Con đường tơ lụa xuyên Đại Tây Dương

Nhân có một số sự kiện liên quan, Trung ương Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam đã tổ chức một đoàn doanh nhân đi khảo sát và tìm hiểu thị trường một số quốc gia Nam Mỹ. Nam Mỹ là một thị trường rộng lớn nhưng ngày đó vẫn còn quá mới mẻ và xa lạ đối với Việt Nam. Trước chúng tôi, lác đác đã có một vài doanh nghiệp Việt hoạt động ở xứ này, nhưng đó chủ yếu là của những người Việt di tản định cư sau năm 1975, hoặc một vài cán bộ nhân viên ngoại giao của ta hết nhiệm kỳ ở lại kinh doanh. Để tổ chức một đoàn doanh nhân đông đảo lên đường thực hiện một cuộc khảo sát qui mô, mở hướng khai phá thị trường những quốc gia rộng lớn khu vực Nam Mỹ, có thể nói các doanh nhân thuộc Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam khi ấy xứng đáng được gọi là những người đi tiên phong.

Ngày 14/11/2004 từ Hà Nội đoàn bay sang Thái Lan, vì chưa có đường bay thẳng nên từ đây phải chuyển tải đi Frankfurt - Đức, tại đây đợi nửa ngày lại chuyển tải tiếp để bay đi Sao Paulo – Brasil.

Con đường tơ lụa xuyên Đại Tây Dương - 1

Thành phố Sao Paulo - Thủ đô Brasil

Trong gần 14 tiếng đồng hồ ngồi trong khoang máy bay của hãng Lufthansa, bay thẳng từ Đức sang Brasil, tôi vẫn có thói quen luôn để ý vào tấm màn hình khổ lớn treo trên vách ngăn phía trước. Màn hình thỉnh thoảng lại xuất hiện tấm bản đồ Tây bán cầu gồm châu Âu và châu Mỹ đối xứng qua hai bờ Đại Tây Dương. Có một đường kẻ màu vàng xuất phát từ điểm gốc là thành phố Frankfurt, thời gian bay càng lâu thì đường kẻ vàng càng kéo dài, điểm mút cuối cùng mang hình máy bay chính là địa phương dưới mặt đất nơi máy bay đang bay qua.

Nếu quan sát trong một thời gian ngắn, ta không thể nhận ra sự di chuyển của hình máy bay. Nhưng lâu lâu, khoảng vài ba tiếng nhìn lại, bỗng thấy đường kẻ đã vươn dài qua biên giới của một hay vài ba quốc gia nào đó. Hình dáng và độ dài của đường kẻ vàng này chính là sơ đồ đường bay đang thực hiện. Kỹ thuật điện tử này mới ứng dụng chưa được bao lâu, và trong lĩnh vực chuyên môn người ta vẫn gọi là “Định vị vệ tinh”.

Sau khoảng già nửa thời gian chuyến bay đêm đó, nhìn trên bản đồ, sơ đồ đường bay chúng tôi đã kéo dài qua không phận các nước Pháp, Tây Ban Nha, vượt qua Địa Trung Hải tại eo biển Gibraltar để vào đất Châu Phi, tiếp tục vượt qua không phận và duyên hải các nước Tây Bắc Phi như Maroc, Tây Sahara, Mauritanie, Guinée xích đạo, rồi chếch dần về hướng Tây, vươn ra Đại Tây Dương xuôi về hướng Tây Nam. Lại vài tiếng nữa, đường bay đã cắt chéo Đại Tây Dương để tiếp cận với bờ biển Nam Mỹ thuộc đất Brasil. Cứ thế, đường kẻ vàng tiếp tục vươn dài về hướng Tây Nam ven biển, nơi có thành phố Sao Paulo, điểm hạ cánh chuyến bay chúng tôi.

Quan sát hình ảnh đường bay trong toàn cảnh bản đồ hai bờ đại lục Âu Mỹ, tôi bỗng liên tưởng tới một tấm bản đồ có in sơ đồ đường đi vòng quanh thế giới lần đầu tiên của một hạm tầu Tây Ban Nha do nhà hàng hải huyền thoại Magellan chỉ huy. Tấm bản đồ đó được in trong một cuốn sách kể về chuyến đi biển lịch sử của ông cách đây gần năm trăm năm.

Nghĩ về tấm bản đồ hàng hải cổ xưa ấy tôi mường tượng nhận ra, sơ đồ đường bay của chúng tôi đêm nay có vẻ như lại trùng hợp với sơ đồ di chuyển chặng đầu tiên, tức là chặng đường từ lúc đoàn thám hiểm Magellan khởi hành ở thành phố hải cảng Seville nước Tây Ban Nha, cho đến khi cả hạm đội dừng lại ở một vùng bờ biển miền trung Brasil để nghỉ ngơi, chấn chỉnh đội hình trước khi tiếp tục cuộc hành trình. Chỉ có điều gần năm trăm năm trước, hạm đội Magellan phải mất 84 ngày để hoàn thành hải trình đó, còn ngày nay, máy bay chúng tôi chỉ mất 14 tiếng đồng hồ.

Từ cảm nghĩ về sự trùng hợp của hai sơ đồ đường đi sang Nam Mỹ xưa và nay, trong tôi lại xuất hiện một sự liên hệ mới về công việc tìm kiếm và mở rộng thị trường của nghề đi buôn hôm nay với những công việc gian khổ, đầy bất trắc hy sinh của các nhà buôn và các nhà hàng hải những thế kỷ trước.

Lịch sử phát triển kinh tế thế giới còn ghi lại rằng, vào những thế kỷ xa xưa ở Châu Âu, người ta đã biết sử dụng nhiều loại hương liệu được đem đến từ phương Đông như hồ tiêu, quế, gừng... làm gia vị chế biến giúp cho món ăn thêm ngon và có lợi cho sức khoẻ. Bên cạnh đó còn có các loại dược liệu thiên nhiên cũng đến từ phương Đông như long não, tinh dầu hồi… dùng để làm thuốc chữa được nhiều thứ bệnh.

Nhưng khi đó những hương liệu và dược liệu này ở châu Âu đều rất hiếm, khó mua, mà giá cả thì đắt như vàng. Ví như hồ tiêu nó quý tới mức có nơi có lúc được dùng làm phương tiện thanh toán công nợ, nộp các loại thuế mua bán những tài sản lớn như nhà cửa, ruộng vườn, thuyền bè... Trong khi đó ở Ấn Độ và những quốc gia phương Đông khác, các loại sản phẩm này lại không đắt hơn lúa gạo và đậu đỗ là mấy. Vì có sự chênh lệch giá cả quá lớn nên trong nhiều thế kỷ liên tiếp, nghề buôn hương liệu và dược liệu phương Đông đã trở thành một nghề hấp dẫn, thu hút rất nhiều người có chí làm giầu.

Vì sao lại có sự chênh lệch giá cả tới mức không thể tưởng tượng được như vậy? Lý do rất đơn giản. Những thương nhân Châu Âu khi đó muốn đến được các xứ sở giàu có phương Đông để trao đổi hàng hoá, rồi đem về nước những thùng hương liệu, dược liệu quý giá đó, họ chỉ có thể đi theo hai tuyến đường. Nếu theo tuyến đường bộ, người ta phải đi về hướng Đông, vượt qua lục địa Âu Á rộng dài vạn dặm bằng lạc đà, các chuyến đi như thế kéo dài có khi tới hai ba năm trời.

Nếu không đi theo tuyến đường bộ, người ta buộc phải chọn tuyến đường biển vòng xuống phía Nam Châu Phi, tiến vào Ấn Độ Dương để đi tiếp về phương Đông. Đây là một tuyến đường rất dài, tàu của họ phải vượt qua những vùng biển có nhiều bão lớn, dễ chạm trán những toán cướp biển dũng mãnh và tàn bạo. Những ai thực hiện trót lọt những chuyến đi như thế, để đem về những thùng hương, dược liệu, họ thường phải trả bằng cái giá rất đắt, đôi khi bằng cả sinh mệnh của mình.

Vào thời gian ấy, một quan niệm khoa học mới mẻ đang hình thành và ngày càng có sức thuyết phục, đó là quan niệm cho rằng trái đất là một hành tinh hình khối cầu. Những người có đầu óc đã nhận ra rằng, nếu trái đất là hình cầu, thì không nhất thiết cứ phải đi về phương Đông mới đến được các quốc gia phương Đông. Có thể tìm ra một con đường khác nếu cứ đi mãi về hướng Tây thế nào cũng đến được Ấn Độ, Trung Hoa và các quốc gia phương Đông!

Fernando de Magellan là một người Bồ Đào Nha, ông ra đời năm 1480, tròn 12 năm sau khi nhà hàng hải Colombo tìm ra châu Mỹ. Cũng giống như những con người quả cảm, ưa mạo hiểm và khám phá, Magellan đã chọn nghề đi biển, và coi đó là sự nghiệp đời mình. Khi ông đã là một thuyền trưởng có tên tuổi, thì cũng là lúc phong trào tìm kiếm con đường hàng hải vượt qua châu Mỹ đi về các nước phương Đông của các nhà hàng hải lớp trước đã tạm lắng xuống, lý do là trong nhiều năm trời tìm kiếm suốt dọc bờ biển châu Mỹ, đã không ai thu được một kết quả nào. Thất bại đó đã khiến có nhiều ý kiến cho rằng, không thể có con đường biển nào để có thể đi thông từ Đại Tây Dương, sang một biển lớn ở phía sau châu Mỹ.

Nhưng với kinh nghiệm dày dạn trong nghề đi biển, cộng với một khả năng quan sát và suy đoán phi thường, Magellan đã tiên đoán rằng, tất cả các đại dương thế giới đều thông với nhau, vì vậy ở hai đầu lục địa châu Mỹ chắc chắn sẽ có eo biển thông từ Đại Tây Dương sang một biển lớn phía sau. Ông còn dự đoán, một trong hai eo biển đó sẽ nằm ở cực Nam đại lục Châu Mỹ. Nếu đi về hướng đó, chắc chắn sẽ tìm được con đường đi tiếp về hướng Tây.

Cũng giống Colombo ba mươi năm trước, Magellan đã phải khổ công vận động các nhà đầu tư và tài trợ Bồ Đào Nha ủng hộ cho dự án vượt biển. Nhưng tất cả các cuộc vận động đều không thành. Rời bỏ quê hương, ông phải tìm đường sang sinh sống ở Tây Ban Nha để tìm kiếm cơ hội, thực hiện hoài bão đời mình, ở đây, người ta đã nghe theo ông và phong cho ông chức Đô Đốc, tổng chỉ huy một hạm đội 5 tàu buồm, cùng với 234 sĩ quan và thuỷ thủ, để thực hiện chuyến viễn du vòng quanh thế giới.

Để vượt qua Đại Tây Dương, Magellan quyết định chọn hải trình kiểu Bồ Đào Nha, tức là cho tầu đi men bờ Tây lục địa châu Phi, xuôi xuống phía Nam, khi đến vùng hẹp nhất của Đại Tây Dương, thì rẽ ngoặt về hướng Tây, vượt biển rồi men theo bờ lục địa phía Đông Châu Mỹ, xuôi tiếp xuống phía Nam.

Con đường tơ lụa xuyên Đại Tây Dương - 2

Sân bay quốc tế Sao Paulo - Brasil

Vào một buổi sáng đẹp trời ngày thứ ba 20/9/1519, hạm tàu 5 chiếc dưới quyền tổng chỉ huy của Magellan, đã nhổ neo tại thành phố cảng Seville - Tây Ban Nha, bắt đầu thực hiện một chuyến đi vĩ đại nhất trong lịch sử hàng hải thế giới. Theo đúng hải trình kiểu Bồ Đào Nha, hạm tàu đi men theo bờ biển Tây Châu Phi, hướng về xích đạo trái đất. Khi còn cách xích đạo khoảng 15 độ vĩ tuyến, hạm tàu nhất loạt quặt sang bên phải, nghiêng với hướng gió, 5 con tàu cùng nghiêng hẳn về mạn trái, những cánh buồm trắng căng phồng gió biển, hướng ra đại dương. Bờ biển châu Phi mờ dần rồi khuất hẳn đường chân trời.

Ba hôm sau, hạm tàu vượt qua xích đạo, rồi cứ theo hướng Tây - Tây Nam thẳng tiến đến vùng đất đỉnh tam giác Nam Mỹ, nơi chiều ngang Đại Tây Dương co hẹp nhất, để sau đó tiếp cận với bờ biển Nam Mỹ, tiếp tục đi về hướng Tây Nam.

Sau nhiều tháng vừa di chuyển, vừa khám phá, vẽ bản đồ bờ biển, hải đảo và các vùng đất ngày nay gọi là Brasil, Uruguay…, bổ sung nước ngọt, thực phẩm rau tươi, sửa chữa tàu bè, cho thuỷ thủ nghỉ ngơi, dưỡng bệnh và nghỉ đông, đoàn tàu nhổ neo tiếp tục xuôi về phương Nam. Ngày 21/10/1520 đoàn thám hiểm gặp phải một mũi đất nhỏ vươn ra biển. Những con tàu nhẹ nhàng lượn quanh mũi đất, phía trước họ là một dòng nước hẹp nhưng chảy xiết về hướng Tây đi sâu vào đất liền. Sau khi khảo sát kỹ lưỡng, Magellan khẳng định, đây chính là eo biển thông sang biển lớn phía bên kia lục địa Nam Mỹ, mà đoàn thám hiểm của ông đã dầy công tìm kiếm trong suốt 13 tháng ròng.

Sau 28 ngày đêm vượt qua chiều dài 550km của eo biển bí hiểm, buổi chiều ngày 28/11/1520, đoàn tàu đi hết eo biển (mà sau này được đặt tên là eo biển Magellan), để bắt đầu đi vào một vùng biển rộng mênh mông. Sau chuỗi ngày giá rét ảm đạm và bão tố liên miên trên Đại Tây Dương, những ngày đầu tiên trên biển lớn phương Nam, thời tiết thật đẹp đẽ, gió mát nhè nhẹ, ánh nắng chan hoà, trời yên biển lặng. Quang cảnh tuyệt vời đó đã khiến Magellan vui vẻ gọi tên biển là Thái Bình Dương. Và thế là tên Thái Bình Dương (Pacific Ocean) đã được giữ nguyên cho tới ngày nay, mặc dù trên thực tế, đây là một đại dương lớn nhất, và thời tiết cũng rất dữ dội, bất thường.

Trước khi cho hạm đội tiếp tục đi về hướng Tây vượt Thái Bình Dương, Magellan dự đoán, từ cực Nam lục địa Châu Mỹ này đi tới những quần đảo đầu tiên của Châu Á, con đường có dài lắm cũng chỉ khoảng 3.000 hay 4.000km. Nhưng nếu ông biết trước được khoảng cách thực 18.000km mà hạm đội của ông phải vượt qua bằng những con tàu cũ kỹ đầy thương tích, với đoàn thuỷ thủ thiếu đói và kiệt sức, thì rất có thể ông đã chưa dám thực hiện tiếp ngay chuyến đi cắt ngang Thái Bình Dương.

Hàng tháng trời trôi dạt trên đại dương, xung quanh mọi người vẫn chỉ là một sa mạc nước mênh mông. Tháng thứ ba cũng sắp trôi qua, nhiều thuỷ thủ đã bị chết đói hoặc chết bệnh, người ta phải vứt xác người chết xuống biển. Trong khi mọi người đã rất hoang mang và thất vọng về kết cục bi thảm của chuyến đi, thì ngày 6/3/1521, mọi người đã phát hiện ra một hòn đảo xanh tốt có người ở, và họ đã neo tàu lại hòn đảo đó. Hòn đảo có tên là Cebu, thuộc một quần đảo lớn mà ngày nay có tên là Philippines.

Ở đây, Magellan đã kết nghĩa với vị lãnh chúa tên là Humabon. Thuỷ thủ đoàn được lưu lại nghỉ ngơi dưỡng sức, tàu bè được sửa chữa. Những ngày này lại đang xảy ra một vụ tranh chấp giữa Humabon với một lãnh chúa láng giềng. Để tỏ lòng nghĩa hiệp với người anh em kết nghĩa, Magellan đã điều động 60 thuỷ thủ trang bị vũ khí đầy đủ, do ông trực tiếp chỉ huy, tham gia vào một trận đánh giữa hai bên để giúp sức cho Humabon. Và ông đã chết trong trận đánh đó cùng với một số thuỷ thủ khác.

Tuy rằng Magellan đã phải vĩnh viễn nằm lại ở đất Philippines, nhưng các cộng sự của ông đã tổ chức chuyến trở về thành công. Mặc dù trên con đường trở về dài trên hai vạn ki lô mét, đoàn thám hiểm đã phải chịu đựng nhiều thiệt hại và hy sinh vô cùng to lớn.

Con đường tơ lụa xuyên Đại Tây Dương - 3

Bay qua Đại Tây Dương

Cuối cùng vào ngày 8/9/1522, đoàn thám hiểm vòng quanh thế giới đã cập bến cảng thành phố Seville với một con tàu duy nhất không bị nhấn chìm trên đường về, với 18 thuỷ thủ còn sống sót, kiệt sức đứng trên boong con tầu rách nát, vẫy chào thành phố quê hương thân yêu.

Nhưng với 26 tấn hương liệu phương Đông được bảo quản trong các thùng hàng, người ta chỉ cần bán đi già nửa trong số đó đã đủ tiền bù đắp cho tất cả mọi chi phí của chuyến đi, bao gồm 5 tàu buồm Caravel, hàng trăm tấn lương thực và thực phẩm, vũ khí và đạn dược, thuốc thang và quần áo, tiền lương cho trên hai trăm sĩ quan và thuỷ thủ trong suốt ba năm trời, và cuối cùng là tiền trợ cấp cho gia đình những người hy sinh trong chuyến đi.

Một lần nữa chúng ta lại thấy, giá trị của những loại hương liệu phương Đông, trên thị trường châu Âu vào thời gian ấy, cao biết chừng nào? Và đó cũng là điều cắt nghĩa về sức quyến rũ của chúng trước những chuyến đi biển sinh tử, mạnh mẽ biết chừng nào?

Cuộc thám hiểm kéo dài 1.083 ngày vòng quanh thế giới của hạm đội Magellan kết thúc có phần ảm đạm. Nhưng ý nghĩa lịch sử của cuộc hành trình khai phá có một không hai này, ngày càng thể hiện tầm vóc vĩ đại đã được thời gian thẩm định.

Xuất phát từ mục đích lợi nhuận trong quá trình mở rộng buôn bán Đông - Tây, mà người ta đã phải tìm đường vạch lối, để rồi đã phát hiện ra châu Mỹ và con đường đi biển vòng quanh thế giới, từ đó lại mở ra nhiều tuyến đường thương mại hàng hải nối liền các lục địa cũ với lục địa mới Châu Mỹ. Những con đường tơ lụa xuyên đại dương, với những thương thuyền đồ sộ rẽ sóng tiến lên phía trước, đã mau chóng trở thành biểu tượng của một thế giới mới.

Miên man trong dòng suy tưởng không dứt về vai trò và động lực của ngành thương mại đối với sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu, cũng như những đóng góp của những thế hệ thương nhân đã đem đến sự phát triển hùng mạnh cho nhiều quốc gia. Như có một sự liên hệ bắc cầu, tôi bỗng thấy gần gũi, cảm phục và quý mến hơn những người bạn đường doanh nghiệp trẻ Việt Nam trong chuyến đi xa này.

Họ đang lặn lội tìm đường vượt qua những đại dương mênh mông để đến với những miền đất lạ Nam Mỹ, tìm kiếm cơ hội mở rộng buôn bán với những doanh nghiệp tại những quốc gia chưa từng quen biết. Phía trước họ luôn luôn là những thách thức đợi chờ, những rủi ro rình rập. Nhưng đã mang lấy nghiệp vào thân, họ đã không thể ngơi nghỉ trong những chuyến đi về.

Khác nào những thế hệ thương nhân Âu Á khi xưa, đã từng cần mẫn ngàn năm khai phá những con đường tơ lụa xuyên Á, xuyên đại dương. Những thương nhân Việt Nam hiện đại thời nay cũng đang làm tiếp công cuộc khai phá những con đường tơ lụa trên biển như thế.

Vừa hay lúc đó tiếng loa vang lên thông báo, máy bay đang chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay quốc tế Sao Paulo - Brasil. Tôi lại nhìn lên màn hình. Lúc này sơ đồ chuyến bay đã tái hiện trọn vẹn trên tấm bản đồ điện tử, và trong một khoảnh khắc thoáng qua, tôi lại nhủ thầm, anh em chúng tôi đã đi trọn vẹn một hành trình vượt biển, theo vệt sóng hải đồ vượt biển kiểu Bồ Đào Nha của hạm đội Magellan gần năm trăm năm về trước. Và ý nghĩ của sự tái hiện đã như vô tình gieo vào lòng tôi một niềm vui khó tả.

Và dưới kia đã là thành phố Sao Paulo rực nắng, với điệp trùng những toà nhà chọc trời đang hiện ra rõ dần trong tầm mắt chúng tôi.

Nguyễn Đắc Như

Tin liên quan

Tin mới nhất

“Tháng 3 giỗ Mẹ”: Tưởng nhớ Thánh Mẫu Liễu Hạnh

“Tháng 3 giỗ Mẹ”: Tưởng nhớ Thánh Mẫu Liễu Hạnh

Người Việt có câu “Tháng 8 giỗ Cha, tháng 3 giỗ Mẹ", trong đó tháng 3 âm lịch giỗ Mẹ là để tưởng nhớ công đức của Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Đó là đạo lý uống nước nhớ nguồn có từ hàng nghìn năm nay của người Việt.