Nước láng giềng sa thải "sếp" truyền hình quốc gia sau khi ĐT Ma Rốc vào bán kết World Cup

Chính phủ Algeria đưa ra quyết định sa thải chỉ vài giờ sau khi đài truyền hình quốc gia này đưa tin về chiến thắng lịch sử của đội tuyển Ma Rốc (Morocco) trước Bồ Đào Nha ở World Cup.

Nước láng giềng sa thải "sếp" truyền hình quốc gia sau khi ĐT Ma Rốc vào bán kết World Cup - 1

Một cổ động viên Ma Rốc vui mừng sau khi đội tuyển vượt qua Bồ Đào Nha.

Theo Morocco World News, chính phủ Algeria đã sa thải ông Chabane Lounakel, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Quốc gia Algeria (EPTV).

Trước đó, EPTV đã phát bản tin về việc đội tuyển nước láng giềng Ma Rốc vượt qua Bồ Đào Nha để trở thành đại diện châu Phi đầu tiên góp mặt ở vòng bán kết World Cup.

Việc EPTV phát bản tin là điều khác thường do các hãng truyền thông Algeria luôn tránh nhắc đến thành tích của Ma Rốc tại World Cup 2022, Morocco World News cho biết.

Hãng thông tấn Algeria APS dẫn tuyên bố từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tổng giám đốc EPTV, Lounakel đã bị sa thải. Tuyên bố không cho biết lý do sa thải. Ông Lounakel là Tổng Giám Đốc EPTV từ tháng 5/2021.

Hồi tháng 11, kênh truyền hình TV2 của Algeria cũng gây chú ý khi không đưa tin về chiến thắng 2-0 của đội tuyển Ma Rốc trước Bỉ tại World Cup.

Giới chức Algeria cũng không chúc mừng thành tích của Ma Rốc khi là đội bóng châu Phi đầu tiên lọt vào bán kết, trái ngược với những lời chúc mừng đến từ các nước châu Phi và Ả Rập khác.

Các trang mạng xã hội ở Algeria cho thấy người dân nước này tỏ ra vui mừng với thành tích của đội tuyển Ma Rốc. 

Điều này phản ánh tuyên bố của quốc vương Ma Rốc Mohammed VI, rằng việc Algeria đóng cửa biên giới "không ngăn người dân hai nước tìm hiểu và tương tác với nhau".

Trong một tuyên bố gần đây, quốc vương Mohammed VI kêu gọi nước láng giềng Algeria khôi phục đàm phán để chấm dứt mâu thuẫn chính trị.

Algeria đã cắt quan hệ ngoại giao với Ma Rốc từ tháng 8/2021, cáo buộc Ma Rốc gây ra thảm họa cháy rừng ở vùng Kabylia của Algeria. Ma Rốc bác bỏ cáo buộc này.

Ma Rốc và Algeria là hai quốc gia láng giềng có mối quan hệ căng thẳng. Hai quốc gia từng đối đầu trong một cuộc chiến tranh vào năm 1963.

Ngày nay, Algeria công khai ủng hộ cuộc đấu tranh đòi độc lập của phe nổi dậy ở Tây Sahara - vùng lãnh thổ mà Ma Rốc cũng tuyên bố chủ quyền.

Năm 2020, Ma Rốc là một trong các quốc gia Ả Rập ký hiệp định bình thường hóa quan hệ với Israel. Thủ tướng Algeria khi đó là Abdelaziz Djerad đã ra tuyên bố phản đối, cáo buộc Ma Rốc đang tạo điều kiện để người Do Thái tiến đến sát biên giới Algeria.

Hoàng Anh - Morocco World News

Tin liên quan

Tin mới nhất

Từ nợ nần đến triệu phú: TikToker nổi tiếng chia sẻ bí quyết vực dậy bất ngờ

Từ nợ nần đến triệu phú: TikToker nổi tiếng chia sẻ bí quyết vực dậy bất ngờ

Trong bối cảnh nhiều người lo lắng vì lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế, Jasmine Taylor – một TikToker từng ngập trong nợ nần – đã tìm được lối thoát nhờ phương pháp "cash stuffing" và tư duy ngân sách rõ ràng. Với doanh thu hơn 2,2 triệu USD một năm từ chính phương pháp này, cô cho rằng: “Lỗi lớn nhất là không cho đồng tiền một mục đích cụ thể.”

Ngoài vàng, hai kim loại này được dự báo tăng mạnh trong nửa cuối năm nay

Ngoài vàng, hai kim loại này được dự báo tăng mạnh trong nửa cuối năm nay

Sau khi ghi nhận mức tăng ấn tượng trong nửa đầu năm 2025, giá vàng, bạc và bạch kim được dự báo vẫn sẽ tiếp tục đi lên trong thời gian tới. Theo chuyên gia chiến lược hàng hóa Ole Hansen của Saxo Bank, các yếu tố thúc đẩy đà tăng của kim loại quý vẫn còn nguyên vẹn, thậm chí có thể thêm phần mạnh mẽ trong bối cảnh nhiều bất ổn kinh tế và địa chính trị toàn cầu.