NATO gấp rút xây căn cứ quân sự đối phó Nga ở nơi hiểm yếu của châu Âu

6 tháng kể từ cuộc xung đột ở Ukraine, NATO đang tập trung cho nhiệm vụ gia cố tuyến phòng thủ nhằm đề phòng Nga ở phía đông nam của châu Âu, nơi được coi là hiểm yếu nhất.

NATO gấp rút xây căn cứ quân sự đối phó Nga ở nơi hiểm yếu của châu Âu - 1

Các binh sĩ đặc nhiệm Romania.

Không lâu sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, đại tá Pháp Clement Torrent nhận được mệnh lệnh từ sở chỉ huy NATO. Đó là trong 6 tháng phải xây xong căn cứ có sức chứa 1.000 binh sĩ ở Romania.

Hiện tại, đại tá Torrent cùng khoảng 200 binh sĩ đến từ Pháp, Bỉ và Hà Lan, đang tất bật san lấp một đỉnh đồi ở vùng Transylvania, Romania.

"Thời hạn chót của chúng tôi là trước đợt giá rét đầu tiên của mùa đông", đại tá Torrent nói. Căn cứ mới được đặt gần Cincu, cách thủ đô Bucharest của Romania khoảng 260km về phía bắc. "Đây là dấu hiệu của sự đoàn kết. Liên minh cần các hành động cụ thể như vậy", ông Torrent nói.

Cuộc xung đột ở Ukraine được NATO coi là lời cảnh tỉnh, sau một thời gian dài liên minh này phớt lờ những mối đe dọa tiềm tàng của Nga ở sườn phía đông.

6 tháng kể từ cuộc xung đột ở Ukraine, NATO đang tập trung cho nhiệm vụ gia cố tuyến phòng thủ ở đông nam của châu Âu, là vùng nghèo nhất cũng như có mạng lưới an ninh khiêm tốn.

Khu vực Đông Nam châu Âu giáp với Biển Đen, vùng biển phân chia châu Âu với châu Á, bao quanh bởi Nga, Ukraine, Bulgaria, Thổ Nhĩ Kỳ và Georgia.

Đây là khu vực có tuyến đường vận chuyển hàng hóa nông nghiệp quan trọng từ Nga và Ukraine, kết nối với Địa Trung Hải qua eo biển Bosphorus của Thổ Nhĩ Kỳ.

"Nga đang dành sự quan tâm tới khu vực Đông Nam Âu. Họ muốn có dấu ấn quân sự mạnh mẽ ở khu vực này, khiến NATO cần có phản ứng", Matthew Orr, một nhà phân tích an ninh tại Stratfor, nói.

Romania, quốc gia Đông Nam Âu với khoảng 19 triệu dân, chia sẻ đường biên giới dài 640km với Ukraine, là nơi đóng quân của khoảng 1.000 binh sĩ NATO trước khi xung đột diễn ra.

NATO sẽ tăng gấp đôi số binh sĩ đồn trú ở Romania vào cuối năm nay, bao gồm một lực lượng đa quốc gia được triển khai luân phiên.

Trong trường hợp khẩn cấp, lực lượng NATO với quân số khoảng 5.000 người cùng các vũ khí hạng nặng có thể được điều động đến Romania chỉ sau vài ngày, đại tá Flavien Garrigou Grandchamp, đại diện cấp cao của Pháp tại Romania, nói.

"Chúng tôi sẵn sàng chiến đấu bên cạnh Romania, Mỹ và các đồng minh khác", ông Garrigou Grandchamp nói.

NATO gấp rút xây căn cứ quân sự đối phó Nga ở nơi hiểm yếu của châu Âu - 2

Romania là quốc gia có chung đường biên giới dài 640km với Ukraine.

Trong khi hầu hết giới chức phương Tây không tin vào viễn cảnh Nga có thể trực tiếp tấn công một nước thành viên NATO, "các binh sĩ vẫn sẽ được đặt trong trạng thái sẵn sàng cao độ, cho đến khi tình hình ổn định hơn", ông Garrigou Grandchamp nói thêm.

Điều đó có nghĩa là NATO sẽ tiếp tục gia cố năng lực phòng thủ ở Romania và quốc gia láng giềng Bulgaria. Romania gia nhập NATO năm 2004, 3 năm trước khi trở thành thành viên EU. Quốc gia này vẫn đang cố gắng rút khắn khoảng cách với các nước giàu hơn trong EU, nhưng các nỗ lực gặp khó khăn do phải tiếp nhận người di cư Ukraine và hỗ trợ Kiev xuất khẩu ngũ cốc.

"Vấn đề không chỉ là phòng thủ, còn có tác động đến an ninh lương thực", Thủ tướng Romania Nicolae Ciuca nói. "Vậy nên các quyết định tăng cường năng lực quân sự của NATO dọc theo sườn phía đông được chúng tôi đón nhận tích cực".

Căn cứ quân sự do Pháp xây dựng ở Cincu dự kiến sẽ đi vào hoạt động trước cuối năm nay, đúng theo mục tiêu đề ra. "Chúng tôi là các binh sĩ Pháp đóng quân gần với vùng xung đột nhất", đại tá Pháp Christophe Degand nói.

Hoàng Anh - Bloomberg

Tin liên quan

Tin mới nhất