dodo Kuranosuke chiếm lâu đài Sawayama – cứ điểm quân sự quan trọng thuộc tỉnh Omi (thời Sengoku) nay thuộc thành phố Hikone, tỉnh Shiga, Nhật Bản. Yoshikata dẫn quân đến bao vây lâu đài, nhưng không hạ nổi.

Khi đội quân của Yoshikata kiệt quệ và mệt mỏi là lúc ông nghĩ đến việc sử dụng ninja.

Bansenshukai (tư liệu từ thế kỷ 16 ghi chép về hành động của ninja Iga, ninja Koga) chép, Yoshikata đã thuê một nhóm ninja vùng Iga, chỉ huy bởi Tateoka Doshun (cấp bậc chunin). Nhiệm vụ của họ là xâm nhập và phá hoại lâu đài Sawayama từ bên trong.

Trong cuốn “Warriors of Medieval Japan” (Những chiến binh Nhật Bản thời Trung cổ), nhà sử học người Anh – Stephen Richard Turnbull – viết, nhóm ninja (hơn 40 người) do Doshun chỉ huy đi vào lâu đài Sawayama bằng cổng chính.

Thuật bakemono-jutsu được sử dụng. Nhóm ninja Iga cải trang thành lính của Dodo Kuranosuke. Họ mang theo những chiếc đèn lồng vẽ “mon” (gia huy) của gia tộc Dodo, đi qua cổng chính lâu đài mà không bị phát giác.

Nhóm ninja Iga phóng hỏa lâu đài Sawayama và trốn thoát thành công. Sự việc gây bất ngờ đến nỗi Dodo Kuranosuke cho rằng binh lính của ông đang nổi loạn chứ không phải do một cuộc tấn công từ bên ngoài.

Yoshikata tấn công trong lúc đối phương hỗn loạn. Ông chiếm được lâu đài Sawayama và chuẩn bị trận đánh lớn với gia tộc Azai, nhưng thất bại.

Bansenshukai chép, năm 1561, Kizawa Nagamasa – daimyo ở tỉnh Yamato – tấn công gia tộc Rokkaku. Trong trận chiến ở Maibara (nay thuộc tỉnh Shiga, Nhật Bản), Nagamasa đã thuê 3 ninja vùng Iga phóng hỏa lâu đài của gia tộc Rokkaku và giành chiến thắng.

Điều này cho thấy các ninja thực hiện nhiệm vụ chủ yếu vì tiền. Vài năm trước, gia tộc Rokkaku còn là “khách hàng” của họ, theo Grunge.

3 lần ninja can dự thế cục thời Chiến quốc: Kết quả ra sao? - 4

Tranh vẽ Hattori Hanzo và Tokugawa Ieyasu (ảnh: Way of Ninja)

Hộ tống shogun

Hattori Hanzo (1541 – 1596) là trường hợp đặc biệt của giới ninja Nhật. Ông sở hữu những kỹ năng của một ninja thượng thừa và lòng trung thành đáng nể của một samurai, theo ThoughtCo.

Hattori Hanzo được huấn luyện ninjutsu và kiếm thuật từ khi mới 8 tuổi. Ông là con trai của Hattori Yasunaga, một trong những ninja mạnh mẽ và quyền lực nhất vùng Iga.

Trong một số câu chuyện dân gian, Hanzo khi còn nhỏ đã leo lên nhiều ngọn núi và được các yamabushi (tu sĩ ẩn cư) chỉ dạy về kiếm thuật. Ông kết hợp kiếm thuật với ninjutsu và chiến đấu linh hoạt, biến ảo đến mức khiến đối thủ khiếp sợ. Hanzo có biệt danh là “Oni no Hanzo” (Quỷ Hanzo).  

Cũng có người cho rằng biệt danh “Oni no Hanzo” xuất phát từ việc Hanzo không bao giờ tha mạng cho đối thủ, theo ThoughtCo.

Trong cuốn “Ninja: 1,000 Years of the Shadow Warrior”, nhà sử học người Anh John Man viết, Hanzo là một trong các thủ lĩnh của ninja vùng Iga. Ông từng có thời gian phục vụ Oda Nobunaga (1534 – 1582), vị lãnh chúa hùng mạnh đã đánh bại hầu hết các gia tộc chống đối trong thời kỳ Sengoku.

Tuy nhiên, khi Nobunaga có ý định tiêu diệt thế lực ninja và chiếm vùng Iga, Hanzo kiên quyết chống lại.

Năm 1581, lực lượng ninja ở Iga bị đội quân của Nobunaga đánh bại. Hanzo dẫn một nhóm ninja đến đầu quân cho Tokugawa Ieyasu – lãnh chúa tỉnh Mikawa, cũng là thuộc hạ của Nobunaga.

Lịch sử biết rất ít về lý do Ieyasu tiếp nhận Hanzo. Trong một câu chuyện truyền miệng, Hanzo từng cùng một nhóm binh sĩ của gia tộc Tokugawa tấn công lâu đài Kaminogo và giải cứu 2 người con gái của Ieyasu (bị gia tộc đối thủ bắt cóc). Lúc này Hanzo mới 16 tuổi và ông nhận được nhiều lời khen từ Ieyasu.

3 lần ninja can dự thế cục thời Chiến quốc: Kết quả ra sao? - 5

Akechi Mitsuhide làm phản, ép chết Nobunaga (tranh minh họa)

Năm 1582, Akechi Mitsuhide, viên tướng thân cận dưới trướng Nobunaga bất ngờ tạo phản. Nobunaga phải tự sát ở chùa Honno (Kyoto).

Cái chết bất ngờ của Nobunaga khiến Nhật Bản tiếp tục rơi vào hỗn loạn. Tokugawa Ieyasu – người ủng hộ gia tộc Oda – là mục tiêu Akechi Mitsuhide nhắm đến.

Theo ThoughtCo, thời điểm Nobunaga chết, Tokugawa Ieyasu đang ở Hirakata, tỉnh Osaka, cách Mikawa (căn cứ của gia tộc Tokugawa khoảng 700km). Cái chết của Nobunaga khiến Ieyasu hoàn toàn bị động. Ông buộc phải trở về Mikawa nhanh nhất có thể để hội quân cùng Toyotomi Hideyoshi (một thuộc hạ khác của Nobunaga) chống lại Akechi Mitsuhide.

Lộ trình ngắn nhất Ieyasu vạch ra là đi qua vùng Iga. Tuyến đường này bị ngăn trở bởi quân đội của Akechi và các nhóm Ochimusha-gari (cướp núi).

Ochimusha-gari, thành phần chủ yếu là nông dân mất ruộng đất và ronin (samurai vô chủ), đặc biệt hoành hành trên tuyến đường trở về Mikawa của Ieyasu. Chúng săn giết và cướp bóc người qua đường bất kể thân phận, theo ThoughtCo.

Hanzo, với sự mạnh mẽ và nhạy bén của một ninja, đã tiêu diệt từng nhóm Ochimusha-gari và hộ tống Ieyasu an toàn trở về Mikawa. Khi đến vùng Iga, một số ninja Iga cũng gia nhập đoàn tùy tùng của Ieyasu.

Trong cuốn nhật ký của mình, Matsudaira Ietada (bộ tướng của Ieyasu) viết, 200 người trong đoàn hộ tống của Ieyasu đã bỏ mạng trong hành trình vội vã trở về Mikawa. Chỉ có 34 người sống sót, trong đó có Ietada và Hanzo.

3 lần ninja can dự thế cục thời Chiến quốc: Kết quả ra sao? - 6

Đường trở về của Tokugawa Ieyasu bị những toán cướp ngăn chặn (tranh minh họa)

Trở về Mikawa sau 5 ngày (vừa cưỡi ngựa, vừa chiến đấu với các toán cướp), Ieyasu hội quân cùng Toyotomi Hideyoshi và tiêu diệt kẻ phản bội Akechi Mitsuhide. Di sản của Nobunaga được bảo vệ và Nhật Bản từng bước đi vào ổn định.

Năm 1603, Ieyasu đánh bại các thế lực chống đối (sau trận Sekigahara) và trở thành shogun của toàn nước Nhật. Ông Ieyasu nhận danh hiệu Chinh di Đại tướng quân, lập ra chế độ Mạc phủ Tokugawa và đặt nền móng cho thời kỳ Edo hòa bình lâu dài.

Hanzo tiếp tục phục vụ Ieyasu. Ông chỉ huy một đội quân ninja và tiếp quản doanh trại phía tây thành Edo (thuộc quận Chiyoda, thành phố Tokyo ngày nay), cũng là nơi ở của Ieyasu. Cổng phía tây thành Edo nay có tên gọi là Hanzomon. Ở Tokyo cũng có ga điện ngầm Hanzomon.

Hanzo qua đời vào năm 1596. Ông được chôn cất trong chùa Sainen-ji (Tokyo) cùng với những món vũ khí yêu thích.

3 lần ninja can dự thế cục thời Chiến quốc: Kết quả ra sao? - 7

Uesugi Kenshin – đối thủ của lãnh chúa Nobunaga (ảnh: Japan Guide)

Vụ ám sát trong nhà vệ sinh

Thời Sengoku, chế độ Mạc phủ Ashikaga không khống chế nổi các chư hầu dẫn đến chiến tranh liên miên, tranh giành địa bàn giữa các gia tộc. Năm 1573, Oda Nobunaga ra lệnh giải tán chính quyền bù nhìn Ashikaga và phát động cuộc chiến nhằm thống nhất Nhật Bản.

Sau nhiều trận chiến với thắng lợi vẻ vang, Nobunaga đụng độ với Uesugi Kenshin (1530 – 1578), lãnh chúa ở tỉnh Echigo, người có tham vọng không thua kém Nobunaga và được mệnh danh là “thần chiến tranh” hay “con rồng xứ Echigo”, theo History.

Năm 1576, Kenshin bắt đầu bành trướng và thống nhất các gia tộc nhỏ yếu xung quanh tỉnh Echigo. E ngại thế lực của Kenshin, Nobunaga quyết định tấn công trước.

Một trận chiến lớn đã nổ ra gần sông Tedori, tỉnh Kaga.

Đội quân tiên phong của Nobunaga có khoảng 18.000 người, do tướng Shibata chỉ huy. Nobunaga đích thân dẫn 20.000 quân theo sau tiếp ứng. Ở phía bên kia sông Tedori, Kenshin chỉ huy khoảng 30.000 quân đón đánh.

Theo History, đây là trận đánh với quy mô lớn bậc nhất thời Sengoku.

Bất chấp ưu thế về quân số của Nobunaga, Kenshin vẫn giành chiến thắng. Nobunaga buộc phải rút quân về tỉnh Omi. Giai đoạn năm 1577 – 1578, Kenshin chuẩn bị lực lượng để tấn công các vùng đất của gia tộc Oda.

Theo Ancient Pages, để nhổ bỏ “cái gai trong mắt”, Nobunaga đã nhờ cậy ninja vùng Iga.

Một nhóm 4 ninja Iga, do Ukifune Kenpachi chỉ huy, đã lẻn vào lâu đài của Kenshin để ám sát ông nhưng thất bại. Điều họ không ngờ tới là Kenshin cũng thuê ninja để bảo vệ mình.

Thất bại trong vụ ám sát đầu tiên là “cái tát” đối với uy tín của ninja Iga. Họ phải sắp xếp vụ ám sát thứ 2 để hoàn thành nhiệm vụ.

Một ninja tên Ukifune Jinnai (em trai của Ukifune Kenpachi) được giao nhiệm vụ ám sát Kenshin. Jinnai đã vạch ra một kế hoạch “không tưởng” dựa trên chiều cao khiêm tốn của mình.

Theo Ancient Pages, Jinnai cao dưới 1 mét. Tuy nhiên, đây lại là lợi thế đặc biệt của ninja này.

Jinnai một mình đột nhập vào lâu đài của Kenshin (được cho là bằng cách chui qua đường ống cống). Ông ta nấp bên dưới nhà xí (nhà vệ sinh) và chờ đợi Kenshin đến.

3 lần ninja can dự thế cục thời Chiến quốc: Kết quả ra sao? - 8

Nhà vệ sinh kiểu cổ ở Nhật Bản (ảnh: Japan style)

Thời phong kiến Nhật Bản, nhà xí được thiết kế riêng biệt ngoài trời và cách xa khu vực người ở. Về cơ bản, nhà xí có một cái máng với tầng hầm bên dưới để chứa chất thải. Với thân hình nhỏ gọn, Jinnai dễ dàng chui lọt qua đường máng và nấp bên dưới tầng hầm.

Trước đó, Jinnai đã tự nhốt mình trong những chiếc bình lớn để rèn luyện khả năng co rút thân thể trong thời gian dài.

Khi Kenshin ngồi vào nhà xí, ngọn giáo sắc ngọn bất ngờ từ bên dưới đâm lên (có tài liệu chép rằng Jinnai đâm bằng kiếm). Kenshin chết trong nhà vệ sinh trong khi lính canh không thể phát hiện ninja đang ẩn nấp dưới đống chất thải. Jinnai thoát khỏi lâu đài.

Nguyên nhân cái chết của lãnh chúa Kenshin đến nay vẫn còn gây tranh cãi. Nhiều chuyên gia lịch sử cho rằng Kenshin đã uống quá nhiều rượu dẫn đến ung thư dạ dày và đột tử, chứ không phải bị ninja ám hại, theo Way of Ninja.

Một số tài lịch sử chép rằng, sức khỏe của Kenshin đã rất kém vào những năm cuối đời. Ông thường phàn nàn về những cơn đau ở ngực và bụng như “có quả bóng sắt” bên trong.

Koyo Gunkan (tài liệu lịch sử thời Sengoku) cũng ghi chép về những cơn đau bụng dữ dội của Kenshin.

Sau cái chết của Kenshin, Nobunaga phát động tấn công và dễ dàng chiếm được các vùng đất của gia tộc Uesugi.

Người ta nói rằng, khi nghe tin về cái chết của Kenshin, Nobunaga nói: “Giờ thì thiên hạ đã là của ta”.

Chính Pháp – tổng hợp

Tin liên quan

Tin mới nhất

Ông Donald Trump khơi mào cuộc chiến thuế quan mới: Điều gì đang chờ đợi kinh tế Mỹ và thế giới?

Ông Donald Trump khơi mào cuộc chiến thuế quan mới: Điều gì đang chờ đợi kinh tế Mỹ và thế giới?

Tổng thống Mỹ Donald Trump chuẩn bị khởi động một loạt chính sách thuế quan mới, áp mức thuế cao đối với hàng nhập khẩu từ Canada, Mexico và Trung Quốc. Quyết định này có thể làm thay đổi đáng kể cán cân thương mại toàn cầu, thử thách nền kinh tế Mỹ và gây ra những phản ứng mạnh mẽ từ các đối tác thương mại.